Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2009

Nam Ninh - Ngày Tết nghèo và giàu...


Ngày 26 tháng 01 năm 2008, 2 giáo viên và 38 sinh viên khoa Kiến trúc - Công trình của trường đại học Phương Đông lên đường sang thăm quan kiến trúc và quy hoạch của thành phố Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc. Với tôi, đây là lần thứ 2 đến Nam Ninh. Lần trước là mùa Hè - mùa vui chơi, còn lần này là mùa Đông - mùa Tết lo cơm áo gạo tiền. Thành phố có chút gì tương đồng với những đô thị phát triển nhất của Việt Nam như Hà Nội hay TPHCM, song Nam Ninh lớn hơn, quy củ hơn và được quản lý bởi những cái đầu - CÓ LẼ TƯ DUY MẠCH LẠC HƠN.

So với 2 thành phố phát triển nhất ở 2 đầu đất nước ta, Nam Ninh có lẽ đi trước khoảng 5-10 năm. Tuy thế, trong bảng xếp hạng các thành phố của Trung Quốc, Nam Ninh chỉ đứng thứ 52 - một thứ hạng rất thấp. Tỉnh Quảng Tây giáp biên giới Việt Nam cũng vậy, là một tỉnh nghèo của Trung Quốc, chính quyền trung ương ít đầu tư vào tỉnh này. Đây là 1 tỉnh được hưởng quy chế Khu tự trị. Tỉnh Quảng Tây có 46 triệu dân thì đã có 15-16 triệu là người dân tộc Choang. Vì thế, tỉnh Quảng Tây còn có khái niệm "khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây". Không rõ nguồn gốc Việt và Choang có quá khứ thế nào, song xét về văn hóa thì có khá nhiều nét tương đồng. Người Choang có dạng trống Đồng giống ta tuy hoa văn không có hình chim Lạc...

KIẾN TRÚC - ĐÔ THỊ
.
Nam Ninh là một thành phố mới được phát triển thành thủ phủ của tỉnh Quảng Tây khoảng trên chục năm nay. Trước đây, tỉnh Quảng Tây chọn thủ phủ là thành phố Quế Lâm, song do vị trí địa lý có nhiều bất lợi - cụt tuyến phát triển - nên tỉnh này đã đưa thủ phủ về Nam Ninh, mở ra hành lang kinh tế Nam Trung Quốc kết nối với Việt Nam và hy vọng vươn tầm ra vùng Asean. Hàng năm, ở Nam Ninh đều tổ chức Hội chợ Trung Quốc - Asean, đồng thời kèm theo là 1 hội nghị thượng đỉnh với sự tham gia của Thủ tướng Trung Quốc và 10 thủ tướng của 10 nước Asean. Đây là cách mà tỉnh Quảng Tây tự cứu mình, tự bơi ra biển, tự xây dựng các cầu dẫn kinh tế để thoát khỏi kiếp "tỉnh nghèo và lạc hậu". Cũng từ đây, chính quyền trung ương Trung Quốc đã đầu tư xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Trung Quốc - Asean rất hoành tráng và đẹp - tuy vậy cả năm chỉ dùng 1 lần hết công suất, còn lại là để không. Chính quyền trung ương cũng đầu tư xây dựng đường cao tốc 4 làn xe nối từ biên giới Việt Nam đến Nam Ninh dài khoảng 200km. Đúng chất của đường cao tốc!
.
Đến Nam Ninh, sẽ thấy bên cạnh khu đô thị cũ được khoanh vùng và ít can thiệp, là các khu đô thị mới được xây dựng rất quy mô và đồng bộ. Nhà cao tầng được phát triển ngoài vành đai đô thị cũ, chứ không theo hình thức "châm cứu" như các thành phố ở ta. Cũ ra cũ mà mới ra mới. Một số quảng trường được xây dựng rất đẹp, hoành tráng. Như hình ảnh đi kèm bài viết này là quảng trường trên đại lộ Dân tộc. Đúng là Nam Ninh đã tạo ra một bộ mặt đô thị mới, hiện đại và không thua kém các đô thị phát triển ở Châu Á. Về mặt quy hoạch đô thị, Nam Ninh hơn Hà Nội và TPHCM 1 lần, thì về mặt thiết kế cảnh quan đô thị, người Trung Quốc hơn chúng ta 2 lần. Tất cả các tuyến đường ở khu mới của Nam Ninh đều được chăm chút rất cẩn thận. Cây xanh, thảm hoa, trục cảnh quan thống nhất và được thiết kế tốt, mang lại cảm giác về một thành phố xanh sạch sẽ. Người ta tận dụng mọi ô đất hở ra trong thành phố để bố trí cây xanh. Khu trung tâm có các cầu vượt ô tô nhiều làn cao 2 tầng, 3 tầng uốn lượn, được bố trí đèn trang trí, trồng cây xanh dưới gầm cầu, trên lan can... khá bắt mắt. Đôi lúc, tôi nảy ra suy nghĩ so sánh Nam Ninh với Singapore - xét về mặt cảnh quan và thiết kế cây xanh. Rõ là một thành phố thuộc loại chậm phát triển của Trung Quốc với thu nhập bình quân đầu người khoảng 2 ngàn USD/ 1 năm đã không cam chịu cảnh "cái nghèo phải đi kèm cái hèn", họ đã tự vươn lên và làm được những việc khiến người ta phải so sánh với những thành phố phát triển có thu nhập đến 30 ngàn USD / 1 người / 1 năm. Không rõ chính quyền thành phố đã học và "thấm" từ đâu, song đúng là họ đã quyết tâm làm, và đã làm được, đã xây dựng một Nam Ninh mới rất ấn tượng, thân thiện và nhiều cảm tình.

Với khu trung tâm thương mại thì rất nhộn nhịp và liên thông liên hoàn. Giữa các tòa nhà không hề có hàng rào ngăn chia đất của tôi đất của anh. Toàn bộ khu trung tâm được xem xét một cách tổng thể, mà trên đó các khối nhà được đặt cạnh nhau như các thành phần hài hòa của cả khu. Không chỉ thuận tiện cho người dân ở trên mặt đất, dưới tầng hầm của các trung tâm mua sắm cũng kết nối liên thông với nhau. Có cả một đường hầm mua sắm dài đến 1,5km vừa được đưa vào sử dụng. Đi dọc theo đường hầm này - vắt giữa 2 góc chéo của khu trung tâm - là các cửa hàng bán quần áo thời trang, thỉnh thoảng lại có các lối kết nối với tầng hầm của các tòa nhà shopping mall. Tiện lợi vô cùng! Tương lai sau này, khi Nam Ninh có tàu điện ngầm, mọi thứ đều có thể kết nối với nhau, vì người ta đã quy hoạch đầy đủ, chỗ nào là bố trí ga và đã để sẵn các miệng chờ dọc thành đường hầm để đấu nối. Người dân sử dụng tàu điện ngầm cũng có thể lên trực tiếp các khu nhà văn phòng, thương mại từ ga ngầm mà không cần phải ra ngoài trời trong những ngày mùa đông lạnh giá hay hè nóng đỏ lửa. (Những ngày đoàn chúng tôi đến Nam Ninh là dịp Nam Ninh lạnh nhất trong mấy chục năm qua, nhiệt độ có ngày xuống đến 2 độ C). Từ đường hầm này, khách cũng có thể đi lên khu phố đi bộ được xây dựng theo kiểu kiến trúc châu Âu cũ - tuy không hẳn là hay, song phố đi bộ này đã hoạt động tốt, 2 bên san sát cửa hàng, khách bộ hành còn có 1 đường đi có mái che ở mỗi bên mặt phố, giúp tránh mưa nắng mỗi khi thời tiết trái gió trở trời. Về đêm, phố đi bộ nhộn nhịp, tấp nập nam thanh nữ tú, mua sắm và mua sắm. Quang cảnh rất văn minh, không hề chen chúc khổ sở tạm bợ bát nháo như phố đêm Hàng Đào - Đồng Xuân hay chợ Bến Thành của mình. Hai bên phố đêm, thỉnh thoảng chen giữa các cửa hàng lại có siêu thị sách, khu vui chơi trò chơi điện tử, rạp chiếu phim ... Chỗ nào cũng đông nghịt người. Đến 1 góc phố, tôi lên tầng 2, rẽ vào Mc Donald, ngồi nhấm nháp cốc kem nhìn ngoài trời mưa lây rây. Dưới kia là những âm thanh ồn ã và náo nhiệt. Đây đúng là một thiên đường mua sắm của những người trẻ. Thành phố đã biết tạo ra chỗ chơi cho những người trẻ. Thành phố đã lắng nghe và hiểu tâm lý lứa tuổi của những công dân của mình. Giá như những người làm quy hoạch ở Nam Ninh có thể tạo thêm điểm nhấn kết thúc 2 tuyến phố đêm vắt chéo nhau này bằng những công trình / hoặc quảng trường thanh niên, hoặc mở rộng ngã 4 giao cắt giữa 2 tuyến phố và tạo thành 1 nhà hát ngoài trời cho thanh niên sinh hoạt tự do... thì có lẽ sẽ còn hay hơn nữa... Nếu Hà Nội có 1 nơi thế này, thì 11h30 chắc sẽ có những xe tải chở bảo vệ và công an phường đi gọi loa ép đóng cửa, rồi sẽ có những thanh niên hết chỗ chơi chạy ra đường đua xe máy,... Thành phố "vì hòa bình" mà tuyệt giao với các hoạt động đêm, đuổi khách du lịch về phòng ngủ, thành phố đóng cửa ban đêm không khác thành phố bị giới nghiêm thời chiến tranh. Hà Nội buồn!

Về khu ở thì sao? Các khu ở mới được xây dựng rất đẹp. Do địa hình Nam Ninh có một số khu vực có dạng đồi dốc nên việc tạo cảnh có nhiều thuận lợi. Nam Ninh cũng đã dành ra cho mỗi nước Asean một khu đất rất lớn để xây dựng "Làng" cho quốc gia mình ở Nam Ninh. Mỗi khu này rộng vài trăm ha, kêu gọi các doanh nghiệp của các nước Asean đầu tư vào đây, được xây dựng nhà ở để bán. Đã nhìn thấy dấu ấn những khu của Malaysia, Thái Lan... đã thành hình....Các khu chung cư ở đây được thiết kế hình dáng khá bắt mắt, màu sắc tươi tắn khỏe mạnh, không thô thiển vụng về như các khu Linh Đàm, Định Công, Mỹ Đình, Trung Hòa - Nhân Chính như ở ta. Xét về công trình đã đẹp hơn rõ, xét về cảnh quan mặt đất lại càng phải ngượng người. Đoàn chúng tôi vào thăm 1 khu đô thị mới, trên đồi có suối, dưới thung có sông, nhà vườn nhấp nhô, nhà chung cư uốn lượn vuông tròn. Rất lý thú và bổ ích cho các bạn sinh viên kiến trúc.

Xét về các di sản kiến trúc - đô thị thì Nam Ninh rất "trống vắng". Do đây là một thành phố mới bên cạnh 1 phần đô thị hiện hữu, cả 2 đều không có nhiều công trình có giá trị đặc sắc. Đến Nam Ninh, hay Bangkok toàn nhà cao tầng, khang trang thì rất khang trang song có lúc cảm thấy hơi thiếu hơi ấm của cuộc sống. Nam Ninh thì khá hơn Bangkok vì làm cảnh quan tốt hơn, nhiều cây xanh, quy hoạch tốt hơn, song tỷ lệ giữa công trình với con người khác xa tỷ lệ ở các thành phố Việt Nam, nên có cảm giác thiếu gần gũi. Đến đây mới thấy những đường phố toàn biệt thự và cây xanh của Hà Nội hay TPHCM thật "mượt mà". Không khen nhưng đúng là nhờ các di sản kiến trúc thời Pháp thuộc, bộ mặt kiến trúc - đô thị của Hà Nội và TPHCM đã có được nét riêng, không dễ bị trộn lẫn với các đô thị châu Á khác. Tuy ta chưa giàu, song ta vẫn có cái duyên riêng. Do chính quyền các đô thị của chúng ta quản lý chưa tốt mà cô gái đô thị nhiều duyên ngầm đang ngày một phai đi, sử dụng nhiều "mỹ phẩm" nhà cao tầng một cách tự do thoải mái, trên gương mặt đang mọc nhiều nốt ruồi là những ứng xử tồi tàn và kém văn minh của người dân Việt Nam... Không sớm thì muộn, cứ kiểu này rồi cô gái đô thị Việt Nam sẽ nhanh chóng bị già nua, hoặc sẽ mất bản sắc và trở thành bất kỳ cô gái nào khác đang lòe loẹt son phấn ở khu vực châu Á này. Các bạn thanh niên quốc tế mà tôi có dịp tiếp xúc gần gũi khi đến TPHCM dịp sseayp34 đã nhận xét rằng : Ấn tượng nhất về kiến trúc đô thị với các bạn khi đến TPHCM là những biệt thự 2 bên đường phố, là những rặng cây xanh nắng chiếu soi qua tán cây, là những khoảng sân xây lùi phía trước công trình, chứ không phải là các tòa nhà cao tầng hay trung tâm thương mại....

Xét về vật liệu xây dựng sử dụng trong các công trình, có thể thấy rất rõ chân lý : Hình thức kiến trúc, chất cảm vật liệu được sử dụng trong các công trình xây dựng của một quốc gia sẽ thể hiện trình độ phát triển của nền công nghiệp vật liệu xây dựng của quốc gia đó. Quả thật vậy, mặc dù Nam Ninh chỉ là thành phố thứ 52 của Trung Quốc, song có nhiều công trình khá hiện đại, tiên tiến trong sử dụng vật liệu. Các kiến trúc sư Trung Quốc đã được học, được tiếp cận, được trực quan về các loại vật liệu mới ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, do đó, trong quá trình sáng tác sau này, họ chắc tay và mạnh dạn sử dụng các loại vật liệu mới trong tạo hình công trình. Có thể thấy có nhiều công trình được tạo hình rất thích hợp với chất liệu mà nó được xây dựng. Tuy nền công nghiệp vật liệu xây dựng của Trung Quốc còn ở trình độ trung bình của thế giới, song so với Việt Nam chúng ta, họ đã tiến trước một bậc - khoảng mười đến hai mươi năm. Trung Quốc đã tự nghiên cứu, chế tạo, sản xuất hàng loạt những loại vật liệu xây dựng mới, hạ giá thành sản phẩm, do đó, có thể trang bị đồng bộ cho các công trình xây dựng từ thành phố trung ương, tới các thành phố vùng sâu vùng xa như kiểu Cao Bằng, Hà Giang của ta. Có thể nói, nhìn tổng thể bộ mặt đô thị của các thành phố Trung Quốc tươi sáng, sạch sẽ - mà trong đó có phần đóng góp quan trọng của vật liệu xây dựng bao che. Trong khi đó, chỉ vượt qua cửa khẩu biên giới, về đến Việt Nam sẽ thấy bộ mặt đô thị manh mún, màu sắc ảm đạm, chỉ hợp với khung cảnh của những ngày mưa phùn - ví dụ thành phố Lạng Sơn. Rất thiếu sức sống! Cũng phải thôi, vì trình độ công nghệ của Việt Nam kém, vật liệu nghiên cứu và chế tạo ra cũng chỉ là dựa trên công nghệ cơ bản sản xuất gạch, bêtông, gốm nung, chưa vươn sang được Kính và Thép tạo hình, Composite, Titan... thì các KTS, nhà thầu, người dân cũng chỉ có chừng đó mà thiết kế, mà xây, mà chọn. Bêtông và gạch thì thế giới người ta đã dùng gần 1 thế kỷ nay rồi, vậy mà Việt Nam ta vẫn cứ loanh quanh luẩn quẩn với nó, them chút vữa xi măng tranh thủ tạo hình gờ phào lằng nhằng tủn mủn trông càng rối rắm. Chúng ta tập trung sản xuất nhiều vật liệu kiểu ximăng, sắt thép chịu lực còn chưa đủ, nói gì vươn tới các loại vật liệu cao cấp có giá trị thặng dư lớn hơn, và có thể đóng container xuất khẩu được... Euro Windows là thứ công nghệ có từ mấy chục năm nay, giờ đây đã bị thải loại ở châu Âu do gây ô nhiễm quá lớn thì được nhập về Việt Nam và được tôn vinh như một sản phẩm tiên tiến. Bộ Xây dựng có hẳn 1 thứ trưởng phụ trách phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, có hẳn 1 Cục lo việc này, năm nào cũng báo cáo, khen thưởng, đánh giá thành tích theo các con số chục triệu tấn xi măng, mấy triệu tấn thép, mấy chục triệu mét vuông gạch men... Có lẽ, với trình độ quản lý, nghiên cứu, sản xuất của ta... thì đành bằng lòng vậy, ít ra cũng còn có cái mà khen, mà trông vào. Và bộ mặt kiến trúc đô thị của Việt Nam ta cũng sẽ mãi mãi thô kệch, nặng nề, lạc hậu như khả năng công nghệ của ta mà thôi!

Cũng trong chương trình tham quan, Đoàn có đến thăm trường đại học lớn nhất ở Quảng Tây - đó là Đại học Quảng Tây. Trường được thiết kế quy họach ngay hàng thẳng lối, rõ ràng và dễ nhận biết. Trường này có khoảng 40 ngàn SV, quy mô thuộc loại trung bình ở Trung Quốc. So với các trường ĐH ở Việt Nam thì đất đai trường này rộng hơn, nhà cửa quy củ và sáng sủa hơn, song không mấy hiện đại. Tuy nhiên, SV ở đây hẳn là có ý thức cao, sân vườn, cây xanh, bồn hoa sạch sẽ, mơn mởn đâu ra đấy. Vào trường ĐH như đi vào 1 công viên. Khác với ĐH Bách Khoa ở HN chỉ có các loại cây lớn, cây có tán ở phía trên còn ở dưới mặt đất đa số là trơ trụi mỗi cỏ, ở đây cây xanh được chăm chút cẩn thận, các cây bụi, cây thấp cũng được xén tỉa gọn gàng, phối màu hài hòa... Xét về xếp hạng các trường ĐH, tuy đây là ĐH lớn nhất và uy tín nhất của tỉnh Quảng Tây, song trường này không đủ điểm để lọt vào danh sách 150 trường ĐH tốt nhất Trung Quốc... SV Trung Quốc nếu hỏi đến ĐH Quảng Tây có khi không biết là trường gì, ở đâu...

TẾT GIÀU VÀ NGHÈO

Nói về chuyện Ngày Tết nghèo và giàu ở Nam Ninh mới thấy thấm thía kết luận : Càng gần Tết thì mới thấy người nghèo càng nghèo, người giàu càng giàu. Tuy chuyện ăn Tết ở ta ngày nay không còn kiểu No dồn đói góp, làm cả năm chơi 3 ngày Tết, song có đến Nam Ninh những ngày áp Tết, mới thấy những người nghèo Trung Quốc vất vả cơ cực quá. Bên cạnh các trung tâm thương mại cao nhiều tầng rộng thênh thang sáng choang hàng hóa, thì luôn có những người nghèo ngồi xin tiền. Họ ngồi trên các cầu vượt qua đường, họ ngồi trên vỉa hè khu trung tâm. Họ kiếm các tờ giấy báo, viết lên đó kể lể hoàn cảnh của mình, rồi ngồi gục mặt bên cạnh cúi gằm xuống đất để chờ mong sự bố trí của người qua lại. Cũng có những người họ viết phấn lên mặt đường, mặt vỉa hè, rồi ngồi gục bên cạnh. Ngọc Anh - 1 giáo viên của Khoa đã từng học thạc sỹ tại Trung Quốc dịch nghĩa thì thấy họ thường viết là : "Tôi đói lắm rồi, cho tôi 3 (hoặc 4) tệ để tôi mua cái bánh bao ăn để còn về quê". Hoặc "tôi hết tiền về quê ăn Tết rồi, xin cho tôi vài tệ để về quê"... Có những khi bạn đang đi đường, bỗng dưng có 1 cô gái không biết ở đâu quỳ xuống trước mặt bạn, xin bạn 3 tệ để mua cái bánh bao ăn. Thực tế là vậy đấy. Ngọc Anh cũng đã từng phải móc ví ra 7 tệ để cho 2 cô gái quỳ xuống xin tiền như vậy... Có những khi thấy người ngồi xin tiền ăn mặc sạch sẽ, mặt mũi sáng sủa đeo kính trắng đúng là sinh viên, cũng có khi thấy 1 cặp vợ chồng ăn mặc khá tươm tất ôm 2 đứa con ngồi viết giấy kể lể hoàn cảnh xin tiền...

Nói về chuyện về nhà ăn Tết mới thấy Trung Quốc mỗi năm đều phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng bất cân đối nghiêm trọng cung - cầu về vận chuyển mỗi dịp Tết đến. Hàng trăm triệu người Trung Quốc từ vùng nông thôn hoặc ở các đô thị kém phát triển hơn di cư ra các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm, tìm kiếm cơ hội đổi đời. Mỗi năm, dịp Tết đến là dịp họ trở về với gia đình, là dịp nghỉ lễ quan trọng nhất với mỗi người Trung Quốc hàng năm. Hàng trăm triệu người di chuyển một chiều đã tạo ra áp lực vô cùng khủng khiếp lên hệ thống vận chuyển công cộng. Năm nay, thời tiết xấu đã tiếp thêm 1 tay khiến mọi chuyện đã trở thành một cuộc khủng hoảng trầm trọng, đã đặt cả nước Trung Quốc trong tình trạng căng thẳng như đang có chiến tranh. Lực lượng quân đội đã phải vào cuộc để cứu vãn phần nào tình hình. Đúng là quan chức Trung Quốc trẻ hơn, nhanh nhẹn hơn và năng động hơn, họ cũng "biết sợ" hơn Việt Nam - biết sợ chính quyền cấp cao hơn, và nhạy cảm hơn với những "cơn ho", "cơn sốt" của xã hội 1,3 tỷ dân. Tivi thường xuyên đưa tin về các giải pháp của chính quyền nhằm cứu giúp người dân. Quan chức, thủ tướng, bộ trưởng... đi thị sát và họp dã chiến ngay trên máy bay. Điều hành trực tiếp tại sân bay. Thủ tướng Trung Quốc bay từ sân bay này qua sân bay khác, có chỗ ông xuống thị sát nếu đường xá cho phép, có chỗ ông phải thị sát từ trên cao...

Thời tiết tồi tệ đã khiến trên 100 triệu người Trung Quốc (đông hơn toàn bộ dân số Việt Nam) bị mắc kẹt giữa đường. Thử tưởng tượng trên những tuyến đường cao tốc ken dày tuyết và băng. Cả trăm xe bus không đi được. Đứng 1 chỗ dưới trời âm 10 đến 20 độ C. Nhiên liệu không còn để nổ máy sưởi. Mỗi xe có hàng chục hành khách 3 ngày trời không có ăn, không có uống. Đi vệ sinh cũng khổ vì ra khỏi xe là trời lạnh thấu xương, bão tuyết mù mịt. Người già trẻ em lại càng khổ. Co ro, tìm tái. Trên những xe bus đông người đã vậy, trên những xe tải đường dài lại càng thêm thảm. Không có cộng đồng, không có sợi dây kết nối tinh thần. 1 hoặc 2 lái xe ngồi trong buồng cabin nhỏ bé thấm thía cảm giác trơ trọi mất phương hướng giữa ngày và đêm bão tuyết mù mịt, đơn phương chống chọi cái lạnh có thể hạ gục con người. Những đoàn tàu cả trăm hành khách phải dừng ngang đường. Đói, khát nhưng không thể làm gì khác. Sau 3 ngày quân đội mới có thể tiếp cận và cung cấp nhu yếu phẩm, chăn...

Những người đang đi đã vậy. Những người ở lại cũng mệt mỏi và sa sút không kém. Khách sạn 3 sao mà chúng tôi ở ngay gần ga nên hay "la cà" xem những người "Trung Quốc nghèo" sống ra sao trong những ngày khủng hoảng giao thông thế này. Ga Nam Ninh - rất nhiều chuyến tàu bị hoãn vô thời hạn. Hàng ngàn người phải ở ngoài trời ăn chực nằm chờ để chờ tàu mà chưa biết khi nào sẽ đi. Chính quyền cho dựng các nhà lều che tạm. 4 phía trống trơn chỉ có mái. Gió lùa, mưa quất, đêm lạnh 2 độ C. Lúc nửa đêm, tôi, Ngọc Anh và mấy SV rẽ vào 1 quán mì kéo đặc trưng của người vùng Tân Cương - Tây Bắc Trung Quốc. Gia đình này lưu lạc đến tận cùng của miền Nam - ở thành phố Nam Ninh này và mở 1 quán mì kéo ở đối diện ga Nam Ninh. Quán thô mộc, bình thường vắng khách, nhưng trong những ngày cả ngàn người vạ vật ở ga Nam Ninh thế này thì có khá đông người ăn. Một bát mì rất to (người Trung Quốc ăn rất nhiều và khỏe) có 1 nhúm rất ít thịt bò thái mỏng tang hoặc thịt gà là 5 tệ (khoảng 11 nghìn VND), đây là giá rất bình dân. Ngồi ăn bát mì thơm mùi hoa Hồi, nóng hổi giữa đêm lạnh tê người, nhìn đôi tay khéo léo của người thợ làm mì đang kéo dần những cục bột thành những sợi mì dài, đều và rất điêu luyện, nghe xung quanh thấy những người dân lao động Trung Quốc sụp soạp, nhìn những bộ quần áo nhàu nhăn vì chen chúc nơi ga tàu, trong một quán mì tối và ảm đạm, mới cảm nhận được rõ những góc cạnh của Tết giàu - Tết nghèo. Mấy thầy trò tấm tắc khen ngon, còn người Trung Quốc - nếu có tiền chẳng ai vào quán này, ăn thứ này... Ở Nam Ninh cũng có những cửa hàng 2 tệ. Mọi thứ hàng hóa bán trong cửa hàng đều có giá 2 tệ, tự chọn. Đúng là so với cửa hàng 100 Yên bên Nhật thì hàng hóa ở đây quá rẻ mạt - hầu hết là hàng thanh lý, hàng cũ, nhưng các bạn SV thỉnh thoảng vẫn tìm thấy thứ hay ho cho mình.

Chuyện Tết giàu - Tết nghèo còn thấy rất rõ ở khu chợ Hòa Bình - kiểu xô bồ như chợ Đồng Xuân ở mình. Nhìn những người đàn ông đứng trên ghế cao, bạc mặt rao hàng cả ngày, tay cầm mảnh vải, đôi giày, hay cái áo giơ lên rồi lại bỏ xuống. Giọng của họ khản đặc, nói không còn nghe rõ âm, vậy mà hàng hóa thì vẫn còn ê hề. Tôi cũng thấy khá sốc khi chứng kiến cảnh 1 cô gái trẻ lăn lộn với 1 bảo vệ dưới lòng đường ngay gần trung tâm thành phố. Cô gái ấy sẽ mất Tết nếu thùng hàng của mình bị tịch thu. Cô gái ấy bặm môi mắm lợi, ngã sõng xoài ra đất để mong vớt vát lại chút hàng hóa. Cô gái ấy bị đẩy ngã dúi dụi ra đường, thùng hàng đổ tung tóe, những người bảo vệ chạy xô lại giành giật. Đôi mắt của cô gái ấy vừa căm giận vừa cam chịu. Với cô, Tết này có khi chẳng còn gì để ăn... Nói đến đây tôi chợt nhớ cách đây vài năm, chỉ thị 36 của Chính phủ Việt Nam cấm hàng rong bưng mẹt xuất hiện trên vỉa hè. Cả 1 xe tải chờ đầy công an ập tới, bà bán bún riêu thảng thốt bàng hoàng. Giành giật từ cái mâm, rồi đến nồi nước riêu. Bà giữ lại. Họ kiên quyết giằng ra. Ngay vỉa hè phố Quang Trung, nước riêu tung tóe lênh láng. Cà chua đỏ và váng riêu vàng trộn cùng bún nhoe nhoét tan hoang... Cuối cùng thì phe đông hơn cũng giành được tang vật là cái nồi nấu riêu. Vứt lên xe. Về đồn... Người với người sao lại đối xử như loài thú? Sao không tìm biện pháp nào quy hoạch lại gọn gàng hơn? Đều là đồng bào sao nỡ hành xử như với kẻ thù???

Đến thị trấn cổ Dương Mỹ - nơi có rất nhiều công trình kiến trúc đời nhà Minh và nhà Thanh, tôi thấy người dân ở đây giống như đa phần bà con nông dân ở mình, nhưng nhà cửa tiện nghi có sung túc hơn. Đây là 1 làng thì đúng hơn là 1 thị trấn - nơi nhà cửa uốn lượn theo 1 con sông cạnh làng. Ngõ nhỏ lắt léo, tường nhà toàn xây bằng gạch trần. Giữa làng có 1 nhà hàng kiểu cổ rất to và sâu, đi qua nhiều gian nhà liên tiếp nhau, tới sâu tận cùng của nhà hàng mà không gặp bất cứ ai? Rẽ vào miếu làng nhìn ra sông thấy lãng đãng hương khói. Ngoặt vào mấy ngôi nhà cổ từ thời nhà Minh thấy 2 cụ bà rất già đang ngồi thêu tết mấy món đồ lưu niệm bằng vải bán cho du khách mong kiếm thêm ít tiền phụ giúp con cháu. Cả đoàn chẳng ai mua gì cho hai cụ, giờ nghĩ thấy mình cũng hơi vô cảm. Trời lạnh quá, thỉnh thoảng lại có những nhóm người đốt lửa bằng cành cây ngồi hơ tay sưởi với nhau ở cạnh đường làng... Chợt thấy hôm rồi đi dọc đường Láng, chỗ gần cầu Trung Hòa và mé ven sông, thấy cũng có mấy nhóm người ngồi đốt lửa sưởi ấm lúc tan tầm. Đúng là thủ đô ta trọn vẹn muôn đường, phố cũng đó mà làng cũng đây!
.
LỜI CUỐI...

Hôm kia đọc báo Tuổi Trẻ TPHCM cuối tuần, nhớ mãi đoạn viết về một lãnh đạo của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam (ADB là nhà tài trợ và cấp vốn cho nhiều dự án hạ tầng của Việt Nam) - ông Konishi. Nguyên văn đoạn viết như sau :

"...Ông Konishi nói việc đẩy mạnh mở cửa biên giới vào miền Nam Trung Quốc cũng giống như vào WTO vậy, liệu Việt Nam có tận dụng thành công cơ hội mở ra từ kết nối đường bộ với Trung Quốc hay không còn phụ thuộc sự chuẩn bị sẵn sàng từ Việt Nam. Và ông Konishi có lý do để lo ngại về sự chuẩn bị này.

Ông để ý thấy nơi giải quyết thủ tục nhập cảnh ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) là một chiếc bàn xuyềnh xoàng chất đầy giấy tờ lộn xộn, khác hẳn sự qui củ của cửa khẩu Trung Quốc ông vừa đi qua. Những vị lãnh đạo của tỉnh Lạng Sơn ông gặp đều là đàn ông đứng tuổi, trong khi phía Trung Quốc tòan đưa lãnh đạo cao cấp là phụ nữ sắc sảo và thanh niên năng động ra đón.

Ông Konoshi mở đầu cuộc gặp với các vị lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn bằng việc "thú nhận" cái toilete mốc rêu loang lổ ở cửa khẩu Hữu Nghị, làm cá nhân ông rất sốc. "Nói một cách thẳng thắn và trung thực, tôi bị sốc về sự khác biệt của chất lượng cơ sở hạ tầng khi đi qua biên giới hai nước" - ông nói..."

Có lẽ, những chuyện xảy ra ở Nam Ninh cũng chẳng mấy xa lạ với Hà Nội nói riêng hay Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, thấy rõ là người Trung Quốc đồng lòng hơn ta, và ý thức của họ cũng tốt hơn ta rất nhiều. Ta cứ ba phải thế này muôn đời không đuổi kịp, rồi cũng thành quốc gia "ký sinh" hay chăng? Hoàng Sa hay Trường Sa với các bạn thanh niên có lẽ muôn năm sẽ chỉ là những lời hô hào biểu tình suông, mình tự hô, mình tự nghe và mình tự tức tối. Có lẽ, Trung Quốc họ không thèm chấp, vì họ có nhiều việc phải làm hơn, để đất nước họ phát triển nhanh và mạnh hơn. Ai chậm chân thì thiệt!

Các bạn Sinh viên kiến trúc ĐH Phương Đông đã đến Nam Ninh năm nay, các bạn đã nhận ra những gì, đã hiểu thêm những gì và sẽ viết những gì trong báo cáo? Đợi xem ngày 18/02, tôi sẽ đọc báo cáo của các bạn, để xem 1 bộ phận thanh niên Việt Nam bây giờ nghĩ thế nào về khoảng cách, chất lượng cuộc sống và "tầm" của tư duy - bên cạnh những nhận định về kiến trúc và quy hoạch - tất nhiên rồi!

Sự phân hóa giàu nghèo ở đâu cũng có. Xã hội chủ nghĩa sẽ chẳng bao giờ có. Mỗi chúng ta đang ở trên 1 con tàu, ai chạy nhanh, ai chạy chậm, ai sẽ rớt lại... Tôi thấy mình đang chạy rất chậm, và tôi đang ì... Vì thế, tôi mới có thời gian ngồi viết những dòng này ... Ai đọc mà nhận ra động lực để chạy nhanh hơn, làm việc có ích hơn để Việt Nam bớt phận nghèo hèn thì phải cảm ơn tôi đấy nhé!

Chúc mừng năm mới 2008. Mong sẽ có nhiều đổi thay!

NQTuân.

6 nhận xét:

  1. o, anh Tuan lam cai giao dien moi nay dep nhay, nhung ma cung sap bi xap tiem roi.
    Bai nay anh viet lau roi ma? Thay anh viet nhieu va sau sac the nay e thay ngai ngai, e di qua Lyon, Amsterdam & Delta Dam, Roma, Luxambua va kha nhieu tp noi tieng Bi,dac biet la Bruge (movies-In Bruge) cung hoc duoc 1 chut kien thuc do thi ve Phuong Tay nhung ma chua viet noi 1 bai nao.. hix xau ho qua.
    Van

    Trả lờiXóa
  2. sập tiệm là thế nào. Blogspot là của Google, ọ còn support dài dài :-)
    Nhật Thực

    Trả lờiXóa
  3. ah vang, hôm nay mới có thời gian vào xem hướng dân của blog360, thì mới biết dây là của Google.

    Trả lờiXóa
  4. hehe.thay` lam cai quick comment o ngoai` trang home ,moi nguoi de giao luu hon.a` cai diem 9.5 workshop cua e k dc tinh' vao` diem do an' nhi?...co chuyen sang diem do an bao ton dc k a. ( cau nay` hoi hoi bi ngay tho) Con` cai workshop day'..phat trien tiep thi lam the nao`.Em rat muon dc co Loan huong dan

    Trả lờiXóa
  5. blogspot dung hay...nhung hinh nhu van thua thang worldpress.nhung em dung lau roi...nen k chuyen nua~

    Trả lờiXóa
  6. thay vao cai dia chi http://btemplates.com
    kiem cai templates dep dep ma dung.cach xep bai` cua thay dai` qua'.k tien cho nguoi xem

    Trả lờiXóa