Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

La cà vỉa hè Hà Nội 11 : Nghe mưa trong căn gác cổ ...


Mưa, hạnh phúc hay nhọc nhằn?

Tiếng mưa! Những âm thanh đều đều không đủ sức ru những cuộc đời nhọc nhằn mưu sinh bớt lo toan để tạm nương vào giấc ngủ. Mưa đến, có thể là hạnh phúc đấy, mà cũng có thể là nhọc nhằn thêm đấy... Trong những câu chuyện buồn, Mưa thường được vay mượn như một cái cớ để đẩy sự bi kịch đến tột cùng của xót thương. Hình ảnh dạng này được khai thác nhiều đến mức hễ cuộc đời nào bị hắt hủi, xua đuổi là phải bước ra khỏi nhà trong một đêm mưa. Dường như, Mưa được sử dụng nhằm tải thêm sức nặng cho câu chuyện, và giúp người kể chuyện thêm tự tin để hoàn thành sứ mệnh đi tìm sự đồng cảm xót xa của loài người cho tác phẩm. Mưa hay là nước mắt???

Có lúc nào, ta nằm lặng yên trong không gian tối, mắt và tai hoán đổi cho nhau để nghe mưa rơi. Mắt im lìm thư thả mơ màng, và tai làm thay công việc của đôi mắt. Tai đang đọc từng tiếng mưa, tai như đang nhìn thấy từng vòng tròn nhỏ được mưa vẽ ra trên mặt nước, rồi chợt tan biến để hàng ngàn vạn li ti đốm bọt nổi lên. Rồi cũng vỡ tan. Mưa, rồi cũng thành hư vô. Chẳng còn hình hài cụ thể, Mưa lúc này tha hồ uốn lượn nhảy múa trên những không gian tạo hình do con người mặc sức tưởng tượng ra. Đôi tai lúc này mặc sức vẽ lên bức tranh mướt mát của không gian bên ngoài, được đệm nhạc bằng tiếng mưa rơi. Bức tranh ấy sống động như một thực thể, Mưa đã đem cuộc sống len lỏi vào những giác quan nhạy bén của con người...

Mưa, chuyện tình Ngâu sẽ mãi chẳng bao giờ thành...

Trong bài hát Mưa trên phố Huế do đạo diễn Đinh Anh Dũng minh họa hình ảnh. Mưa đã là chứng nhân cho một câu chuyện tình không thành. Hai người ước hẹn với nhau nhưng rồi không thể cưới được nhau. Cái nhọc nhằn và áp lực cuộc sống của xứ Huế thật đẹp nhưng cũng nhiều tủi buồn đã để Mưa một lần nữa phải đóng vai trò phân định. Chọn cuộc sống chắc chắn và đủ đầy hơn nơi phương xa, cô gái nghe lời mẹ gạt nước mắt bước đi theo đoàn rước dâu ra đầu ngõ. Người bạn tình nghèo xứ Huế đứng lặng bên cánh cổng nhìn niềm thương yêu của mình dù ngay đây đấy, thấy trước mặt mà rồi sẽ mất khỏi vòng tay mình. Cuộc sống rồi sẽ tạm lấp đi những miệng hố đau buồn, cũng như mưa xuống sẽ tạm san phẳng những mấp mô lồi lõm trên mặt đất này. Mưa - cũng như cuộc sống - rồi sẽ để lại trôi đi, và những gì là sự thật sẽ vẫn còn lại đó. Sau nhiều năm trở lại Huế, người phụ nữ lấy chồng phương xa vô tình bước vào trú mưa dưới một mái hiên nhà. Quay mắt sang bên, một người đàn ông cũng vừa bước vào trú mưa. Họ nhìn nhau, rồi bàng hoàng, rồi xáo tung mọi thứ tưởng như đã chôn vùi yên lặng dưới đáy sâu. Mưa hay cuộc đời đã sắp đặt một lần trả vay ước lệ. Không dám nhìn lại người xưa thêm một lần nữa, người đàn bà trong bộ áo dài đen đã là người phải bước vội ra dưới mưa để chạy trốn quá khứ, để hoàn tất câu chuyện về những đúng sai của đời người. Mưa ở Huế rất buồn, mắt người đã chan hòa nước mưa, còn những kỷ niệm quá khứ không thể như mưa có thể chảy trôi mãi nơi nào - mà sẽ luôn ám ảnh những ai còn nặng nợ với đời, với người ...

Ở một góc nhìn khác, Mưa lại là nhân chứng cho những lỗi lầm - hay sự tìm thấy hạnh phúc - của cuộc đời. Bao nhiêu câu chuyện đã xảy ra trong đêm mưa? Bao nhiêu sự phản bội, những hành động bột phát đã ào đến theo cơn mưa. Trong những đêm mưa gió bão bùng, bao nhiêu tâm hồn cô đơn đã phải mượn đến mưa gió để đủ dũng cảm đi tìm thấy nhau trong những không gian khô ráo? Trong những căn gác cũ, những bức tường và chiếc quạt trần cổ đã bao nhiêu lần là chứng nhân câm lặng? Tiếng mưa hay tiếng khoan dung nhẹ nhàng của đất trời cho những đứa con phạm lỗi? Hay phải chăng mỗi giọt mưa như một lời kể tội?

Mưa - nỗi buồn hay sự sống?

Mỗi giọt nước, khi rơi xuống từ trời, là một lần ngắn ngủi được mang sứ mệnh đem đến hạnh phúc hay khổ đau cho muôn loài. Mưa vừa đủ đầy cho mùa màng bội thu, cho những con sông cái hồ no căng nước ngọt, cho thế giới này được nảy tràn sự sinh sôi phát triển. Nhạc sỹ Văn Phụng đã nhìn thấy Mưa đem tươi vui về cho thắm áo nâu, mưa cho nương dâu và khoai sắn lên màu... Sự tích cực tham gia của cỏ cây muôn loài trong bản hòa tấu vĩ đại của thiên nhiên đã đưa Mưa lên vị trí nhạc trưởng. Người nhạc trưởng có quyền tấu lên những cung bậc cảm xúc khác nhau của thiên nhiên, đây là câu trả lời cho những ai còn day dứt hoài nghi về sự diệu kỳ của Mưa.

Hà Nội, một đêm mưa rả rích...

Có những đêm nghe mưa nằm nhớ lại...

Trong một căn xép nhỏ trên phố cũ Ngô Thì Nhậm, hay trong một nhà sàn giản dị ven đô, những đêm mưa quá khứ - hiện tại vẫn thường xuyên trở về trong tâm trí của một người ít nhiều hay bị ảnh hưởng bởi quá khứ như tôi. Những đêm mưa thưở xưa - ngày còn đi học cấp I, II là những đêm tuyệt đối buồn. Ngày ấy, hễ cứ mưa là Hà Nội rất hay mất điện. Tháng 10, mùa bão về. Tối lạnh, mưa buồn, đường phố vắng, leo lét đèn dầu. Những đêm mưa nhỏ, ẩm ướt, thảng thốt ngoài trời có tiếng chim kêu run lên vì lạnh. Nơi cột điện đầu phố hay dưới mái hiên nhà, người bán hàng nước quây trong tấm nilon trắng đục, đầu chụp cái nón mê méo mó đã cũ tướp tơi lá cọ, ngồi co ro chép miệng than trời. Có lẽ, cuộc đời mưu sinh nơi góc phố mãi luôn là bè trầm cho bản hòa tấu của Mưa. Trong bức tranh ảm đạm ngày mưa, càng không thể thiếu những con người ngày đêm chăm lo bú mớm cho cái miệng ăn của người dân đô thị. Bùn lấm từ chân đến đầu, lầm lũi quẩy gánh hàng nặng trĩu nỗi lo âu trong một ngày mưa ế khách, rồi những bà, những chị gắng gỏi đạp xe thồ nặng hàng lê chầm chậm qua phố. Trên trời, Mưa đang xối xuống, dưới đất ý chí và nghị lực sống đang gắng gượng vươn lên. Ai đó có nhìn thấy trong mắt họ có mưa???

Có những khi mùa Đông, những đêm gió lạnh về sớm cử Mưa đưa đường. Trong nhà vội vàng mở tủ lấy quần áo lạnh. Ngoài đường, ai cũng tranh thủ hoàn tất mọi việc để có thể về nhà sớm hơn. Những em nhỏ, những cụ già được lo lắng chăm sóc kỹ hơn. Mưa dường như đã báo hiệu một sự càn quét vô tình và không nhân nhượng của thiên nhiên sắp lướt qua. Những ngày này, bà nội tôi khó ngủ hơn. Thời tiết mưa ẩm rồi lại lạnh chuyển hanh khô quá nhanh, bà không đêm nào không phải ngồi dậy dựa lưng vào tường để có thể thở được. Những ngày đó dù còn trẻ con, sao tôi chỉ mong Mưa đừng mưa nhiều quá, lạnh đừng lạnh giá quá, để những người già như bà tôi, để những em nhỏ thiếu thốn áo quần, để những người đêm đêm vẫn à ơi rao quà muộn ngoài đường bớt khổ hơn. Mưa - xin hãy làm vai trò của người ban phát sự sống và thương yêu.

Mưa trong căn gác cổ tuổi thơ ...

Nhớ những ngày hạnh phúc nằm nghe Mưa rót mật vào bên tai, nằm ngủ vùi trong sự yêu thương bên cạnh, nằm im nhắm mắt tận hưởng sự diệu kỳ của cảm xúc thăng hoa trong cung bậc bay bổng của bản hòa tấu Mưa... Nhớ những khi cùng đi dưới Mưa, thấy như Mưa đang nhảy nhót đùa nghịch bên ngoài làn áo nilon mỏng. Chợt nhớ khi mình còn trẻ nhỏ, chui trong tấm áo mưa của bố, mẹ đưa đi học mỗi ngày là cả một thế giới tưởng tượng bên trong. Mình đang đi đến phố nào rồi nhỉ, sắp đến trường chưa? Bố cứ đạp xe chầm chậm qua hồ, trẻ con ngồi sau vén tấm áo mưa lên thấy mặt hồ nước mưa trắng xóa, chợt thấy mình như hiệp sĩ đang dũng mãnh vươn mình thách thức trời cao. Cũng có những khi hai anh em cùng đi học dưới trời mưa, ngồi sau bố đèo mà thì thầm nói chuyện dưới tấm áo mưa đủ dầy dặn để chở che hai tấm thân gầy nhỏ, mà thấy áo cũng rất mỏng và đủ ánh sáng để nâng cánh cho trí tưởng tượng trẻ thơ...

Bây giờ thì đã khác. Nghe mưa ít còn thấy cảm giác lãng mạn bay bổng ngày nào. Ở cái tuổi có quá nhiều mục đích chưa hoàn thành, nghe tiếng mưa như cảm thấy mọi thứ bề bộn đang bày ra trước mắt. Nhìn thấy mưa không còn là những đốm tròn nhảy múa nữa, mà là những vòng tròn lặp đi lặp lại một cách vô hồn. Nhiều khi nhìn mưa chẳng nghĩ gì, chỉ thấy rỗng không!

Căn gác cổ bây giờ đã xa lắm rồi... Mọi thứ xung quanh ào ào chạy như thể nhấn chìm những ai không kịp tham gia cuộc đua. Không gian bây giờ chỉ dành cho Mưa sự trân trọng tối thiểu. Bản nhạc hòa tấu cất lên vẫn người nhạc trưởng đó vẹn nguyên tài năng và sự hưng phấn, nhưng các thành phần tham gia đã tản mát nhiều rồi. Ai cũng phải bận rộn lo toan cho cuộc sống đâu còn thời gian chơi nhạc và nghe nhạc, đâu còn trẻ nhỏ nào vừa tắm mưa vừa thưởng thức nhạc Mưa bằng tất cả mọi giác quan của mình. Đường phố bây giờ coi Mưa là thiên nạn, ngập lụt, tắc đường, chen chúc nhồi nhét, đâu như thưở xưa, mỗi khi mưa to đầu phố ngập là cả đám trẻ con lại ùa ra lội nước tưng bừng, mà ngày đó xe cộ cũng ít, thảng có chiếc xe chạy chậm qua, đánh lên những con sóng dập dềnh, dập dềnh như chuyên chở những niềm vui nhỏ nhoi trẻ con ... Đến khi lớn vẫn còn bản năng để quay lại thú vui thơ trẻ ấy, vẫn nhớ một ngày tháng 5 cách đây vài năm, tôi và em lội nước từ Phủ Tây Hồ về trên chiếc xe của em, vẫn những con sóng đó, nhưng chúng tôi đã là người tạo ra những con sóng dập dềnh cho đám trẻ hân hoan bên đường. Mấy năm mà thay đổi nhanh quá rồi ...

Mới đây mà đã đấy, mọi thứ đi mà không ngoảnh mặt lại...

Mưa và căn gác cổ. Lại thêm một ngày Hà Nội mưa ...

NHẬT THỰC
đêm mưa 08/08/2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét