Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

La cà vỉa hè Hà Nội 7 : Những mùa Đông ...


"Hà Nội, những mùa đông ..."

Xin đọc trước : Bài viết này sẽ không thật sự lãng mạn và man mác cảm giác như 6 series trước. Nếu ai muốn giữ nguyên cảm giác lãng mạn và run rẩy hơi may khi mơ tưởng về một mùa Đông Hà Nội thì xin bỏ qua không đọc.

* * *

Men theo thời gian lần mò về chốn cũ. Men theo mùi của mùa lần tìm về chốn an bình trong tâm tưởng. Mùa Đông là đặc sản riêng của Hà Nội, là mùa của hơi ấm tình yêu. Mùa hay là Người mà khiến nhiều tâm hồn nhớ mong đến thế...

Mùa Đông của Hà Nội gắn bó vô cùng ấm áp trong mối liên hệ với hồn phố, hồn người. Mùa Đông Hà Nội sẽ chẳng thể nhớ đến thế nếu nó không tồn tại cùng những góc phố, những ánh đèn vàng vọt quạnh hiu, không quay quắt vật vã với những bóng người âm thầm và lặng lẽ đợi chờ trong căn nhà nhỏ. Ai cũng nói sao mùa Đông lạnh thế, nhưng mấy người chợt nhớ ra được có những mùa còn lạnh hơn - ấy là mùa của cô đơn, cô quạnh, là mùa mà trái tim không có nơi nương náu đi về sau những cuộc phiêu lưu mệt mỏi trong những cơn gió mùa thổi về hơi ấm tình yêu. Bài viết này không phân tích mổ xẻ mùa Đông dưới góc nhìn của một tâm hồn đa cảm, mà phơi bày một mùa Đông trong sự liên hệ thô kệch với Hà Nội xưa và nay.

Để bắt đầu, hãy nhớ lại những mùa Đông năm ấy...

Mùa Đông năm Mậu Thân 1788

Cùng những đợt gió mùa Đông Bắc lạnh lẽo, 29 vạn quân Thanh ào sang, càn quét, hùng hổ và nhâng nháo tiến vào Thăng Long. Hà Nội ngày ấy trải qua một mùa Đông thật sự lạnh. Cái lạnh của vườn không nhà trống, cả Thăng Long đã rút đi để lại một thành phố như một cơ thể chỉ còn lớp vỏ bề ngoài. Cái lạnh rùng mình của cả một dân tộc bị tước đi sự tự chủ, của một cái Tết non sông không vẹn toàn đã cận kề trong sự lo lắng của người dân Việt. Kẻ thù mang đến cái lạnh, nhưng cũng chính cái lạnh nơi những bộ óc thao lược tài tình của người Việt đã chứng minh rằng lịch sử tiếp tục lặp lại - bằng một chiến thắng thần tốc và hơi ấm từ phương Nam đã xua nhanh cái lạnh của kẻ thù phương Bắc. Một Thăng Long lại thắm sắc đào trong ngày mùng 5 Tết. Sau một mùa Đông đầy bất trắc, một Thăng Long lại tưng bừng rộn ràng với một cái Tết muộn. Biết ra đi sẽ sớm có ngày trở lại, người Thăng Long đã gói bánh chưng sớm và thả xuống giếng sâu. Và chiến thắng theo đoàn quân trở về, bánh chưng lại được vớt lên... Trong từng ngôi nhà, người dân Thăng Long lại vui với một cái Tết muộn - một cái Tết non sông vẹn toàn.

Mùa Đông năm Bính Tuất 1946

Hà Nội lạnh. Những đường phố im ắng và chờ đợi...

Những đợt gió lạnh lượn lờ quanh co, vặn vẹo những cành cây khẳng khiu gồng mình nơi góc phố cổ. Bên chiến luỹ chất vội bằng những tủ, những bàn, những giường,... những người con thủ đô đang chảy bừng trong huyết quản dòng máu nóng hiến thân bảo vệ phố của mình, nhà của mình, cuộc sống của mình, và trên hết là lòng tự trọng của dân tộc mình. Bên chiến lũy mùa Đông năm ấy, những san sẻ ấm tình người Hà Nội. Từ cậu nhỏ giao liên tới cô gái tiếp lương với ấm trà nóng, từ anh chiến sĩ tự vệ thủ đô tới vị chỉ huy dạn dày chiến trường, tất cả đều chung sức chung lòng bảo vệ Hà Nội. Mùa Đông năm ấy nhà thông nhà, đường thông đường. Mỗi ô phố dựng một chiến luỹ, mỗi con đường là một mạch máu chảy vào trái tim yêu dấu thủ đô, mỗi ngôi nhà là một chứng nhân cụ thể cho một mùa Đông anh dũng...

Mùa Đông năm Nhâm Tý 1972.

Gồng mình gánh chịu những đợt bom rải thảm. Noel năm ấy dường như tiếng chuông nhà thờ Lớn ở Hà Nội cũng nghẹn ngào hơn. Khu An Dương, phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai chìm trong khói bom. Hà Nội đau nhưng cuộc sống vẫn luôn chứng tỏ sự bất khuất của một Hà Nội được thế giới kính phục tôn vinh là "thủ đô của lương tri và phẩm giá con người". Bên những tháp pháo bảo vệ thủ đô, một Hà Nội lãng mạn vẫn tự hào khoe mình với thế giới. Nhớ lắm, những hình ảnh một đám cưới được tổ chức ngay trên trận địa tên lửa. Cô dâu rạng rỡ ôm bó hoa lay-ơn sánh vai cùng chú rể như một lời khẳng định sự trường tồn của cuộc sống. Mùa Đông năm ấy, Hà Nội lại có một mùa Đông anh dũng ...

Mùa Đông năm Bính Dần 1986

Cái lạnh của một đất nước đang suy thoái và khủng hoảng. Hơi thở lạnh đang gấp gáp phả vào sau gáy của chế độ. Bao nhiêu năm chiến tranh, bấy nhiêu chiến tích và anh hùng vẫn chưa đủ để đem lại cơm no áo ấm cho người dân Việt. Thời điểm đất nước đứng trước một tình thế hiểm nghèo của sự phát triển: hoặc vững bước tiến lên, hoặc tụt lại phía sau để rồi không bao giờ vươn lên được nữa. Và chúng ta đã đứng lên được từ tình thế tưởng chừng như không thể thay đổi được nữa - như bao nhiêu lần trong lịch sử cha ông chúng ta đã đứng lên trong những hoàn cảnh hiểm nghèo đang đè ép lên dân tộc. Đại hội VI đã đưa ra một thông điệp mới, một thông điệp dứt khoát : ĐỔI MỚI. Phải thay đổi để xoá đi nỗi nhục về một đất nước nghèo nàn lạc hậu. Phải thay đổi để những thế hệ con cháu sau này thật sự kính vọng mỗi khi nhớ về thế hệ đi trước. Từ bài viết trên báo Tuổi Trẻ của tác giả Bùi Thanh, xin trích đây một hình ảnh rất rõ ràng như một thông điệp : "Thế mới biết vì sao có rất nhiều người khóc khi đến thăm Bảo tàng Dân tộc học. Ở đó vẫn đang trưng bày những hình ảnh ngột ngạt, những ký ức nhói lòng của cái thời “đêm trước đổi mới”. Thế mới hiểu vì sao bọn sinh viên Sư phạm chúng tôi 20 năm trước chen chúc trước nhà một giảng viên để “coi ké” tin tức Đại hội 6. Và họ đã gào lên, vỗ tay dữ dội khi đại hội công bố nhân sự mới và đưa ra thông điệp dứt khoát về đường lối đổi mới..."

Một lần nữa, mùa Đông lại tham gia vào lịch sử của dân tộc!

Mùa Đông của hiện tại.

Sau những thành công của APEC, của SeaGames…, thành phố lại đối mặt với vấn đề tai nạn giao thông và sự lúng túng của các nhà quản lý. Một Hà Nội cùa mùa Đông 2006 lộn xộn trong phát triển và không thể kiểm soát toàn diện. Bao nhiêu năm anh dũng trong chiến tranh, rút lui để đưa kẻ thù vào trận địa vườn không nhà trống, để bảo toàn lực lượng rồi trở về chiến thắng trong vinh quang, bao nhiêu lần tiến công thần tốc, làm chủ cả mặt đất và trời xanh, hay mấy ngàn năm giặc giã liên miên ly tán ... đã khiến lớp lớp con cháu bây giờ chạy xe bát nháo như chạy giặc? Truyền thống của dân tộc, di sản anh dũng của cha ông được kế thừa và phát huy theo góc cạnh trái chiều như vậy ư?

Chịu khó suy nghĩ một chút sẽ thấy cần phải tuyên truyền giáo dục thế hệ 2006 theo một cách cụ thể hơn. Người dân đô thị vốn tự vỗ ngực là văn minh - nhưng đôi khi tiến hoá quá - có thể lại quay trở lại thuở chưa biết gì. Phổ biến luật giao thông cho cư dân đô thị nay có thể phải quay lại cách làm "cầm tay chỉ việc" y như thời "hội nghị đầu bờ" của sản xuất nông nghiệp thời xưa. Tư duy ai cũng biết nhưng không ai hành động theo sự hiểu biết đã trở thành căn bệnh trầm kha của cộng đồng. Chỉ riêng chuyện giao thông, thay vì Tôi yêu Việt Nam bày ra hết luật này lệ nọ, thì chúng ta nên có Tôi yêu Hà Nội chỉ tập trung tuyên truyền không đi sai làn đường, không chen lấn làn đường, dù chậm cũng nên đi đúng làn đường mà mình đang đi. Không thể tưởng tượng nổỉ trí thông minh ở đâu khi mà đường đã sắp tắc lại cứ muốn chen lên, lấn cả làn ngược chiều để chen lên. Nhanh được 5m, nhưng làn ngược chiều bị ùn lại nên cả con đường bị tắc, chậm 1 giờ. Hoặc đến ngã tư, thay vì để chiếc xe dài trước mặt đi qua là cả trục đường thông, thì vẫn cứ phải chen lên trước mũi xe, nhanh được 2m, nhưng chiếc xe nằm chình ình ra đó như một chiếc barie khiến cả trục đường tắc, chậm 1 giờ...

Nhân dân thủ đô anh hùng đã vậy, nhưng chính quyền và cảnh sát giao thông lại không hề có giải pháp lâu dài và toàn diện hơn. Nhắc đến chuyện đường tắc lại thấy không thể đồng ý với cách xử lý của chính quyền. Thay vì điều cả chục đồng chí công an, dân phòng… bở hơi tai ra đứng thổi còi và dang tay để giữ hai làn đường không xâm lấn sang nhau, và hai dòng người kiên nhẫn (nếu không nói là nhẫn nhục) nhích từng bánh xe một, trong khi dòng người từ hai đầu đường vẫn ùn ùn rẽ vào mà không hề hay biết nó đã đầy ứ dạ dày ở đoạn giữa. Khói xe, bụi, tiếng chửi thề, những ánh mắt vô vọng tìm lối ra giữa rừng người không may mắn...và sự khổ sở của chục đồng chí cán bộ nhà nước - mẫn cán nhưng không được chỉ đạo bởi những bộ óc chịu suy nghĩ thực tế hơn. Thiết nghĩ thay vì điều cả chục đồng chí từ hai ngã tư ở hai đầu phố di chuyển gấp vào giữa phố, chen lấn khổ sở để được đứng vào vị trí trung tâm của khối người và xe tắc đường, rồi mệt bở hơi tai vì thổi còi, gõ dùi cui và hò hét, thì chỉ xin 4 đồng chí (2 người ở mỗi đầu đường) đứng làm nhiệm vụ phân luồng ngay từ đầu đoạn đường, kèm theo một bảng sắt (hoặc đèn LED điện tử càng tốt) để ra giữa đường : XIN LỖI! ĐOẠN ĐƯỜNG NÀY ĐANG BỊ TẮC. NẾU CÓ THỂ XIN ĐỀ NGHỊ ĐỒNG BÀO ĐI ĐƯỜNG KHÁC. Chỉ vậy thôi, nếu ai không phải có nhà ở hoặc không có việc ở đoạn đường đó, chắc chắn họ sẽ không rẽ vào để chuốc lấy sự bực mình và mất thời gian. Ai thích đi vẫn cứ để họ đi, nhưng chắc ít người có thừa thời gian và xăng xe như thế. Và khi luồng người rẽ vào ít đi hẳn, thì thời gian giải quyết đoạn dồn ứ tắc nghẽn giữa đường sẽ nhanh hơn và dễ dàng hơn rất nhiều. Xong việc, nhấc tấm bảng thông báo ra, thông đường trở lại, ai về việc nấy. Như vậy, thay vì đi giải quyết đồng bộ cả hậu quả tức thời và nguyên nhân tức thời, thì chúng ta chỉ chú trọng giải quyết hậu quả - bị động và bị động!

Mùa Đông 2006, nhắc đến chuyện xếp hàng - một biểu hiện văn minh tối thiểu nơi công cộng - lại càng thấy não nuột. Tâm lý chen chúc xô đẩy ào ạt cuốn mọi người như cơn gió mùa Đông Bắc tàn nhẫn đang bào mòn sự văn minh của một cộng đồng vốn nức tiếng thanh lịch. Bao nhiêu năm xếp hàng mua thịt, mua gạo, mua muối, có khi vừa đến lượt mình thì cô mậu dịch viên thông báo hết hàng - phải chăng đã tạo ra tâm lý phải chen ngang, phải có bằng được? Thay vì xếp hàng lịch sự, văn mình, giải quyết việc từng người một, thì chen chúc, nóng nực, cáu bẳn, mà hiệu suất công việc không hẳn đã nhanh hơn. Việc này có lẽ phải làm lại từ đầu, phải giáo dục từ thế hệ mẫu giáo. Và trong chuyện này, rất có thể người lớn sẽ phải đi học ngược - học cách ứng xử của trẻ con.

Hà Nội của mùa Đông Bính Tuất 2006

Một mùa Đông được dự báo sẽ ấm hơn những mùa Đông trước - là thế này ư? Gió có thể ít lạnh hơn, giá có thể ít buốt hơn, nhưng những gì mà cuộc sống đang bày ra trong một cái chợ hỗn độn - rất có thể sẽ làm không ít người cảm thấy "lạnh" người. Ấy mới là một mùa Đông thật LẠNH!
Chúng ta hãy tin rằng mùa Đông nào rồi cũng sẽ qua. Cái lạnh chỉ khuất phục được con người khi trái tim họ, tâm hồn họ đã tự lạnh giá từ bên trong. Mong cho những người con Hà Nội sẽ hành động để biến mùa Đông lạnh lẽo thành một mùa Đông ấm nóng và đáng nhớ như cha ông ta đã làm. Hãy để mùa Đông Hà Nội trở thành mùa của yêu thương, mùa của đôi lứa kết hợp, là mùa thật lãng mạn và đáng tự hào của Hà Nội sắp tròn tuổi ngàn năm!

Thế hệ trẻ dứt khoát phải thay đổi!


Hà Nội, ngày 08/01/2007
N.Q.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét