Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

La cà vỉa hè Hà Nội 10 : Hà Nội - ngày những đứa con ra đi ...


Hà Nội - một thành phố sống quá nhiều cho hoài niệm mà đang quên mất tương lai, một thành phố có quá nhiều do dự và lưỡng lự, có quá nhiều cân nhắc đến mức lãng phí thời gian và để tuột mất những cơ hội tốt. Phải chăng do bản tính của Hà Nội là sống chậm, chuyển động chậm và tô hồng sự thư thái trong lối sống đến mức ngủ quên trước những vận hội phát triển?

Hà Nội của tôi, dù rất yêu quý nhưng nhiều lúc tôi thấy sốt ruột với sự chậm chạp của thành phố. Sự chậm chạp của những chính sách và sự tụt hậu về tư duy quản lý đô thị của chính quyền. Suy nghĩ kỹ trước khi làm là tốt, nhưng đắn đo cẩn trọng đến mức vô cảm với những băn khoăn khổ sở của người dân thì khó có thể thông cảm. Sự e dè và ngại mất ghế của lãnh đạo, cùng tinh thần làm chủ tập thể thâm căn cố đế tồn tại trong tư duy và trở thành kim chỉ nam hành động của bộ phận quản lý nhà nước đã dồn Hà Nội vào tình trạng nguy hiểm - sự nguy hiểm gây ra bởi việc thiếu khả năng kiểm soát và dự báo kém.

Một Hà Nội của quá khứ đã là cảm hứng cho biết bao văn, thơ và nhạc, tranh và tượng, phong cách sống và giọng nói của nhiều thế hệ,... bỗng một ngày, người Hà Nội ngậm ngùi nhận ra, Hà Nội đang nghe nhạc của nơi khác, đang xem phim của nơi khác, đang mặc phong cách của nơi khác, đang được định hình thị hiếu bởi tư duy được tạo ra từ nơi khác... Cho dù đây không phải là sự phân biệt địa danh hay khu vực, song cần phải thấy rõ, Hà Nội ngày nay là Hà Nội gì? Một Hà Nội "nhập khẩu" quá nhiều văn hóa lối sống của nơi khác. Thành phố đã mất đi sức cạnh tranh trên thị trường sản xuất các sản phẩm văn hóa. Cũng giống như một thời thế hệ trẻ Việt Nam tô son thâm sì Hàn Quốc, đội mũ Yumì và ăn Kim Chi thay cho Nộm ngó Sen, Hà Nội bây giờ đang mờ dần những đặc trưng văn hóa gốc, đang sống bằng văn hóa thay thế vốn được tạo ra ở nhiều nơi khác, vì bản thân Hà Nội đang chết dần chết mòn cái cây tâm hồn của mình. Nói thế có cực đoan quá không? Rõ ràng, với tư duy hẹp hòi và sự kém cởi mở trong quản lý đã đẩy các nhà sản xuất sản phẩm văn hóa ngày một rời xa Hà Nội. Những ai còn ở lại chật vật tìm một môi trường sản xuất chuyên nghiệp với khả năng cạnh tranh cực thấp. Sự phập phù thành bại của một dự án đôi khi không quyết định bởi chính họ, mà lại nằm trong tay những quan chức kiểm duyệt, hay những người làm công ăn lương nhưng lại thiếu một nhận thức nghề nghiệp chuyên nghiệp. Một chương trình văn nghệ tổ chức tại những địa điểm biểu diễn hàng đầu của thủ đô, đôi khi hay lại thành dở chỉ vì nhà tổ chức quên không đưa phong bì bổi dưỡng cho người kéo phông, hay anh trực điện... Thủ đô ngày một tỉnh lẻ, và người dân thì ngày một thiệt thòi vì những đặc sắc văn hóa - lẽ ra họ phải được hưởng thụ - thì nay chối bỏ thủ đô trong sự tự mãn ít có căn cứ của các nhà quản lý... Hà Nội - nay là nơi chốn lông bông của những nghệ sĩ quá "nghệ sĩ", mà với những người như vậy - sản phẩm thường rất thất thường. Trong những thất bại rất có thể lóe sáng một kiệt tác, nhưng thường thì chỉ thấy bề mặt thất bại hiện ra trên cái mặt ao tù văn nghệ.

Sự đa dạng về thành phần xã hội và chủng tộc thường đem đến những thành công cho xã hội đó. Cũng giống như sự hạn chế về nguồn gen sẽ khó tạo ra nhiều tính cách và dáng vẻ đa dạng. Nếu Hà Nội cứ khư khư ôm lấy những tự mãn quá khứ, cứ tự giương lên những ảo ảnh hào hoa thanh lịch đã phai nhạt tự thưở nào, cứ liên tiếp đưa ra những chính sách quản lý kiểu tự cô lập và tự cung tự cấp - thì một ngày nào đó - Hà Nội sẽ "rặt" Hà Nội - đóng cửa trong lũy tre làng yên bình, an ủi nhau giữa ốc đảo như một cộng đồng người tách biệt. Hà Nội thanh lịch kiểu gì khi từ chối những nề nếp văn minh, khi những nghệ sĩ tên tuổi xuất hiện trên sân khấu trong những buổi trao giải trang trọng với trang phục nhếch nhác, luộm thuộm. Họ mãi mãi giương lên cái TÔI để khẳng định về thói ăn mặc thiếu tôn trọng công chúng và bôi bẩn buổi lễ. Hà Nội hào hoa kiểu gì khi thói ăn nói của người Hà Nội rất "bao dung" cho các từ ngữ bậy, thói du côn trong ứng xử nơi công cộng. Những người nước ngoài, người miền Nam ra Hà Nội rất sợ mỗi khi va chạm với người Hà Nội vì họ rất lỗ mãng và đôi khi đánh nhau để khẳng định đúng -sai. Một xã hội được tổ chức tốt phải được vận hành theo những quy ước đã được cộng đồng công nhận, chứ không còn nguyên thủy hay hoang dã như xã hội loài vật mà phân định bằng sức mạnh. Hình ảnh và xây dựng hình ảnh ngày nay rất quan trọng. Hà Nội nghiệp dư và lãng mạn quá mức khi vẫn tưởng rằng mình đẹp. Trước đây, tôi cũng giống như nhiều người khác - tưởng rằng chạy theo hình ảnh là việc phù phiếm, nhưng nay, thẳng thắn mà nói - nội dung và hình thức phải đi đôi với nhau. Nói thì dễ, nhưng thay đổi cách nghĩ dẫn tới thay đổi cách làm là việc không dễ một sớm một chiều ở một nơi bảo thủ như Hà Nội...

Hà Nội - sẽ phải trả giá trong 10 - 15 năm nữa vì những hoạch định ngày hôm nay. Thành phố thiếu những dự báo và giải pháp quy hoạch đột phá. Hôm nay điều chỉnh, vài năm sau lại điều chỉnh - giống như một tấm áo vá. Bà mẹ nhân từ là nhân dân có thể sẽ mãi tha thứ cho đứa con chính quyền đô thị, song bà mẹ ấy không thể không tủi lòng khi thấy trên sân chơi ngoài ngõ, con người thì ăn mặc tươm tất sáng sủa, con mình thì nhếch nhác chắp vá. Bà mẹ ấy cũng có lỗi một phần - lỗi ở sự quá bao dung và nhân từ. Còn đứa con ấy - như nhiều cậu ấm khác đã nhờn quen với sự bao dung của người mẹ - mãi mãi không thể lớn và không đàng hoàng trưởng thành để gánh vác những việc lớn. Đứa con ấy chỉ quen làm những việc nhỏ, áo rách chỗ này thì vá, gấu quần sờn chỗ kia thì khâu. Một thành phố 5 triệu dân và sẽ còn tăng thêm nhiều - bởi đây là kết quả tất yếu - không thể chỉ quản lý bằng mệnh lệnh duy ý chí, không thể bằng áp đặt. Chính quyền đô thị phải khác, chính quyền đô thị phải nhanh chóng lớn lên, không thể mãi mãi mè nheo bà mẹ, không thể lợi dụng lòng nhân từ của bà mẹ nhân dân thêm nữa...

Hà Nội - mỗi ngày lại có thêm nhiều đứa con ra đi tìm bến đỗ khác. Cũng có người ra đi để trở về, cũng có người sẽ ra đi và đứng từ xa nhìn Hà Nội, âm thầm cúi mặt gói lại những kỷ niệm cũ. Thành phố tràn ngập tình yêu thương, nhưng thành phố ấy sống cho nhung nhớ quá nhiều mà quên mất rằng đời người còn có nhiều việc khác phải làm. Thêm một người bạn ra đi, bỏ lại sau lưng một Hà Nội nay đã trở thành quá khứ. Quá khứ đẹp lúc nào cũng gợi lên những cảm xúc khó tả. Có lẽ, với nhiều người con Hà Nội, quá khứ về Hà Nội đẹp nhưng cần phải sống cho hiện tại...

Hà Nội nay đã không còn là nơi chốn bao dung của nhiều đứa con. Hà Nội nặng định kiến và không dễ mở lòng với những dòng chảy lạ. Thói đời tự nhiên, chỗ nào đất tốt thì cây mọc xanh tươi. Đời người chỉ có 1 lần sống, Hà Nội tiễn những người con ra đi tìm môi trường phù hợp hơn - để từ nơi xa đó nhìn lại Hà Nội - để hiểu thành phố của mình hơn...

Viết ra những dòng này thật không dễ dàng gì, khi lại vừa biết tin có thêm 1 người bạn sẽ bỏ lại nơi chốn thân quen để đi tìm một môi trường sống và làm việc mới, để thay đổi bản thân, và để chắp cánh cho những hoài bão đã nung nấu từ lâu nay... Hà Nội, mau thức tỉnh!


N.Q.Tuân
03/2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét