Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

La cà vỉa hè Hà Nội 12 : Những con đường tình ...


... Đường rất tình, một đường rất tình
Đường rất gần từ ngày xưa lắm
Khi chân qua bỗng nghe đầy tiếng chim
Đường trái tim ...
(Trịnh Công Sơn)

Dễ đến một năm mới viết tiếp serie La cà vỉa hè Hà Nội. Đêm nay, tạm xong một việc, có thời gian nghĩ lại những chuyện đã qua, viết lại những chuyện đã qua, và viết về những con đường tình ...
Những con đường tình Hà Nội, lưu dấu trong trái tim của mỗi người, hẳn không giống nhau. Phải rồi, kỷ niệm thì mỗi người mỗi khác, tình yêu cũng ngọt đắng khác nhau. Đâu có mấy người yêu giống nhau và trải nghiệm những xúc cảm giống nhau. Nếu mỗi lần yêu là một lần ta lặp lại quá khứ, tìm kiếm quá khứ thì hẳn cuộc đời người đó sẽ rất nhạt. Nếu chỉ yêu một lần, tiếc cho nhiều lần khác không được nếm trải những tính cách khác nhau, những thú vị trong cách ứng xử của đồng loại khác nhau. Nếu yêu quá nhiều lần, cũng giống như đồ thị hình Parabol, đi lên cao rồi lại tụt sâu xuống, khó tìm lại cảm giác thăng hoa như những khi chập chững bước đi trên con đường tình đầu tiên... Và thật tiếc cho những ai chưa kịp đi hết chiều dài một con đường tình đã vội rẽ ngang, biết đâu nơi cuối đường ấy, chính là nơi sẽ lưu giữ những khoảnh khắc ngọt ngào nhất của đường tình?

Nhớ những năm lớp 7, trong mắt tôi, con phố Lò Đúc thật vô cùng đẹp. Ngày ấy đường vắng, những hàng cây thẳng tắp xếp hàng hai bên hè phố như so đũa, và những con người thảnh thơi đạp xe len giữa hai hàng cây như những giọt nước nhẹ nhàng trôi êm trên một hành trình tĩnh lặng của một thành phố nghèo chưa có tiếng ầm ì hỗn độn xe hơi xe máy. Những buổi trưa hè oi bức, những ngày thu tháng 9 tựu trường, con phố Lò Đúc như càng thân thương hơn khi chỉ cách trường vài chục mét, là ngõ nhà em ở đó. Lớp C và lớp G chung một tầng nhưng ở 2 đầu hành lang. Mỗi giờ ra chơi đi men hành lang về nơi có nụ cười tỏa nắng. Mỗi khi học về, lại thả hồn chầm chậm dọc phố vắng, đi ngang ngõ mà không dám rẽ vào. Con đường tình thuở ngây ngô khờ dại chỉ có thế. Những ai đã si tình, đã say mê một hình bóng có lẽ đã từng có những bước chân trong đời đi theo tiếng gọi và sự điều khiển của trái tim. Trái tim đang bước đi chứ không phải đôi chân đang rẽ lối. Như nhà thơ Phạm Thiên Thư đi theo nàng Hoàng Thị Ngọ đến ngẩn ngơ, được nhạc sỹ Phạm Duy đồng cảm phổ nhạc thành ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị nổi tiếng đến bây giờ, và kết cục của con đường tình ngây ngô thủơ ấy, cũng như nhà thơ ngày xưa :

... Xưa tan trường về, anh theo Ngọ về
Xưa tan trường về, anh theo Ngọ về
Đôi chân mịt mù theo nhau bụi đỏ đường mơ
Xưa theo Ngọ về mái tóc Ngọ dài

Hôm nay đường này, cây cao hàng gầy
Đi quanh tìm hoài ai mang bụi đỏ đi rồi ...

Con đường tình thứ hai, là tôi ở cái tuổi giao thời thanh niên trong những ngày dài biến động theo một Hà Nội đổi mới. Đầu thập kỷ 90, sau những năm ủ dột và loang lổ vì bị chiến tranh tàn phá, những năm bị bao cấp đè nén lên Hà Nội, tất cả bỗng như mở toang mọi thứ. Đổi mới như một bàn tay vén lên chiếc khăn voan thâm nâu vô hình vốn che đi khuôn mặt thanh tú của Hà Nội bấy lâu nay. Tất cả mọi ngóc ngách của khuôn mặt ấy đều được ánh sáng soi rọi - từ những nét thanh tú rạng ngời tới cả những nếp hằn ẩn sâu nơi ngóc ngách. Trong tổng thể một Hà Nội đang rùng rùng thay đổi, người người nhào lên để cố giành lại thật nhiều những thứ đáng lẽ được hưởng trong từng ấy năm bị kìm kẹp, để bù đắp lại những tháng ngày sống như những nhà tu hành khổ hạnh. Trong những tiếng còi xe máy tạp nham và sự chuyển động chưa có khuôn khổ của một thực thể vừa được giải phóng năng lượng bị dồn nén, tôi vẫn tìm thấy riêng cho mình những con đường tình thật lãng mạn, thật nhu mì và vô cùng Hà Nội. Một con phố nhỏ gần trường cấp I cũ, nơi nhà em ở đó. Những chiều đi ngang phố, cố gắng nhìn sâu vào bên trong và tưởng tượng ra một dáng hình. Những buổi học bài chung, ngồi trong nhà nhìn ra cửa sổ, ngõ vắng, phố vắng, thoảng có chú chim sâu lảnh lót lập chập đôi cánh non bay rồi đậu, đậu rồi bay. Cây ổi ngay sân trước vẫn còn vương mùi hương mùa cũ. Những ngày mưa, ngồi nhìn mãi đâu, mơ đi mãi đâu, mọi thứ thật quá trong sáng, như khoảng trời trong tĩnh lặng mà cơn mưa vừa đi qua đã mang đến tặng cho hai đứa qua ô cửa sổ trong veo. Em ở đó, tôi ở đó, mọi thứ dường như cũng lặng im ở đó. Mặc cho bên ngoài đầu con phố kia, mọi thứ ầm ầm chuyển động nhoáng nhoàng, thì thật lạ, con phố ấy - cùng những con người sống trong đó, vẫn cứ bình thản và nhẹ nhàng. Con phố lẫn hồn người vẫn cứ kiêu hãnh toát lên vẻ cao sang hãnh diện, vẫn cứ sống với cốt cách của một Hà Nội như muôn thuở nào...
.
Rồi những ngày bước chân vào giảng đường đại học cũng tới. Lần đầu gặp hôm tựu trường về, đã ấn tượng và nhớ mãi về giọng nói, cách biểu hiện của một con người. Rồi thì năm thứ 2 cũng có dịp gần hơn. Và lại tiếp tục vẽ thêm trên bản đồ những con đường tình. Lang thang nhiều hơn, sát gần nhau hơn và mơ ước nhiều hơn... Những ngày đông lạnh, những ngày hè nắng cháy, vẫn luôn có nhau. Một ngày gặp là một ngày vui. Một ngày xa là một ngày nhớ. Nhớ lắm những con đường lặng lẽ xuyên khu Bách Khoa, nơi nhà người xưa ở đó. Đằng sau là một con mương, trước nhà có một rặng cây và con đường gồ ghề đất. Ngày ấy, cứ đứng trên ban công tầng 2, nhìn xa mãi về phía con mương, bên kia là trường Kinh tế, bên này là Xây dựng, và trước mặt : là người thương. Dưới nhà có bà, có mẹ của người ấy vẫn luôn quý mến và mời ở lại ăn cơm... Phòng bên có bố vẫn hay răn dạy bằng thơ ... Có những tối lang thang trong khu Bách Khoa, khi mà ngày xưa chỉ đi xe đạp, đèo nhau, cảm nhận người ngồi sau như muốn áp vào sát hơn, cảm nhận hơi thở như ấm hơn, để rồi nhận thấy những ngày tháng này, thật ý nghĩa biết bao. Con đường tình còn là đường Lê Duẩn ngang công viên mỗi ngày đi qua, đi chơi, đi lang thang, đều từ Bách Khoa mà đi qua Lê Duẩn. Có những cái cắn nhẹ vào lưng, có những tiếng đập của trái tim dù không áp sát mà vẫn cảm nhận rõ ràng, có những vòng tay dường như cứ muốn đan chặt mãi...

... Đêm xóm nhỏ về khuya, trời thinh lặng
thoảng xa xa nghe tiếng dế gọi tình
lén nhìn nhau chỉ thấy có hai mình
tôi khe khẽ nắm bàn tay em. Ấm ...

E. Henriot có nói "Tất cả đều qua, và cái đẹp nhất của chính chúng ta chỉ là một kỷ niệm mà rồi đến lượt thời gian cũng sẽ xóa bỏ nó". Với tôi, không hẳn là vậy! Là người sống quá nhiều cho kỷ niệm, khả năng lưu trữ cũng rất dồi dào, trong tôi, kỷ niệm luôn đầy ắp, chỉ có mình có muốn trữ nó lại hay giải phóng nó đi không mà thôi. Nhiều năm sau này, Hà Nội trong tôi mới lại thấy có thêm một con đường tình. Cầu Long Biên những ngày chớm Đông, ngày 2 lượt qua cầu khi tối tối. Ẩn trong ngõ nhỏ, sâu trong làng có một nơi chốn rất thú vị. Có cây có vườn, có nhà có ao, và có cả những nỗi niềm thương mến. Có tiếng mưa rơi lanh canh trên mái rạ của ngôi nhà sàn, có tiếng chíp chiu của chim non trong vườn sớm, có tiếng quẫy bụp của cá đớp mồi dưới ao. Đêm nằm nghe tiếng những thớ gỗ nhà sàn nở lép bép dưới tiết trời lạnh thấu xương của những ngày đông Hà Nội. Sáng ngồi nhâm nhi tâm sự 2 người bên khay trà nóng, với ánh sáng chan hòa ngoài hàng hiên hay bên khung cửa sổ gỗ mở ra cả một bức tranh cây lá cỏ hoa xanh ngời. Yên bình và êm ấm, tĩnh lặng và khoan thai, dịu dàng và chia sẻ trong không gian nhà sàn gỗ, mới thấy, tính mình thích những gì ít ồn ào xa lạ, thích những không gian riêng tư và sự sẻ chia trọn vẹn không gian ấy. Con đường tình ngày ngày qua cầu Long Biên quả là con đường đặc biệt. Nó được nuôi dưỡng bởi cảm hứng từ nguồn phù sa sông Hồng, từ gió và nước bao la của thượng nguồn, từ những gì chắt chiu của hồn dân tộc trong không gian ấm cúng của ngôi nhà sàn cổ. Nhớ lắm thay những khoảnh khắc ấy...

2005, lần đầu tiên, con đường tình được nhuộm màu mưa. Mưa rơi ồn ào bên hồ Quảng Bá. Ngồi bên nhau trong quán tôn, nghe mưa gõ nhịp lúc khoan thai, lúc dồn dập ở trên đầu, mà những ngón tay cứ ngại ngùng rồi cũng tìm đến nhau. Bên nhau nhìn mưa rơi, ước sao mưa sẽ rơi thật lâu, rơi đến vô cùng ...

... Xin mưa triền miên mãi không lắng đọng
Cho đôi tình nhân đuối trong giấc mộng
Trong câu ngủ quên trốn câu giã từ
Vì đường xa ướt mưa ...

Vẫn nhớ mãi khi lội nước về buổi chiều hôm ấy. Em ngồi sau, anh luồn lách, vừa đi vừa cười thật to. Người thì cổ vũ, người thì đánh liều. Và mình đã về được đến nhà, ướt, ẩm, nhưng cảm nhận được những vòng tay ôm thật chặt khi cùng chơi lại trò chơi thuở ấu thơ - lội nước và lội nước... Con đường tình hôm ấy đã được mưa đưa đường. Nhưng rồi Mưa - cũng như con người, rồi cũng có lúc tạnh, rồi cũng có lúc ngừng yêu thương. Quá lâu để có thể quên, cũng như quá sâu để có thể lấp. Cũng lâu chừng ấy để có thể là bạn và có thể tâm sự mọi chuyện cho nhau nghe. Bây giờ, em và ta, 2 người bạn, sẽ có một lúc nào đấy, cũng sẽ có dịp ngồi lại để nhìn mưa và nghe mưa. Chắc hẳn bây giờ mỗi người sẽ nghe thấy mưa hát một bài khác, mưa thì thầm những câu chuyện khác, nhưng cả hai rồi sẽ nhìn về phía nhau và mỉm cười, nụ cười nhẹ nhõm vì biết rằng, cả hai đã có thêm người bạn thứ 3 - ấy là Mưa :-)

Con đường tình nào ta sẽ đi? Con đường trái tim nào sẽ đưa ta đến? Cuộc đời đã cho ta gặp nhau, rồi lại làm cho ta không được ở bên nhau, nuối tiếc. Anh vẫn quen với thói quen cũ, ấy là yêu chậm. Nhận ra yêu thì đã quá nửa con đường. L'evis có câu "Tình yêu giống như một trái núi, vừa leo tới đỉnh đã phải xuống liền vì trên đỉnh núi không có chỗ nghỉ ngơi". Con đường tình quen thuộc bây giờ là lối rẽ đầu phố Nghi Tàm. Lối vào nhà em, và cái ngõ hơi chật mà không bao giờ anh quay nổi xe. Ngõ tuy chật nhưng hồn người thì rộng mở. Người thân của em luôn đón anh với nụ cười và sự xởi lởi. Anh luôn mong được nói chuyện với mọi người, được hòa vào không khí gia đình của em. Một gia đình yên ấm, hạnh phúc, sẽ là nền tảng rất cơ bản để hình thành nhân cách của từng thành viên. Anh thấy em thật may mắn khi được sống vui và hạnh phúc trong gia đình như thế. Rồi những tối mình đi lang thang, ngồi sau anh em cười rúc rích, con đường tình của mình là những ngõ nhỏ ngoằn ngoèo ven hồ Tây, là con đường ven sông Hồng mát rượi gió, là những khi anh cố tình đi ngang khu mả Tàu có những rặng cây ổi thơm phức, và anh trêu em... Bây giờ, cuộc sống mỗi người đã rẽ một lối đi khác. Có những thứ mà ta biết ta sẽ tiếc nuối mãi về sau. Hà Nội luôn sống quá nhiều cho quá khứ, tôi sinh ra ở Hà Nội, tôi lớn lên ở Hà Nội, tôi sống với gia đình 3 thế hệ của tôi ở Hà Nội, và tôi thật sự không bao giờ có thể quên quá khứ, quên em. Với tôi, em mãi đẹp, trong sáng và thơm ngát như những bông hoa của làng hoa Ngọc Hà, Quảng Bá - nơi em đã lớn lên và tỏa hương giữa lòng Hà Nội ...

Bên lúa, anh bên lúa cánh đồng làng ven đê
Hồ Tây xanh mênh mông trong tươi thắm nắng chiều
Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa
Hồ Tây đôi bên trong tình yêu hoa lúa rộn ràng ...

* * *

Những con đường tình sẽ kéo dài đến đâu nữa? Sẽ mở rộng đến đâu nữa? Khi nào Hà Nội còn hoa Sữa, khi nào trái tim còn đập và tâm hồn còn chưa tìm được bến đỗ yên bình cuối cùng, sẽ vẫn còn những con đường tình. Cho tôi, cho bạn hay cho tất cả chúng ta? Ai cũng có quyền được tận hưởng những gì mình đã gieo trồng, nhưng cần nhớ : Hãy gieo đúng mảnh đất tốt và phải chăm sóc thật cẩn thận. Tôi tin, sẽ có ngày tôi và bạn hái được quả ngọt :-)

Cảm ơn những con đường tình. Nó làm cho tâm hồn chúng ta phong phú hơn, cho cuộc sống chúng ta thi vị hơn, và vẽ nên những bức tranh cuộc sống nhiều màu sắc hơn. Trong đó có tôi, có bạn, có mọi người, và có cả niềm hy vọng!

Cùng chờ nhé!

Viết cho những gì đã qua...


Nhật Thực
14/5/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét