Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

La cà vỉa hè Hà Nội 5 : Tuổi thơ Hà Nội


Tuổi thơ Hà Nội



Hà Nội, trở lại ngày tháng cũ...

Ấy là thuở ngang dọc chợ Hôm - Đức Viên đầu những năm 80 của thế kỷ trước...

Thuở ấy, số nhà 46 có một bà cụ già chiều cháu và một thằng cháu nhỏ thật không biết điều - kể cả cái sự biết điều của trẻ con. Vốn quen được bà nội chiều chuộng và đáp ứng đủ mọi thứ, từ 4 tuổi, ku trẻ đã lang thang dọc ngang tỏ lối rõ đường khu chợ lớn nhất nhì Hà Nội lúc ấy. Không rõ một ngày bà nội phải tốn bao nhiêu tiền cho thằng cháu đích tôn, song chắc hẳn lúc ấy - trong thời khốn khó bao cấp - thì ngày nào tiền ăn quà vặt của thằng cháu cũng phải tương đương số tiền chi tiêu cho 3 bữa ăn của cả một gia đình. Và khi đã quen, lớn lên một chút, cháu nội đã không ngần ngại vòi tiền bà để thoả sức ăn quà - mà toàn những thứ quà bà không khuyến khích. Có thể nói, so với bọn trẻ con trong phố, ngày ấy ku trẻ thuộc loại rủng rỉnh và "ướt" mồm nhiều nhất. Cũng nhờ thế, mà bây giờ khu chợ Hôm - Đức Viên những năm 80 sẽ được tái hiện chân thực qua lăng kính của một đứa trẻ sắp đi học lớp 1 ngày ấy ...


Hà Nội những năm bao cấp...


Chợ Hôm - Đức Viên lúc ấy vẫn là những dãy nhà cấp 4, được phân biệt thành 2 khu riêng biệt. Khu chợ Hôm và khu chợ Đức Viên. Một khu là các cửa hàng mậu dịch có vẻ sáng sủa hơn khu các cửa hàng tạp của người buôn bán nhỏ - tuy rằng đều là nhà cấp 4. Còn nhớ rõ, hàng rào bao quanh chợ lúc ấy là hàng rào sắt hoen gỉ, dịch vào phía trong khoảng vài mét là các quầy hàng mậu dịch. Mặt đường phố Huế bây giờ sáng choang, nhưng thuở ấy là như vậy. Hình như lúc đó có 3 dãy nhà mậu dịch. Dãy nhà sát góc phố Huế - Trần Xuân Soạn là khu bán thịt cá của mậu dịch. Dãy nhà ở giữa là bán rau hay gì đó tươi sống, muối, mắm. Dãy trong cùng bán đồ khô. Nghe thì có vẻ nhiều, song thực ra hàng hoá chẳng bao nhiêu. Mua bán bằng tem phiếu nên lực lượng phe phẩy quân số thường áp đảo những gương mặt cán bộ hiền lành và rụt rè đến mua thịt, cá. Có lẽ không thể dùng từ "mua" để miêu tả, mà phải dùng từ "mon men" thì đúng với vị trí và hoàn cảnh của người mua lúc ấy - nếu so với người bán - hơn. Ở cái tuổi sắp đi học lớp 1, tầm mắt nhìn của ku trẻ thường ngang tầm quầy hàng, và ấn tượng đọng lại đến bây giờ là bóng những cô mậu dịch viên mặc áo trắng, đứng ngồi lố nhố sau quầy hàng được xây bằng gạch, mà thường thì mặt quầy trắng trơn - thể hiện sự yếu kém của hệ thống sản xuất và phân phối xã hội chủ nghĩa, đồng nghĩa với sự đói kém protein và no đủ sự bất mãn của nhân dân. Không đủ tự hào nhưng thấy ngộ nghĩnh khi nhớ lại ku trẻ hồi đó nắm giá bán của mậu dịch chắc và cập nhật thường xuyên. Trong nhà có mấy bác gái, muốn biết hôm nay mậu dịch bán thịt, cá... bao nhiêu, cứ ới từ trên gác xuống : Hôm nay thịt ... bao nhiêu thế hả Bôm-bốp? Nếu đã có thông tin thì sẽ có báo cáo ngay, nếu chưa kịp update trong ngày thì 5 phút sau có - sau khi vừa chạy vừa hú như cứu hoả xuyên chợ ra chỗ bán hàng nhìn bảng thông báo của mậu dịch : "Hôm nay có : ... 1. Thịt ... 2. Cá ..." . Rồi chuyện đi mua gạo xếp gạch, chuyện nắm thông tin từ các cô mậu dịch là mấy giờ có gạo về, có thịt về để báo các bác mang tem ra mua không hết ...


Trong khi khu chợ của nhà nước đặc sệt màu sắc phân phối - xin cho - thì ngược lại - khu chợ tạp của nhân dân, thường có 2 dạng : quầy hàng cố định của các bà thuê dài hạn, và ô bán hàng của những người chạy chợ nay đây mai đó, khu vực này thường là hàng tươi sống. Sức sống từ khu chợ của nhân dân vẫn luôn thắng thế khu phân phối mậu dịch của nhà nước. Như một lẽ tất nhiên, nhưng thời đó, không phải ai cũng hiểu được bản chất này, nên có người vẫn cố tình kiểm soát mọi thứ để nhà nước làm tất tật, chăm lo tất tật cho nhân dân, kể cả nghĩ tất tật hộ nhân dân. Nhớ ngày ấy, một việc thường xuyên của ku trẻ là đi mua trầu không và vỏ ăn trầu cho bà nội. Rất quen hàng, và quen cả người bán, quen cả chuyện mặc cả như một lẽ tất nhiên phải làm, dù cứ cách ngày đi mua 1 lần, giá thì vẫn thế, nhưng trẻ con 5 tuổi thì vẫn cứ phải mặc cả. Hồi đó có 2 hàng trầu cau, bà dặn mua ở hàng ngoài thì sẽ luôn mua ở hàng ngoài.


Lan man sang chuyện ăn trầu một chút. Để bà nội ăn trầu, còn có 1 bình vôi tôi nhỏ nhỏ để ở góc sân, mỗi khi hết vôi, bà lại sai ra lấy vôi trong bình bỏ vào ống vôi, rồi về cũng ngoáy trầu trong ống cho bà để bà ăn vì bà móm mém hết cả làm sao nhai. Vậy là cái ống nhỏ nhỏ được làm bằng đồng + một đũa sắt vuông nhỏ cứng sẽ làm hàm răng thay bà rã cho giập miếng trầu trước khi hương vị của nó được con người cảm nhận. Thỉnh thoảng vào mùa không có cau tươi, bà phải ăn cau khô, có vẻ không ngon bằng cau tươi. Hôm nào hết một trong vài thứ làm nên miếng trầu mà bà quên chưa sai thằng cháu đi mua, thì miếng trầu hôm ấy sẽ thậm nhạt nhẽo và thậm vô vị.


Quay trở lại chuyện lang thang ngang dọc chợ Hôm, đến tận bây giờ vẫn nhớ gần dãy hàng trầu không có bà bán đậu phụ nướng. Lúc nào đi qua cũng thấy nghi ngút khói và những mẻ đậu phụ nướng vàng sẫm. Gần đó lại có bà bán bỏng đường - có lần bà này và bà nội đã nặng nhẹ với nhau vì sao bỗng dưng bán đắt cho thằng bé không như mọi ngày. Rồi dãy hàng hoa ngồi ngay cổng chợ phía Trần Xuân Soạn, như một lời chào đầy màu sắc và nồng nàn hương đón khách ngay từ khi bước chân vào chợ. Góc kia thỉnh thoảng lại có người ăn xin đứng hát rầu rĩ để mong nhận được sự cảm thông của khách chợ. Tuổi nhỏ cũng hay đi xem cãi nhau ở chợ. Nhất là khi mấy đứa trẻ con trong phố nghỉ hè không biết làm gì thì hay lượn chợ, hoặc thủ 1 chai 0,65 đổ đầy nước ở nhà theo các anh lớn đi đổ ve. Lang thang mãi lên phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt,... đến tối mịt cả nhà túa đi tìm, mới túm được vẫn lọ mọ dưới gốc cây sấu già. Về ăn đòn là chuyện tất nhiên, nhưng bà nội sẽ lại bênh, sẽ lại dỗ dành, và sẽ lại cấp kinh phí cho đi ăn vặt. Nhớ có lần mới bị đánh 1 roi, bà đã dúi ngay cho 1 đồng, chạy tít ra đầu phố ăn chè. 1 đồng / 1 cốc thạch. Rồi nhớ có lần chơi trên xe ô tô của bác đỗ trước cửa, bất kể hàng quà nào đi qua cũng phải vòi được bà mua cho ăn bằng được. Cả chiều ăn đủ thứ, nào là ổi do 1 cô trẻ trẻ gánh qua, nào là kẹo mạch nha vừa kéo vừa tạo hình, nào là bông đường quay quay của chú xe đạp với cái thùng gỗ vuông phía sau, lát lại có bà hàng kem đẩy xe qua, rồi tí lại có ông 9 tầng mây bắn phập phập ... Mà kỳ lạ là cái thời ấy ăn lung tung thế sao không bị đau bụng, chẳng bù cho bây giờ ...


Quà rong thời ấy cũng phải kể đến những món có thể gọi là ước ao của các ông bố bà mẹ và trẻ con thời bao cấp. Ví dụ : sáng được ăn phở, chiều làm 1 quả trứng vịt lộn, uống philatop theo sở thích, ăn sữa bột, ăn gà hầm thì phải để đến khuya, hàng xóm đi ngủ rồi mới hầm và mang ra ăn, lúc ăn người lớn vừa ăn vừa nhắc trẻ con được nói to sợ lộ. Ăn xong, xương phải đem gói kỹ vào giấy báo, nhét vào giữa sọt rác kẻo hàng xóm biết lại thắc mắc lối sống tư sản. Nhà đã chẳng bị công an và bảo vệ khu phố khám nhà một lần rồi đó sao, kiểm tra từ thùng gạo, đo từ thùng phuy dầu, xem từ những chỗ khả nghi xem có tàng trữ đầu cơ hay không... Ôi một thời! Chuyện ăn sữa bột mới kỳ thực trẻ con, anh em trong nhà mỗi đữa 1 chén sữa bột và 1 thìa nhỏ, ăn thì ít mà ngậm vào mồm đuổi nhau trên gác trong sân dưới nhà để phun sữa bột vào người nhau thì nhiều. Quả thật cái thời ấy sung sướng hơn nhiều gia đình. Rồi mấy ông anh lại hay có trò tẩm mì (kiểu mỳ ăn liền bây giờ) vào nước đường đặc quánh, rồi bỏ vào chảo rang ròn. Lúc này sợi mì xoăn và ánh lên màu mật ong, thơm phức, đem bỏ vào hộp mứt tết, chuồn sang ngõ nhỏ bên đường vừa chơi vừa ăn. Cuộc sống chợ búa cũng khiến hai ông anh lúc đó nghịch ngợm đến mức ghê gớm, rất tiếc bị thằng em phát hiện và "xì" với bà nội chuyện dính nhựa đường vào cây gậy dính ve, rồi thò vào dính tiền của bà nội để trong rổ... Và thằng em tố cáo luôn, khỏi phải nói 2 ông anh "chim cú" thế nào. Bây giờ 2 ông đó đều thành người cả, một người đã nhận bằng Tiến sỹ cách đây 4 năm, giờ đang giữ vị trí Cục trưởng một Cục quan trọng của một Bộ. Ai mà biết được thuở ấu thơ :-)


Nhắc đến gậy dính ve mới nhớ và thèm lại được cảm giác mỗi lần phố chặt cây trước mùa mưa bão. Phố toàn cây to cổ thụ, mỗi lần chặt cành là cả một quãng đường ngập trong cây và lá. Trẻ con tha hồ ngụp lặn trong đám cây, gặp đúng cảm giác yêng hùng của bầy đàn giữa rừng xanh. Rồi cũng rủ nhau đi trèo cơm nguội, bắn ống phốc. Bắn được chúng nó thì ít, mà bị bố mẹ cho ăn roi thì nhiều. Không chừa. Thế mới hay lớn lên thuần tính đi nhiều... Chợt nhớ hồi 5 tuổi đi mẫu giáo. Buổi sáng không rõ giận dỗi gì bố mẹ mà không chịu ăn sáng. Không ăn sáng thì vẫn phải đi học như thường. Xót cháu, khoảng giữa buổi bà nội lại mang qua nhà mẫu giáo một củ khoai lang to đưa vào lớp. Ku trẻ ăn một lúc rồi chán, còn lại một nửa, kiên quyết không cho đứa nào. Có thằng Linh nhà cùng phố cách 3 nhà (mẹ thằng này rất hay doạ trẻ con, đứa nào cũng sợ, khi bà ấy trừng mắt lên thì khiếp đảm còn hơn gặp ma) xin anh cho em ăn nốt củ khoai. Khá là dã man khi thả ra 1 nửa củ khoai ăn dở cho thằng bé, với 1 điều kiện : Mày phải chấm củ khoai vào cái đám mọt gỗ rơi ra từ gầm tủ của nhà mẫu giáo thì tao mới cho mày ăn. Không rõ vì nó thèm khoai, hay vì nó sợ cái uy của thằng lớp trưởng là ku trẻ, mà nó ngoan ngoãn cầm khoai chấm vào mọt rồi cho vào mồm... Nhắc đến chuyện làm lớp trưởng, lại thấy quyền uy thuở mẫu giáo được thể hiện qua việc đi chia bát ăn cơm hàng ngày. Mỗi đứa đến bữa được lớp trưởng đi phát cho 1 bát sắt tráng men, rồi sau đó cô giáo sẽ đi qua múc cơm, thức ăn bỏ vào bát, gần cuối bữa thì có 1 đợt nữa cô đi qua múc canh bỏ vào bát. 4 in 1. Ku trẻ luôn tận dụng quyền uy đi chia bát để sắp xếp, ban phát cho đứa nào hôm đấy được lòng sẽ nhận được chiếc bát hoa chứ không phải bát tráng men xanh 1 màu. Ngày ấy trong lớp mẫu giáo, được ăn bát tráng men hoa thật sự vĩ đại ...


Tháng ngày thở dài, thành phố mở toang cho tương lai đánh sập quá khứ ...


Bà nội giờ đây cũng đã xanh cỏ nhưng sự yêu thương của bà, giọng nói của bà, hình dáng lụ khụ của bà những ngày cuối ... sẽ vẫn tồn tại mãi trong lòng cháu nội... Xin rơi xuống một giọt nước trong lòng mong bà yên lòng ở nơi xa ấy... Ngày nay chợ Hôm - Đức Viên đã được xây lại khang trang, tuy không hẳn đã sạch sẽ và văn minh, hàng rong cũng đã bớt đi nhiều. Những ai đã thấm vào người việc ăn quà hàng rong sẽ rất khó từ chối thứ văn hoá ẩm thực vỉa hè, và cũng rất khó cho những ai không trải qua một tuổi thơ gắn bó với quà phố như thế có thể hiểu và hình dung tầm quan trọng của văn hoá phố phường và quà phố Hà Nội.


Tuổi thơ và quà phố Hà Nội, chắc sẽ còn trở lại - ít nhất là qua những trang viết như thế này!




Hà Nội 12/12/2006
N.Q.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét