Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

La cà vỉa hè Hà Nội 3 : Kà fê - Trà chén


"Kà Fê-Trà chén"

Lâu rồi tôi mới trở lại Series La cà Vỉa hè Hà Nội. Biết đâu một ngày nào đấy Series này sẽ lại được sử dụng như một chút thông tin tham khảo về Hà Nội của một thời - thời không còn khốn khó nhưng chưa giàu và chưa hẳn đã văn minh.

Hà Nội của những ngày cuối 2006 đã thay đổi nhiều so với Hà Nội của những năm khốn khó 1986. Thưở ấy, người già và trẻ con hay ngồi trước cửa nhà nhìn vài người lơ thơ đạp xe qua lại, hãn hữu lắm một chiếc xe máy Honda 67, hoặc Simson, hay Babeta, mà cũng có thể là Peugeot cà tàng vè vè lướt qua. Thưở ấy, trẻ con hay được huy động đi xếp gạch ở cửa hàng gạo để chờ người lớn ra mua khi đến lượt viên gạch của mình nhích đến trước quầy hàng. Thưở ấy, nhà nhà mặt phố đóng cửa im lìm, hộ cán bộ có nhà mặt phố phải năn nỉ xin đổi cho cụ già ở tầng 2 xuống ở căn hộ sát mặt phố để được lên tầng 2 yên tĩnh hơn và đỡ bị hàng xóm dòm ngó. Mà thật ra, thời đó đường phố yên tĩnh lắm, trẻ con chạy đuổi nhau thoải mái dưới những trận mưa lá rụng mỗi khi có cơn gió mạnh thổi qua, và buổi tối, nhà nhà lại kéo nhau ra ban công hoặc ra vỉa hè ngồi quạt phành phạch vì cả khu phố mất điện. Leo lét góc phố, đầu ngõ chiếc đèn dầu đặt trên chiếc bàn gỗ vẹo vọ bé xíu là hàng nước của bà cụ già....

Một thời Hà Nội đã định hình và tạo ra văn hoá trà chén, văn hoá ngồi xổm trên ghế đẩu mini để ăn và uống, một thứ văn hoá vỉa hè tiếp nối tập tục sinh hoạt làng quê - chợ quê không thể nào khác hơn. Không hiểu vì sao, cho đến nay, giữa muôn vàn nhà hàng máy lạnh kính trong phục vụ kiểu cách, thì văn hoá ngồi xổm vỉa hè xụp xoạt bát ăn bát thèm vẫn không hề bị áp đảo, có lẽ bởi nó đã gắn liền với một thế hệ người Hà Nội - nhất là tầng lớp thanh niên lúc đó.

Trở lại chuyện Kà Fê - Trà chén thời nay - hay series Uống, ta mới thấy nó cũng công phu và kiểu cách chẳng kém chuyện Ăn. Trước đây, trong thời khốn khó, người ta trọng Ăn cho no, Uống là phụ, uống thế nào cùng xong. Bây giờ, Ăn và Uống cũng lắm công phu. Nhắc lại chuyện Uống trước đây, vẫn nhớ những xe đẩy mậu dịch bán sirô 2 đồng / 1 cốc, đôi khi uống sirô phải mua kèm bánh quy (hoặc ngược lại). Rồi lại nhớ dọc đường vào khu tập thể mới - niềm tự hào một thời của Hà Nội - khu Thanh Xuân Bắc hay có các xe đẩy bán Nếp đá. Giữa trưa Hè, hai anh em mệt nhoài gò người trên chiếc xe Cuốc lướt qua mấy xe giải khát mới chịu bỏ tiền ra uống 1 cốc Nếp đá chỉ vì "hàng này còn có chút đá lạnh". Đá lạnh giải khát thời ấy cũng khan hiếm như gạo như thịt...

Nhắc đến Kà Fê - Trà chén Hà Nội, xin nhắc đến những quán vỉa hè bình dân trước, xin ưu tiên cho những gì của một thời. Thuở sinh viên Xây dựng, năm thứ Hai, cả đám con trai hay rủ nhau lên quán Sinh viên trên tầng 2 một ngôi nhà trên đường Đinh Tiên Hoàng. Quán bé, khói thuốc mù mịt, xin thề cả chục lần lên quán chưa từng có may mắn được ngồi ở bàn ngoài ban công - chỗ ngồi đỉnh cao trong sự tôn vinh ngầm của đám sinh viên. Cũng có lẽ bởi thế mà những ai may mắn vớ được chỗ ngồi ngoài ban công bé tẹo - vỏn vẹn được 4 người ngồi, có thể ngắm toàn cảnh hồ Gươm và dòng người đi dưới đường - sẽ ngồi mọc rễ như trêu ngươi cái đám thèm thuồng lố nhố trong phòng bí rì và nức nở khói thuốc. Tuy nhiên, hiện diện nơi đây cũng làm người ta hưng phấn hơn, và thích thú hơn và đôi khi tự hào "rởm" khi thấy mình chen chúc trong đám sinh viên Hà Nội, thằng nào cũng đeo 1 cái bị chữ nhật dẹt thay cặp, mà nói vui thì thêm cái kính đen và cây batoong cùng dăm chục bước băng đường sang bờ Hồ là có thể kiếm ăn được!

Sau vài năm, có 1 địa chỉ đình đám của giới sinh viên Hà Nội : Kà Fê Sân Ga. Quán nằm trên đường Lê Duẩn, đối diện cổng phụ công viên Lênin. Muốn vào uống kà fê nghe Rock thì gửi xe đạp bên vỉa hè công viên, băng qua đường tàu hoả, vào quán thoải mái nghe. Rock lúc ấy vẫn còn là thứ nhạc được xã hội cảnh giác cao vì quan niệm nó dễ gây kích động và khiến thanh niên nổi loại, học đòi theo bọn tư bản ... Nhắc đến đây lại nhớ những lần hội lớp đại học đi xem Rock ở Trung tâm Phương pháp CLB Trung ương - chỗ tượng đài vua Lê bây giờ. Hồi những năm 1990, ở đó có 1 sân khấu, thỉnh thoảng có chương trình Rock do các ban nhạc sinh viên biểu diễn. Cả lũ đi ngang qua, thấy họ kê 1 cái bảng đen ra sát vỉa hè, phía trên chong 1 cái bóng đèn 100W, trên bảng ghi vài dòng chữ : "Chương trình tối nay :...ABC...". Nếu thấy có Rock, và có ban nhạc thì sẽ tìm cách xoay tiền để vào xem. Rồi có những chương trình kỷ niệm ngày mất của John Lennon, cũng khá đông, có hôm lại thấy cả mấy thầy giáo của mình cũng đi xem, cũng chen chúc, mới thấy đám kiến trúc - xây dựng đã bị Rock "đè" thế nào... Bây giờ thì sân khấu đó đã được phá đi để trả lại khuôn viên rộng thoáng cho vua Lê đứng trỏ gươm và nhìn thẳng ra hồ. Sáng sáng tại đây, thay vì sinh hoạt Rock, lại có khá đông thanh niên Hà Nội tới để tập thể hình với đồ nghề được bày ra trước vỉa hè và bờ hồ. Đúng là không gian vỉa hè đã trở thành không gian văn hoá đường phố không dễ xa ...

Nhắc đến Kà Fê, cũng nên nhắc đến mấy quán như Lâm (bây giờ tranh xấu quá), được cái không gian cũ kĩ, mờ mờ. Khoảng nhà trong làm lại phần mái, treo mấy cái cây leo rởm của Trung Quốc trông sến thậm là sến. Những hôm quán đông, bà con lại tràn ra vỉa hè ngồi, xôm ghê! Rồi quán vỉa hè chỗ đường Nguyễn Du, đối diện hồ Thiền Quang, buổi tối mùa hè đông nghịt. Ban ngày ta ngồi dựa tường nhìn nhân dân đi lại, khi buổi sớm mùa đông mặt hồ bảng lảng sương, khi chiều hè tìm chút hơi mát dưới tán cây và màu xanh của mặt hồ, khi mùa hoa Sữa lại tràn căng lồng ngực tận hưởng thứ trời cho Hà Nội mỗi năm một lần. Cũng nên nhắc đến một số quán đã thuộc về di sản kà fê của Hà Nội như kà fê Hàng Cá - vừa đặc vừa "giết" chết ngọt ngào những ai không quen uống kà fê. "Giết" có thể hiểu theo nghĩa đen. Rồi kà fê Năng, quán nhỏ, phố nhỏ, cầu thang nhỏ, không gian nhỏ, một Hà Nội kà fê thu nhỏ!... Rất nhiều, còn rất nhiều quán nữa...

Thời nay, không nhắc đến kà fê máy lạnh du nhập ngoại lai, vẫn còn vô số kà fê Hà Nội đang âm thầm duy trì và phát triển dòng chảy văn hoá ẩm thực vỉa hè Hà Nội. Kà fê Tonkin trên phố Lý Thường Kiệt duyên đến lạ lùng. Quán nhỏ, chỗ ngồi ít, thức uống đơn giản mà lúc nào cũng đông khách đến lạ. 90% người đến đây ngồi vì bầu không khí vỉa hè ốn ào của nó. Tối tối chiều chiều, vài người bạn gọi vài cốc kà fê, ngồi quây quanh chiếc ghế nhựa cao nay được dùng làm bàn, chuyện trò tán gẫu, xung quanh rôm rả là chuyện đời, chuyện người, bỗng thấy những kà fê máy lạnh hào nhoáng đắt tiền cuối cùng cũng chỉ là bát nước ốc nhạt, vì nó không có cái hồn, không có đời sống, đó chính là những cái hộp bên trong chứa đựng những con búp bê, là nơi để những con búp bê khẳng định rằng chúng chính là barbie hàng hiệu, phải được bày trong tủ kính để người khác ngắm nhìn, và chúng lấy đó làm tự hào. Ai biết được. Ai hiểu được. Ai hay!

Tôi nhớ lần đi qua thành phố Galway của Ireland - quốc gia văn minh và có thu nhập bình quân đầu người 36.000USD/năm - cao thứ 3 thế giới, khi hỏi anh bạn là giảng viên trường đại học DCU nơi đâu là nơi nên đến để hiểu về thành phố, để được tận hưởng hơi thở của đời sống thành phố,..., anh bạn đã nói ngay : ở Dublin thì nên đến khu Temple Bar, ở Galway thì nên đến khu Quays. Và quả thật, lang thang trong một buổi tối thứ Bảy tại Quays mới thấy mình sẽ vô cùng thiếu sót nếu không tới đây. Tràn ngập một không khí đường phố - nơi người dân đi bộ hay đi xe đạp tới dựa vào gốc cây, cột đá rồi cùng nâng lên những vại beer lớn và vui vẻ trò chuyện với nhau. Mỗi quán là một cộng đồng nhỏ đứng, mọi người đứng ngồi thoải mái trong nhà - ngoài đường, thoải mái tư thế, thoải mái chuyện trò, thoải mái bỏ quên mọi ưu phiền của cuộc sống. Đâu đó những nhạc công đứng đàn violon, thổi kèn, có cả những sinh viên lập band nhạc biểu diễn ngoài đường phố để kiếm tiền ăn học, rồi những cô gái, chàng trai mạnh mẽ và khoẻ mạnh rảo bước trong trang phục thật thanh xuân chỉ ra khỏi nhà sau 21h để hoà nhập với không khí đường phố,... Rồi những nhóm thanh niên nhảy nhót trong tiếng nhạc trên vỉa hè, tuy ồn ã nhưng cũng thật thanh bình... Chẳng hề có bóng dáng cảnh sát, chính quyền quản lý trật tự qua những camera được gắn kín đáo trên cao. Những vị khách du lịch chụp hình với những bức tượng danh nhân được tạc trong các tư thế tự nhiên của đời sống, chẳng đứng nghiêm giơ tay vẫy, mà cũng chẳng phải dáng chân bước đầu ngẩng cao... Phải chăng, để tạo ra một văn hoá đường phố văn minh, thì từ những yếu tố nhỏ đến lớn - yếu tố nhân tạo và tự nhiên, con người và cách ứng xử, tư duy của nhà quản lý và chính quyền... đều cần được chú ý và đảm bảo mục tiêu cuối cùng vì con người, vì sự hạnh phúc của nhân dân.

Viết đến đây tôi lại thấy buồn khi nhớ lại Sofitel Metropole Hanoi đã phải chật vật để được phép mở quán kà fê vỉa hè trước cửa khách sạn - chỉ với mục đích tái tạo một góc khung cảnh những quán kà fê vỉa hè Paris - mà Paris là đô thị ánh sáng và văn minh hàng đầu của thế giới ...
Hà Nội, một ngày mới đang bắt đầu...


24/11/2006
N.Q.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét