Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

La cà vỉa hè Hà Nội 6 : Dòng sông Mẹ


"Dòng Sông Mẹ..."

Ra đi từ lúc trăng tơ, trăng một miền hoa cỏ
Trăng lên đầu cửa ô xa vẫn chưa mờ
Im nghe lời Thủ Đô chào, ôi lời mừng đông đảo
Đi trong lịch sử dân ta, luống nghẹn ngào...

(Trích Trường ca "Con đường cái quan" của Phạm Duy)

Hà Nội - thủ đô của một dải đất uốn mình phơi phới bên bờ biển xanh. Trên dải đất ấy ngang dọc là những dòng sông. Hình ảnh dòng sông - mặt nước - con đò đã lan toả vào tâm thức của nguời Việt ta, và từ đó ào ạt tràn vào văn chương, nghệ thuật, tạo hình và chi phối nhiều chiều cạnh của cuộc sống người Việt.

Không hề chủ quan nếu cho rằng mỗi đô thị lớn của chúng ta đều gắn bó với những con sông. Hà Nội sẽ ra sao nếu thiếu sông Hồng, Sài Gòn - Gia Định sẽ thế nào nếu thiếu sông Sài Gòn, Đà Nẵng sẽ chẳng đời nào chịu để mất sông Hàn, rồi còn rất nhiều, rất nhiều Hải Phòng với sông Tam Bạc, Cần Thơ với bến Ninh Kiều nức tiếng trên sông, Vinh với dòng sông Lam thật nhiều ký ức... Với các đô thị, dòng sông đã mang một sứ mệnh lịch sử - sứ mệnh tạo thị trong thời buổi trên bến dưới thuyền, và trong một giai đoạn dài sau này dòng sông tiếp tục đóng vai trò là mạch máu đem nguồn sống đến để nuôi lớn các đô thị. Ngày nay, những dòng sông tiếp tục được người đời ca tụng vì vẻ đẹp của nó trong việc tạo dựng hình thái đô thị và khơi nguồn cảm hứng cho nghệ thuật.
Khác với Sài Gòn có hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt như mạch máu của một cơ thể luôn luôn chuyển động, Hà Nội của tôi khiêm tốn hơn về hệ thống, nhưng tuyệt nhiên có chiều sâu hơn ở cá thể. Khó ai thống kê hết đã có bao nhiêu câu thơ, lời hát, áng văn, bức hoạ, góc ảnh... đã đưa dòng sông Hồng chảy lan toả vào tâm thức và trái tim của người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung. Với tôi, sông Hồng đã ấn tượng ngay từ thuở nhỏ bởi sự mênh mang và gấp gáp của dòng sông trong mùa nước lũ. Thuở bé khi đi qua cầu Long Biên đã thắc mắc hỏi bố sao người ta lại làm cái hình chữ V ở bên cạnh cầu làm gì? Bố giải thích bảo rằng để chắn cho dòng sông không làm hỏng cầu. Thật khó đối với một đửa trẻ học lớp 1 để hiểu chuyện này. Rồi nhớ lại ngày ấy tôi luôn đặt ra trong đầu một câu hỏi về nơi bắt đầu và kết thúc của dòng sông. Nước từ đâu chảy đến? Nước sẽ chảy đi đâu? Lên lớp 4, cô giáo bảo sông Hồng bây giờ đang khoét đất của bên Gia Lâm mang sang bồi đắp cho bên Hà Nội. Trẻ con thuở ấy cũng thấy hơi sợ, thỉnh thoảng được ai đó đèo qua cầu Long Biên thì chỉ mong đi thật nhanh mỗi khi đến gần bờ phía Gia Lâm, vì sợ sông khoét sụp đất sập cầu người trôi theo dòng nước... Lớn thêm chút nữa, tôi hay được lên nhà ông bà họ hàng ở số 6 Trần Nhật Duật - ngay gần cầu Long Biên. Thuở ấy chợ Đồng Xuân không đông đúc và đường phố khá thưa người và sạch sẽ. Mỗi lần lên tầng 2 nhà ông bà, tầm mắt nhìn vượt khỏi con đê một chút sang sân bóng Long Biên và bãi đất bên kia đê thuở ấy còn khá trống trải, tôi cảm nhận được sự xô bồ và bụi bặm của dòng sông vào ban ngày, và sự im lặng đầy đe doạ của dòng sông vào buổi đêm. Dòng sông Hồng lúc này như một người khách tha phương lúc lặng im, lúc ồn ào chảy qua Hà Nội. Dòng sông cô đơn biết quyến luyến hơi ấm và ánh đèn của thủ đô liệu có xuôi dòng chậm chậm lại chút nào hay chăng??? Cũng tại nhà 6 Trần Nhật Duật, vào ngày cưới của bác trai, một đửa mới 5 tuổi như tôi đã đứng cạnh bác trên hàng ghế đầu của xe ô tô đón dâu (thuở ấy mỗi đám cưới chỉ đón dâu bằng 1 xe khách to - thường là loại xe ca 40 - 50 chỗ có đầu và đuôi tròn tròn sơn màu lòng tôm hay đỏ nhạt gì đó - và cô dâu chú rể thường ngồi ở hàng ghế đầu tiên ngay sau chỗ ngồi của lái xe). Ngay trước giờ xe lăn bánh sang nhà cô dâu, trong lúc chờ mọi người lên đủ để đi, bác và cháu cùng tâm sự. Cháu "khuyên" bác rằng : "Tí nữa sang nhà cô dâu, đưa hoa cho cô dâu xong, bác phải khoanh tay chào bà của cô dâu, bố mẹ của cô dâu, phải nói rằng : Cháu xin phép bà, con xin phép bố mẹ cho con đón em con về...". Sau này, chuyện này đã trở thành một giai thoại nhỏ của họ hàng về thằng bé 5 tuổi. Giai thoại này cũng "nổi tiếng" tương tự câu nói khi 4 tuổi khi bác gái và các chị hỏi về việc thích xem phim Liên Xô hay phim Việt Nam chiếu trên tivi đen trắng hơn? 4 tuổi trả lời : Không thích xem phim Liên Xô, vì phim Liên Xô hay hôn nhau, xem hay phải nhắm mắt lại ... :-) Không biết câu "Trẻ không chơi thì già đốn đời" có vận vào cuộc đời mình hay không??? :-)

Lớp 7 - ngày 19 tháng 11 - cả lớp đạp xe đi thăm cô nhân ngày nhà giáo Việt Nam. Tôi không thể quên hình ảnh trong đêm rất tối (ngày ấy cả nước khó khăn, hiu hắt vài bóng đèn đường), giữa vườn hoa chéo chéo ngay gầm cầu Long Biên có một bà cụ già lang thang ngồi cô đơn không nơi đi về. Trong bóng tối và sự vắng vẻ lạnh lẽo của cảnh vật lúc ấy, khi gió mùa đang chớm về, một bóng già liêu xiêu ngồi ôm đầu trên ghế đá giữa vườn hoa không một bóng người đã làm tôi nhớ đến tận ngày nay. Tự dưng lúc đó nghĩ đến bà của mình đang đầm ấm ở nhà với con cháu, thấy hình ảnh trong đêm tối sao thương xót quá. Hình ảnh này đã ám ảnh tôi mãi, với những câu hỏi không có câu trả lời dồn dập kéo đến trong đầu óc vả một thời gian sau này... Vườn hoa này bây giờ được xén hết để mở rộng đường và làm vài cái nhà chờ cho khách đón xe bus và xe chất lượng cao. Không ai còn có thể tìm lại được khung cảnh và cảm giác cô đơn ngập tràn như nơi vườn hoa gầm cầu mà tôi đã cảm nhận được ngày đó. Nhân tiện nói về vườn hoa chéo thì cũng nên nói thêm chỗ đoạn vòng xoay cầu Chương Dương bây giờ, trước đây có một cột đồng hồ được dựng từ thời Pháp. Mỗi khi ông nội đèo xe đạp qua, tôi lại cố gắng xác định mốc thời gian xác định thời điểm tê liệt của chiếc đồng hồ công cộng này nhưng rất khó khăn vì mặt kính đã mờ...
Cũng nhân chuyện này, tôi thấy nên kể thêm để các bạn sau này được biết, trước kia ven vỉa hè một số tuyến phố trung tâm vẫn thường có những lavabo được đẽo bằng đá liền khối cùng với chân đế vuông vức. Người Pháp đã làm những lavabo này để cung cấp nước cho người đi đường với mật độ khá dày đặc tại khu trung tâm. Lavabo được đặt gần sát mép vìa hè, đẽo bằng đá xanh khá cẩn thận, trên có vòi nước, và nghe ông nội kể lại thì từ thời đó, nước ở những lavabo này có thể uống trực tiếp (khi mà dân ta hồi đó trừ những nhà ở khu phố Tây có nước nhà máy, còn lại dùng nước giếng hoặc nước mưa). Tiếc là đến thời tôi thì hệ thống cung cấp nước công cộng này đã hỏng, và sau này vài năm thì người ta cũng dỡ bỏ hết đi.

Lên đến cấp III, ấn tượng sông Hồng nơi tôi là những buổi cùng cả lớp ra bãi giữa sông chơi. Ngày ấy cứ chiều thứ 6 là chỉ học có 2 tiết, gần như cả lớp lại hò nhau đi xe đạp lên cầu Long Biên, vòng sang Gia Lâm thả dốc cầu cho xe chạy như bay, rồi lại gò lưng đạp xe ngược lên dốc để vòng lại chiều sang Hà Nội, Duy nhất ở chiều cầu này có một thang sắt không bậc dẫn xuống bãi. Khỏi nói sự phấn khích của các vị thành niên ngây thơ ngày ấy khi đứng trước bao la vĩ đại của dòng sông Hồng mình thật nhỏ bé. Bên cạnh dòng sông mùa nước cạn vào mùa Hè, cả lớp trai và gái mấy buổi đầu còn ngại, sau thì đều hò nhau xuống sông tắm. Trai tắm riêng, gái tắm riêng. Nghĩ lại cũng thấy tuổi trẻ không biết sợ là gì, khi mùa Hè là mùa lũ về lúc nào chằng hay, mà có đứa dám bơi ra tận giữa dòng lớn rồi vẫy tay gọi cả đám nhao ra... Bên cạnh thú vui tắm sông Hồng, còn có thú vui mót trộm ngô, khoai trồng trên bãi, hôm sau đến lớp lại được bữa liên hoan ngô khoai luộc vào lúc giữa giờ. Lại cũng có hôm cả đám không bơi, không tắm, không mót khoai mà đi ngược lần mò về doi đất cuối bãi phía cầu Chương Dương để xem cuối bãi giữa có gì hay ho. Cũng có lần đám thanh niên ngây thơ nổi hứng không thèm đi vòng sang Gia Lâm, mà bê xe đạp và trèo ngang qua đường tàu hoả giữa cầu sang làn bên kia để xuống bãi. Kỷ niệm gây sợ nhất phải kể đến là lần tôi và 1 cậu nữa cùng lớp phải dẫn 2 cô nàng nhanh tay vặt ngô của lớp trèo thang sắt men theo trụ cầu chui lên mép đường tàu hoả, để từ đó men theo làn xe về Hà Nội. Lý do vì 2 cô này tham lam quá, vặt những thứ người ta không cho vặt, vì thế họ doạ sẽ giữ lại bãi để phạt. Vừa leo trèo từ bãi lên mặt cầu, vừa động viên 2 cô run lập cập mặt tái xanh - trong lúc hội lớp còn ở lại đánh lạc hướng cũng là một kỷ niệm không thể quên...

Vài năm sau lên đến đại học, hồi năm 2 cũng có lần 4 đứa chơi thân với nhau cùng lớp kiến trúc lại rủ nhau ra bãi giữa. Lần này thì đi xe đạp ngược lên đầu bãi kia - phía hướng lên cầu Thăng Long. Đi miết rồi cũng tới, chẳng có ai ngoài một chiếc thuyền của một gia đình đi sông cắm neo đầu bãi, và một chú chó nhỏ mến khách ngơ ngẩn đứng nhìn. Vứt xe đấy chơi, vẽ, đùa thoải mãi không có ai xét nét. Cả khu mỏm đầu bãi rộng lớn chẳng còn ai ngoài bốn thanh niên. Bây giờ các bạn sinh viên chắc không có sở thích vui chơi thế này. Quanh quẩn thì quán xá hoặc lướt đường ngắm người. Mỗi thời mỗi khác, nhưng thật tiếc cho những ai không biết làm phong phú đời sống của chính mình.

Sông Mẹ.

Gần ngàn năm đã qua để Mẹ bồi đắp và nuôi lớn đứa con Hà Nội của mẹ??? "Nó" ngoan hay hư? Đã mấy lần "nó" làm Mẹ phải buồn phiền vì những hành động thiếu ý thức của những người Hà Nội? Đã mấy lần Mẹ phải oằn mình khi những gàu máy xúc khai thác cát vét đi lớp da của mẹ dưới lòng sông và để lại những hố xoáy sâu hoắm trong lòng Mẹ? Đã bao lần người ta đổ đất, đóng kè vào lòng mẹ để mở rộng đất làm nhà sinh sống? Đã bao ngàn lần người ta thả những thứ thải ra từ cuộc sống lên bề mặt của mẹ???

Sông Mẹ.

Gần ngàn năm qua Mẹ vẫn đủ bao dung để luôn mang đến mạch sữa phù sa cho đứa con Hà Nội. Đã bao lần mẹ tự hào vì con của Mẹ? Đã mấy lần Mẹ vẻ vang chứng kiến chiến thắng oanh liệt của con Mẹ trước kẻ thù xâm lăng? Chắc Mẹ cũng khóc thầm vào ngày quân Pháp ngang nhiên đi thuyền trên sông Mẹ dùng đại bác bắn phá chiếm thành Hà Nội và tổng đốc Hoàng Diệu đã phải hy sinh? Chắc Mẹ sẽ tự hào vì những người con Hà Nội đã làm rạng danh cho Thủ đô, và cả những người con phương xa đã hy sinh và làm rạng danh cho Hà Nội??? Mẹ sẽ luôn tự hào vì có những đứa con như thế, vì có một Hà Nội như thế!

Sông Mẹ

Trong suy nghĩ của tôi, sông Hồng luôn luôn cho mỗi người đã từng sống với nó một niềm hạnh phúc hay khổ đau trong sự gắn bó một cách vô thức với dòng sông và thành phố. Dù chỉ là những niềm vui nho nhỏ hay một cảm giác mênh mang vĩ đại khi đứng trước dòng sông Mẹ, thì tôi cũng luôn cảm nhận được ân huệ mà sông Mẹ mang đến cho những đứa con Hà Nội như tôi, cho thành phố và cho một phần nền văn hoá nghệ thuật nước nhà. Và với riêng tôi, những ký ức và kỷ niệm đẹp với sông Mẹ đã góp phần nuôi lớn một tâm hồn Hà Nội ...


Hà Nội, ngày 20/12/2006
N.Q.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét