Thứ Hai, 1 tháng 6, 2009

Dọc đường SSEAYP2007 - kỳ 1 : Mở đầu tại Tokyo


Bắt đầu cuộc hành trình SSEAYP 2007

Ship for Shoutheast Asian Youth Program (SSEAYP) là chương trình giao lưu thanh niên quốc tế hấp dẫn nhất của Thanh niên Việt Nam hàng năm. Chương trình do Chính phủ Nhật Bản tài trợ kinh phí (mỗi năm khoảng 7 đến 10 triệu USD) để đón các thanh niên ưu tú đại diện cho thanh niên các quốc gia ASEAN tới tham gia. Tham gia đối tác tại các nước ASEAN là Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên của mỗi nước.

Mỗi năm, một Quốc gia ASEAN được cử tối đa 28 thanh niên ưu tú và 01 Lãnh đạo Quốc gia tham gia chương trình, cùng với 40 thanh niên Nhật Bản. Các đại biểu thanh niên quốc tế sẽ cùng trao đổi, thảo luận về các chủ đề thanh niên, xã hội, văn hoá,..., cùng tham gia các sinh hoạt thể thao - văn hoá, biểu diễn văn nghệ, triển lãm và giới thiệu những đặc sắc văn hoá và phong tục của mỗi Quốc gia, tới thăm các địa điểm có liên quan tới các chủ đề thanh niên do BTC chuẩn bị. Năm 2007, lần đầu tiên 330 thanh niên đến từ 11 Quốc gia sẽ tham gia Diễn đàn Thượng Đỉnh Lãnh đạo Thanh niên ASEAN được tổ chức tại Cung Olympic Thanh Niên Nhật Bản tại Tokyo. Toàn bộ 330 thành viên của chương trình sẽ được chia thành 11 nhóm Đoàn Kết (Solidary Group), mỗi nhóm 29 người gồm thành viên của cả 11 Quốc gia, để tham gia các hoạt động trên tàu và ở các Quốc gia.

Điểm hấp dẫn nhất của chương trình là cuộc hành trình trên con tàu Nippon Maru đầy cảm hứng. Với thiết kế cao 8 tầng, dài 166m và rộng 26m, trên tàu có nhiều chức năng của một tàu du lịch cao cấp trên biển như phòng hoà nhạc Dolphin Hall, phòng chiếu phim, Midship Bar, bể bơi, sân bóng rổ, Grand bath, nhà hàng, phòng tập thể dục,..., cùng hàng trăm cabin cho 2-3 khách / 1 cabin với đầy đủ tiện nghi như một phòng khách sạn hạng sang... Tàu Nippon Maru đã trở thành ngôi nhà không thể quên của những thành viên SSEAYP đã từng đi trên nó. Trên tàu sẽ có các hoạt động diễn ra hàng ngày như : Hoạt động Club giới thiệu các đặc sắc văn hoá của từng Quốc gia, các nhóm thảo luận, chiếu phim của mỗi nước, các đêm văn nghệ của từng nước, hoạt động Chào cờ khi tàu tiến vào hải phận của mỗi Quốc gia thành viên chương trình,...
Tới mỗi Quốc gia tàu ghé thăm, sẽ diễn ra lễ đón trọng thể của Quốc gia đó. Hoạt động xuống tàu của mỗi đoàn đại biểu vô cùng thú vị với nghi thức Flag cheer của từng đoàn khi xếp dọc theo cầu thang dẫn từ tàu xuống thềm cảng và làm các động tác tạo hình với cờ của Quốc gia mình theo nhịp hiệu lệnh. Tại từng Quốc gia, các thành viên sẽ được đưa đi thăm các danh lam thắng cảnh tiêu biểu, chia thành các nhóm tới nhiều khu vực của Quốc gia đó để tham gia trực tiếp vào đời sống của cư dân địa phương theo hình thức home stay 2-3 ngày. Toàn đoàn cũng sẽ dự tiệc chiêu đãi của thị trưởng thành phố nơi tàu cập cảng, đồng thời sẽ có nghi lễ tới chào lãnh đạo Quốc gia đó (thường là Tổng thống hoặc Thủ tướng sẽ tiếp đoàn)...

Nhiều cựu thành viên của SSEAYP sau khi kết thúc chương trình đã cảm nhận được SSEAYP đã Change my life! Và tôi sẽ cố gắng mang tinh thần SSEAYP tới với những bạn chưa có điều kiện tiếp cận với chương trình, để cố gắng dựng lên một không gian SSEAYP trên một mặt phẳng của blog này. Biết đâu, một ngày không xa, sẽ có các bạn đứng trên tầng 7 của con tàu Nippon Maru lộng gió, kiêu hãnh trước bạn bè quốc tế và tự hào ngẩng cao chào lá cờ Việt Nam khi con tàu chậm rãi tiến vào cửa sông Sài Gòn, hoặc len lỏi giữa kỳ vĩ đảo đá của Hạ Long kỳ quan...

Nhật ký SSEAYP sẽ được bắt đầu từ hôm nay - 21 tháng 10 năm 2007!

WELCOME!

-----------------------------------------------------------------------------------

Ngày 22 tháng 10:
11h05 (giờ Hà Nội) : Bay cùng Cathay Pacific tới Hongkong, transit tại Chek Lap Kok rồi bay tiếp với Cathay Pacific tới Narita - Tokyo.
22h00 (giờ Tokyo) : Về tới Sheraton Tokyo Hotel. Sẽ ở đây 03 ngày trước khi rời đi home stay ở Fukushima.

.......................

Và bây giờ, bên này là 1h52 phút, đang online trong phòng 550, khách sạn Miyako Sheraton Tokyo. Xung quanh yên tĩnh quá. Cửa sổ phòng nhìn ra 1 khu vườn nhỏ cây cối um tùm, có cả những cây cổ thụ khá cao và tán trùm hết cả cửa sổ tầng 5. Việc đáng suy nghĩ trong ngày hôm nay là một lần nữa cảm nhận được sự khác biệt về phong cách giữa người Việt và người dân những nước phát triển của Châu Á. Chỉ cần đổi máy bay từ VNA (codeshare với Cathay Pacific) sang máy bay của Cathay là đã thấy một không khí khác. Tuy máy bay của Cathay cũ hơn, đồ phục vụ trên máy bay cũng cũ hơn, thức ăn không vừa miệng bằng VNA, nhưng sao đi máy bay của Cathay vẫn thấy vừa lòng hơn, vui vẻ hơn? Có lẽ do tính cách năng động của những con người mà Cathay đang sử dụng. Trên đường bay đi Nhật có gần 1/2 trong tổng số 10 tiếp viên là người Nhật, số còn lại là người Hoa, người lai Ấn... Tất cả họ đều khiến khách vui lòng, đi lại thoăn thoắt nhanh nhẹn, hễ không bắt gặp ánh mắt của khách thì thôi, nếu đã mắt gặp mắt thì trên miệng họ đã có sẵn một nụ cười. Những tiếp viên người Nhật đã để lại ấn tượng quá tốt, về tác phong, về hình ảnh và sự sẵn sàng làm hài lòng khách - một cách hợp quy luật của nghề nghiệp và thuận với tính cạnh tranh và kỷ luật của một xã hội phát triển, được tổ chức tốt. Có lẽ, trong họ đã có một quá trình hấp thụ văn hoá giáo dục một cách chuẩn mực - nói cách khách là họ có một "phông" văn hoá tốt!

Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ lại hình ảnh những dáng đi thoăn thoắt và cái đầu xử lý tình huống nhanh của những tiếp viên này. Họ có thể sẵn sàng ngồi quỳ xuống lối đi giữa hai hàng ghế để giải thích cho vị khách lớn tuổi một số thông tin trong tờ khai nhập cảnh, họ có thể vui chơi với 2 nhóc 3-4 tuổi khi việc phục vụ khách đã vãn, họ có thể sẵn sàng chạy ra gate đón khách cùng với nhân viên sân bay để nở nụ cười chào bạn ngay từ khi boarding, họ có thể sẵn sàng đưa bạn tới quầy thông tin để bạn tự mình phát thanh lời nhắn bằng tiếng Việt trên cả 1 wing hàng chục gate của sân bay tới những thành viên của Đoàn còn chưa boarding... Tất cả họ đều làm với một nụ cười thật tươi, và những từ đệm trước tên bạn đầy trân trọng như một phản xạ nghề nghiệp : Sir, Lady.. Cho dù người của Cathay trang phục không thật sự nổi bật như tiếp viên của VNA, song hiệu quả công việc thì hơn hẳn.

Đúng là một xã hội được tổ chức tốt, vận hành tốt, cũng sẽ có được những thành viên tương xứng như thế!

Một điều thú vị nữa là chiều nay lúc boarding tại gate 67 của Chek Lap Kok đi Narita, đã gặp Quách Phú Thành hay gì gì đó không nhớ tên, cũng đi cùng chuyến CX500. Mình thì không hâm mộ thể loại Hongkong, nhưng em Hoa đi cùng đoàn thì nhận xét "Sao mà ở ngoài trông đen thế". Chắc hẳn anh này tốn khá nhiều công cho việc tắm ánh sáng để làm đen. Khổ thân em Hoa đã suy giảm phần nào hình ảnh thần tượng, nhưng cũng vớt vát : Đen nhưng mà trông vẫn nét, phong độ!
Cái này thì công nhận, nhìn anh ta rất phong độ!

-------------------------------------------------------------------------------------------------

Ngày 23 tháng 10:

Buổi sáng mấy anh em lượn phố. Đúng là ngày đầu tiên còn ngơ ngác, chưa biết chỗ nào hay để đi, chủ yếu rẽ vào mấy cửa hàng nhỏ. Có cửa hàng 100 Yên, món hàng nào cũng có giá 100 Yên + 5% VAT = 105 Yên. Rồi sang cửa hàng minimart Tokyu, mua cơm hộp về ăn thử. 580 Yên (khoảng 90 ngàn VND) một hộp cơm thịt lợn kho, ăn cũng vừa miệng, nhưng không đủ no. Mua thêm 2 miếng khoai chiên giá mỗi miếng là 14 ngàn VND. Ăn uống đắt đỏ quá. Được cái sạch sẽ và trình bày rất đẹp mắt. Mỗi hộp cơm được design như một hộp bánh trung thu của VN, các ngăn các màu, nhìn tổng thế như một bức tranh đa sắc... Kể ra với thu nhập gấp 50 lần VN, mà 1 hộp cơm sạch sẽ và ăn được như thế này chỉ đắt gấp 5 lần ở VN, thì người Nhật vẫn tươi cười được.

Buổi chiều và tối : Phổ biến thông tin về country program tại Nhật. Tối là khai mạc chính thức chương trình SSEAYP 2007. Ngắn gọn và nhẹ nhàng. Sau đó là tiệc chiêu đãi của Japan Cabinet. Cũng vui. 330 thanh niên từ 11 nước trong 11 bộ đồng phục khác nhau, cũng xếp hàng trong hội trường theo vị trí của quốc gia mình quy định. Đoàn VN được xếp ngay trước sân khấu chính. Giới thiệu đến nước nào, thành viên SSEAYP nước đó đứng lên làm các động tác cheer rất sôi nổi, đúng là không khí thanh niên. Nói thêm là năm nay BTC tặng mỗi thành viên 1 balô vuông màu hồng để dùng trong những ngày SSEAYP, không hiểu thế nào mà rất tiệp màu với màu áo đồng phục hồng sẫm của đoàn VN. Đã nổi bật lại càng thêm nổi bật. Khi tiến vào hội trường đã thấy trên mỗi ghế ngồi có sẵn 1 balô, trong đó có các tài liệu cần thiết. Balô có đính kèm biển tên, tên ai ở đâu ngồi đúng chỗ đó. Rất tiện. Hôm nay, có nhiều lời khen đồng phục của đoàn VN rất đẹp, có người cho rằng đẹp nhất trong 11 đoàn. Quả là bõ công Tuân và em Dương!

Tại tiệc chiêu đãi, ngay khi tiến vào hội trường, đoàn SSEAYP Nhật Bản - với tư cách là chủ nhà, đã xếp hàng 2 bên cửa vào để cheer welcome các đoàn. Việt Nam tiến vào cũng khá phấn chấn, và ngay lập tức chứng tỏ sự hiện diện của mình bằng điệu cheer Tây Nguyên. Tiệc tối nay chỉ có 3 đoàn làm cheer được, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản và 1 nước nào đó không nhớ rõ. Điệu cheer Tây Nguyên của VN khá ấn tượng, được cổ vũ rất "xôm". Lần này ở khách sạn Miyako Sheraton Tokyo, không hiểu sao BTC treo 9 là cờ của Brunei, Cambodia, Indonesia, Laos, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thailand ở hàng cờ trước cửa khách sạn. Riêng cờ VN được treo cạnh cờ Nhật Bản tách riêng ở 1 bên. Cũng có người thắc mắc tại sao lại Việt - Nhật đi với nhau như vậy? Có thể do hết 9 cột cờ nên phải treo riêng, cũng có thể do người Nhật đang chuộng Việt Nam, mà cũng có thể do chuyện cầu Cần Thơ??? Không rõ!

Buổi tối, sau khi tan tiệc, 3 anh em rủ nhau đi ra khu Shinzuku sầm uất của Tokyo chơi. Đi tàu điện ngầm, cũng hơi vất vả vì các line metro của Tokyo khá rối rắm, mà các biển chỉ dẫn, sơ đồ tuyến lại giới thiệu bằng tiếng Anh rất sơ sài. Ga trung chuyển có đến 20 đường tàu khác nhau, lên nhầm tàu thì sẽ rất mệt. Khu Shinzuku khá nhộn nhịp, thanh niên rất thích nơi này, trang phục rất đa dạng, ai là thanh niên khi tới đây đều thấy rất phấn chấn, muốn tham gia vào các hoạt động ở nơi đây. Nói thêm là trên đường tới ga Shinzuku, tàu đi qua ga Harajuku - thiên đường thời trang của các em tuổi teen. Có thể, tối mai sẽ qua đó xem các em teen VN đang mặc theo teen Nhật những năm 2004 hay đã sang được 2005 rồi!

Sáng mai, nhóm DG Education sẽ đi thăm trường tiểu học Ichigaya ở Tokyo. BTC yêu cầu mặc trang phục B (trang phục dân tộc) - Áo dài khăn đóng. Đang thương thảo với người đẹp trưởng đoàn để giải quyết việc này, chắc sẽ chỉ mặc lúc show culture cho các em teen nhí biết thôi. Buổi chiều - cùng với trưởng đoàn - 2 chị em sẽ tới đại sứ quán VN để chuẩn bị cho Exhibition của Việt Nam tại Asean Youth Leaders Summit 2007 sẽ diễn ra vào 29 tháng 10 ở National Memorial Olympic Youth Center của Nhật. Khí hậu Tokyo mùa này rất giống với Dublin tháng 5,6 hàng năm. Hơi lạnh, nhưng khô nên rất sạch. Thoải mái lắm... Tuy nhiên, lang thang ở Dublin thích hơn vì cảm giác thanh bình và khoan khoái hơn.

Mai phải dậy lúc 6h30. Bây giờ đã 3h25.

-------------------------------------------------------------------------------------------------

Ngày 24 tháng 10:

Sáng ngủ dậy sớm để đi thăm trường tiểu học Ichigaya cùng nhóm DG về Education. Xe bus 5-1. Nhóm mình là nhóm đi sớm nhất trong số gần 20 nhóm sẽ toả đi về các trường, các viên nghiên cứu, bảo tàng, trung tâm truyền thông quảng cáo, văn hoá Trà đạo,...

Tới trường Ichigaya, ông hiệu trưởng đích thân ra tận cổng trường đón đoàn DG Education 1 gồm 15 người do NL của Việt Nam dẫn đầu. Đa số thành viên DG mặc trang phục dân tộc theo quy định của BTC là B hoặc C2 costume. Đoàn tiến vào phòng thảo luận giữa 2 hàng welcome cheer và đội kèn đồng thiếu nhi - rất thú vị và tưng bừng.

Phần giới thiệu về mô hình hoạt động của trường Ichigaya do ông hiệu trưởng trình bày có thể tóm lược như sau : trường có 17 lớp từ 1 đến 6. Riêng các teen nhí lớp 1 đội mũ trắng, số còn lại mũ vàng. Cơ sở vật chất thì khỏi nói. Phương pháp giảng dạy rất chú trọng tới rèn luyện kỹ năng sống. Có đến 50% số lớp đoàn đi thăm sáng nay là đang học các môn kỹ năng - thực hành như : làm và vẽ mặt nạ, trồng cây - chăm sóc cây, xếp giấy origami, học thổi sáo tại phòng nhạc, tập kịch tại phòng thể thao lớn,... Việc học lý thuyết cũng khá nhẹ nhàng, điển hình là khi thăm 1 lớp học toán, trên bảng là các con số, cô giáo sử dụng các miếng giấy sticker đáp án của học sinh dính lên bảng và cả lớp cùng hoan nghênh bạn làm đúng, hay "ê" bạn làm sai. Không khí rất sống động. Đây cũng có thể là tính cách và tinh thần thường trực của người Nhật.

Trở lại phòng thảo luận để tiếp tục phần 2 là trao đổi ngắn với một số giáo viên của trường Ichigaya, ngay khi vừa bước ra khỏi Restroom, có khoảng trên chục em học sinh mang vở và bút đừng chờ để xin chữ ký. Thật chẳng khác nào "star" :-), vừa ký cho em nọ đã thấy em kia tới xin chữ ký. Một số em khác thẳng thắn đề nghị xin namecard của mình. Có một em rất quan tâm đến bộ trang phục dân tộc mình mặc, đã đến ngắm kỹ, và hỏi chi tiết về nó, giá tiền, có thể mua được ở đâu, ở Nhật có bán không?..., trong khi các cô giáo thì quan tâm tới chiếc áo dài mà NL Việt Nam đang mặc. Nói thêm là tại khách sạn Miyako Sheraton Tokyo, guest manager tại sảnh lớn tầng 1 là 02 cô người Nhật luôn luôn tươi cười trong trang phục áo dài Việt Nam. Một cô mặc áo dài nhung màu sẫm, 1 cô mặc màu trắng. Chiếc quần trắng đã được may ôm sát hơn, và xẻ thêm 2 túi chéo 2 bên để các cô tiện sử dụng trong công việc. Thật duyên dáng và nền nã. Trong cả mùa Đông, ngày nào các cô cũng mặc. Chiếc áo dài Việt Nam hàng ngày xuất hiện kèm theo nụ cười tươi tắn và cái gập người cúi chào trân trọng của cô gái Nhật tới các du khách quốc tế đi qua khu vực kê bàn làm việc của Guest manager. Hỏi ra thì được biết ông giám đốc khách sạn cách đây 2 năm có lần qua Việt Nam và đã mê mẩn chiếc áo dài Việt. Ngay khi về nước, ông đã đặt may từ Việt Nam những chiếc áo dài mùa Đông, và yêu cầu guest manager tại sảnh chính phải mặc áo dài Việt Nam trong khi làm việc hàng ngày. Thật thú vị!

Trở lại với Institutional Visit tại trường Ichigaya. Ngay sau khi kết thúc phần trao đổi ngắn với các giáo viên. các thành viên DG Education 1 được mời tới phòng thể thao lớn để tham gia Festival mini về văn hoá. Tại đây, các thành viên được mời lên ngồi trước sân khấu, phía dưới là các học sinh lớp 6 sẽ cùng tìm hiểu và trao đổi về văn hoá ẩm thực của các Quốc gia SSEAYP. Đoàn Việt Nam đã giới thiệu về món Phở nổi tiếng thế giới, đồng thời không quên đề cập đến vẻ đẹp của chiếc áo dài Việt Nam và áo dành cho hoàng gia xưa của Việt Nam. Phần các trò chơi truyền thống của Nhật đã được tiếp tục với các góc tái hiện các sinh hoạt thiếu nhi của Nhật, do các em học sinh lớp 6 phụ trách. Góc trà đạo, góc chơi quay gỗ, góc viết chữ cổ,... Cả hội trường khá náo nhiệt.

Bữa trưa : Mỗi lớp sẽ đón 3-4 thành viên của DG Education 1 tới lớp mình ăn bữa cơm trưa. Cơm được nấu tại bếp ăn công nghiệp của trường, sau đó được chia thành các khay lớn và đưa tới từng lớp.
Mỗi lớp sẽ bầu ra 03 học sinh chuyên phần hậu cần. Đến giờ ăn, các em sẽ mặc áo khoác trắng, đội mũ trắng, chịu trách nhiệm múc cơm, rau, cá, canh... ra từng bát theo định suất. Các học sinh còn lại lần lượt mang khay ra lấy đủ các món, sau đó mang về chỗ ngồi của mình và ăn. Suất ăn học sinh hôm nay mà chúng tôi được mời, gồm có 1/2 con cá nục có chiều dày nhỏ bằng 2 ngón tay, 1/2 bát củ cải xào chua ngọt, 1 bát nhỏ canh đậu nấu nấm kiểu Nhật, 1 bát cơm và 1 chai sữa khoảng 100ml. Các học sinh ăn uống rất gọn gàng. Ăn xong tự mang cơm thừa, canh thừa, thức ăn thừa - nếu có - ra đổ vào các âu đựng đồ thừa theo từng loại riêng, xếp đũa và bát bẩn vào khay,... tự dọn chỗ ngồi. Rất trật tự và vệ sinh. Thế mới hiểu tại sao đường phố của Nhật từ đường to tới ngõ nhỏ, gần như không nhìn thấy một cọng rác trên đường. Từ bé người Nhật đã được giáo dục kỹ lưỡng như thế, hẳn sau này việc giữ vệ sinh chung và riêng sẽ thành phản xạ vô điều kiện.
Chiều nay, cùng National Leader tới DSQ Việt Nam để chọn đồ triển lãm. DSQ cho xe ô tô tới đón tại khách sạn. Thiết bị chỉ đường trên xe thông qua hệ thống định vị GSO vệ tinh của Tokyo cũng không hẳn là tốt. Màn hình vẽ ra những tuyến khá vòng vèo, chỉ dẫn đi vào những đường nhánh nhỏ nhưng đảm bảo sẽ thông. Thế mới biết mạng đường và ngõ của Tokyo được theo dõi tốt. Bất cứ khi nào xe đi tới đâu sẽ thấy trên màn hình hiển thị hình vẽ của đoạn đường đang đi, đi đến chỗ vòng cua sẽ thấy trên màn hình vòng cua. Sắp đến ngã 3,4 thì màn hình sẽ thông báo còn bao nhiêu mét nữa là tới, chuẩn bị rẽ sang hướng nào. Thiết bị hiện đại đến mấy nếu không có data và software tốt thì cũng không đạt hiệu quả. Phải khẳng định xe của DSQ có thiết bị tốt, data về mạng giao thông của Tokyo tốt, nhưng software thì còn chưa thật sự đạt mức best. Hệ thống toàn "xui" đi vào đường nhỏ ngoằn nghoèo, vòng vèo mãi mất gần 1 tiếng thì cũng tới được DSQ. DSQ nằm ở khu trung tâm của Tokyo, trên một ngọn đồi, nhà dân san sát 2 bên và khá yên tĩnh. DSQ vừa được xây dựng lại vào năm 2003, do một công ty nước ngoài thiết kế, thấy cũng tương đối hợp lý. Quy mô của DSQ khá, đủ để tạo dấu ấn của một nước Việt Nam đang phát triển. Chuyện ở DSQ là riêng tư và bí mật không nên nói kỹ.... Đoàn SSEAYP Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ DSQ Việt Nam ở Tokyo cho việc dựng một gian triển lãm hoành tráng. Xin cảm ơn DSQ!

Buổi tối, đi cùng National Leader qua Shinzuku và Harajuku. Vui vẻ, náo nhiệt và nhiều ấn tượng. Khu Harajuku quả thật là chốn tiêu tiền. Tuy nhiên, ấn tượng hơn cả là những ngõ nhỏ với các cửa hàng thời trang được design rất độc đáo. Đi lang thang trong những ngõ vắng, ngắm các cửa hàng đã đóng cửa nhưng vẫn để đèn sáng bên trong, cũng thấy một Harajuku khác, khẽ im ắng tạm nghỉ trong đêm nhưng vẫn không quên phô ra vẻ hào nhoáng và kiêu sa thường ngày.

Ngày 25 tháng 10. Lúc 11h sẽ khởi hành đi Fukushima. Chưa rõ tình hình Internet ở đó thế nào. Nếu thuận lợi, sẽ update tiếp thông tin của ngày 25.

-----------------------------------------------------------------------------------

Mời xem tiếp entry sau : Những ngày ở Fukushima
Nhật Thực 2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét