Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

La cà vỉa hè Hà Nội 8 : Đêm Tất niên


"Hà Nội, đêm tất niên..."

Anh đến thăm em đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi

Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em
Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm
Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết ....


(Trích bài hát : Anh đến thăm Em đêm ba mươi - Vũ Thành An)


Tháng 12 trong tâm thức của người dân quê Việt Nam là tháng có nhiều việc phải lo. Lo chuyện cơm áo gạo tiền cho một cái Tết sao cho tử tế và no đủ. Lo chuyện trả và vay sao cho công bằng mọi nhẽ. Lo chuyện tiễn năm cũ với những suy tư và tiếc nuối, hoặc thở phào. Lo chuyện đón năm mới với những kế hoạch và dự định, hay lo toan cho một tương lai đã cận kề. Lo cho của cải và tài sản của gia đình tại nhà và ngoài đồng trong tháng "củ mật" được vẹn toàn ... Tháng 12 quả thực có trăm thứ phải lo, trăm thứ phải quan tâm và trăm thứ cần nhớ đến ...

Đêm 30 - cái đêm tận cùng của một tháng, đêm tận cùng của một năm ấy thường đem lại cho mỗi người một cảm giác khó tả. Trời đất như tối đen hơn, không gian như ngưng đọng dần, vạn vật dường như cũng chìm đắm suy tư như con người. Vũ trụ ngưng luân chuyển, sự vật chuyển động chậm hơn trong đêm 30. Sau cả một năm dài hối hả, đến đêm 30 tất thảy mọi thứ bỗng khẽ khàng cựa mình như đang âm thầm sửa soạn cho bữa tiệc hân hoan tưng bừng đón chào thời khắc thiêng liêng chuyển giao của đất trời. Một năm có mười hai tháng, mỗi tháng có một ngày cuối tháng, song khái niệm "đêm 30" từ lâu đã mặc nhiên được dân gian thừa nhận như cụm từ chỉ dấu cụ thể cho đêm tận cùng của tháng Chạp. Điều này chứng tỏ một vài giờ đồng hồ dịch chuyển trong khoảng thời gian này - giữa không gian và tâm thức của con người - có ý nghĩa quan trọng với cả cộng đồng, với mỗi cá nhân.

Đêm 30 trước hết xin dành suy nghĩ đến tổ tiên ông bà và những người thân thương đã khuất. Vào giờ này, khi con cháu đã tề tựu đông đủ, trên ban thờ gia tiên đã quyện mùi hương trầm, quanh mâm cỗ cúng đã đậm đà sắc màu và hương vị Tết, nơi ngoài vườn đã phong quang gọn ghẽ, chốn góc nhà đã vơi đi bộn bề,..., với lòng thành kính xin dâng đến tổ tiên ông bà bữa cơm tất niên đầm ấm. Trong giờ phút ấy, mỗi người sẽ cảm nhận thời gian chậm rãi hơn, đâu đây quanh ta là ông bà tổ tiên đang mỉm cười viên mãn. Biết đâu nơi góc sân ông vẫn đứng nhìn xa xăm như thuở nào. Biết đâu bên chiếc ghế gỗ cũ giữa nhà bà vẫn bỏm bẻm nhai trầu và nhắc con gái, con dâu nhớ không quên miếng chanh miếng đường trên mâm cơm cúng cụ ... Và trên nhà dưới bếp mọi người như lặng yên hơn, người lớn có những bận rộn và suy tư riêng của mình, trẻ con háo hức và tò mò trông đợi, lứa tuổi mới lớn tư lự rồi chợt như sáng ngời đôi mắt khi thoáng qua trong suy nghĩ vụt thấy bóng dáng của người ấy...

Đêm 30 xin dành suy nghĩ đến những gì đã qua của năm cũ và những ước vọng, tin tưởng vào một năm mới sáng và tốt đẹp hơn. Hy vọng và mơ ước là quyền không ai xâm phạm được của mỗi con người. Cho dù nói ra hay ấp ủ - trước ban thờ tổ tiên hay trước các đấng tối cao tâm linh, thủ thỉ với bạn bè, người thân hay chia sẻ với người mình thương - cho dù lớn hay nhỏ - thì những hy vọng và mơ ước ấy đã được định hình một cách cụ thể trong suy nghĩ của mỗi con người, hay của một cộng đồng. Khi năm cũ đã qua đi và một năm mới sắp đến, không ai không mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn sẽ đến với mình, gia đình, cộng đồng và dân tộc. Đêm 30 - phải chăng là khoảng thời gian có nhiều mơ ước nhất được con người đồng lòng định hình trong cả một năm? Đêm 30 - phải chăng là khoảng thời gian tổ tiên nhận được nhiều thỉnh cầu nhất của con cháu? Đêm 30 - phải chăng là khoảng thời gian con người sống thật với chính mình nhất trong năm? Xin dành sự suy xét và thẩm định cho mỗi người, riêng với tôi - đêm 30 là khoảng thời gian nhiều kỷ niệm tràn về nhất, là khoảng thời gian có nhiều tiếc nuối và day dứt. Nhưng những cánh cửa kết nối quá khứ và hiện tại rồi sẽ đóng trong khoảnh khắc giao thừa, để mùng 1 Tết ta bỏ lại nỗi buồn sau lưng và tiến về phía trước với tâm thế mới trong sự thôi thúc vĩ đại của khí Xuân ngập đất trời.

Hà Nội, đêm tất niên ...

Hà Nội trong đêm 30 khác gì những đêm khác? Đây là một câu hỏi dễ trả lời.

Sự khác nhau này được phân biệt rõ nét hay mờ nhạt, phong phú đa dạng hay thưa thớt... theo độ tuổi và sự trải nghiệm của mỗi cá thể, ở tính cách và tâm hồn đa cảm của từng người. Cảm nhận rõ nét nhất sự khác biệt ở con người, ở sự chuyển động của vạn vật, ở các thuộc tính xác định và vô định của không gian. Mùi, màu, tiếng động, sự rung động của trái tim.. là những gì có thể cảm nhận.

MÙI

Từ chiều 30, tấn công vào các giác quan của con người là bữa cơm tất niên. Người Hà Nội vốn giàu truyền thống, sống cho mình trong 11 tháng và 29 ngày, sống cho người đã khuất trong 1 ngày cuối cùng của năm. Dù có khốn khó đến đâu, dù có vụng về thế nào, thì mâm cơm cúng tổ tiên ông bà trong chiều 30 cũng phải thật tươm tất và đậm đà truyền thống. Con dâu mới về nhà chồng càng phải nết na tháo vát phụ giúp mẹ chồng soạn sửa mâm cơm dâng đến tổ tiên. Vẫn những măng những miến, những bóng những giò như nhiều hôm giỗ, nhưng trong chiều 30, tầm quan trọng của bữa cơm tất niên đã được nhận thức rõ ràng trong mỗi cá thể của gia đình. Không ai vắng mặt, không ai được phép thờ ơ hay coi thường bữa cơm tất niên. Bên bàn ăn tất niên, mỗi người đều có cảm giác thật khác mọi bữa cơm khác với nhiều cảm xúc hơn, ấm cúng hơn...

Đậm hương còn phải kể đến thói quen tắm lá Mùi già trong ngày 30. Đun một nồi nước lớn, thả cuộn thân và lá Mùi già vào nồi, đợi sôi 5 phút, bắc xuống và mang pha vào nước tắm. Một cảm giác khoan khoái dễ chịu khi hương thơm của Mùi xộc thẳng vào trí óc. Thời nay, nếu pha lá mùi vào bồn tắm, nằm ngâm mình trong nước ấm mơ màng tổng kết nghĩ suy 1 năm đã qua - thì chắc hẳn mọi Spa hay dầu thơm L'Occitane cũng phải chào thua! Từ rất lâu rồi, việc tắm lá Mùi già vào ngày 30 đã in sâu vào tâm trí, mùi hương của nó đã vĩnh viễn nằm sâu trong tâm thức của những người như tôi. Sẽ vô cùng hụt hẫng và 30 sẽ không phải là 30 nếu không được chìm sâu khứu giác trong hương của bồn nước tắm lá Mùi. Chắc hẳn cũng bởi lẽ này, mà mỗi dân tộc đã tự bện kết những sợi dây liên kết vô hình cho riêng mình, trở thành một khối thống nhất được cấu thành bởi từng cá nhân thấm đẫm văn hoá và bản sắc Việt.

Đậm hương trong đêm 30 còn là mùi hương trầm. Trong nhà ngoài ngõ, khi ngào ngạt lúc lặng lẽ lan toả một mùi hương không thể lẫn. Tôi từng đọc đâu đó phát biểu của một nhạc sỹ miền Nam về ấn tượng đầu tiên khi ra Hà Nội, đó là cảm giác bàng hoàng đến nghẹn ngào khi bước vào một ngôi nhà miền Bắc - bởi mùi hương trầm - thứ mùi đã quyện vào mỗi bức tường, mỗi thớ gỗ, mỗi viên ngói và vật dụng của ngôi nhà qua hàng chục năm lan toả. Cảm giác này cũng dễ dàng tìm thấy tại Hội An hay Huế - những đô thị vẫn giữ được nét duyên truyền thống của dân tộc trong sinh hoạt. Bản thân tôi đã có những khoảnh khắc không thể quên, trong một buổi tối mùng 3 Tết đi lang thang một mình trong phố cổ Hội An giữa mùi hương trầm ngào ngạt chiếm lĩnh không gian. Và tôi cũng đã bàng hoàng khi bước chân sang phía bên kia chùa Cầu - một thế giới khác hẳn bên này cầu, im lặng gần như tuyệt đối, tối đen như ta vẫn tưởng tượng về trời đất đêm 30. Cảnh vật tương phản qua một cây cầu gỗ cổ có ngôi chùa Nhật Bản nhiều bí ẩn đã gây ấn tượng mạnh đến mức có thể làm ta bủn rủn. Và quả thật, tôi đã bàng hoàng đến sững người trước cảnh vật năm đó. Bây giờ thì không thể tìm được cảm giác này khi Hội An đã phát triển hơn, tôi đã nhiều lần lang thang trong đêm tại nơi cũ nhưng không thể tìm thấy lại cảm giác cũ. Phải chăng tôi đã quá may mắn? Hay không may mắn??? Cách đây 6 năm, lang thang một mình trong phố vắng Hội An những ngày Tết, tôi thầm ước ao một ngày nào đó sẽ có người mình yêu thương bên cạnh, khoác vai nhau đi lang thang và cùng tận hưởng không khí ngọt ngào của phố, của người, của không gian được đóng khung bởi mùi hương trầm và ánh đèn lồng đỏ được treo dọc hai bên con phố hẹp và ngoằn nghoèo - thứ mùi hương và ánh đèn quyến rũ đầy mê hoặc....

Trở lại với Hà Nội, đêm tất niên được ghi nhận tiếp theo bởi : MÀU

Ngập tràn không gian là những vùng tối. Trong đêm 30, nhà nhà sinh hoạt hướng nội, người người sống với suy nghĩ sâu thẳm trong bản thể. Đường phố ít ánh đèn hơn, trăng không còn hiện diện trên cao, mọi vật im lìm càng làm cho sự cảm nhận về màu của con người trở nên rõ ràng hơn. Không phải ngẫu nhiên mà các cụ có câu "Tối như đêm 30". Có băng qua những vùng tối mới cảm nhận được sự cô đơn và lẻ loi của một con người. Trên một chuyến tàu Bắc - Nam xuyên đêm, đi ngang vùng Hà Tĩnh - Quảng Trị, tôi nhìn ra cửa số, chợt thấy không còn bất kỳ một vùng sáng nào hắt lên bầu trời. Ngoài cửa sổ con tàu không tồn tại một dấu ấn nào cho ta thấy có sự hiện hữu của con người trên mặt đất. Ai đa cảm sẽ có nhiều nghĩ suy, ai ưa phiêu lưu mạo hiểm sẽ nhận ra nhiều thách thức, và tôi nhận ra mình nhỏ bé trong khoảng không tối đen như nuốt chửng đoàn tàu.

Đêm 30, màu của Hà Nội sẫm hơn về tổng thể, nhưng sáng và đa màu hơn trong từng ngôi nhà. Màu sáng tươi của lọ hoa tết, của cây đào chợt bừng sắc hoa kịp đón Xuân về, của cây quất với những đốm vàng, của mâm cơm cúng với xanh của bánh chưng, đỏ của đĩa xôi gấc, vàng của con gà luộc, và màu rực rỡ của pháo hoa, của áo quần kẻ đi chơi phố đón Xuân, của mơn mởn lộc Xuân mới nhú... tất cả đã tạo nên những chấm phá đa sắc màu cho một Hà Nội đang chuyển mình trước thời khắc Xuân về...

Mong Hà Nội sẽ luôn giữ được những mùa Xuân như thế!


Chúc năm mới!
N.Q.T.
Đêm trước đêm 30 ... 96 giờ !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét