Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

La cà vỉa hè Hà Nội 4 : Mả "ngoại" trên đất "nội"...

Gò Đống Đa

Hà Nội đêm nay trời trở lạnh...

Dưới ánh trăng nhạt của một đêm đầu tháng, gió về, rít qua những nấm đất hoang, vài cành ổi đu đưa rợn người như hùa theo cuộc chơi âm thanh của những nấm đất câm lặng và những đợt gió hoang hoải. Khu mả Tàu ven bờ hồ Tây như vắng vẻ quạnh quẽ hơn. Nằm khuất lất bên cạnh con đường dẫn vào khách sạn Tây Hồ, khu mả Tàu một thời được biết đến như là nơi chôn cất của những người gốc Trung Hoa sinh sống ở Hà Nội. Với đám trẻ con quanh vùng thì khu mả Tàu lại được nhớ đến vì những cây ổi ngon. Hỏi chuyện một vài "lau nhau" thời ấy giờ đã bước chân vào giảng đường đại học mới thấy ấn tượng mả Tàu thuở ấu thơ là những lần đi hái ổi cùng đám bạn quanh xóm. Giờ đi qua mả Tàu ngày hay đêm, cũng không thấy cảm giác quá sợ hãi thơ trẻ, hay rợn người theo cách nghĩ bản năng của người lớn, mà chỉ thấy một cảm giác hơi hào hứng phiêu lưu nhẹ nhàng - như khi mình chuẩn bị xem một cuốn phim horror. Cũng có lẽ bởi vì mả Tàu ngày nay mả sát mả, nhà sát nhà - nhà và người đã ken dày và đem lại hơi ấm thường nhật cho khu mả lạnh lẽo. Trong cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh mặt đất hạn hẹp này, chiều ngang và chiều dọc được cân đo đong đếm như một phần tất yếu của sân si đời người. Thế nhưng, trong cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh không gian chiều âm và chiều dương của vũ trụ, của tâm linh, và trong cả chiều sâu của hồn người Việt, thì những nấm đất rất nhỏ ấy kia, cũng có thể choán hết mọi chiều cạnh của tư duy con người.

Xưa hơn một chút, quãng đầu phố Ngô Thì Nhậm giao với Nguyễn Công Trứ, trước đây có một khu mả cực lớn dành cho những binh sĩ Pháp chết trận Đông Dương. Khu mả này được người Pháp tổ chức khá quy củ. Không rõ đã bao nhiêu linh hồn xa xứ lang bạt về được với cố hương, Pháp, Châu Âu, Châu Phi hay những vùng xa xôi nào nữa. Nhớ hồi học lớp 7, có mấy đứa bạn nhà ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ vẫn hay rủ đến nhà chơi, cả đám vẫn thường đuổi nhau, mệt thì ngồi phệt trên những tấm bia đá xanh nằm ngổn ngang dưới sân đất trước khu nhà tập thể. Thỉnh thoảng có đứa lại leo trèo lên những tấm bia, hoặc tò mò xăm soi vài con chữ, kiểu hình trạm khắc. Công nhận người Pháp khắc bia khá đẹp, vài chục năm sau mà nét khắc và hình bia vẫn khá rõ chữ. Và những tấm bia này cũng có kích thước lớn, to bản. Suy cho cùng, to hay lớn rồi cũng ngổn ngang sứt mẻ, vinh danh anh hùng khắc sâu trên đá ngàn năm rồi cũng đến lúc người đời quên lãng - nếu như nó không hợp lẽ người, hợp lẽ trời, và hợp lẽ thời...

Xưa hơn nữa, một nấm đất sừng sững giữa trời xanh, ấy là Gò Đống Đa gom xương gom máu quân xâm lược. Vẫn gió, vẫn mưa, vẫn âm thanh ồn ã của cuộc sống mỗi ngày, vẫn một gò đất im lìm như thách thức thời gian. Dưới gò đất ấy, nếu quả thực còn có những linh hồn chưa siêu thoát, vẫn ngày đêm rì rầm với gọi cho một sự giải thoát cuối cùng - cuộc giải thoát vĩnh viễn khỏi kiếp thây ma bại binh viễn xứ, thì chắc hẳn sự ám ảnh khôn nguôi cho cả một thế hệ ngoại bang cũng sẽ vĩnh viễn đậm sâu không thể phai mờ ...

Hà Nội đêm nay nhớ mùa đông năm ấy ...

Khâm Thiên, cả một dãy phố đã bị san phẳng. Bom đã quật tung đến từng ngóc ngách thầm kín nhất của những ngôi nhà. Cành Bàng mới nhú trước nhà bỗng bị chặt ngang rỏ máu non màu trắng. Búp bê xinh với mái tóc vàng cháy xém lấm lem quăng quật cũng hoen máu phẫn nộ thay cho cô chủ nhỏ mới bi bô nay đã không còn có thể cất nên lời. Con phố yên bình của Hà Nội bỗng nhiên phải hứng chịu cơn thịnh nộ của bom đạn không mắt không tai. Lại một lần nữa, Hà Nội hào hoa và bao dung lại giấu nỗi đau vào lòng, lại cho phép kẻ thù được hưởng ân huệ lần cuối trước đêm Chúa giáng sinh - được chết gục bên ngào ngạt hương và thắm sắc hoa Ngọc Hà. Chỉ Hà Nội mới đủ cao thượng đến thế, và cũng chỉ Hà Nội mới luôn có sự nối tiếp giữa lằn ranh sống và chết một cách hợp ý trời, hợp ý người và hợp với thời. Bên cạnh xác B52 phơi mình giữa làng hoa Ngọc Hà, ngay trong đêm, hoa vẫn vươn mình căng sức sống, và sáng sớm hôm sau, cô gái Hà Nội vẫn bình thản nhúng đôi quang gánh quẩy gánh nước từ hồ Hữu Tiệp về góp thêm sắc thắm cho luống hoa Hà Nội. Một lần nữa, Hà Nội lại là mồ chôn cùa máy móc và kỹ nghệ tối tân của quân xâm lược, là mồ chôn của những cái đầu không mắt không tai và cũng không còn nhân tính.

Hà Nội, mùa đông Hoa vẫn nở dưới bom ...

Người Việt ta vốn trọng tổ tiên, người sống không quên người đã khuất. Khi sống trên đời nếu anh đã là tấm gương cho mọi người soi vào, thì khi đi xa, anh cũng sẽ là ngọn đuốc rọi đường cho mọi người trong đêm tối ... Người đi trước rất có thể sẽ là người mở đường. Nhìn vào con đường vạch ra trong tâm linh và tư duy ấy, những người đang sống liệu sẽ chọn lựa cho mình con đường sống tiếp ra sao, đi theo lối người trước hay sẽ là người vạch ra một con đường mới??? Dân tộc Việt ta vốn trải qua vài ngàn năm đấu tranh để khẳng định sự tồn tại của một giống nòi. Kẻ thù luôn lãng quên quá khứ của những thất bại trước để tự chuốc lấy thất bại sau, và dân tộc Việt chúng ta luôn đủ bao dung để cho phép có những phần đất Âm ngoại lệ được âm thầm tồn tại với Hà Nội hôm nay...


Hà Nội, đêm trở gió 27/11/2006
N.Q.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét