Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2009

Dọc đường SSEAYP 2007 - kỳ 11 : Tổng kết SSEAYP34 qua cái nhìn của V17


SSEAYP 34th - Sau một năm nhìn lại
DÀNH CHO CÁC BẠN THAM GIA SSEAYP CÁC NĂM TỚI

Ngày đẹp trời và Sseayp...

Thấm thoắt đã gần tới tháng Năm. Nhớ lại cách đây 1 năm - tháng Năm 2007 - tôi nhận được điện thoại của Ban Tổ chức Thành Đoàn mời lên trao đổi về việc chọn cử đại diện cho Thành Đoàn Hà Nội tham gia Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á 2007. Đây là chương trình giao lưu thanh niên mà mình đã được biết đến từ lâu, và cũng luôn mong sẽ có dịp tham gia chương trình này. Trong một ngày đẹp trời, thấy vui vì bỗng nhiên một điều mong muốn của mình có cơ may trở thành hiện thực - tất nhiên là còn nhiều khâu nữa trong đó có khâu hồ sơ. Hồ sơ gửi đi gửi lại, hoàn thành các thủ tục hồ sơ cần thiết trong 2 ngày. Về phía trường Phương Đông thì tất nhiên là ủng hộ tinh thần một cách nhiệt tình. Về phía Thành Đoàn thì từ anh Phong bí thư TĐ đến các Ban có liên quan đều nói : Chọn em đi vì tin tưởng sẽ tiếp tục truyền thống tốt đẹp các năm trước là đại biểu của Thành Đoàn Hà Nội luôn có đóng góp rất tốt và có bản sắc riêng, thể hiện được vị thế của thanh niên Thủ đô trong sự thành công của đoàn đại biểu Thanh niên Việt Nam... Anh Phong bí thư khá quan tâm, khi hồ sơ đại biểu dự phỏng vấn của mình có đôi chút trục trặc về giới hạn tuổi do chưa hiểu kỹ thông báo của phía Nhật, anh đã điện thoại cho mình hỏi cụ thể, rồi mấy lần nhắc Ban Tổ chức làm việc với TW Đoàn kỹ hơn. Vẫn nhớ hôm họp BCH Thành Đoàn HN chiều hôm trước khi phỏng vấn, chị Hiền bảo : TW Đoàn báo là hồ sơ xong rồi, phía Nhật đã giải thích cụ thể độ tuổi. Mai đi phỏng vấn, kiểu gì em cũng được chọn, đại biểu như em không chọn mới là lạ...

Và chị Hiền đã nói đúng! Đã được chọn và được tham gia Sseayp lần thứ 34 với mã số V17. Câu chuyện của V17 bắt đầu từ đây ...

.

Đi phỏng vấn.

Đêm trước ngày phỏng vấn, điện thoại cho Vân Hiền - cựu thành viên Sseayp 33rd, hỏi 1 số thông tin liên quan đến chương trình, lên mạng search thông tin của các nước tham gia Sseayp, rồi đọc tài liệu Vân Hiền gửi qua mail, điện thoại cho em Hải ở BCH Đoàn trường nói chuyện bằng tiếng Anh khoảng 1 tiếng về chủ đề giao lưu và hội nhập thanh niên quốc tế...

Sáng hôm sau - hội trường tầng 7 quen thuộc ở văn phòng TW Đoàn 62 Bà Triệu - lên tới nơi mình thấy một số đại biểu các tỉnh, thành và cơ quan khác đã đến đông. Vẫn nhớ đồng chí Long - chánh VP Trung Ương hội Sinh viên VN dẫn 3 em SV Bắc - Trung - Nam đi dự phỏng vấn, qua gặp mình niềm nở chào hỏi và giới thiệu. Sau này trong đoàn Sseayp VN có 1 PY nói với mình là hôm đó thấy 1 ông ở TW Đoàn bệ vệ dắt đại biểu ra chào anh, em cứ tưởng anh là giám khảo phỏng vấn, sao trẻ thế :-) Vẫn nhớ hôm đó em Hoa điệu đà và nhiều màu sắc như em sẽ thể hiện trong 2 tháng Sseayp 34th sau này. Em Hoa đứng lẩm nhẩm tiếng Anh ở ngách nhỏ gần cầu thang máy. Vẫn nhớ khi vào phỏng vấn có em Hương Lúa xung phong đầu tiên, trôi chảy và có ấn tượng. Em Dương thứ hai, hôm đó ấn tượng với em Dương vì khá xinh, nhưng em Dương gặp phải series câu hỏi khá khó của anh Đại Phượng bên báo Tiền Phong. Anh Phượng hỏi đại ý em Dương là đại biểu đến từ Ban Đối ngoại TW Đảng, nếu bạn bè quốc tế thắc mắc về thể chế chính trị Việt Nam tại sao lại chỉ có 1 đảng? Em Dương trả lời đại ý là 1 đảng lãnh đạo giành thắng lợi trong chiến tranh, bây giờ đổi mới đưa đất nước tiến lên, 1 đảng là ưu việt vì đảm bảo ổn định chính trị... (đúng theo công thức tuyên truyền :-( ). Anh Phượng lại hỏi : Thế bạn nước ngoài lại hỏi tiếp là thế tại sao nước bạn ấy có nhiều Đảng, VN chỉ có 1 đảng với những ưu việt như bạn nói, thế mà sao VN bây giờ vẫn chậm phát triển, vẫn nghèo, còn nước bạn ấy thì giàu thì văn minh hơn... Khổ thân em Dương, đến đây thì mình không tiếp tục theo dõi em Dương trả lời nữa, nên không biết em ấy sẽ lý giải "công thức" vừa trình bày ở trên theo cách nào...

Cũng trong đợt phỏng vấn đầu tiên này, mình còn nhớ có Khánh râu ria xồm xoàm mang sáo ra thổi để khoe tài văn nghệ. Cậu này chỉ thổi được 1 lần hôm phỏng vấn, sau này lên tàu và trong đêm Vietnam Night chả bao giờ thấy đem món này ra dùng. Rất nghi ngờ! Rồi còn nhớ em Hà zai, vì em người Huế, nói giọng rất dễ gây thiện cảm. Còn nhớ có em Trang đến từ Quảng Ngãi, sau này đã cùng với em Hương kết thành 1 gia đình SG-A được bầu chọn là đoàn kết và gia đình yêu thương đùm bọc nhau nhất đoàn. Ngồi cạnh mình là một em đến từ Phú Thọ hay Vĩnh Phúc gì đó. Em này tiếng Anh không tốt, anh Đại Phượng hỏi vớt 1 câu rất dễ là hãy kể tên 10 nước Asean bằng tiếng Anh mà ngắc ngứ mãi không xong... Mình xung phong trả lời thứ 6 trong số khoảng hơn 20 người tham gia phỏng vấn đợt 1 khu vực phía Bắc hôm đó. Xong ngồi 1 lúc rồi về...

Trung Ương Đoàn năm 2007 tổ chức 2 đợt phỏng vấn. Đợt 1 gồm 2 cuộc ở Hà Nội và TPHCM. Đợt 2 triển khai sau đó 2 tháng. Đợt cuối cùng sau khi chọn được đủ 28PY thì tiến hành chọn Lãnh đạo cho đoàn - National Leader. Sau này là "người đẹp" Lê Thị Thu Hằng đến từ Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao...

Kinh nghiệm bản thân dành cho các bạn đi phỏng vấn :

Hãy chú ý tạo cho mình một hình ảnh nice, sáng sủa, trang phục thanh lịch, trẻ trung và an toàn (trong mắt BGK gồm 3-4 người). Nếu có tài lẻ gì thì nên chọn trước 1 tiết mục (MC, hát, múa, vẽ, thiết kế graphic, thiết kế sân khấu, nghệ nhân trò chơi dân gian, tổ chức thảo luận...). Với những bạn đã có kinh nghiệm tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế thì nên đề cập đến ngay từ đầu trong phần tự giới thiệu mình trước BGK (ai cũng phải tự giới thiệu thông tin cá nhân trong khoảng 2 phút). Về tiếng Anh cần nói và nghe tốt, tác phong đĩnh đạc, thể hiện sự mạnh dạn và chủ động trong giao lưu sử dụng tiếng Anh. Thông thường, mỗi bạn sẽ được hỏi và trả lời trong khoảng 10 phút. Mỗi giám khảo sẽ hỏi 1-2 câu, và không theo 1 chủ đề nào cả. Thường sau khi nghe thông tin tự giới thiệu của bạn, họ sẽ đặt câu hỏi trên cơ sở thông tin đó nhưng gắn với nội dung Sseayp. Chúc các bạn thành công!

Kiến nghị TW Đoàn và Uỷ ban Thanh niên Việt Nam:

Trong khâu chọn đại biểu, nên có cơ cấu cứng 4 vị trí sau đây :

- 1 đại biểu là bác sỹ

- 1 đại biểu là hạt nhân văn nghệ đến từ các trường năng khiếu (hoặc đơn vị tổ chức biểu diễn. TW Đoàn có vẻ e ngại văn nghệ sỹ...)

- 1 đại biểu đến từ đài truyền hình, có khả năng quy phim tốt, có khả năng sử dụng phầm mềm trong laptop dựng phim ngay trong thời gian sseayp và sử dụng cho các hoạt động của đoàn. Năm 2007, Thailand đã làm quá tốt việc này, và họ gần như độc quyền cung cấp hình ảnh cho các hoạt động chung của cả tàu.

- 1 đại biểu là kiến trúc sư hoặc hoạ sỹ thiết kế đồ hoạ vi tính để lo mọi việc từ thiết kế sân khấu, backdrop, triển lãm, card visit cho 29 người, thiết kế profile cho cả đoàn, thiết kế các loại giấy mời, thiết kế trang trí bulletin board (phải thay đổi design 3 lần cho lạ mắt trong suốt thời gian chạy tàu trên biển).

Số thành viên còn lại, đề nghị nên trẻ hoá độ tuổi, tăng số SV trong đoàn, giảm bớt số đã lập gia đình.

.

Tập huấn tại Hà Nội

Sau đợt phỏng vấn đầu tiên vào tháng 5, đến khoảng đầu tháng 8 sẽ có danh sách chính thức đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam tham gia Sseayp gồm 28 người và 1 NL. Trong thời gian này, TW Đoàn sẽ liên hệ với một số đại biểu nổỉ bật mà họ lọc ra trong các đợt phỏng vấn + hồ sơ lý lịch an toàn để mời làm Youth Leader (YL) và Assistant to Youth Leader (AYL). YL và AYL sẽ là 2 người giúp cho National Leader (NL) tổ chức, quản lý và đôn đốc đoàn hoàn thành các nhiệm vụ trong thời gian tham gia Sseayp. Làm YL và AYL rất mệt và đòi hỏi trách nhiệm cao, đôi khi cũng khá ức chế và căng thẳng vì những vấn đề trời ơi đất hỡi nảy sinh trong quá trình tham gia Sseayp. Bạn nào sẽ là YL hoặc AYL trong các năm tới sẽ phải làm việc với cường đ150% bình thường, nhưng sau Sseayp cũng rèn luyện thêm cho mình một khả năng làm việc đáng ngạc nhiên - tất nhiên là YL hoặc AYL đó chăm chỉ. Đến đây xin cảm ơn Vân Hiền đã có những tư vấn rất quý giá cho mình về chuyện YL, vì mình chỉ chăm chỉ với những vấn đề mà mình thấy hứng thú :-)

28 con người - 28 PY đến từ những vùng miền nhau, những cơ quan khác nhau, những phong tục tập quán lối sống, nền nếp sinh hoạt khác nhau. 28 con người này được chọn hầu hết là cán bộ đoàn cơ sở, rất nhiều người là thủ lĩnh thanh niên tại đơn vị mình. Cái "tôi" rất lớn. Ai cũng có máu làm lãnh đạo. Đứng trong dàn hợp xướng không thể ai cũng đòi làm người hát chính hay múa solist. 28 "ông sao" nay tụ họp trong 2 tháng ngắn ngủi. Lãnh đạo cũng phải rất tài tình và biết đối nhân xử thế để đưa 28 ông sao này chuyển động chung trong một quỹ đạo hướng tới thành công, nâng cao hình ảnh đẹp của thanh niên Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Cũng đã có lúc nước mắt bất đồng đã rơi, cũng đã có lúc tranh luận gay gắt, nhưng may thay, tất cả những việc đó rồi cũng sẽ được dàn xếp cụ thể, và những mâu thuẫn và nước mắt đã tuôn ra không vô ích, nó là sự phản biện kịp thời và hợp lý để điều chỉnh hoạt động. Đoàn sseayp 34th đã làm được nhiều việc mà các đoàn năm trước chưa thực hiện được. Tính độc lập và sự sáng tạo, chuyển hướng nhanh là ưu điểm của đoàn sseayp 34th. Đưa 28 con người vào guồng thống nhất để có thể chuyển hướng nhanh không hề đơn giản! Tinh thần đoàn kết là rất quan trọng, chưa lên tàu đã rã đám thì thanh niên Việt Nam sẽ thể hiện một bộ mặt bạc nhược và vô tổ chức. Đây là chuyện đã từng xảy ra trong quá khứ!

Trở lại chuyện tập huấn tại Hà Nội...

Ngay sau khi có danh sách chính thức, NL, YL, AYL bước đầu sẽ có những phân công công việc cụ thể. Do chưa thể tập trung với nhau được nên người ở phía Nam sẽ làm những việc gì, người ở Bắc lo chuyện gì. Các khâu chuẩn bị ý tưởng phải sớm tiến hành. Các cuộc họp nhóm thường tổ chức tranh thủ vào thứ Bảy hàng tuần. Những nội dung trao đổi được đưa lên forum để bàn thảo. Ý tưởng làm club activities, đêm văn nghệ Việt Nam, thiết kế đồ hoạ các ấn phẩm, dàn dựng triển lãm, ... là những việc phải tiến hành sớm.

Nội dung liên quan đến tập huấn, ngoài nội dung cứng của TW Đoàn quy định, thì NL, YL và AYL sẽ ngồi với nhau đề bàn schedule và các nội dung mềm của đoàn. Đoàn Sseayp 34th có đưa thêm nội dung là cả đoàn sẽ dành 1 ngày đầu tiên để đi tham quan Hạ Long, vừa để chụp ảnh cho profile, vừa là để kẻ Nam người Bắc nhanh hoà nhập hơn. Sáng kiến này đã rất hiệu quả. Có lẽ, các đoàn năm sau nên tiếp tục duy trì, địa điểm có thể thay đổỉ nhưng gọn trong 1 ngày, nếu đi được 2 ngày thì càng tuyệt!

Thiết kế và in ấn:

Về chuyện làm profile, vì đây và việc mình được phân công nên ngay từ đầu đã nảy ra ý tưởng đưa cả đoàn đi Hạ Long để chụp ảnh và nhân tiện quảng bá bầu chọn vịnh Hạ Long trong profile của đoàn. Về việc này, báo Lao Động đã có 1 bài viết nhan đề "Áo dài và bầu chọn cho Hạ Long" viết về đoàn đại biểu Sseayp 34th. Cũng có nhiều người nhận xét rằng quyển profile của Việt Nam năm 2007 nằm trong top 3-4 quyển profile đẹp của 11 nước tham gia, và cũng là một trong những mẫu profile đẹp từ trước tới nay của các đoàn đại biểu Việt Nam. Thật vui khi nghe những nhận xét này! Đặc biệt hơn, có người nói quyển profile của đoàn 2007 lồng ghép rất khéo các hình ảnh của Vịnh Hạ Long, rồi ý tưởng đưa ảnh các PY chụp trên nền phong cảnh vịnh Hạ Long, mỗi khi giới thiệu profile với bạn bè, với các gia đình homestay ở nước ngoài thì đều có thể tranh thủ giới thiệu thêm về Hạ Long, về đất nước, con người Việt Nam. Miếng trầu là đầu câu chuyện, trong 1 số trường hợp, Profile là đầu câu chuyện :-) Profile năm tới có thể đưa những hình ảnh danh lam thắng cảnh nổi tiếng của VN vào, đưa những hình ảnh công trình kiến trúc cổ như chùa chiền, đình đền.... để có thêm nhiều hình ảnh quảng bá văn hóa lâu đời của Việt Nam.

Kiến nghị TW Đoàn : Nếu có thể, nên tổ chức vào đầu tháng 9 - trước thời gian tập huấn chính thức 1 tháng, đợt tiền tập huấn trong 2-3 ngày ở 1 tỉnh miền Trung có cảnh quan đẹp, để cả đoàn làm quen, họp toàn đoàn phân công công việc chi tiết, chụp ảnh để tiến hành làm profile và name card, đồng thời check năng khiếu và khả năng tham gia hoạt động tập thể của các thành viên trong đoàn. Thailand, Lào đều có các đợt tiền tập huấn này. Họ có sự tài trợ của các resort và cả đoàn tới đó chụp hình, sinh hoạt, tập các trò chơi vận động,... Thậm chí Thailand còn có PY dự bị. Họ sẽ tuyển 35 thành viên, và sau đợt tiền tập huấn, họ sẽ gút lại danh sách 28PY chính thức. Việc tập hợp cả đoàn để chụp ảnh làm profile sớm cũng rất quan trọng. Như lệ thường hàng năm, chúng ta chỉ tập trung tập huấn 1 đợt trước khi lên máy bay khoảng 2 tuần, lúc này mới đủ cả đoàn để chụp ảnh. Do đó, việc thiết kế chế bản, in ấn profile, name card vô cùng cập rập và dễ xảy ra sai sót do thông tin cá nhân thỉnh thoảng bị thay đổỉ,... Quyển profile của Thailand từ vài năm qua năm nào cũng giống năm nào, chỉ thay thông tin và hình ảnh mới của các PY mỗi năm. Họ đã có 1 mẫu rất đẹp, in rất tốt và chuẩn về chính tả English. Việc chuẩn bị và in ấn profile ở nhiều nước do hội cựu thành viên làm cho, có nước khi tàu về đến nước đó thì họ mới mang profile do Sseayp Alumni làm lên tàu để gửi tặng các đoàn. Về chuyện thiết kế profile - có lẽ sau này ta cũng nên chọn một năm nào đó có mẫu đẹp để áp dụng cho các năm sau cứ theo thế để đơn giản cho các đoàn sau này. Vì năm nào tham gia Sseayp cũng là các thành viên mới, các nước bạn cũng vậy. Do đó, cũ ta nhưng mới người! Về việc này, không chỉ profile mà đồng phục, club activities cũng nên phát huy tiếp tục những nội dung đã thành công ở các năm trước. Riêng mẫu name card có thể thay đổi theo từng năm để có dấu ấn riêng.

Về thiết kế name tag (biển tên đeo ngực) thì chúng ta nên đổi mẫu đi. Mẫy năm vừa rồi, năm nào cũng làm theo mẫu của năm trước. Thật sự mẫu name tag của chúng ta quá thô và mang tính chất "mậu dịch", giống như biển tên của công an hoặc quân đội. Màu sắc cũng buồn tẻ và nặng. Nhìn mẫu name tag của một số nước như Indonesia, Thailand... rất đẹp. Màu nền sáng sủa, màu trắng có in quốc huy nhũ vàng...chất liệu mica vuông vức và dày dặn. Các bạn 2008 để ý vấn đề này nhé!

Đoàn 2008 cũng nên dành thời gian thiết kế logo và chọn slogan cho hoạt động của mình. Logo của đoàn 34th Việt Nam là hình hoa Sen (Quốc hoa của Việt Nam) và cách điệu chữ số 34. Logo này hơi "tung toé" vì bản chất số 3 và số 4 rất khó kết hợp gọn với nhau. Slogan của đoàn 34th là A DIVERSE VIETNAM.

Trang phục :

Theo quy định, trang phục của Sseayp gồm 4 loại :

- Costume A1 : Gồm 1 vest và 2 quần cho Nam, 1 vest và 1 quần + 1 váy cho nữ. Việt Nam năm nào cũng chọn màu sẫm, tối. Ví dụ màu Xanh đen, Tím than sẫm... Năm 2007 nhìn sang các nước thấy Nhật chọn màu be sáng rất đẹp, Thailand cũng chọn màu sáng. Singapore chọn màu gần như đen nên nhìn rất tối. Nên mua cho Nam và Nữ 2-3 mẫu cravat các màu để sử dụng. Vest của nữ có thể may cách điệu. Trang phục vest nữ năm 2007 may cách điệu khá đẹp và sang. Nữ có thể có 1-2 loại khăn nơ hoặc may nơ cổ liền vào áo sơmi A2 như năm 2007, rất tiện và mặc rất nhanh. Năm 2007, sau khi xem ảnh cả đoàn chụp trong trang phục A1 ở Daewoo, ai cũng bảo giống trang phục tiếp viên hàng không nước ngoài và đều khen đẹp. Trang phục này đi với giày da đen, tất sáng màu.

- Costume A2 : Bản chất là bộ A1 nhưng bỏ áo vest đi. Nên chuẩn bị khoảng 3 sơmi theo form cổ điển và 2 sơmi form hiện đại. Sơmi form nào thì cũng nên may hơi ôm vào body, như thế sẽ phù hợp với thanh niên và nhìn hiện đại năng động hơn. Trong số các mẫu sơmi nhất định phải có 1 mẫu màu trắng truyền thống. 2 mẫu cổ điển nên chọn màu ấm, sang. Năm 2007 chọn màu hồng sẫm - tưởng là chói - nhưng sau này ai cũng khen đẹp và đoàn Việt Nam luôn nổi bật khi mặc màu này. Năm 2008 có thể tiếp tục áp dụng vì đây là mẫu rất tốt. 1 mẫu sơmi còn lại có thể chọn 1 màu khác, đừng vì ngại mà chọn màu nhạt hay trung tính quá, như thế khi mặc lên cả đoàn sẽ rất bị lẫn, cũng đừng chọn màu quá chói hay vải bóng nhãy, vì thời tiết nhiều nước rất nóng, khi mặc trông rất phản cảm. Với 2 mẫu sơmi hiện đại, có thể chọn vải sọc to, hơi sặc sỡ và phá cách 1 chút, kiểu dáng cũng nên thay đổi tránh đơn điệu. Sau này lên tàu, chỉ vài ngày là nhìn áo sơmi của 1 số nước thì biết ngay đây là PY nước nào. Malaysia năm 2007 là ví dụ, họ có mẫu sơmi và tshirt quá nổi bật, có vằn như 1 loại Hổ đang được bảo tồn và là niềm tự hào của nước họ. Chúng ta đã có 3 mẫu sơmi formal rồi, 2 mẫu còn lại nên may sáng tạo, có thể có 1 mẫu cộc tay. Trang phục này đi với giày da đen, tất sáng màu.

- Costume B : Đây là trang phục dân tộc. Nam mỗi người chọn 02 bộ áo dài khăn đóng (mua ở Hàng Quạt, khoảng 100k/ 1 bộ), màu sắc nên đa dạng cho đẹp mắt. Vì chất lượng áo ko cao nên có 2 bộ để dự phòng. Năm 2007 có những bộ mua ko chọn kỹ nên khi giặt bị phai màu rất ghê, quần trắng giặt cùng cũng thành quần loang lổ. Về nữ thì mỗi bạn mang 3-4 bộ áo dài cá nhân là đơn giản nhất, nếu có thể mang 5-6 bộ thì càng "pro". Costume A,B đến nước nào cũng phải mặc.

- Costume C : Đây là 1 điểm yếu của đoàn 34th. Có lẽ vì quá tin vào 2 mẫu áo sơmi tài trợ của Dalink Vietnamnet mà cả đoàn nhất trí bỏ qua khâu mua và đặt in áo tshirt cho đoàn, để tiết kiệm chi phí. Cuối cùng thi khi mặc lên, áo tshirt của VN là nhạt nhoà nhất, không có dấu ấn riêng. Năm nay, các bạn 2008 nên chọn mua tshirt độc đáo, ấn tượng và đặt in logo của đoàn (có thiết kế riêng), hoặc 1 câu slogan của Việt Nam. Trong 2 mẫu tshirt đặt làm, nên có 1 mẫu là áo có cổ lịch sự. Nếu có kinh phí và tài trợ, nên có ít nhất 4 mẫu tshirt có dấu ấn và bản sắc riêng của Việt Nam (trong đó có 1 mẫu là áo cờ Tổ Quốc), làm sao để mặc vào là nhận ra được ngay đó là PY Việt Nam. Các mẫu áo cờ và tshirt đặt in phải chọn loại tốt, không ham rẻ vì lên tàu mặc rất nhiều, giặt, sấy ròng rã sẽ có hiện tượng bong mẫu in, áo cờ thì bị dính ngôi sao in vào rúm lại... Về quần thì tốt nhất mỗi người tự trang bị 1 quần Jeans, thống nhất màu xanh nhạt. Ngoài ra, nếu có kinh phí và tài trợ thì có thể có thêm 1 quần khaki túi hộp hơi hiphop cũng không sao, càng thanh niên. Trang phục này đi với giày thể thao.

- Costume D : Đây là hình thức ăn mặc thoải mái nhất, ai thích mặc gì thì mặc miễn sao thoải mái nhất. Quần jeans, áo tshirt đồng phục loại không có cổ, giày thể thao là sự lựa chọn "đỉnh" nhất.

- Trang phục dạ hội : Trên tàu có rất nhiều buổi dạ hội, đêm văn nghệ của các nước, do đó các bạn hãy mang thêm nhiều bộ quần áo dạ hội, váy dài tha thướt, vest thời trang của Nam để mặc. Hãy tạo ra cho mình một hình ảnh hấp dẫn - nhất là các bạn nữ. Ban ngày thì là PY, tối hãy là những nàng công chúa hay chàng hòang tử. Tuy nhiên, vì đây là môi trường thanh niên nên tránh những trang phục quá rườm rà hay diêm dúa quá mức. Mỗi bạn nữ mang thêm 3 bộ váy và mỗi bạn nam mang thêm 1 áo vest thời trang + 2-3 sơmi thời trang là không thừa.

Chương trình văn nghệ :

Sau khi xem toàn bộ chương trình văn nghệ của các nước tham gia Sseayp, cá nhân tôi nhận thấy có những nước đã thể hiện trình độ và nội dung biểu diễn vượt trội so với các nước còn lại. Có thể do họ có những đột biến xuất sắc từng năm hoặc họ đã có truyền thống tốt được duy trì qua nhiều năm. Sự đột biến thường xuất hiện khi trong đoàn năm đó có 1 vài cá nhân có năng khiếu văn nghệ và tổ chức biểu diễn nổi trội, kể cả việc lên ý tưởng. Còn truyền thống tốt thì là những kinh nghiệm đã được tích lũy qua nhiều năm và được Alumni truyền lại cho các năm sau. Nhật có thể coi là có truyền thống tốt. Họ luôn tận dụng ưu thế lên tàu từ nước mình để mang lên tàu rất nhiều đạo cụ và trống biểu diễn. Những nước phải di chuyển bằng máy bay trước khi asemble để lên tàu thường bị hạn chế khâu này. Nhật năm nào cũng diễn đi diễn lại nhảy Soran, biểu diễn trống, trà đạo,... v.v. và năm nào cũng được hưởng ứng nhiệt tình. Quy chiếu ra, VN ta có thể mang ÁO DÀI ra tuyên truyền diễn đi diễn lại mỗi năm vẫn hấp dẫn như thường.

Nói chung, chương trình văn nghệ nên thiết kế sao cho hấp dẫn, sôi động, không nên chọn các bài buồn hoặc nhạc réo rắt nỉ non. Những bài kiểu Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, hoặc Trên đỉnh Trường Sơn ta hát thì tuyệt đối không nên mang ra diễn. Hát tiếng Việt họ không hiểu. Trên sân khấu giao lưu quốc tế lại có những người mặc quần áo bộ đội VN lên hát thì nước ngoài họ lại càng không "tiêu hóa" nổi. VN trong con mắt bạn bè nước ngoài đã từng là 1 dân tộc hiếu chiến, giỏi đánh nhau, hiện nay lại do 1 đảng lãnh đạo, mà quân đội là lực lượng chủ lực để giữ quyền lực cho chính quyền ... Xu hướng giao lưu quốc tế bây giờ là đối thọai và hiểu biết, trong đó có việc giới thiệu đặc sắc văn hóa tinh thần của dân tộc mình. VN nên từ bỏ dần việc giới thiệu đặc sắc dân tộc là đánh nhau giỏi và tránh đưa ra giới thiệu những hình ảnh nặng nề. Những chương trình đối nội cho người Việt Nam thì cứ việc dùng thoải mái, còn chương trình đối ngọai thì cần biết nên làm gì để người ta thấy hấp dẫn, cảm mến và khâm phục bản sắc văn hóa dày dặn 4000 năm của dân tộc mình.

Trong chương trình cũng nên có 1,2 bài hát tiếng Anh nói về quê hương đất nước, cùng lúc đó chiếu slide giới thiệu 1 VN đang phát triển và đổi mới. Với những năm mà tàu Nippon Maru không ghé Việt Nam thì việc này càng phải chú trọng hơn. Ở nhiều nước, người ta vẫn hỏi VN bây giờ còn đánh nhau không? Năm 2008, sử dụng bài hát Hello Vietnam của Phạm Qùynh Anh trên nền 1 clip "hương đồng gió nội" để chiếu xen vào chương trình cũng là 1 ý hay.

Có thể xem thêm về việc xây dựng nội dung và ý tưởng chương trình văn nghệ trong entry Vietnam Night đã post trước entry này.

.

Lên tàu Nippon Maru

Cheer

So với các nước, VN nên rút kinh nghiệm 1 số việc liên quan đến cheer như sau :

- Cheer cờ lúc lên, xuống tàu nên có kèm theo tiếng hô hoặc âm thanh hát, hò... khi cheer. Nếu chỉ có động tác không thôi thì có hay đến mấy cũng như xem phim không có tiếng. So sánh cheer của VN với các nước khác thì động tác của chúng ta không thua kém, nhưng âm thanh thì tịt tiếng hoàn toàn nên không có ấn tượng. Vấn đề này các cựu thành viên những năm trước khi đến hướng dẫn cheer cho 2007 không ai nói cả!

- Cheer truyền thống : Trong số các điệu cheer của VN, nên chọn 1 -2 điệu cheer đã được bạn bè các nước biết đến để tiếp tục giới thiệu. Chúng ta có điệu cheer FLY TO YOU cũng được nhưng hơi buồn tẻ. Cheer phải sôi động, âm thanh nghe hấp dẫn, không cần phải hiểu nghĩa, mà chỉ cần dễ nhớ, vui nhộn và lạ tai. Có lẽ, chúng ta cũng không quá care về động tác và âm thanh đi kèm phải formal, phải lịch sự, nghiêm túc. VN luôn tự mình làm công thức hóa các họat động thanh niên, mà bản chất thanh niên là sôi nổi, sáng tạo và kích thích khám phá. Năm tới, các bạn hãy mạnh dạn sáng tạo ra các kiểu cheer độc đáo, âm thanh vui vẻ, vô nghĩa cũng không sao, miễn là gây được sự chú ý và dễ nhớ. Philippines có cheer Chuối, mà âm thanh đọc lên kèm theo động tác cũng rất đơn giản : Ngắt chuối, bóc chuối, ăn chuối, xay chuối, ị ra chuối, gói lại, ném đi,... Đơn giản vậy mà ai cũng thuộc cũng nhớ, cũng nghĩ đến Philippines. Indonesia thì có giai điệu cheer rất đơn giản nhưng dễ nhớ : Pà pa tô mê tồ mê pà, pá pa tô mê tồ mê pá ... Cứ vậy mà lặp đi lặp lại, 300 con người ai cũng nhớ. Còn cheer VN ý nghĩa, đầy yêu thương mà cuối cùng không mấy người nhớ, ngoài chúng ta! Làm cái gì hiệu quả thì làm, đừng gò mình theo công thức mà không có hiệu quả!

- Lưu ý năm nay tàu có ghé Việt Nam, do đó điệu cheer cờ cũng phải có những điều chỉnh động tác, tiếng hô tại cảng Việt Nam khác với những cảng khác mà tàu ghé thăm. Năm 2007, cheer cờ xuống tàu của VN được Thành Đòan TPHCM - đơn vị thay mặt TW Đoàn tổ chức lễ đón tàu hàng năm khi tàu ghé TPHCM - đánh giá tốt và sáng tạo hơn rất nhiều những năm trước đó. Chúng tôi thêm vào trước và sau điệu cheer cờ truyền thống đã trình diễn ở các nước khác những động tác và tiếng hô mới, mạnh mẽ, sôi nổi hơn. Cheer cờ tại lễ đón, chúng tôi có hô thêm câu Vietnam Welcome, Vietnam Xin chào. Cheer cờ tại lễ tiễn, chúng tôi có hô thêm câu Vietnam Thank You, Việt Nam cảm ơn! Sự sáng tạo luôn cần, không chỉ ở 2 bạn làm cheer leader mà còn ở mỗi thành viên trong đoàn. Không ngại điều chỉnh và tập mới động tác. Chương trình giao lưu này xuất hiện những tình huống mới mỗi ngày, và lãnh đạo đoàn phải có sự nhạy bén, nhận biết sớm, đóan trước được vấn đề để kịp thời có những điều chỉnh và chỉ đạo hợp lý. Tất cả phải đạt mục tiêu hiệu quả lên cao nhất!

- Thật tuyệt vời nếu các bạn 2008 và những năm sau nữa, nếu mỗi năm có những thay đổi, điều chỉnh sáng tạo, thành công hơn để nâng cao hình ảnh thanh niên Việt Nam trong con mắt bạn bè khu vực thì thật hay. Từ cảm nghĩ của mình, tôi luôn ủng hộ và chúc mừng mọi thành công của các bạn. Năm sau phải hơn năm trước, như vậy chúng ta mới tiến lên. Chúc các bạn làm được những việc tốt mà chúng tôi chưa làm được!

Club Activities

Mỗi năm, mỗi đoàn đại biểu của 1 nước đều chọn giới thiệu một số đặc sắc văn hóa hoặc nghề thủ công của dân tộc mình. Malaysia năm 2007 chọn họat động vẽ tranh lụa Batik, Thailand thì chọn họat động dạy Muay Thái, massage Thái, đính hạt vào khung tranh, ... Nhật Bản thì chọn dạy nhảy Soran, Trà đạo... Việt Nam năm 2007 tiếp tục thành công của năm trước với họat động Vẽ chuồn chuồn tre, và dạy mặc áo dài truyền thống (gắn với cuộc thi Miss Ao Dai Vietnam trên tàu)... Năm 2007, chúng ta chỉ có 2 họat động club activities là hơi ít. Theo tôi, năm tới nên chọn 3 họat động, và trải đều trong 3 ngày club activities trên tàu. Nếu nhiều quá như Thailand có 6 họat động thì bản thân các PY của mình lo trực và tổ chức các họat động đó cũng đủ mệt, không còn time để đi tham gia giao lưu với các nước khác. Nên nhớ, tham gia Sseayp chính là ngọai giao nhân dân. Việc chọn time và location để tổ chức các họat động này cũng nên chú ý : Chọn buổi có quá nhiều họat động của nhiều nước thì sẽ có ít người đến được với chúng ta, chọn địa điểm khuất quá thì cũng ít người lai vãng tới. Tùy vào tính chất của họat động mà chúng ta đăng ký (đôi khi còn là đấu tranh) để giành time và location với BTC. Địa điểm đẹp thường là Dolphin hall tầng 4, lên đến lounge tầng 5 cũng trong phòng đó là đã kém hấp dẫn đi nhiều rồi. Địa điểm đẹp nữa là khu Bar và Mermaid Salon tầng 6, khu đó có nhiều người qua lại. Về time thì nên phân tích xem những buổi nào các nước khác có ít hoạt động, hoặc hoạt động của họ có tính chất không trùng lặp với mình. VD 2 nước cùng dạy nhảy, hoặc cùng làm đính hạt đá, xâu dây chuyền... thì sẽ trùng.

Về nội dung họat động, cần thiết kế những họat động / trò chơi gì mà có thể nhiều người tham gia được, tham gia xong lại có quà mang về. VN 2 năm vừa rồi làm họat động vẽ chuồn chuồn tre rất hay. Chúng ta chuẩn bị khỏang 400 chuồn chuồn tre, do đó mỗi PY các nước đến vẽ, đều có ít nhất 1 con mang về. Có bạn kỷ lục là vẽ 9 con trong 1 buổi. Số người thường xuyên có mặt tại club của Việt Nam phải đến 40-50 người, thành công tương đương với club vẽ lụa Batik của Malaysia (2 club này tránh không tổ chức cùng buổi với nhau). Bản thân con chuồn chuồn tre VN đã hấp dẫn khi nó có thể tự cân bằng trên đầu ngón tay. Khi bạn tự vẽ vào, đẹp xấu tự mình làm, mang về quả thật có ý nghĩa. Có nhiều bạn phải trực club của nước mình không đến tự vẽ được, đã nhờ tôi vẽ hộ và giữ cho họ 1 vài con. Tiếng lành đồn xa, tại sao họ không tới club VN mà họ vẫn biết, bởi vì khắp cả tàu buổi hôm đó trên tay mỗi PY là 1 vài con chuồn chuồn tre VN sặc sỡ. Chính họ đi khắp nơi và quảng cáo hộ cho VN, cho văn hóa VN.

Chú ý là nên tránh các họat động nghèo nàn, hoặc ít người có thể tham gia được. VD Việt Nam có năm dạy võ, lèo tèo được vài người, chả ai muốn tham gia. Hoặc Myanmar năm nay tổ chức đá cầu mây trên Sport Deck, cũng lèo tèo. Chúng ta cứ phải động viên nhau - thôi tranh thủ rẽ qua đó tham gia ủng hộ các bạn Myanmar 1 chút...

Việc trang trí không gian cho các club activities cũng cần để ý đến. Năm 2007, series mành tre, nón, đó bắt cá và những con chuồn chuồn, những mảnh chiếu cói... thật sự đã đem đến 1 không gian Việt giữa Dolphin Hall. Nhiều bạn sau khi vẽ xong, đã thích thú giơ cao con chuồn chuồn đứng chụp ảnh trước phông trang trí mành tre có đính lá tre và 1 chữ nhũ đỏ VIET NAM nổi bật.

Đặc biệt, bạn nào làm Club chú ý khâu báo cáo họat động của club tại buổi tổng kết Club Activities vào giai đọan cuối của chương trình. Trong buổi đó, mỗi nước sẽ chọn ra 1 hoặc báo cáo điểm lại toàn bộ các club của mình. Tất cả tập trung ở Dolphin Hall, và từng nước sẽ giới thiệu kết quả họat động. Club nào càng thu hút nhiều bạn quốc tế càng tốt. Có những club nhảy mà đến 90% số người biểu diễn báo cáo là bạn bè quốc tế. Điều này chứng tỏ club đó thành công, được bạn bè yêu thích. VN năm rồi không ai nói cho chúng tôi rõ cả. Đến phần báo cáo của VN thì khách mời rất hoành tráng, nhưng không khí thì hơi tẻ, và do không chuẩn bị sớm từ khi còn ở VN (do lack of information) nên thiếu clip, thiếu sound, thiếu các họat động bổ trợ cho 10p báo cáo của club Việt Nam. Giá như trong lúc khách mời vẽ chuồn chuồn, chúng ta có clip về văn hóa VN, quay cảnh trẻ em VN chơi với trò chơi dân gian, quay làng quê VN... kèm theo sound, thì sẽ tăng tính thuyết phục và đạt hiệu quả cao hơn.

Thảo luận và OBSC

Khâu thảo luận luôn là điểm yếu của Việt Nam muôn năm qua. Khắc phục vấn đề này không dễ vì khả năng tiếng Anh của đại biểu Việt Nam còn hạn chế. Đoàn 2007 được TW Đòan đánh giá là có trình độ tiếng Anh đồng đều, vượt trội hơn hẳn so với các đoàn các năm trước (lời Mrs Chi - phó ban Quốc tế TW Đoàn) mà khâu thảo luận cũng còn nhiều điều phải cải thiện. Lý do thứ 2 là ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, nền giáo dục của VN dạy học theo kiểu rất thụ động, người học được khuyến khích nghe nhiều hơn là nói, nghĩ theo ý người dạy hơn là nghĩ và phản biện độc lập... Do đó, để có được những người mạnh dạn đứng lên nói ý kiến của mình một cách lưu loát, có sức thuyết phục, có sức hấp dẫn trong các hội thảo quốc tế thì thanh niên VN còn phải cố gắng nhiều. Thậm chí, trong quá khứ đã có nhiều đại biểu lấy lý do sức khỏe, trốn đi dự các phiên thảo luận, vì đến đó cũng chẳng biết nói gì...

Khâu thảo luận trong chương trình Sseayp luôn được chính phủ Nhật và các nhà tổ chức đặt nhiều kỳ vọng. Bên cạnh các họat động vận động, thì thảo luận và trao đổi ý kiến để hiểu nhau hơn chính là họat động trí óc. Sự hiểu biết, khả năng tư duy mạch lạc và logic, trình độ nhân lực, chất lượng đào tạo có hội nhập quốc tế được hay không ... của mỗi quốc gia sẽ được đánh giá qua những đại diện tiêu biểu của thanh niên mỗi nước tham gia chương trình thảo luận. Trong các nhóm thảo luận (có 8 chủ đề), thường thì các bạn Singapore và Indonesia có sự vượt trội hơn hẳn, nhất là các bạn Singapore. Họ rất mạnh dạn phát biểu, trong 1 số nhóm, các thành viên Singapore đã trở thành xương sống của nhóm, họ xây dựng đề cương báo cáo, lập dự án, rồi trình bày, lấy ý kiến, đâu ra đó. Đôi khi, buổi thảo luận của cả group 11 nước lại do Singapore dẫn dắt...

Việt Nam năm vừa rồi có phân công bạn Hương Lúa lo về khâu thảo luận, xây dựng country report (gắn với nội dung chủ đề chính của Sseayp hàng năm). Tiếc là đến phút cuối cùng bạn Lúa trúng học bổng Mỹ nên không tham gia được chương trình Sseayp. Khâu thảo luận của VN năm rồi bỏ lửng hẳn vị trí người điều phối. Riêng về Country Report, báo cáo này có thể làm bằng phim, slide, flash, hay diễn kịch, hát... để tăng tính hấp dẫn và truyền tải được thông điệp của báo cáo đến cử tọa. Trên tàu sẽ có hẳn 1 ngày để các nước giới thiệu country report. Nước nào đuối sẽ thể hiện ra ngay thôi.

Nhìn chung, để VN có sự xuất hiện ấn tượng hơn trong các phiên thảo luận trên tàu, nhất định phải có 1 Disscusion Leader để quán xuyến tình hình của đại biểu VN ở 8 nhóm thảo luận. Chỗ nào yếu, phải xử lý ra sao, chỗ nào mình có điểm mạnh phải phát huy ra sao. Trong ngày tàu trở về Tokyo, sẽ có 1 buổi 8 nhóm thảo luận trình bày kết quả của các phiên thảo luận nhóm, đến dự có đại diện nội các Nhật Bản. Lúc này mỗi nhóm thảo luận sẽ chọn ra 2 thành viên đại diện nhóm để báo cáo. 2 thành viên này có thể nằm trong nhóm tình nguyện viên giúp thảo luận được collect ở trên tàu (do xung phong và do bầu, tiếc là VN hòan toàn mờ nhạt trong các nhóm TNV này). Đến hôm báo cáo, là 1 VPY ngồi dưới, tôi - và chắc chắn cũng có nhiều VPY khác - không khỏi cảm thấy ngậm ngùi và xấu hổ khi trong số 16 PY đại diện cho 8 nhóm thảo luận lên báo cáo trước quan khách, không hề có 1 PY nào của Việt Nam. Chúng ta quá thờ ơ với việc này, và chúng ta cũng chủ quan. Trong số 11 nước, chỉ có VN và Lào là không có PY xung phong (hoặc được nhóm thảo luận bầu chọn) đại diện nhóm mình báo cáo. Vấn đề thể hiện tri thức của thanh niên VN do chúng tôi đại diện trong chương trình này vì thế có phần hơi khiếm khuyết. Việc này xảy ra cũng có thể do chúng ta chủ quan. Một số ExPY các năm trước tuyên truyền cho chúng tôi rằng Thảo luận vô bổ ấy mà, thích thì đi, ko thì thôi. Chúng tôi chủ quan, và chúng tôi cũng nghĩ rằng, thảo luận này chẳng thiết thực, ko tham gia cũng không sao. Cũng có thể do người được phân công phụ trách thảo luận của VN 2007 là bạn Lúa đã không tham gia chương trình được. Tôi tin rằng nếu có bạn Lúa, ít nhất sẽ có 1 VPY trong số 16 người đứng trên sân khấu trong Dolphin Hall, tự tin giới thiệu I am Lua, I come from Vietnam.... Cứ cho là thảo luận trên tàu không thiết thực (tôi cũng đồng ý với ý kiến này 1 phần vì trình độ của PY các nước thường là SV nên họ suy nghĩ đơn giản, ít thực tế), song không vì thế mà chúng ta có thể bỏ qua. Hình ảnh thanh niên VN cần phải được xây dựng một cách toàn diện, cả về tầm vóc văn hóa có chiều sâu, ứng xử văn minh, nhanh nhẹn khỏe mạnh, và thông thái nhạy bén. Mong các bạn 2008 và sau này sẽ rút kinh nghiệm khâu này.

OBSC là những cựu thành viên của Sseayp sẽ được tuyển chọn tham gia cùng đoàn nước mình trên chặng cuối. Những người này có trách nhiệm dự họp cùng contingent của mình để lắng nghe những ý kiến của đoàn đại biểu năm đó, nghe xem họ có dự án gì sẽ triển khai hậu Sseayp không, sau đó OBSC sẽ chuyển những ý kiến đó tới chính phủ Nhật, cơ quan điều phối chương trình ở Việt Nam để xem có thể giúp gì được không. Thường thì OBSC phải là những người có vị trí nhất định trong xã hội, có quan hệ rộng, có hiểu biết rộng để có thể có những ý kiến tư vấn cho cả 3 phía : Chính phủ Nhật, cơ quan điều phối VN, các PY của năm đó. Nhưng thường thì khâu tuyển chọn OBSC thường không đạt yêu cầu này. VN mới tham gia Sseayp được 12 năm, cựu thành viên còn đang nỗ lực vật lộn với cuộc sống để vươn lên những nấc thang cao hơn trong xã hội, do đó OBSC của chúng ta thường rất trẻ và góp mặt trên tinh thần giao lưu là chính. Có những nước mới tham gia Sseayp còn không tuyển được ai đi làm OBSC cho. VD như Lào năm 2007 là 1 ví dụ. Và do đó, cả đoàn Lào phải sang họp chung với Thailand trong các buổi họp OBSC vì Thailand có OBSC là 1 anh cựu thành viên, hiện là Phó giáo sư, Tiến sỹ, giữ chức vụ Phó giám đốc Sở GTVT của Bangkok. Việc họp chung như thế thật không hay cho thể diện quốc gia.

Packing và Logistic

.

Chọn phim chiếu và Interactive live

Phim chiếu trong cinema của tàu có 150 chỗ. Tuy phòng chiếu không lớn, song để lấp đầy cũng là cả một sự cố gắng lớn của mỗi đoàn. Quảng cáo thế nào, phát tờ rơi thế nào, vẽ viết gì trong tờ rơi để PY các nước khác họ tò mò và muốn tới xem phim, giấy mời NL các nước ra sao? Thông thường, vì phép lịch sự ngoại giao, NL các nước thường tới dự các buổi chiếu phim, nhưng cũng chỉ vài buổi đầu, sau đó cũng lẻ tẻ vắng dần. Kinh nghiệm mà tôi rút ra cho việc chiếu phim là thế này :

- Chọn phim mà thanh niên thích, bỏ qua các thể loại chính trị, chiến tranh nặng nề..., mà hãy cứ chiếu các phim về tình yêu, chuyện giật gân, phim ma... là đông PY đi xem. Nếu ai nói những phim loại này không có tác dụng tuyên truyền, thì là thiếu thực tế với những gì diễn ra trên tàu. Suy nghĩ theo kiểu của chúng ta, mang phim chính trị ra chiếu, 1 là ít người tới xem, thậm chí chỉ 2-3 chục người, 2 là xem 1 lúc thấy chán bỏ về. Đây mới gọi là không có tác dụng tuyên truyền. Thật ra, chọn 1 số phim hay dành cho lứa tuổi thanh niên do VN sản xuất sẽ hấp dẫn được các bạn các nước, và cũng giới thiệu được hình ảnh 1 VN mới, năng động, trai đẹp gái xinh, cuộc sống không còn bóng dáng chiến tranh, xã hội phát triển..,.. Phim nhất định phải có phụ đề tiếng Anh!

- Quảng cáo phim bằng tờ rơi phát vào buổi tập trung tất cả các đoàn trên Dolphin Hall vào đầu giờ sáng. Nếu thích thì vào giờ ăn tối, đặt trên mỗi bàn ăn 1 vài tờ quảng cáo, chắc sẽ đông khách. Trên tàu có phòng photo, thoải mái photo, nên làm tờ rơi bằng bìa màu, sẽ hấp dẫn hơn. Tất nhiên, nội dung phim cũng phải được giới thiệu ngon lành bằng tiếng Anh, đừng quá dài, kèm thêm hình ảnh hấp dẫn nữa, cùng với thời gian chiếu phim nhanh chân đăng ký vào những ngày đầu mới lên tàu, khi PY còn "đói" cinema, khi các nước khác chậm chân chưa book được phòng chiếu phim nước họ, thì đoàn VN sẽ có buổi chiếu phim NỔ rạp vì quá đông. Năm 2007, phòng chiếu phim VN kín đặc chỗ, rất nhiều PY phải ngồi trên lối đi giữa các dãy ghế.

- Thời gian chiếu : Kinh nghiệm cho thấy, lên tàu ngày đầu tiên, YL phải ra ngay quầy Admin book phòng chiếu phim VN. VN phải là đoàn mở màn chiếu phim, vậy mới đông. Nên chọn chiếu vào lúc 19h30 buổi tối đầu tiên rảnh rang trên tàu. Thường thì tối nào cũng có chương trình hoạt động, chỉ có 1-2 buổi trống vào tuần đầu chương trình và tuần cuối khi trên đường quay lại Nhật thì có nhiều tối trống hơn. Buổi tối trống đầu tiên là Volunteer Activities ngay khi lên tàu 2-3 ngày gì đó, vì nó là volunteer nên ai thích làm gì thì làm, không bắt buộc. VN sống chết cũng phải nhanh chân book cinema tối này, và đa số PY sẽ thích volunteer kiểu đi xuống cinema xem phim Việt Nam. Tuần cuối cùng trên đường trở về Nhật có nhiều tối trống, VN có thể chiếu thêm 1 phim nếu thích. Tuần này buổi tối PY thường ít chỗ chơi, nên đi xem phim cũng khá. Tất nhiên so với sự lựa chọn tuần đầu tiên thì tuần cuối chỉ đáng 6 so với 10. Những đoàn muốn chiếu phim mà không book được vào tối trống không có hoạt động, thì phải tranh thủ chiếu vào lúc 21h00. Muộn mà PY 1 tối chạy show mấy hoạt động rồi lại đi xem phim, thì chắc là ngoài đoàn chủ nhà, chả có mấy PY nước khác đến xem phim.

- Lưu ý mua 1 phim phải mua 2 bản dvd đề phòng hỏng. Trước khi rời khỏi VN phải cử 1 PY phụ trách chiếu phim ngồi xem từ đầu tới cuối xem đĩa có vấp không, có trục trặc gì không, phụ đề tiếng Anh có đúng và đủ không... Khi lên tàu, trước giờ chiếu, phải cử PY xuống cinema bật lên xem thử toàn bộ dvd xem đầu đọc trên tàu có đọc ngon cả đĩa không, âm thanh tốt không. Nhục nhất cho nước nào mà đang chiếu thì đĩa không đọc được, thay đĩa khác vào thì mất mặt, mà lòi ngay ra là dùng đĩa lậu! Ở VN mình quen chuyện dùng đĩa lậu, chứ Sin và Nhật họ rất cẩn thận chuyện bản quyền, tất nhiên trên tàu thì họ chả care chuyện nước nào chiếu phim dùng đĩa xịn hay lậu, nhưng nếu cả rạp đang xem đĩa vấp, dừng chạy thì ôi mặt. Vì thế, chuyện này PY nào lo cũng nên cẩn thận chu đáo... Năm 2007, VN chuẩn bị 2 phim để chiếu là Nữ tướng cướp và American Quiet. Có lẽ do PY lo việc chiếu phim hơi chủ quan, Nữ tướng cướp cuối cùng lên máy đọc của cinema không có phụ đề, may quá do thử trước 1 buổi nên kịp đổi sang American Quiet. Trót quảng cáo Nữ tướng cướp, sau đó lại phải xin lỗi, quảng cáo lại American Quiet. Khán giả xem thấy hay, một số bạn gái khóc vì thấy hậu quả chiến tranh trong phim. Tuy nhiên, theo suy nghĩ cá nhân của tôi, phim này khán giả nước ngoài xem sẽ hơi nặng nề, và họ cũng chẳng cần phải chăm chú làm gì, vì chuyện phim chả liên quan gì đến tâm lý, lứa tuổi hay đất nước họ. Do VN chiếu đầu tiên, khán giả tới đông và họ thấy tò mò, phim Mỹ lại quay rất đẹp, Hội An, Hà Nội, Sài Gòn hiện ra ngời ngời, áo dài trắng muốt long lanh... Thôi, âu cũng là quảng bá được cho Việt Nam. Một số NL các nước xem xong phim đã thắc mắc cảnh quay ở SG bây giờ có còn giữ được không gian kiến trúc như trong phim không. NL Hằng trả lời vẫn thế, không thay đổi mấy, và họ đề nghị khi tàu ghé TPHCM, đưa họ tới chỗ quay phim đó để chiêm ngưỡng vẻ đẹp SG. Vậy cũng tốt! Phim Thái Lan chiếu vào tuần cuối cùng, yêu đương sướt mướt theo công thức Hàn Quốc, yêu rồi ho lao, ốm, rồi ôm nhau khóc.... phim lại chẳng hề có phụ đề English, vậy mà đông nghịt. Đúng là tuổi trẻ - tuổi yêu!

- Gợi ý phim chiếu cho đoàn Việt Nam 2008 : DÒNG MÁU ANH HÙNG. Phim này nội dung tốt, diễn viên đẹp, kết thúc có hậu, đánh võ như Hongkong, bom nổ, bắn súng, giết người, ám sát, tình yêu, thù hận... tất cả là 1 nồi lẩu quá hợp khẩu vị PY trên tàu. Đảm bảo chiếu xong xuất đầu tiên, nếu VN chiếu lại xuất 2 vào ngay tối hôm sau, chắc sẽ có 1 nửa tàu hôm trước không đi xem, nghe những người đi xem về kể lại, thế nào tối hôm thứ 2 cũng phải tới xem. Hãy nhớ nhé 2008 : DÒNG MÁU ANH HÙNG.

* Về Interactive live : Xem entry Những ngày ở NYC.

Chỉ xin lưu ý các bạn 2008 là đưa các hoạt động này ra khu vực đông người sẽ quảng bá được nhiều hơn. VD Thailand 2007 có interactive live về boxing Thái, trước giờ open show, họ cho mấy người ra phòng triển lãm đánh võ ở đó, rồi kêu gọi mọi người sang phòng show dự interactive live và đối thoại với đoàn Thái về boxing Thái.

Bulletin Board

Trên tàu, ngay gian sảnh chính của tầng 3 - tầng có nhiều cabin ở nhất - dĩ nhiên là tập trung nhiều PY nhất, có 2 dãy bản tin được treo trên tường dọc 2 bên sảnh, ngay trước quầy "giao dịch" của đội ngũ Amin trên tàu. Có thể, nói, không ai mà không đi qua đây ít nhất 1 lần trong ngày. Sảnh tầng 3 có thể ví như Hồ Gươm của Hà Nội.

Hai dãy bản tin, 1 dãy dành cho 11 quốc gia tham dự chương trình, 1 dãy dành cho 11 SG. Ở dãy dành cho 11 quốc gia, bản tin lớn được phân chia thành 11 bản tin nhỏ được bố trí liên hoàn nhau. Năm 2007, cạnh bản tin của Việt Nam là Lào, và phía bên kia là Brunei. Với mật độ 11 bản tin bố trí san sát như vậy, thì việc thiết kế trang trí bản tin thế nào để nó trở nên nổi bật giữa 1 "rừng" bản tin của các nước khác, để bản tin của mình toát lên bản sắc dân tộc mình, nhìn vào đó là nhận ra À, Việt Nam! Vấn đề này khá quan trọng, vì ngoài việc cung cấp thông tin trên bản tin hàng ngày cho các thành viên trong đoàn (VD : Dán ảnh hoạt động, hôm nay mặc đồng phục mẫu gì, mấy giờ họp đoàn ở đâu, hôm nay có sự kiện gì lớn...), thì bản tin còn là bộ mặt thông tin của 1 đoàn trong những dịp Open Ship tại các cảng mà tàu ghé thăm. Trong tour đi tham quan tàu của hàng trăm khách mời là các gia đình nuôi tại mỗi nước thì họ đề đi qua bản tin, và không có lý do gì mà một PY lại không được quyền tự hào khi chỉ vào bản tin của nước mình và nói : Thưa, đây là bản tin của đoàn Việt Nam!

Năm 2007 vừa rồi, bản tin của đoàn VN được làm cơ bản khác so với các nước khác. Chúng ta sử dụng 1 mành tre làm background nên nó trông rất khác so với 1 series các nước khác dùng vải hoặc tấm thổ cẩm. Tự nhiên nó đã gợi nên hình ảnh Việt Nam, và nổi rõ cá tính trang trí. Bulletin Board là thứ phải thay đổi trang trí nhiều lần trong suốt chuyến đi chứ không thể chỉ 1 lần trang trí là xong. Thực tế cho thấy nếu có hay có đẹp lắm, mà suốt mấy chục ngày lênh đênh trên biển, nhìn mãi 1 hình ảnh thì cũng nhàm. Năm 2007, có lẽ Việt Nam là nước thay đổi trang trí bản tin liên tục và refresh hình ảnh nhiều, chúng ta có 3 mẫu trang trí bản tin khác nhau, và mẫu nào cũng cố gắng toát lên bản sắc dân tộc trong đường nét trang trí. Các nước còn lại cũng 2 lần thay đổi trang trí, Malaysia thì 3 lần. Nước chuẩn bị từ trước thì thay đổi cơ bản trang trí, nước không tính đến chuyện này thì nay thay chữ, mai thay ảnh... Có 1 số nước dính cả mảng background lên rồi không giữ được, sụp cả mảng bản tin xuống, trông rất thảm.

Trở lại chuyện bản tin của Việt Nam năm vừa rồi, thông tin cung cấp trên bảng tin thường là tin hoạt động trong ngày, thông báo cho ngày mai, ảnh hoạt động... cho lần trang trí đầu tiên là background mành tre, dọc 2 bên có viền 1 số cụm lá tre bằng vải và nhựa, xen kẽ có dán hình các cô gái và chàng trai trong trang phục áo dài, khăn xếp bằng bìa. Hai chữ Vietnam được ghép từ những mảnh ống tre, trông khá hài hoà với tổng thể. Dưới góc thấp của bản tin là 1 nửa chiếc đó bắt cá được cắt ra và treo lên, là hòm thư bỏ các message vào đây. Lào là đoàn hay gửi message cho Việt Nam. Lác đác có vài chú chuồn chuồn tre đậu lờ lững trên bản tin và bám vào chiếc đó. Lần thay đổi thứ hai là tạo ra 1 bông hoa 6 cánh bằng đó tre ghép lại, trông khá nổi bật trên cả dãy bản tin chung. Thay toàn bộ ảnh bằng ảnh của 10 cô gái dự thi miss áo dài Việt Nam, thêm 1 hòm phiếu bầu chọn cho giải People choice award. Lần thay đổi trang trí bulletin board thứ ba sau ngày tàu rời Việt Nam, là thay chữ VIETNAM ghép tre, bằng chữ A DIVERSE VIETNAM được cắt ghép chữ gỗ, sơn màu mang từ Việt Nam ngay từ những ngày đầu mới sang Nhật (đã dự trù sẵn thiết kế). Tiện giấy bìa đỏ cắt giấy mời thừa hôm làm Vietnam Night, xoắn xoắn uốn uốn thành những nơ trang trí, đính lên bảng tin cũng vừa mắt. Tham gia làm bản tin với mình năm vừa rồi có bác sỹ của đoàn : Đồng chí bác sỹ quân y Bùi Tiến Sỹ.

Nhân chuyện bản tin, mới thấy mình cũng có 1 ước mong - nhưng chúng ta chưa thực hiện được do vấn đề kinh phí, hoặc do cơ sở vật chất trên tàu chưa cho phép. Đoàn Philippines năm rồi đã làm được việc mà mình muốn làm cho bản tin của Việt Nam. Ở lần thay đổi trang trí bản tin thứ 2, họ thay đổi 100% design, dùng 3 màn hình plasma kích thước khoảng 8 inches/cái để liên tục truyền tải các hình ảnh về phong cảnh của đất nước họ, kèm theo âm thanh nho nhỏ. Đi qua nhìn bản tin này rất sướng, cảm giác hi-tech. Tuy nhiên, điều kiện của Nippon Maru còn chưa cho phép, vì họ phải dòng dây để câu điện xuống ổ cắm ở dưới thấp khá xấu. Họ cũng chưa tính hết chuyện sức nặng của các màn hình plasma, không có cái gì để treo (vì họ không tính từ ở nhà), nên được vài hôm là các màn hình này rơi lả tả trông rất thảm.

Nhân tiện kể thêm 1 chuyện là ngay cạnh quầy Admin có 1 bảng mica trắng chuyên dành để viết lịch hoạt động trong ngày cho cả tàu. Cứ tối đến đi qua đó nhìn lịch là nhớ mai làm gì, lúc nào, ở đâu... Góc dưới của bản tin này có 1 tập giấy in các tin mới của thế giới do tàu thu nhận được qua truyền sóng vệ tinh. Do nhiều ngày lênh đênh trên biển, nên họ phải dùng cách này để cập nhật tin mới cho các PY. Trong cabin cũng có TV bắt được kênh NHK (qua vệ tinh, đi giữa biển cũng xem được) nhưng 90% thời gian nói tiếng Nhật, bản tin tiếng Anh có nhưng không rõ phát vào lúc nào. Do đó cách tốt nhất để biết hôm nay trên thế giới xảy ra chuyện gì là đọc tập giấy in tin tức mới. Có 1 hôm về phòng thấy cậu Ro mặt buồn buồn, sáng ra thì đọc thấy ở bảng tin update của tàu tin đêm qua Philippin có đảo chính. Kể ra đang tham gia 1 hoạt động giao lưu quốc tế, niềm tự hào quốc gia đang dâng ngùn ngụt, đang muốn thể hiện hết mình để giới thiệu quốc gia, dân tộc mình với bạn bè quốc tế, đang làm hoạt động ngoại giao nhân dân, thì ở quê nhà lại xảy ra đảo chính, thật cũng rất ái ngại ...


Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2009

Dọc đường SSEAYP 2007 - kỳ 10 : Những ngày ở Việt Nam



Đêm 30 tháng 11:

Trong tâm trạng của những người con đang được trở về quê hương, Night call đêm qua - 30 / 11 của SG-A đã vang lên lời chào mừng SSEAYP 2007 tới Việt Nam của mình gửi tới cả tàu Nippon Maru. Kết thúc bằng một bài hát của em Hà Trần : Quê hương về trong nỗi nhớ - phát trên hệ thống loa phát thanh toàn tàu. Lời chào mừng tới Việt Nam được mình đọc bằng tiếng Anh dành cho PY các nước, còn bài hát là quà tặng tinh thần của mình gửi tới các VPY đang da diết nhớ quê, nhớ nhà:

Chiều nay buồn đứng nhìn

Về nơi tận cuối trời

Chạnh lòng nhớ quê xưa

Buồn vui sao tiếc nhớ

Một thời tôi dấu yêu

*

Chiều quê vẫn ngóng chờ

Người thương thì vẫn đợi

Hàng cây lá vẫn xanh

Ngạt ngào hương hoa Sữa

Làm lòng tôi ngất ngây

*

Một ngày hè tuổi thơ

Đôi chân sáo bơ vơ

Giờ này tôi viễn xứ ...

Xong nightcall, xuống tầng 1 nơi mọi người đang tụ tập ăn mừng thành công của Vietnam Night thì mới biết lời hát nghe nhỏ nên không rõ lắm. Tất cả VPY đều mong chờ đến sáng mai, Flag Hoisting Ceremony của Việt Nam. Ai cũng nhắn nhủ nhau dậy sớm và tươi tắn nhất cho lễ chào cờ Việt Nam sẽ được tổ chức tại Sport Deck lúc 7h30 sáng mai. Ngay sau khi Vietnam Night kết thúc, cả đoàn Việt Nam đã tập trung tại Sport Deck - cùng với 20 PY phụ trách kéo cờ của 10 nước còn lại để tập Flag Hoisting cho ngày mai. Theo quy định, trước Flag Hoisting của mỗi nước, tất cả các PY phụ trách kéo cờ của 10 nước kia, cùng với tất cả đoàn của quốc gia sẽ chào cờ đó phải tập trung tại Sport Deck lúc 21h30 để tập trước cho buổi lễ. Tham gia Sseayp 2007 có 11 quốc gia, nhưng sẽ chỉ có 8 buổi tập trung chào cờ trên tàu, Cambodia và Brunei làm chung 1 buổi, Myanmar và Philippines làm chung 1 buổi. Đây là 4 nước mà tàu Nippon Maru không ghé thăm. Riêng Lào và Thái Lan cũng chào cờ chung 1 buổi vì chương trình thăm Lào bố trí lồng ghép trong thời gian tàu Nippon Maru lưu lại tại Thái Lan.

Chuyện chào cờ cũng rất tế nhị. Đây là nghi thức trang trọng bậc nhất trên tàu, nó thể hiện sự tôn trọng của chương trình tới Quốc gia thượng cờ. Tất cả thành viên 11 nước, đội ngũ Admin, Facilitator, OBSC đều phải mặc trang phục A1 và có mặt lúc 7h15 hàng lối nghiêm chỉnh để làm lễ chào cờ của 1 Quốc gia. Lễ chào cờ được sắp xếp vào sáng ngày đầu tiên tàu Nippon Maru cập cảng 1 Quốc gia. Những Quốc gia mà tàu không cập cảng thì sẽ phân bổ thời gian làm lễ chào cờ trên biển. Những hôm trời mưa thì lễ chào cờ sẽ được làm trong Dolphin Hall và sẽ cắt giảm một số thủ tục do điều kiện cơ sở vật chất và không gian không cho phép. Có chào cờ ở ngoài trời, trên Sport Deck và trong Dolphin Hall mới thấy, chào cờ ở Sport Deck hoành tráng hơn hẳn, oai phong hơn và xúc động hơn. Giữa bao la gió và nước, giữa bừng bừng khí thế của ngày trở về quê hương, khi xung quanh là cảnh quan vùng cửa biển nơi con sông Sài Gòn đổ ra, hát Quốc ca và nhìn lá cờ Tổ quốc từ từ được kéo lên khi con tàu Nippon Maru chầm chậm tiến vào sông Sài Gòn - đất nước mình, non sông mình - mới cảm nhận được sự xúc động trào dâng trong trái tim của những người con Việt Nam. Nhân đây cũng nhắc lại với PY 05 vì năm đó trời mưa nên suýt phải chào cờ trong Dolphin Hall, chia buồn với PY 06 vì năm trước tàu không ghé Việt Nam nên phải chào cờ giữa vùng biển quốc tế mênh mông không có nhiều gợi nhớ đến quê nhà... Cũng chia buồn với PY 03 vì lễ chào cờ Việt Nam năm đó có biến cố không nhỏ từ đoàn Indonesia. Cũng có thể vì câu chuyện buồn của lãnh đạo đoàn Việt Nam năm 2002 mà đoàn Việt Nam năm 2003 đã phải rất vất vả gồng mình lên để xây dựng lại hình ảnh của thanh niên và đất nước Việt Nam trong con mắt của bạn bè. Không phải ai cũng hiểu và cũng thông cảm. Cũng từ sau chuyện xảy ra năm 2003, người Nhật đã thiết kế lại khâu chào cờ, cờ nước nào do chính PY của nước đó kéo. Không ai muốn lễ chào cờ Việt Nam phải kết thúc như thế, nhưng là người Việt Nam - không ai để hình ảnh thiêng liêng của Tổ quốc mình lại bị đối xử như thế. Việc gì cần phải làm thì chúng ta sẽ sẵn sàng thực hiện!

-----------------------------------------------------------------------------------

Ngày 01 tháng 12:

Sáng 6h45, mọi người khẩn trương hoàn chỉnh trang phục và bước ra ngoài cabin để lên sport deck. Mình ra ngoài sảnh tầng 3 định đi thang máy lên tầng 6 để ra sport deck thì đã thấy đoàn Brunei tập hợp khá đông. Trong các lễ chào cờ, thường thì các đoàn để PY tự lên Sport deck tập trung rải rác, miễn là đến giờ 7h15 là đủ, thì đoàn Brunei và Philippines là 2 đoàn thường tập trung PY ở sảnh tầng, rồi cả đoàn cùng tiến bước ra Sport Deck rất khí thế. Đây cũng là một cách làm hay, nhưng đòi hỏi các PY phải có tinh thần kỷ luật cao, thức dậy sớm hơn để tập trung. Đôi khi, đến gần 7h30 rồi mà vẫn thấy lác đác có PY các nước ngái ngủ, đầu tóc vội vàng lật đật chạy lên Sport Deck để làm lễ chào cờ trong cái nhìn khắt khe và nhăn mặt của NL nước đó, có lần thấy cả 1 chị Admin đến muộn, vừa chạy vào hàng vừa cúi gập người xin lỗi.

Lễ chào cờ Việt Nam diễn ra trang trọng, đúng nghi thức. Bài phát biểu của NL Hằng nghe cũng được. Xong xuôi, mọi người nán lại Sport Deck chụp ảnh lưu niệm trong trang phục A1 và A2. Công nhận áo sơmi Hồng năm nay đẹp, chỉ phải cái tội dễ nhăn và dễ thấm mồ hôi. Các bạn PY năm sau nếu làm đồng phục thì tiếp tục phát huy bộ Hồng năm nay, và làm thêm 3 mẫu nữa là 1 mẫu trắng và 2 mẫu mầu có ấn tượng mạnh. Không cần làm những màu nhạt nhòa hay e ngại mà chọn những mẫu vải trung tính quá. Các bạn cứ chọn những màu mạnh, nhưng phải sang. Áo của Cambodia năm nay xanh lè như áo công nhân, mặc vào rất tối, hoặc Philippines có đồng phục bóng nhẫy, không đẹp! VPY 07 tiếp tục phát huy thành công của Club Activities 06 là vẽ chuồn chuồn, thì VPY 08 cũng có thể tiếp tục sử dụng mẫu sơ mi hồng măngséc lộn của 07. Nhiều người khen, nhất là khi flag cheer cùng màu cờ đỏ của Việt Nam - thật sự đẹp và hài hòa.

Khoảng 9h, đoàn Việt Nam book chỗ tại Dolphin Hall để tập văn nghệ cho phần trình diễn tối nay. Sau khi NL và YL liên lạc với công ty Miss Áo dài tại TPHCM để mượn đồ diễn tối nay tại NVH Thanh niên không được, mình nhận việc thu xếp 9 bộ áo dài cho đoàn Việt Nam diễn tối nay. Điện thoại ra HN cho Phương, Phương call vào cho Quốc Bình. Sau 2 cuộc điện thoại cho designer Quốc Bình, mình được xác nhận chắc chắn có đồ diễn cho đoàn Việt Nam tối nay. Sau này mới biết vì mình yêu cầu áo dài phải theo collection thống nhất về kiểu dáng và người mẫu VPY chỉ cao từ 1m65 trở xuống, Quốc Bình đã thu xếp mượn được 9 bộ của Hoài Sang vừa vặn với body của nữ VPY năm nay. Collection rất đẹp, khiến nhiều PY ngất ngây. Việc quảng bá văn hóa Việt Nam qua tà áo dài của đoàn Việt Nam năm nay rất hiệu quả. Có tham gia đêm Philippines mới thấy đến 80% PY female trên tàu mặc áo dài Việt Nam tới xem biểu diễn, không hiểu đây là đêm của Philippines hay đêm của Việt Nam? Trong Farewell Party, toàn bộ admin nữ trên tàu xuất hiện trên sâu khấu để nhảy điệu nhảy truyền thống của Admin trong trang phục áo dài Việt Nam. Không ít ánh mắt ghen tị từ các PY nước khác khi thấy 1 dàn admin người Nhật chọn áo dài Việt Nam làm đồng phục trình diễn. Có thể nói, người mua ít là mua 1,2 bộ, người mua nhiều mua 5 bộ như NL Malaysia hoặc Indonesia, có người mua 8 bộ, có PY mua trên chục bộ áo dài. Không chỉ PY nữ mà PY nam cũng mua. Nippon Maru ghé thăm TPHCM đã tạo ra sự ngạc nhiên thú vị cho các bà các chị bán hàng ở chợ Bến Thành, chợ Tân Bình hay ở An Đông Plaza...

Trở lại với thời điểm 9h30 sáng ngày 01 tháng 12. Do không phải biểu diễn buổi tối nay nên tập xong phần cheer cờ (đã bổ sung cải tiến so với phần cheer cờ xuống tàu ở các nước khác, ở Việt Nam phải đặc biệt hơn với màn cheer cờ welcome to Việt Nam), mình đi lòng vòng ngoài boong tầng 4, lên phía mũi tàu thấy nhiều NL đang đứng nhìn TPHCM dần hiện ra trước mặt. Chen giữa tấp nập tàu thuyền của đoạn sông từ Tân Thuận về Nhà Rồng, thoảng lại có chiếc tàu cánh ngầm tuyến TPHCM - Vũng Tàu rẽ sóng lướt qua, góp thêm chút gia vị ồn ã cho không khí nơi đây. Gần đến cảng Quay, nghe xa xa thấy tiếng nhạc tưng bừng, nào là Thanh niên làm theo lời Bác, nào là Tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh, nào là Mùa hè xanh, và thấy khá đông các bạn thanh niên TPHCM đang đứng nhảy theo nhịp nhạc và vẫy cờ trên cầu cảng đón chào. NL các nước và 1 số PY cũng bất ngờ và phấn khích vi sự chào đón này. Việt Nam là nước duy nhất có sự chào đón tàu ngay từ xa như vậy. Mình cũng thấy phấn chấn, may mà có cầm theo cell phone, điện thoại ngay cho em Dương gọi các VPY đang tập văn nghệ trong Dolphin Hall cầm cờ Việt Nam chạy lên phía mũi tàu để chào các bạn thanh niên TPHCM. Mọi người hồ hởi, phấn khởi, tưng bừng, tay cầm cờ chạy từ phía cuối tàu lên như những đứa trẻ đang hớn hở chạy ra đón Bác Hồ trong các đoạn phim tài liệu. Cũng đúng thôi, vì tàu Nippon Maru đang chầm chậm cập cảng Nhà Rồng, đang đưa mọi người tới thăm thành phố mang tên Bác. Ong Shao Rong, homestay mate tại Indonesia với mình - là PY Singapore - quay sang hỏi mình : Họ đón chào chúng ta đấy à? Mình trả lời : Yes, welcome to Ho Chi Minh city! Cậu ta ồ lên thích thú và hướng máy ảnh chụp liên tiếp các bạn tình nguyện viên trên cầu cảng. Rong là Press PY của đoàn Singapore.

Lúc này, Nippon Maru đã áp mạn vào cầu cảng. Mọi người trên tàu và dưới cầu cảng vẫn tiếp tục nhảy, phất cờ, hát đồng thanh theo nhạc được phát trên các dàn loa lớn được dựng lên dưới cầu cảng. Tất cả đều phấn khích. Nhưng mình đọc được suy nghĩ trong mắt các bạn tình nguyện viên: các PY đâu hết rồi, cả tầu đâu hết rồi, sao chỉ có các VPY và 1 số PY các nước trên boong? Cả tàu có gần 400 người, đâu hết rồi? Xin trả lời là có rất nhiều lý do tổng hợp lại :

- Do Việt Nam là nước duy nhất có chào đón từ xa ngay lúc tàu cập cảng, và lại là nước tàu ghé thăm sau cùng, nên PY các nước không có thói quen ra boong để chào đáp lễ khi tàu vừa tới cảng.

- Do thời tiết tại TPHCM rất nóng, nên hầu hết các bạn PY đều ở trong tàu chứ không ra boong.

- Do lúc này đa số các PY đang tập trung theo contingent tập văn nghệ chuẩn bị cho buổi biểu diễn giao lưu văn hóa tối nay tại NVH Thanh niên. Việt Nam là port of call cuối cùng, nên các nước đều muốn xuất hiện 1 cách đàng hòang nhất, ấn tượng nhất để lưu lại hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè.

- Do chúng ta không tuyên truyền trước là có chào đón của TNV tại cảng. VPY 07 không hề biết gì về việc có chào đón của TNV. Việt Nam có cử đoàn lên tàu từ 2h sáng đêm qua lúc tàu vào hải phận Việt Nam, đại diện Ex-PY Alumni là Mrs Kim Anh và 1 người của thành đoàn TPHCM đã lên tàu, song không ai thông tin gì về việc này, dẫn tới khi tàu vào cảng, dưới cảng thì tấp nập tưng bừng, trên tàu thì im lìm. May mà mình đi ra boong nên mới biết mà gọi VPY ra chào đáp lễ, không thì còn im lìm nữa... Toàn bộ đoàn Việt Nam là những người lần đầu tiên tham gia chương trình, do đó không hề biết về sự đón tiếp của Việt Nam sẽ như thế nào.

Vậy là ấn tượng đầu tiên khi về tới Việt Nam là sự nhiệt tình và mến khách của các bạn TNV. VPY 07 chúng tôi đã chuẩn bị sẵn 1 băngrôn có dòng chữ WELCOME HOME để thả từ boong tàu xuống khi cập cảng Việt Nam, thế nào mà quên mất, đến hôm dọn kho mới nhìn thấy. Tiếc thật!

Các bạn TNV - các bạn thật tuyệt vời!

15h. Lễ đón chính thức được tổ chức tại sân cảng. Tới dự có anh Võ Văn Thưởng - BT thứ nhất TW Đoàn, anh Tất Thành Cang - BT Thành đoàn TPHCM, lãnh sự các nước tại TPHCM. Trời nắng gắt. Từng đoàn đại biểu quốc gia lần lượt xếp hàng xuống tàu và làm flag cheer. Dưới cầu cảng lúc này đã thấy có vài trăm SV TPHCM đứng vẫy chào, các đội múa Lân, Rồng cũng biểu diễn đón chào. Do đây là port of call của Việt Nam nên đoàn Việt Nam sẽ xuống sau cùng. Rồi thì giây phút bước ra khỏi cửa tầng 2 của Nippon Maru cũng tới, bước chân xuống thang mà lòng mừng vui, dưới kia là những khuôn mặt thân quen, là các ExPY đang chào đón, xúc động tự hào đặt chân lên mảnh đất quê hương sau nhiều ngày lênh đênh trên biển... Vì trời nắng nên mỗi bạn PY xuống tàu được 2 cô áo dài đứng ngay chân cầu thang trao tặng một mũ tai bèo có in chữ Sseayp 2007. Đây, những hình ảnh thân thương của truyền thống cách mạng đã thấy từ những giờ phút gặp gỡ đầu tiên...

Lễ đón diễn ra tuần tự như nó phải có với các thủ tục kèm theo. Chỉ tiếc là lãnh đạo Việt Nam không sử dụng được tiếng Anh, nên thời gian bị kéo dài do thời gian phát biểu bị double thêm phần phiên dịch chuyển ngữ. Trời nắng gắt, may không có PY nào ngất xỉu như ở Indonesia. Việc tặng mũ che nắng là rất tốt. Tuy nhiên, những năm sau nếu dựng tấm chắn mặt trước trên mái của sân khấu cao hơn nữa (chỗ đặt biểu ngữ chào mừng) thì khoảng bóng râm che phủ dưới sân sẽ rộng hơn.

18h : Tập trung tại Dolphin Hall. Lại đi theo SG. Ra xe bus, gặp các bạn TNV - Hải, Khanh, Vy, Hương và Mạnh - ExPY 06 làm Liaison Officer. Mọi người đi tới Windsor Plaza Hotel để dự Welcome Party của Ban đón tiếp Quốc gia chiêu đãi. Trên xe SG-A, mình thấy TNV Việt Nam do Thành đoàn TPHCM tuyển chọn và tập huấn cũng k, so sánh tương quan với các nước thì TNV Việt Nam cho 1 bus đông gấp 2 lần, tiếng Anh gần tương đương, duyên hơn, xinh hơn. Đạt tiêu chuẩn Sseayp!

Nói về chuyện tiệc thì chúng ta cần phải rút kinh nghiệm. Nếu không làm theo cách của người Thái Lan tại tiệc ở Bangkok (xem entry trước về Thái Lan), hoặc địa điểm không được rộng như họ thì ta phải làm theo cách khác chứ không thể để xảy ra nháo nhào, lộn xộn như tiệc tại TPHCM.

1. Nên để từng SG vào, ổn định chỗ ngồi cố định từng SG rồi mới cho SG tiếp theo. Như vậy trên từng bàn tiệc phải có thẻ chỉ định đây là bàn tiệc của SG nào.

2. Phải có TNV riêng cho phần tiệc, và được tập huấn riêng, biết khu vực nào dành cho đối tượng nào, mình phải làm gì, khi cần hướng dẫn thì biết chỉ ra đâu, cần thông tin thì biết liên hệ ai? Xảy ra tình trạng là TNV đông, mà không ai biết mình phải làm gì. Nhiều TNV tham gia tiệc nhiệt tình hơn cả khách, trong khi PY các nước đang lang thang trong nhà hàng chưa tìm được chỗ ngồi thì TNV đã sẵn sàng để ăn tiệc mà không đứng dậy hỏi xem khách cần gì.

3. Do cách bố trí nội thất của nhà hàng, rất không thuận lợi cho việc phát biểu của lãnh đạo thành phố. Vì thế nên đưa việc phát biểu sang Culture Exchange. Để chứng tỏ có lãnh đạo dự, chỉ cần mời bà Hà - phó chủ tịch TP đứng lên và mời tất cả mọi người cùng nâng ly, hô to theo kiểu Việt Nam là đủ. Thứ trưởng Nhật cũng làm vậy ở Tokyo, khi hô Cạn ly bằng tiếng Nhật. Nhiều nước khác cũng thế! Nhớ lại khi bà Hà phát biểu, hoàn toàn lạc lõng. Xung quanh ầm ĩ. Những người ở xa không biết chuyện gì đang xảy ra khi không cho họ đi lấy thức ăn mà bắt phải ngồi chờ ở bàn. Mấy chiếc loa thùng chỉ chờ bà Hà phát biểu xong thì tháo ra mang đi, đến lúc cuối muốn announcement rằng PY tập trung lại theo SG tại sảnh ngoài để ra bus thì cũng không làm được. Mình, Thắng và Dương đứng bất lực nhìn bà Hà phát biểu trong không khí ồn ã, 3 người thì chả làm gì được!

4. Nhà hàng đã đặt riêng và kín đặc chỗ cho Sseayp (330 PY + NL, hơn 30 Admin và trưởng tàu, 20 liaison officer, và 80 TNV) thì không nên nhận khách ngoài. Không thể hiểu được khi YL, AYL, PY Indonesia, Thái Lan vì không tìm được chỗ ngồi trong nhà, mang đồ ra ngoài trời ngồi thì bị nhân viên nhà hàng mời trở lại trong nhà vì chỗ ngồi ngoài trời để phục vụ khách lẻ. Vào thì không còn chỗ phải ngồi ghép chen chúc, ra ngoài thì bị đuổi vào mấy lần mấy lượt. Mình và Dương gần như tranh cãi với quản lý nhà hàng về thái độ phục vụ và cung cách phục vụ. Khổ thân các bạn PY các nước, bê đĩa ra rồi lại bê đĩa vào, bê vào rồi lại bê ra.

5. Cũng do việc không có chỉ dẫn về vị trí ngồi, nên có 5 admin phải ngồi tách khỏi bàn admin chung vì chỗ ngồi chật chội quá không ngồi được. Và theo chỉ định của quản lý nhà hàng, waiter chỉ serve foods cho 4 bàn admin và NL có trước. Trong khi các admin khác ăn uống theo thực đơn được phục vụ, thì 5 admin này cứ ngồi chờ vì nghĩ là người ta sẽ mang đồ ăn đến như các admin kia. Đến nửa tiếng không thấy gì, họ tự thấy mình phải ra chen chúc với PY để lấy thức ăn. Nhìn admin in-charge của SG-A là Kumi trông đói và ủ rũ, nhìn họ có phần không đồng tình với BTC tiệc của Việt Nam thì thấy rất tội nghiệp. Mình và Dương nhắc đi nhắc lại với quản lý nhà hàng, chỉ mỗi việc serve thêm foods cho 1 bàn nữa mà họ rất cứng nhắc, nói là Thành đoàn chỉ yêu cầu serve foods cho 4 bàn thôi. Mãi rồi sau họ cũng mang mấy đĩa đồ ăn ra, mình xin lỗi 5 admin mà thấy bực mình với cung cách tổ chức ngày hôm nay. Sau khi lo xong cho các admin, mình mới đi ra chỗ mấy VPY để kiếm chút gì vào bụng.

6. Việc lên schedule cũng rất nghiệp dư. Không thể hiểu nổi 1 bữa tiệc buffet đàng hoàng, có cả phát biểu và nghi lễ mà BTC Việt Nam có thể xếp time trong 60 phút. Ít ra phải gấp 2 lần như thế. Và thực tế đã chứng minh time đúng là gấp 2 lần như vậy mới đủ để các SG lên thang máy, vào phòng tiệc, ngồi nghe phát biểu mà không biết là đang có chuyện gì, ăn uống xong, tập kết lại tại sảnh, điểm danh quân số, chờ xe bus tập kết dưới đường (windsor plaza không có chỗ đỗ xe nên việc tập kết xe rất khó khăn, những năm sau nếu tìm được nhà hàng có chỗ đủ rộng thì tốt hơn).... tất cả mà làm schedule trong 60 phút? Thật không thể tin được!

Tuy nhiên, bên cạnh những nhược điểm kể trên, tiệc của Việt Nam cũng có nhiều ưu điểm đáng kể so với các nước khác :

- Phục vụ Halal food cho người đạo Hồi ngon và rất đầy đủ.

- Các món ăn rất đa dạng và chất lượng, từ món của Japan, Halal, Âu, Á, Việt, Ấn, hải sản, sushi... rất nhiều, các PY khen tiệc của Việt Nam ngon và no. So với tiệc của Thái Lan thì của Việt Nam nhiều món hơn nhưng tổ chức tệ hơn, so với tiệc của Singapore, Malaysia và Indonesia thì tiệc của Việt Nam ngon hơn hẳn và sang trọng hơn.

Vậy là cũng xong tiệc, là PY Việt Nam không thể không phiền lòng về cách thức tổ chức tiệc kiểu này. Hy vọng các năm tới sẽ rút kinh nghiệm!

Hơn 20h : Tới NVH Thanh niên TPHCM.

Trên đường đi, anh lái xe bus của SG-A đã sát sạt "dí" cả xe vào đít xe bus đi trước. Khỏi phải nói gương mặt của PY các nước khiếp đảm như thế nào. Xe vừa tăng tốc thì phanh gấp, cách đít xe bus trước chưa đến nửa mét. Cả xe hét như vỡ tổ. Mình nhớ mãi gương mặt của 2 PY nữ Singapore ngồi sau mình, rõ là kinh hoàng. Đây có lẽ là những trải nghiệm đầu tiên của bạn bè quốc tế về giao thông của Việt Nam, Hãy đừng cầm lái nếu bạn chưa đủ dũng cảm, đừng liều! Anh lái xe có vẻ bất mãn khi bị góp ý. Đúng là phong cách Việt Nam quá!

Một hình ảnh thân thiện hơn đã được thể hiện sau đó. Trên đường đi và nhất là đọan quay xe và đỗ xe chờ xuống xe theo lệnh của Admin ngay trước NVH Thanh niên TPHCM, cả xe SGA - và có thêm nhiều xe khác - đã nhận được sự chào đón nhiệt tình của những người dân TPCHM. Có thể do hiếu kỳ khi thấy các bạn PY mặc trang phục dân tộc của các nước, các bạn Nhật trong trang phục Kimono, các bạn Sin, Malay, Indo trong các bộ quần áo sặc sỡ và lạ mắt... mà đa số người dân đi xe máy dưới đường đều nhìn lên xe bus và vẫy chào. NL Hằng và mình gợi ý các bạn SG-A trên xe chào lại, cheer các điệu cheer của SG, cheer banana của Phi, cheer của Indo... Các PY hết sức hào hứng khi thấy mọi người dưới đường đứng lại xem họ cheer trên xe, nhiều người dừng hẳn xe máy lại để giơ tay làm theo các điệu cheer của PY trên xe. Có cả những em bé ngồi sau xe của bố mẹ cũng giơ tay múa xòe xòe theo. Rất thú vị. Đúng là không ở đâu trong số các cảng mà Nippon Maru đã ghé thăm, các PY lại nhận được tình cảm đón tiếp ấm nóng và đáng yêu như ở TPHCM. Trải nghiệm này có lẽ thú vị và đáng nhớ hơn rất nhiều so với trải nghiệm về giao thông trước đó.

Vào NVH Thanh niên: trên đường vào mình gặp lại bác Cúc - host family Việt Nam được chính phủ Nhật mời sang Tokyo tham gia Lễ khai mạc chương trình. Bác Cúc có vẻ phấn khởi vì lại được đón Sseyap về TPHCM, lại được đón PY về homestay tại nhà mình. Chuyện homestay ở Việt Nam cũng có nhiều điều buồn cười, sẽ kể sau.

Trên sân khấu lúc này, sau phần biểu diễn chào mừng của thanh niên TPHCM đến lượt các đoàn đại biểu thanh niên của từng Quốc gia biểu diễn. Thứ tự biểu diễn theo port of call. Việt Nam là đoàn cuối cùng trình diễn áo dài của Hoài Sang với phần phụ diễn của 4 nam múa quạt, trên nền nhạc được soạn riêng. Do hội trường của NVH không quá lớn nên không gian cô đọng và tập trung sự chú ý cao. Những tiết mục mà các nước biểu diễn tối nay cũng đều công phu vì đây là port of call cuối cùng. Không khí trong hội trường càng lúc càng sôi động, tiếng cổ vũ và những tràng pháo tay càng lúc càng lớn hơn. Đoàn Indonesia vẫn như mọi lần - huy động toàn bộ quân số. Đoàn Thái hôm nay nhảy lại điệu nhảy đã từng trình diễn ở Singapore và Thai Night trên tàu - nhưng huy động toàn bộ quân số. Em Jen của Thái nhảy say mê đến toạc cả đũng quần, ghi tiếp 1 giai thoại nhỏ về những "sự tích" của em này....

Sau phần trình diễn của đoàn Việt Nam - đoàn cuối cùng, hội trường đã rất hưng phấn. Nhiều Ex-PY và gia đình nuôi ngồi trên bancông tầng 2 cũng cỗ vũ hết sức nhiệt tình. Đến tiết mục kết của đội văn nghệ NVH Thanh niên TPHCM với bài Đến với con người Việt Nam tôi thì cả hội trường đều vỗ tay theo nhịp. Phải cảm ơn anh Dino - NL Philippines đã đứng dậy đầu tiên, vẫy cả đoàn Philippines đang ngồi ở những hàng ghế sát góc bên trái sân khấu đứng cả dậy nắm tay nhau cổ vũ, chỉ chờ có thế, như có sức bật vô hình, cả hội trường đồng loạt đứng đậy nắm tay nhau giơ lên cao và nhún người theo nhịp nhạc. Tất cả Sseayp chúng tôi đã hòa thành một khối. Tất cả 400 trái tim PY, NL, Admin,... đã cùng đập một nhịp. Những cánh tay tiếp tục giơ cao trong bài hát truyền thống của con tàu Nippon Maru do tam ca nam trình bày. Lúc này mọi người không chỉ nắm tay, không chỉ trao nhau những ánh mắt thân thiện và hữu nghị, mà còn cùng hát vang bài hát Nippon Maru. Chưa bao giờ Sseayp 2007 lại hòa nhịp chuẩn như thế, chưa bao giờ một chương trình culture exchange tại 1 port of call lại thành công như thế. Đây là điểm sáng trong country program của Việt Nam, là ấn tượng sâu đậm và khó phai mờ đối với những ai có mặt trong hội trường đêm hôm đó. Tinh thần Sseayp quả thật đã cháy sáng tại NVH Thanh niên TPHCM trong đêm 01 tháng 12 năm 2007....

Chúc mừng thành công của những người tổ chức culture exchange của Việt Nam. Họ đã biết tạo ra sự cộng hưởng tinh thần của hàng trăm người để đẩy tinh thần đoàn kết - hữu nghị - hòa hợp của thanh niên Asean và Nhật Bản lên cao trong một đêm văn nghệ thăng hoa tại Việt Nam.

Tin rằng mọi người sẽ còn nhớ mãi!

-----------------------------------------------------------------------------------

Ngày 02 tháng 12:

Sáng tập trung ở Dolphin Hall chuẩn bị đi Institutional visit. Chương trình Institutional visit ở Việt Nam chủ yếu là đi thăm các trường đại học, 1 số SG thăm báo Khăn quàng đỏ, thăm HTV, thăm công ty Miss Áo dài,... SG-A và B được đưa đến thăm trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM.

Sau chương trình Institutional visit rất thành công của Thái Lan, VPY trong SG-A và B đều lo ở Việt Nam liệu có được tổ chức tốt không. Xe chạy qua trường ĐH KHXH&NV, rồi lại chạy lại thêm vòng nữa, Tar - TPY bảo mình : Sao mình vừa đi qua đây cơ mà? Mình chẳng biết giải thích thế nào nữa. Hỏi mấy em TNV thì các em cũng có vẻ hơi căng thẳng. Cuối cùng thì xe không dừng ở trường ĐH KHXH&NV mà dừng ở trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ giáo dục. NL Hằng và mình bảo nhau : Chắc có gì trục trặc rồi. Một lúc sau thì NL Hằng chạy ra bảo : Chẳng hiểu BTC thế nào mà hôm nay trường ĐH KHXH&NV tổ chức kỳ thi test tiếng Nhật, họ block toàn bộ trường nên mình bị đổi sang đây. Ngay khi vừa xuống xe để bước vào trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ giáo dục, Admin Kumi của SG-A nhìn 1 lượt rồi quay sang hỏi mình : Đây là trường đại học của Việt Nam à? Ngại quá, mình nói lại : Không, chúng ta vào tạm đây để làm lễ đón 1 chút rồi sẽ đi sang thăm trường ĐH kia sau. Kumi lắc đầu vì chuyện này không có trong chương trình đã sắp xếp trước.

Lên đến hội trường ở tầng 5, nhìn quang cảnh và cách tổ chức thì mình biết đây là chương trình do 1 khoa của trường ĐH KHXH&NV làm chứ không hẳn là Đoàn trường đứng ra làm. Lúc đầu chương trình hơi cứng nhắc và không tạo ra được sự giao lưu giữa local youth và các PY. Mình bảo Hải - 1 em TNV là nếu cứ tổ chức 1 chiều thế này thì không được. Hải cũng nói : Em hơi bực mình về cách làm việc của trường này. May quá, lúc sau thì chương trình có sôi nổi hơn, và các bạn trong BTC của khoa Quốc tế - trường ĐH KHXH&NV cũng làm tốt hơn để gắn kết các local youth và PY lại gần nhau hơn. Về chương trình, NL Hằng chạy ra bảo mình : Chị là trưởng đoàn, chị yêu cầu BTC của trường ĐH KHXH&NV cắt hoàn toàn phần thi Miss áo dài. Mình cũng đồng ý với NL, phải cắt bớt chương trình. Cũng phải kiên quyết như vậy thì chương trình mới kết thúc được đúng 11h30, nếu cứ để lai rai thi thố thì không biết sẽ thế nào, mà đêm hôm 30/11 trên tàu đã có thi Miss áo dài Việt Nam hoành tráng rồi... Cũng trong phần chiếu slide giới thiệu các nước, không hiểu thế nào mà các bạn trong BTC lại làm thiếu nước Lào. NL lại phải chạy ra chữa cháy bằng cách yêu cầu BTC mời riêng AYL của Lào trong SG-B lên sân khấu tặng hoa để chữa cháy... Rốt cuộc, khi thấy tất cả PY và local youth cùng nắm tay nhau và kết thành vòng tròn lớn trong hội trường cùng hát Heal the World thì mình mới tin chương trình đã tạm ổn.

Sang đến trường ĐH KHXH&NV thì mình lại thấy hơi thất vọng. Lần đầu tiên đến đây, nhưng mình không nghĩ trường này lại khiêm tốn vậy. Campus này quá nhỏ và cũ kỹ, không thể hình dung được các PY quốc tế sẽ học hỏi và tìm hiểu được gì về giáo dục đại học Việt Nam trong điều kiện này. Institutional visit biến thành 1 cuộc giao lưu với SV khoa Quốc tế của ĐH KHXH&NV TPHCM. Nhớ lại Chan Tan Khin - YL của Myanmar trong lời phát biểu tại homestay matching vào buổi chiều cùng ngày đã nói 1 cách ngoại giao rằng : Sáng nay chúng tôi đã có chuyến thăm quan bổ tích tới trường ĐH KHXH&NV, và chúng tôi - tất cả PY của SG-A và SG-B đã được giao lưu với các bạn SV Việt Nam, đã được nhìn và đã hiểu thế nào là 1 trường đại học ở Việt Nam... Nếu cứ đúng như lời cậu này nói, thì cái nhìn về đại học Việt Nam của PY sẽ phiến diện, những gì họ được thấy ở trường ĐH KHXH&NV là những tòa nhà 3 tầng cũ kỹ, là 1 khu WC công cộng rất Việt Nam, là 1 tòa nhà mới nhưng không được đưa đi thăm quan xem nó có gì bên trong, có trang thiết bị gì hiện đại, là một lớp học với những bàn ghế kiểu cũ mà tất cả 60 PY và admin của 2 SG A và B - cùng gần chục TNV được đưa vào để ngồi ăn cơm hộp - khá chật chội... Có lẽ cái cảnh này sẽ đem đến 1 cảm nhận cho các PY là sự thiếu thốn, thiếu tiện nghi và nghèo nàn của 1 trường ĐH Việt Nam. Institutional visit thế này thì rõ là không đem lại cái nhìn tích cực cho bạn bè quốc tế, không giới thiệu được 1 nước Việt Nam mới đang phát triển và đang thay đổi??? Mà việc bố trí đi thăm các trường ĐH vào ngày Chủ nhật - ngày mà SV nghỉ cũng chưa hẳn là đã hay vì chỉ thấy một trường ĐH im lìm và thiếu sức sống. Quà tặng của nhà trường cho các PY là 1 đồng hồ kèm giá để bút đặt trên bàn rất đẹp, các PY rất thích và trân trọng. Do thiếu thông tin mà các admin đi theo SG không có quà, nên mình đã đưa quà của mình cho họ. Cách tặng quà cũng bớt cập rập và trang trọng hơn thì sẽ tốt hơn, không nên phát quà như phát chẩn trên xe bus. Như thế tuy tấm lòng của mình tốt, nhưng người nhận sẽ không cảm nhận được tình cảm đó, và họ sẽ nhìn nhận giá trị tinh thần và vật chất của món quà không cao. Mình hiểu những khó khăn của Thành đoàn TPHCM trong việc tìm địa điểm để đưa PY về thăm, nhưng mình vẫn mong giá như chúng ta có thể làm tốt hơn! Hy vọng các năm tới BTC có thể rút ra ít nhiều kinh nghiệm từ blog này. Mình cũng thấy vui khi được biết blog này thường xuyên được sử dụng để làm tài liệu tham khảo cho công tác tập huấn của TNV tại TPHCM!

Chuyện Institutional visit ở công ty Miss Áo dài cũng đáng nói. Đáng lẽ PY đến đây để thăm quan và tìm hiểu xem làm thế nào để may được những chiếc áo dài Việt Nam, làm sao để có những mẫu vẽ, mẫu thêu đẹp như thế... thì công ty Miss Áo dài xem họ như những khách du lịch thuần túy, đến là mời mua và mua, mua và mua hàng. Theo phản ảnh thì PY được đối xử lạnh nhạt và công ty Miss Áo dài chỉ chăm chăm vào chuyện bán hàng... BTC Việt Nam có lẽ nên tìm hiểu thêm thông tin về việc này, nếu đúng thì năm tới cần tính địa điểm khác. Bảo tàng chứng tích chiến tranh sẽ là 1 địa điểm hay để Institutional visit. Rất nhiều PY đã khóc khi được host family đưa tới đây thăm bảo tàng. Mô hình hoạt động của NVH Thanh niên và các CLB đang sinh hoạt tại đây cũng có thể là 1 địa điểm hay, bằng cách chia nhóm các PY và luân chuyển họ tham gia sinh hoạt với 2-3 CLB tại đây sẽ rất thú vị....

14h tới địa điểm làm lễ homestay matching là nhà thiếu nhi quận 1.

Ngay từ cổng vào, các PY đã ồ lên thích thú khi thấy có 2 hàng kèn và trống nghi lễ của thiếu nhi đứng chơi nhạc chào mừng. Vào đến sân lại càng thú vị hơn khi thấy 1 hàng dài các em nhỏ 2-3 tuổi mặc áo dài dân tộc, tóc vấn khăn cầm sẵn các bông hoa tươi để tặng. Bạn nào cũng thích thú và cảm nhận được ngay sự nồng ấm của người dân Việt Nam dành cho họ. Về các nghi lễ chào đón thì Việt Nam là nhất so với tất cả các nước đã qua. Ngay ở sân, các PY được thưởng thức màn biểu diễn trống và múa cờ Việt Nam gấm hoa. Ấn tượng tốt đã được tạo ra ngay từ những giây phút đầu tiên tới địa điểm homestay matching.

Lên hội trường, một lần nữa các PY lại ngạc nhiên trước những màn biểu diễn nhảy, múa của các em thiếu nhi đang sinh hoạt tại nhà thiếu nhi quận 1 - rất nhuần nhuyễn. Azfar, PY người Malaysia đang là SV nghệ thuật và cũng là vũ công trong 1 vũ đoàn của Malaysia liên tục sửng sốt và kêu lên ngạc nhiên khi xem các màn trình diễn của các em thiếu nhi. NL của Brunei thì thể hiện sự ngạc nhiên nhưng cũng rất thẳng thắn khi hỏi NL Hằng của Việt Nam : Sao người Việt Nam thích perfomance thế? Hôm qua đã được xem nhiều perfomance, tại ĐH KHXH&NV cũng có perfomance, tới đây lại có nhiều perfomance nữa? NL Hằng giải thích : Đây là nhà văn hóa thiếu nhi, và các em thiếu nhi đang biểu diễn trên sân khấu là các em sinh hoạt tại các lớp năng khiếu ở đây. Dịp đón sseayp, các em rất phấn khởi và vui mừng được trình diễn cho các bạn quốc tế xem. Tuy chương trình có dài nhưng vì em nào cũng thích được biểu diễn và giới thiệu những cái hay nhất với bạn bè. NL Brunei cười và thốt lên : Đúng là communist! Ý muốn nói là hệ thống phúc lợi xã hội và các nhà văn hóa cộng đồng phát triển mạnh chính là 1 đặc trưng của các nước XHCN.... Tuy nhiên, cũng phải thấy là chương trình văn nghệ ở homestay matching quá dài, đến lúc cuối có rất nhiều PY ngủ gục do trước đó họ đã tham gia ở USSH...

Rồi thì các gia đình nuôi cũng matching với các PY. Mình và Chie - "miss shemale" người Philippines được bố trí ở với 1 gia đình ở NCT - quận 1. Về đến nơi mới biết đây là 1 khách sạn mini. Gia đình nhận nuôi làm nghề kinh doanh khách sạn. Quận đoàn quận 1 rất chu đáo khi cấp phát thẻ đi taxi cho các gia đình nhận nuôi và Đoàn TN của phường để đưa đón các PY đi chơi, vì lo ngại tình hình giao thông ở Việt Nam nên yêu cầu không nhà nào được sử dụng xe máy để đưa PY đi. Tất cả phải đi bằng ôtô hoặc taxi.

Về tới nhà, mình và Chie được bố trí 1 phòng đôi trên tầng 3 của khách sạn. Tranh thủ còn chút thời gian trước giờ ăn tối, mình dẫn Chie lượn ra chợ Bến Thành mua vài thứ rồi về đến nhà thì đã 7h. Sơn đã chờ trước cửa khách sạn. Lo cho Chie xong xuôi, mình ra ngoài ăn tối với Sơn. Chie sẽ ăn với gia đình nuôi. Mình cẩn thận hỏi Chie ăn có ngon miệng không, có hợp khẩu vị thức ăn Việt Nam không, cậu nói là ngon, thích món hải sản.

Đến 9h mình dẫn Chie đi ra chợ Bến Thành lai rai với Đức - 1 cậu bạn làm trong SG, gặp nhiều PY đi cùng gia đình nuôi dạo chợ đêm Bến Thành. Càng gặp nhiều ở đây mới thấy là SG mình chẳng có mấy chỗ chơi đêm, chẳng có chỗ đi, mọi người đổ về đây, mà chỗ này cũng không có nhiều thứ hay ho để cho các PY tìm hiểu. Sản phẩm du lịch của mình còn nghèo nàn lắm. Ngồi 1 lúc có thêm 3 em ex-PY là VHiền, THiền, Mạnh rẽ qua tham gia chuyện trò rồi về sớm. 23h, mình, Đức, Chie thong dong ra khu nhà hát lớn, định vào Q-bar mà gọi cho NL thì lại không đi nữa. Ra chỗ nhà hát lớn ngồi, có thêm em Hải TNV cũng ra chơi. Chie đòi về sớm. Đến đêm mới là nỗi khổ của mình. "Nàng" Chie ngồi trằn trọc kêu đau người khó thở, nửa đêm đòi đi ra hàng thuốc mua dầu xoa gì đó. Xuống hỏi lễ tân không có, hàng thuốc thì không mở cửa giờ này, đọc tên loại dầu xoa mà Chie muốn mua thì mình thấy lạ hoắc, chịu. Đành bảo Chie cố gắng nhắm mắt lại mà ngủ. Mai tính sau. 1 lúc thì Chie cũng im. Kể ra làm VPY là chủ nhà trong chuyện homestay tại TPHCM cũng vui nhưng cũng mệt. Nếu không vì phải chăm sóc các PY nước khác ở cùng mình, thì đa số VPY sẽ xin phép gia đình nuôi cho ra ngoài ở với bạn bè, sẽ thoải mái hơn.

Vậy là đêm đầu tiên trôi qua trong sự trằn trọc của Chie ở giường bên cạnh. Sáng mai theo lịch hẹn trước, anh Thân - đại diện chủ nhà sẽ dẫn Chie đi chợ An Đông và Bến Thành, Dinh Độc Lập... Mình sẽ ở nhà ngủ nướng.

Có một chuyện bên lề homestay matching nhưng cần kể lại để các bạn VPY năm sau rút kinh nghiệm. Em LA - VPY 07 là người sinh sống và làm việc tại TPHCM. Sau khi kết thúc Institutional visit, đến địa điểm homestay matching của SG mình, mới rậm rạp xong thì em LA báo với admin và NL in-charge của SG mình là xin phép về nhà cất đồ. Nhưng do miss understanding giữa em LA và host family, với admin và NL in-charge mà host family đã thắc mắc tại sao cần 1 VPY làm translator với PY nước khác homestay ở nhà họ mà lại không thấy? Một cuộc "truy tìm" em LA diễn ra suốt chiều đến tận tối mịt giữa Admin, NL Việt Nam, cơ quan của em LA..., cuối cùng cũng tìm thấy em LA để yêu cầu quay lại nhà host family và làm tròn trách nhiệm của PY nước chủ nhà. Vì việc này mà NL Malaysia và 1 admin đi cùng SG đó đã phải ngồi chờ tại địa điểm homestay matching tới 17h mới được Admin trưởng cho phép quay về tàu nghỉ ngơi. Họ còn định yêu cầu phải chờ tại đó cho đến khi em LA xuất hiện trình diện trở lại mới được về tàu, vì để xảy ra việc này là do trách nhiệm của 2 người này. Sau một số can thiệp của BTC Việt Nam và vì sự mệt mỏi của NL Malaysia, liên lạc về tàu Nippon Maru báo cáo Admin trưởng, ông mới đồng ý cho 2 người này về tàu. Năm tới, nếu các bạn nhà ở địa phương mà tàu sẽ ghé thăm, muốn về thăm nhà thì phải để mọi việc xong xuôi, về nhà host family, kiểm tra mọi điều kiện ăn ở của PY nước khác đi cùng, xem khả năng giao tiếp của PY với host family, lựa thời điểm thuận lợi mà xin phép về thăm nhà, nhưng phải luôn luôn để điện thoại open để host family liên lạc khi cần thiết, và ngày nào cũng phải chủ động tới xem tình hình ra sao. Việt Nam là nước tuyển TNV đông đảo nhất, do khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của các gia đình nuôi còn hạn chế nên phải đưa về mỗi gia đình nuôi 1 TNV giúp làm cầu nối ngôn ngữ. Với những gia đình nuôi có nhận VPY thì chính các bạn là cầu nối ngôn ngữ. Nếu các bạn không làm tròn nhiệm vụ thì những gia đình nuôi không nói tiếng Anh tốt sẽ rất khó khăn để hiểu được PY muốn gì. Thiết nghĩ năm sau, nếu BTC Việt Nam vì lý do nhân đạo, để các PY có nhà tại địa phương nơi tàu ghé thăm được toàn thời gian về ở nhà thì phải cắt hoàn toàn tên của những người này trong danh sách homestay, tách hẳn họ ra. Năm 2007, một số nước đã làm việc này, các PY của họ được tách ra để về ở với gia đình họ toàn thời gian.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ngày 03 tháng 12:

Chiều, mình, anh Thân và Chie đi xem múa rối nước ở NVH Lao Động. Phải nói là Quận đoàn khá chu đáo khi thuê riêng 1 show múa rối nước mời tất cả các PY của SG-A và SG-B cũng gia đình nuôi đi xem. Chương trình múa rối nước Việt Nam khá hay, Press PY Brunei nháy máy ảnh liên tục. Tuy thế cũng có 1 vài PY ngủ gật, do sáng đi chơi mệt quá. Xem xong show rối nước, nhiều PY ra chụp ảnh ở sân trước của nhà văn hóa, đang chụp thì thấy 1 đoàn PY của SG khác đang được TNV và local youth đèo xe máy chạy qua, gọi nhau í ới. Mọi người đều ngạc nhiên. VPY và TNV của SG-A thì hơi choáng vì Thành đoàn đã yêu cầu không được sử dụng xe máy để chở PY do vấn đề giao thông tại Việt Nam rất phức tạp, nếu xảy ra chuyện gì thì ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam. Vậy mà nhìn thấy 1 đoàn PY ngồi sau xe máy diễu qua vẫy tay hớn hở, ai cũng ngạc nhiên. Về sau mới biết nhiều PY các nước rất tò mò muốn thử đi xe máy tại Việt Nam, nhiều cô, cậu khẩn khoản với local youth và host family xin được chạy thử xe máy. Với các PY Campuchia, Lào quen đi xe máy hàng ngày thì không sao, chứ với các PY Nhật, Singapore, Malaysia, Brunei.... thì việc không quen đi xe máy có thể sẽ rất nguy hiểm. Cũng về chuyện đi xe máy, NL Hằng khi đi thăm Dinh Độc Lập cũng bất ngờ khi thấy YL của Campuchia đi xe máy đèo local youth, quay sang phản ảnh với NL Campuchia đang đi cùng đoàn thì anh NL Campuchia cười xòa bảo : Không sao, không sao, ở Campuchia đi xe máy đi làm hàng ngày... Ngược lại, cũng có những trường hợp quá máy móc. 1 nam VPY là người Sài Gòn lên xe máy đèo 1 em gái là đoàn viên của Đoàn TN phường nơi cậu này ở homestay, đi được 1 đoạn thì em này khẩn khoản đề nghị anh xuống xe để em đèo, trên đã có chỉ thị là không được để PY đi xe máy, nếu phường mà thấy thì chết em! :-)

Đi xem múa rối nước về, vì "nàng" Chie vẫn than đau mình khó thở nên mình phải đưa "nàng" tới massage ở Hội Người Mù TPHCM. Hỏi Chie có 2 chỗ massage là KS Metropole chếch nhà homestay thì giá đắt nhưng nhân viên xinh và lịch sự, hoặc đến Hội người mù thì giá rẻ nhưng tiện nghi không bằng, Chie chọn 45K / 1 suất 1 tiếng ở Hội Người Mù. Tranh thủ lúc ngồi chờ mình lượn ra ngoài cổng xem bóng đá. Việt Nam đang thua Sing 1-3. Thê thảm! Xong chuyện massage, Chie vừa vỗ ngực vừa bảo : I feel better, I think I can breath... Chăm sóc "nàng" cũng lắm công phu :-). Mình dẫn Chie đi lòng vòng tìm hàng ăn tối, sau tìm được 1 hàng cơm ở gần đường Phạm Ngũ Lão. Ăn xong về đến khách sạn vừa kịp khi đoàn phường đến đón.

Tối, theo lời mời của Đoàn TN phường NCT nơi mình ở homestay, mình và Chie đi caphe ở 1 quán khá có tiếng của Sài Gòn trên đường Nguyễn Trãi. Tham gia caphe có Mây - bí thư Đoàn phường, và 1 số bạn thanh niên trong phường. Nói chuyện về Sseyap, mọi người quan tâm làm sao để được chọn là PY, rồi hỏi Chie về chuyện thanh niên ở Philippines. Chie cười tủm khi bị trêu với Dũng - 1 local youth. Mọi người nói chuyện rất vui. Sau khi tan cuộc với đoàn phường là đến giờ tụ tập của Vietnam Contingent cũng tại caphe 343. Tham gia có Nhật, Hiếu, Châu, Trang, Giang, Lan Anh, mình và NL Hằng là có mặt, thêm Chie và 1 em TNV tên Khanh. Tối nay NL mặc quá HOT, rất hợp để lên sàn. Tào lao 1 lúc hỏi chuyện homestay nắm tình hình của đoàn Việt Nam rồi ai về nhà nấy. Đưa Chie về khách sạn, mình lượn ra Hải Triều ngồi với Đức lai rai. Nhắn tin cho NL rủ ra làm vài cốc beer vì biết NL khoái beer thì nhận được tin nhắn trả lời : Đang phải đóng đồ để mai gửi về Hà Nội. Thèm beer thì thèm beer thật, có nhiều thứ khác còn thèm hơn mà còn phải nhịn đây! NL Hằng humor phết :-)

Vậy là đêm cuối homestay ở Sài Gòn đã trôi qua như vậy.

-----------------------------------------------------------------------------------

Ngày 04 tháng 12:

Ngày cuối cùng ở Sài Gòn trong chương trình Sseayp 2007.

Sáng nay lại dậy muộn. Chie đã dậy sớm và tranh thủ online ở máy tính của khách sạn. Trước khi lên đường ra nhà văn hóa quận 1 để tập trung theo SG-A và SG-B để trở lại tàu Nippon Maru, Chie vẫn thắc mắc với mình câu hỏi mà cậu hỏi đi hỏi lại trong suốt ngày hôm qua : Tuân, mày có biết bố mẹ nuôi của mình là ai không?quận đoàn sẽ nhận 1 hoặc 2 SG, rồi giao tiếp xuống phường. Phường nào tìm được gia đình nuôi thì sẽ nhận PY về, nhiều gia đình nuôi thì nhận nhiều PY, ít thì nhận ít, không có thì sẽ thuyết phục, vận động gia đình nào đó, hoặc khách sạn mini nhận nuôi PY. Mình và Chie về ở khách sạn này, mọi việc đều do anh Thân - đại diện của chủ KS đứng ra đón tiếp. Mình cũng biết chủ KS này đã nhận PY về ở từ mấy năm qua khi thấy quà lưu niệm được trưng trong tủ kình có dấu ấn của nhiều nước, nhưng quả thật mình cũng như Chie không biết thật sự gia đình nuôi là ai. Chie cũng biết rằng anh Thân chỉ là đại diện của khách sạn, là quản lý chứ không phải là foster parents. Chẳng biết giải thích thế nào, mình bảo Chie : Bố mẹ nuôi bận chuyện kinh doanh, vừa đi công tác rồi. Có quà tặng thì cứ gửi cho anh Thân. Không rõ rồi cuối cùng Chie có tặng quà nữa hay không???

Trước lúc ra xe, đoàn TN phường có đến tặng quà của chính quyền phường cho PY. Năm nay phường NCT chỉ nhận duy nhất 2 PY là mình và Chie. Mình được biết 1 số phường khác nhận nhiều hơn, 6 người, 8 người do họ có nhiều gia đình tình nguyện nuôi PY hơn. Vỉệt Nam ta chưa quen với việc nhận nuôi homestay như ở nhiều nước. Ở những nước mà mình đã đi qua, mình cảm nhận nhiều foster parents rất thích nhận nuôi PY, họ tự hào đem PY đi khắp nơi để giới thiệu về văn hóa, lối sống, di sản của đất nước họ. Trong họ luôn bừng lên niềm hãnh diện và tự hào dân tộc khi được tiếp đón những người con đến từ các quốc gia khác. Việt Nam mình có lẽ chưa quen với việc này! Cũng về chuyện homestay ở Việt Nam, em JEN - siêu quậy của Thái Lan lần này cũng ở homestay ở 1 gia đình làm kinh doanh khách sạn mini. Em ấy rất ngạc nhiên vì homestay ở Việt Nam hoàn toàn khác với các gia đình em ấy đã ở tại các nước trước đó. Ở Việt Nam, em Jen được tự do thoải mái hút thuốc, uống rượu, chơi bài đến nửa đêm với những khách Tây cũng ở trọ tại khách sạn mini ấy mà chẳng thấy bố mẹ nuôi nhắc nhở gì, chẳng bị ai cấm đoán, thích làm gì thì làm. Mình nghe chuyện mà thấy buồn, vì đây cũng có lẽ giống trường hợp của Chie, BTC Việt Nam đã không tìm đủ gia đình nhận nuôi PY để đem đến cho họ một vài ngày sống trong không khí gia đình ấm cúng và giúp họ hiểu thêm về lối sống và con người Việt Nam...

Tuy thế, cũng trong chuyến đi này, mình cảm nhận được sức mạnh của hệ thống chính trị của Việt Nam so với các nước khác. Ở các nước khác - trừ Nhật - việc homestay thường do hội Foster Parents và hội cựu thành viên Sseayp của nước đó làm - từ việc tuyển chọn host family, tập huấn... Còn ở Việt Nam thì khác. Để đón Sseayp ghé thăm Việt Nam, cả hệ thống chính trị của địa phương đã vào cuộc. Ở cấp thành phố là Thành đoàn và UBND TPHCM trực tiếp chỉ đạo. Ở cấp quận là Quận đoàn và UBND quận. Ở cấp phường là gần như toàn bộ các tổ chức chính trị - xã hội của phường sát sao vào cuộc. Từ Đảng ủy, HĐND, UBND phường chỉ đạo trực tiếp Đoàn TN, các tổ chức như Hội cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ Nữ... cũng tham gia. Ví dụ trường hợp của em Jen vừa kể trên, bên cạnh sự tự do khi ở homestay, em này cũng vô cùng ngạc nhiên thích thú khi 1 ngày mấy lần được người khác đến tặng quà, nào là Hội phụ nữ phường đến thăm hỏi và tặng quà, nào là Hội chữ thập đỏ phường tới tặng quà... Rồi một trường hợp khác là một PY nam người Nhật ở cùng với Đức - VPY. Cậu này chắc cũng như mọi JPY khác đã được đoàn Nhật quán triệt kỹ về tình hình giao thông và vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam nên lo sợ mọi thứ. Để dẫn cậu này đi chơi dinh Thống Nhất, bên cạnh VPY ở cùng, còn có ông bố nuôi, còn có 1 đại diện Đoàn TN phường, còn có 2 dân quân tự vệ phường, thêm 1 bà ở hội Chữ thập đỏ phường, cùng 1 ông ở hội Cựu chiến binh phường... 7 người để đưa 1 cậu JPY đi thăm dinh Thống Nhất. Quả là homestay ở Việt Nam có những điều thú vị đáng kể!

Về chuyện điều kiện ăn ở tại Việt Nam thì cũng khó có thể so sánh được với các nước phát triển hơn ta, nhưng cũng có 1 số trường hợp chúng ta thẩm tra chưa kỹ, nên có 1 PY nữ Singapore là bạn Lim Sze Ling - giải nụ cười đẹp nhất cuộc thi Miss Áo dài Việt Nam trên tàu, đã bật khóc và điện thoại về cho NL Singapore xin được trở lại tàu vào lúc nửa đêm, vì bạn này được bố trí ở với 1 gia đình có nhà trong 1 hẻm chợ, chật chội đến mức phải ngủ trên sàn nhà một cách khá chật chội. Khác với đa số SPY, bạn Lim Sze Ling là một cô gái Singapore hiền lành và dễ chịu (song cũng có nhiều PY nhận xét bạn này khá ích kỷ, kể cả đồng hương của bạn cũng nói vậy), chắc phải đến mức nào đó bạn này mới không chịu nổi và bật khóc lúc nửa đêm như vậy. Hoặc có 1 trường hợp 1 nam PY người Thái ở cùng 1 gia đình nuôi đã đưa cậu này tới nhà hàng, gọi những món đắt tiền rồi yêu cầu cậu này tự trả tiền cho suất ăn của mình - mặc dù cậu này không muốn ăn đắt như vậy. Trường hợp này cũng giống với em L.A của đoàn Việt Nam khi rơi vào 1 gia đình ở Nhật. Đúng là nước nào cũng có thể xảy ra chuyện con sâu làm rầu nồi canh. Trưởng đoàn Singapore trong cuộc họp COC rút kinh nghiệm country program ở Việt Nam đã nói một cách xã giao nhưng khiến chúng ta cũng phải suy nghĩ: Là người dân Singapore quen tiện nghi, sau khi đi homestay ở Việt Nam, các PY của tôi đã hiểu rằng : Ở Việt Nam không phải ai cũng được sống trong sung sướng!

Nhân tiện chuyện homestay, xin kể lại chuyện của 1 VPY 2003 khi Nippon Maru ghé Philippines. Bạn này được bố trí ở cùng gia đình của 1 viên cảnh sát. Khi được đưa về nhà homestay, thấy nhà cửa cực kỳ bừa bộn và khó ở, bạn này đề nghị được ra ngoài ở khách sạn tự thuê. Viên cảnh sát hỏi : Mày có cần ngủ không? VPY trả lời : Không cần lắm. - Vậy thì tao đưa mày đi casino với 2 vợ chồng tao đêm nay, khỏi ngủ! - Viên cảnh sát Philippines nói. Trước lúc đi, bạn này shock khi viên cảnh sát đưa cho bạn ấy 1 khẩu súng có sẵn đạn, bảo : Cầm lấy mà phòng thân. Bạn hỏi lại : Tao sẽ bắn à? - Tất nhiên, nếu mày bị đe dọa. - Viên cảnh sát nói rồi cũng găm 2 khẩu vào người anh ta, và lấy thêm 2 khẩu nữa đưa cho người vợ. Và họ tới casino. Ở Philippines, chuyện an ninh không được tốt, và không chỉ đi casino mới mang súng, mà đi đêm ở Manila thì nên mang súng. Chuyện homestay cũng nên biết thêm như vậy.

Rồi lễ Sail Off cũng đã diễn ra.

Sau khi open ship kết thúc, từng contingent lần lượt xếp hàng xuống cảng để làm lễ tiễn. Khác với lễ đón trong trang phục A2 áo hồng, lần này đoàn Việt Nam mặc áo trắng. Vẫn cheer cờ nhưng phần cuối đã đổi từ WELCOME TO VIỆT NAM, VIỆT NAM XIN CHÀO ở lễ đón sang VIỆT NAM THANK YOU, VIỆT NAM CẢM ƠN cho lễ tiễn. Trên sân khấu những thủ tục vẫn đang diễn ra, nhưng dưới khu vực các PY đứng thì nước mắt đã tuôn trào. Khi bạn YL của Lào - theo thứ tự port of call - đại diện cho toàn thể PY Sseayp 2007 phát biểu chia tay với những câu cuối cùng của bài diễn văn bằng giọng đọc tiếng Việt ngọng nghịu : Con xin cảm ơn bố mẹ, bố mẹ thật tuyệt vời, xin chào bố mẹ và hẹn gặp lại... thì nhiều người đã không cầm được nước mắt. Lần chia tay ở Việt Nam này có rất nhiều PY khóc, có thể nhiều hơn ở Indonesia. Những tình cảm nồng ấm mà người dân Việt Nam, mà TPHCM dành cho đoàn đã khiến nhiều PY vừa lên cầu thang vừa sụt sùi nước mắt. Nhiều PY nam cũng khóc, đoàn Lào là đoàn có nhiều PY nam khóc nhất, có cậu khóc như mưa, khóc giàn giụa. Trong tiếng nhạc của bài hát Good bye của Air Supply, rồi Viva Forever của Spice Girl, nghe và cảm nhận ý nghĩa lời bài hát, nhìn quang cảnh mọi người sụt sùi, nhìn cảnh các đoàn lên cầu thang trở lại tàu không còn hàng đôi nữa mà từng PY bước chậm chậm lên thang như muốn níu kéo thêm chút thời gian ở lại Việt Nam, để nhìn lại gia đình nuôi cũng đang đầm đìa nước mắt ở dưới sân cảng, nhìn cảnh một số NL và Admin lên tàu trước không vào Dolphin Hall tập trung ngay mà lại ra boong tầng 4 theo dõi các PY chậm chậm cất bước trĩu buồn trên cầu thang lên tầu..., nhiều người đã bị hiệu ứng số đông làm cho xúc động và khóc. Với mình, đây là lần đầu tiên mình chảy nước mắt trong số 6 lần sail off. Mình thật sự buồn khi nghe Good bye của Air Supply, dù biết chỉ đi có 8 ngày rồi sẽ lại về, mà sao lúc đó cứ ngỡ như mình sẽ đi xa khỏi mảnh đất quê hương này mãi mãi, bước 1 chân lên thang là sẽ còn lâu lắm mới có thể trở lại. Những ai không ở trong hoàn cảnh đó chắc sẽ không hiểu được tại sao đi có vài ngày nữa lại về mà lại xúc động như vậy. Các Ex-PY đứng dưới tiễn cũng khóc quá nhiều. Lễ sail off ở Việt Nam là lễ xúc động nhất. Có lẽ, nhiều người sẽ đồng ý với mình ở nhận định này! Ngay cả lúc tàu rời cảng và dần xa, ở đuôi tàu, mình thấy số lượng người tập trung để vẫy tạm biệt rất đông và rất lâu so với các nước khác. Hình ảnh admin trưởng vẫy mũ tai bèo mãi không thôi, đến lúc những người ra tiễn nhìn đã nhỏ tí xíu vẫn không thôi, hình ảnh anh Dino - NL Philippines đứng nhìn xa xăm về phía cảng Quay đang nhỏ dần, hình ảnh anh chàng tóc xù người Thái đang cầm cờ Việt Nam phất mà mắt nhìn về phía cảng một cách vô thức, hình ảnh PY nữ người Nhật không thôi thổn thức dù lúc này tàu đã đi xa, hình ảnh những bạn PY khuôn mặt vẫn còn bần thần, nhiều người vẫn còn đọng giọt nước mắt... Việt Nam quả thật đã thành nỗi nhớ của nhiều trái tim phương xa.

* * *

Dù ở Việt Nam chuyện homestay không được tiện nghi như các nước phát triển, song những tình cảm của người dân và chính quyền địa phương dành cho PY thì không đâu sánh được. Các chương trình đón tiếp cũng là tốt nhất so với các nước, trừ chuyện tiệc tổ chức chưa tốt, trừ chuyện lễ đón và lễ tiễn dưới trời nắng nóng bị kéo dài quá... Mọi người đều khen Việt Nam làm tốt, nhiều PY hứa sẽ trở lại TPHCM. Tar - cậu bạn Thái Lan mua 1 ngôi sao vàng và 1 búa liềm vàng làm bằng mica, khoe ngay khi về tàu. Với cậu, đây là biểu tượng của Việt Nam cộng sản, của 1 đất nước mà cứ gặp VPY nào cậu cũng nhắc đi nhắc lại 1 cách ngọng nghịu : TOI SE TRO LAI SAI GON! Mình phải chỉnh cho cậu mấy lần mới tạm phát âm chuẩn!

Vâng, TÔI SẼ TRỞ LẠI SÀI GÒN! Các PY sẽ trở lại Việt Nam!