Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2009

Dọc đường SSEAYP 2007 - kỳ 6 : Gặp lại Việt Nam ở Indonesia


Ngày 13 tháng 11:

Xin đừng hiểu đơn giản rằng đến Indonesia tôi đã gặp những người đồng hương ở đây.

Sáng ngày 13 tháng 11, tàu Nippon Maru chậm rãi tiến vào cảng Jakarta. Khác hẳn với Singapore, biển ở đây rất bẩn. Rác, nilon, vỏ lon, dầu loang trôi lềnh bềnh, có những khoảng nước đậm đặc ken dày rác, trông không khác kênh mương trong các đô thị của Việt Nam là mấy.

Vùng biển giữa Indonesia, Malaysia và Singapore vốn nổi tiếng về nạn cướp biển. Eo Malacca trở thành nỗi lo lắng của nhiều tàu thuyền qua lại đây. Ngay từ khi tàu gần đến Singapore mấy ngày trước, thuyền trưởng đã cảnh báo trên hệ thống phát thanh của tàu về một số biện pháp xiết chặt an ninh khi đi vào vùng biển này. Tàu sẽ khóa mọi cửa dẫn ra boong ở các tầng 4,5,6,7 từ 22h đến 6h sáng hôm sau. Thêm vào đó, cứ chiều muộn lại thấy một thuỷ thủ mang 1 thiết bị hình tròn to như cái mâm, dày khoảng 12cm ra lắp ở đuôi tàu. Đây chắc là radar biển để dò dấu vết của các tàu nhỏ trong màn đêm. Từ Singapore sang Indonesia, tàu chỉ đi hết 1 ngày rưỡi, sáng hôm qua có diễn tập phòng chống cướp biển. Không rõ đây có thực sự là mối đe doạ nguy hiểm lắm không, hay chỉ là 1 màn diễn tập tạo tình huống để tăng thêm sự thú vị cho chuyến đi của các hành khách trẻ. Lúc mới khởi hành cũng có diễn tập tình huống khẩn cấp. Chuông báo động kêu vang, mọi người lấy phao cứu sinh tại ngăn tủ trong cabin của mình, mặc đúng quy cách và tập trung tại khu vực bố trí xuống cứu nạn của mình. Hơn 300 PYs và NLs, gần 50 Admin và Facilitator, khoảng 50 thuỷ thủ và nhân viên phục vụ trên tàu, tất cả có 8 thuyền cứu nạn. Hy vọng là những thuyền này sẽ chẳng bao giờ phải dùng đến.

Trở lại câu chuyện Indonesia. Ngay từ khi tàu lướt chậm vào cảng, đã gặp lại Việt Nam ở hình ảnh rác rưởi trôi lềnh bềnh trên biển, ở sự lộn xộn và bụi ghê gớm của cảng Jakarta, ở việc tổ chức công việc không “pro” của BTC địa phương. Tàu vào đến cầu cảng mới cho xe nâng container ra dọn đám container gọn lại để lấy bãi đón tiếp, còn đang thấy khoảng chục công nhân bốc gọn đống gạch ngồn ngộn ngay cửa xuống tàu để “tăng vẻ đẹp mỹ quan” cho bãi đón tiếp. Tạm bốc gọn gàng, bãi gạch này được che bằng 1 tấm bạt nilon. Cũng gặp lại Việt Nam ở giờ giấc tổ chức các sự kiện. Thường thì BTC địa phương phối hợp với đội ngũ Admin của Nhật làm assembly các PYs rất đúng giờ, nhưng các quan chức Indonesia thì hay tới muộn. Hôm diễn ra lễ đón và khai mạc Country Program tại Indonesia, thứ trưởng bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia tới trễ gần 1 tiếng so với lịch. Có thể do tắc đường, cũng có thể vì một lý do gì khác...
.
Indonesia rất hào phóng và trân trọng chào đón SSEAYP 2007. Đoàn xe gồm 11 chiếc bus cỡ lớn đồng đều về kiểu dáng, màu sắc và rất mới dành chở các PYs, 1 loạt xe con chở Admin, NLs, 1 xe Mercedes chở Admin trưởng, 1 xe cảnh sát hú còi dẫn đường, 1 xe cảnh sát hú còi khóa đuôi, 4 xe môtô hộ tống của cảnh sát đi đầu, 1 xe cứu thương đi sau. Đến các ngã tư đều thấy có môtô cảnh sát, hoặc xe ôtô cảnh sát từ đâu đó chạy lên trước đỗ xịch giữa làn đường cắt ngang tuyến đi của đoàn để đảm bảo tuyến thông suốt. Vậy mà di chuyển trong lòng Jakarta cũng không dễ gì vì tắc đường liên tục. Xe cảnh sát hú còi bất lực thấy thương. Highway trên cao cũng tắc.

Trên đường đến chào Chủ tịch Hạ viện Indonesia, ra khỏi khu vực cảng đã thấy tràn ngập hình ảnh Việt Nam. Đường xá ngổn ngang, đào bới dang dở, thi công để đó. Bên này chắc cũng chẳng có ai chịu trách nhiệm gì trong việc bôi bẩn bộ mặt đô thị khi thi công dầm dề, giống như ta. Đường xá ô hợp, xe chạy lách làn chẳng mấy tuân thủ luật lệ, đến ngã tư đỗ lộn xộn, chắn tàu hoả hạ xuống rồi vẫn lách xe qua chạy trước mũi tàu hoả, chẳng phải Việt Nam ở đây thì ở đâu nữa??? Tuy vậy, ở Jakarta xe ô tô áp đảo xe máy về số lượng, đường xá cũng rộng rãi hơn rất nhiều nên tình trạng chạy xe ẩu cũng gây tác hại ít hơn so với Việt Nam. Ô tô muốn lách hay chạy ẩu cũng không thể dễ dàng như xe máy. Indonesia có thu nhập bình quân đầu người khoảng 1600 USD, gấp 2 lần Việt Nam. Jakarta có dân số 13 triệu người, gần gấp 2 lần Sài Gòn. Không rõ mấy năm nữa, khi ta giàu hơn 1 chút như họ, liệu ý thức của người dân có khá hơn được chút nào không?

Trụ sở Quốc hội Indonesia là một khu nhà gồm nhiều toà rất rộng và có hình thức kiến trúc khá ấn tượng, tuy không nhất quán về phong cách và lại càng ít chất liệu dân tộc của Indonesia. Vào trong, thấy rất trang trọng và thể hiện đúng tính chất của một phòng họp quan trọng của cơ quan lập pháp tối cao của một quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới. Chủ tịch Hạ viện Indonesia tiếp đoàn và nói chuyện ở vị trí chủ tịch đoàn, các PY ngồi ở vị trí của các hạ nghị sỹ. Buổi gặp mặt diễn ra trang trọng, ấm áp. Indonesia là quốc gia đã dành cho sseayp sự đón tiếp trọng thị nhất.




Nói chuyện đường phố không thể không nhắc tới vỉa hè. Xem ra cả 2 nước vẫn còn chuộng văn hoá vỉa hè. Con người giao tiếp và thoải mái phô bày đời sống cá nhân nơi công cộng trên vỉa hè. Khu vực trung tâm Jakarta thì sáng sủa hơn, nhà 40, 50 tầng san sát, nhưng vẫn lổn nhổn chứ không được hài hoà như Singapore. Quy hoạch cũng dành nhiều khoảng trống trong lòng đô thị hơn, chứ không phải như ta, hở ra mảnh nào là các quan chức đem bán khoán cho các dự án mảnh đó. Cứ kiểu này, đến lúc cái khúc lòng lợn nhồi căng quá nó vỡ tung, máu me tiết thịt lai láng chảy, mới hay miếng ăn chẳng còn. Vỉa hè nơi đây cũng là chốn sinh nhai của không ít người dân Indo.

Dọc đường, những đoạn ngã 4 hay tắc đường, lại thấy cảnh người bán báo dạo chạy len lỏi giữa các làn xe để rao báo, lại thấy cảnh một số phụ nữ cầm chổi lông gà đi phủi bụi cho mui xe để kiếm chút tiền boa nhỏ nhoi. Nhìn những cảnh này, lại nhớ đến những hình ảnh tương tự trong một số bộ phim Việt Nam tái hiện phố xá Sài Gòn thời chưa giải phóng. Phân hoá giàu nghèo ở Jakarta mạnh và sâu hơn Việt Nam. Về giáo dục phổ cập, có lẽ ta tốt hơn họ trên diện rộng nhưng thua ở chiều sâu chất lượng tại những đô thị lớn.

Buổi tối, đến City Hall dự tiệc chiêu đãi của chính quyền thành phố Jakarta. Ấn tượng lưu lại là Indonesia chắc hẳn đã từng có tham vọng trở thành 1 thế lực mới trên thế giới, muốn làm đầu tầu của khối các nước KHÔNG LIÊN KẾT, nên đã từng có thời họ xây dựng ào ạt, làm cái gì cũng to, cũng hoành tráng dù có lúc để không dùng tới – căn bệnh này ngày nay Trung Quốc đang mắc phải. Bây giờ, khi lực của nền kinh tế và sự chỉ huy tập trung không còn thống nhất cao như dưới thời tổng thống Suharto, Indonesia chắc rất khó khăn khi tìm nguồn để duy trì các công trình này. Thậm chí, đã nhìn thấy những dẫu hiệu thể hiện họ đã không còn quản được đô thị nữa, nó đã vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền, nhiều thứ hỏng hóc, đường xá xuống cấp, trang thiết bị han rỉ nhưng không ai thay thế, bảo dưỡng. Hội trường City Hall khá hoành tráng, 1 công ty catering được thuê làm tiệc đã trình bày khá bắt mắt. Tới dự tiệc có Phó thống đốc Jakarta. Ông này cũng tới muộn. Phần exchange gift khá lộn xộn. Phần văn nghệ thì được. Ca sĩ Indonesia hát 3 bài, 1 bài Indo, 1 bài Philipin khá hay, bài còn lại là Trống cơm của Việt Nam. Hơi bất ngờ vì họ phối lại và đệm bằng nhạc cụ dân tộc của Indo, rất hay. Phần culture exchange của các contingent lần lượt diễn ra. Mấy anh em Việt Nam ngồi dưới thở phào khi 4 cô múa quạt lướt ra sân khấu thêm màu mè cho 11 VPYs đang lips bài Thanh niên Việt Nam khá thiếu tự tin. May quá có thêm ít “màu” cho phần trình diễn, gỡ gạc lại phần nào. Đoàn Lào vẫn múa khá đẹp, họ chọn nhạc rất hay và gây ấn tượng mạnh. Đoàn Thái biểu diễn múa mô tả môn Boxing Thái, nhạc í éo giống nhạc đám của Việt Nam. Mờ nhạt. Tiệc buffet mà khách Indo ăn sao cũng giống Việt Nam, cũng có cảnh chen chúc khổ sở, ăn uống như khoán.

Về đến tàu đã 10 rưỡi, ai cũng mệt mỏi. Tranh thủ họp đoàn 15 phút rồi về soạn đồ mai đi homestay. Sáng đã dậy sớm ra làm morning call cho SG-A từ lúc 6 rưỡi, rồi lên Sport Deck chào cờ Indonesia, tối lại phải thức khuya làm cho xong mấy việc.

Mệt. Gặp lại quê hương sao lại mệt và buồn?

-----------------------------------------------------------------------------------

Ngày 14 tháng 11:

Sáng dậy sớm chuẩn bị đi.

8h40 assembly ở Dolphin Hall. Xuống tàu, lên xe tới Bộ ngoại giao Indonesia. Lại 1 đoàn dài dằng dặc, lại xe cảnh sát dẫn đường, môtô hộ tống, lại tắc đường...

Tới phòng họp lớn, xem phim tài liệu về Indonesia ngày nay do bộ Ngoại Giao Indonesia giới thiệu. Không hiểu mọi người nghĩ gì khi xem phim này, mình và Nice – 1 nữ tiến sĩ trẻ là PY Philippin bảo nhau : Đây như 1 phim thanh minh cho chính quyền Indonesia về kết quả quản lý đất nước. Trong phim có những cảnh hạ bệ chính quyền cũ, cảnh dân Indonesia biểu tình, ngồi trên nóc xe bus, bạo lực... để reform và giới thiệu về 1 nền dân chủ mới đã đưa chính quyền hiện tại lên điều hành đất nước. Trong phim có cả những đoạn phỏng vấn các em học sinh cấp I phát biểu về cải tổ, về dân chủ, về tương lai của đất nước dưới tác động của cải tổ. Không hiểu các em học sinh Indo thông minh hơn phần còn lại của thế giới, hay ai hướng dẫn mà các em nói “già” thế, nói “lộ” thế. Nói chuyện với người dân Indo thì thấy nhiều người đánh giá chính quyền cũ dưới thời tổng thống Suharto quản lý có hệ thống hơn, tốt hơn, tham nhũng cũng nhiều nhưng bớt lộ liễu hơn... Đây chỉ là ý kiến của 1 số người dân, không phải là thông tin đã được công nhận.

Tiếp theo là phần giới thiệu văn hoá Indonesia. BTC làm rất tốt. Mỗi PY được nhận 1 quà tặng là 1 loại nhạc cụ dân tộc đơn giản của Indonesia. Nhạc cụ này làm bằng các ống tre, có 7 version, đánh số từ 1 đến 7 tương ứng với các nốt nhạc. Khi chơi đập tay vào để tạo ra tiếng động. Người hướng dẫn cách chơi là 1 cô gái Indo, có phương pháp sư phạm rất hay và thu hút. Bằng cách biểu tượng hoá mỗi nốt nhạc là một động tác của bàn tay, đến nốt nào, nhìn bàn tay biểu hiện ra sao, các PYs đang giữ nhạc cụ thuộc nốt đó sẽ gõ vào nhạc cụ của mình, độ ngân ngắn hay dài tuỳ thuộc vào động tác tay của người hướng dẫn. Cả phòng họp hơn 300 PYs đã cùng chơi một số bản nhạc nổi tiếng. Nghe cũng khá vui và hợp tai. Mọi người đều phấn khích.

Buổi chiều, 14h. Bộ trưởng ngoại giao Indonesia tới nói chuyện với đoàn SSEAYP 2007. Ông nói về quan hệ bên trong ASEAN, quan hệ ASEAN với các nước đối tác. Một số PYs có câu hỏi và bộ trưởng đã trả lời. Sau đó tới phần Photo Session với bộ trưởng. Chụp theo SG.

15h30. Tất cả lên xe. Đoàn xe chạy sang khu Little Indonesia - kiểu như Làng văn hoá các dân tộc mà Việt Nam đang xây dựng tại Đồng Mô. Xe chạy từ trung tâm tới đây mất gần 1 tiếng rưỡi, dù khu Little Indonesia này nằm ở rìa Jakarta. Lại 1 lần nữa thấy người Indonesia hoang phí. Cả khu làng rất rộng, hoành tráng, các kiểu dáng kiến trúc nhà dân gian Indo với kích thước rất - rất lớn, cùng các không gian tái hiện đời sống của người Indo thật vắng vẻ. Trong bảo tàng Giao thông vận tải Indonesia, ngoài sân có hẳn 1 chiếc boeing 737 của hãng hàng không quốc gia Indonesia là Garuda được mang về để bày cho khách vào chơi. Hãng này cùng với tất cả các hãng hàng không khác của Indonesia vừa bị Liên minh châu Âu cấm bay đến hoặc bay ngang qua châu Âu vì lý do không đảm bảo an toàn hàng không. Tới hội trường làm homestay matching. Gặp gia đình nuôi. Bố nuôi và tài xế riêng đi đón. Ông là nhà kinh doanh, làm nhiều mảng nhưng mảng chính là printing và packaging. Mỗi tháng nhà máy xuất vài container bao bì sang Anh, Mỹ, doanh thu xuất khẩu khoảng 1 triệu USD / tháng. Bạn cùng homestay là 1 cậu người Singapore, chuẩn bị là sinh viên Luật của trường ĐH Quốc gia Singapore – tên là Ong Shao Rong. Ở Singapore, mọi thanh niên khi học xong trung học đều bắt buộc phải gia nhập quân đội trong 2 năm. Hoàn thành nghĩa vụ xong trở về mới bắt đầu đi học đại học. Ong Shao Rong là lính tăng, mới vừa kết thúc 2 năm nghĩa vụ và sẽ vào học tại NUS từ đầu năm tới.

Xe đã về tới nhà. Đây là 1 căn nhà ghép hộ kiểu như khu Ciputra ở Hà Nội, nhưng không đẹp và sang trọng bằng. Gia đình có 2 con trai 14 và 15 tuổi. Đi nhiều khu phố thấy đều có bảo vệ canh phòng cẩn thận. Vào shopping centre hay các địa điểm công cộng tập trung đông người đều có cảnh sát cầm thiết bị dò bom rà soát bên ngoài từng túi xách. Ám ảnh bởi các vụ đánh bom khủng bố - đặc biệt là vụ Bali – đã khiến quốc gia này luôn sống trong tình trạng cảnh giác cao. Cả nhà lên xe đi ăn tối ở 1 nhà hàng nấu món ăn kiểu Java. Mỗi gia đình trung lưu ở Jakarta này đều có 2 xe hơi. Ăn xong cả nhà lang thang vào 1 khu shopping mall. Thủ đô Jakarta có hàng chục mall như thế này. Cũng giống như ở Singapore có hàng chục khu mua sắm lớn cỡ gấp 10-20 lần Vincom, vậy mà lúc nào cũng đông, mở ra vẫn bán được hàng. Khu mall mà cả nhà đang đi có tổng chiều dài 1km (1000m), gồm 3,4 malls kết hợp với nhau. Đi mãi mới được 1/4. lên tầng 3 mua đồ lưu niệm, thấy nhiều đồ dân tộc của Indo rất đẹp. Bố nuôi mua cho mỗi đứa 1 cái mũ dân tộc kiểu Java, và 1 món đồ gì đó có tay cầm là 1 cái que, chưa mở ra xem, hình như là 1 con rối dân gian của Indo. Nhân chuyện đi mall này, mới nghĩ đến kiến trúc Việt Nam và người Việt Nam. Mạnh ai người nấy làm. Không mấy ai chịu xem những người đã làm trước đó thế nào, mình làm sau sẽ kết hợp được chút gì với cái có trước hay không. Công trình nào biết công trình nấy. Sau này có làm tàu điện ngầm, muốn đi tàu điện ngầm chắc chắn người Việt Nam vẫn sẽ phải đội mưa nắng đi ra khỏi nhà để đến lối vào ga, cho dù tầng hầm nhà mình ngay sát vách bêtông tường của ga. Chắc rồi sẽ có lúc phải có luật về việc phá bỏ hàng rào cứng giữa các cao ốc hay công trình lớn, thay vào đó là hàng rào cây hoặc những dạng thiết kế đô thị có thể tổ hợp không gian mặt đất của các công trình thành tổng thể thống nhất theo từng tuyến đường, hay việc bắt buộc phải liên kết thông nhau giữa các công trình có cùng chức năng - hoặc có thể tạo ra tiện nghi tốt hơn cho con người nếu liên thông liên hoàn như vậy. Đô thị quy hoạch đã manh mún, đi vào từng nút rối nhỏ vẫn thấy chưa tìm được cách gỡ ra sao.

Hết 1 ngày dài.

-----------------------------------------------------------------------------------

Ngày 15 tháng 11:

Sáng dậy lúc 7 rưỡi, lên xe đi ăn sáng ở 1 quán bán mì kiểu Java. Mì trần trộn với nước sốt và 1 ít thịt, rau, ăn cũng ngon miệng.

Đến thăm khu bờ biển giải trí của Jakarta, cũng giống như Sentosa của Singapore, hay Tuần Châu, Vinpearl của Việt Nam. Khu này có vẻ vắng vẻ. Vào SeaWorld Indonesia, thấy cũng na ná như khu Hải dương học ở Sentosa, hay Việt Nam. Không có gì mới lạ và hấp dẫn.

Buổi trưa đi ăn ở quán cari nấu theo kiểu Indo. Khách vào chọn chỗ ngồi xong, đội ngũ phục vụ bê ra bày la liệt trên bàn khoảng 25 đĩa thức ăn các kiểu. Khách ăn bao nhiêu thì ăn, các đĩa khách không ăn đến sẽ được đội ngũ phục vụ thu lại vào cuối bữa và không tính tiền. Kể ra phục vụ kiểu này thì thích nhưng có vẻ hơi mất vệ sinh. Lúc tính tiền thấy con số 311.000 Rupi Indo, tương đương 500.000đ Việt Nam, cho 4 người ăn.

Đầu giờ chiều, đến thăm khu đài tưởng niệm Quốc gia của Indonesia. Đây là một toà tháp cao 130m, có hình dạng như một ngọn đuốc lớn. Đài nằm giữa 1 khu đất cực rộng ngay trung tâm Jakarta. Hoàn thành xây dựng đầu thập kỷ 70, đài này là biểu tượng của Jakarta và của cả Indonesia. Thiết kế và xây dựng đã lâu nên công trình khá cũ kỹ. Đi thang máy lên tầng trên cùng ngắm cảnh Jakarta giá vé là 7500 Rupi, tương đương 12.000 đồng Việt Nam. Có vẻ giống với cách hành xử ở Việt Nam nhưng tệ hơn - đó là khi trở xuống tầng 2, muốn xem hộp trưng bày bản sao Tuyên ngôn độc lập của nước Indonesia do tổng thống đầu tiên của Indonesia là Ngài Sukarno đọc vào tháng 8 năm 1945, thì phải bồi dưỡng 1 ít tiền cho người bảo vệ tầng này để ông này bật hệ thống trưng bày cho xem. Có thể đây là thông lệ ở Indonesia. Bôi trơn. Việt Nam cũng có nhiều chỗ giống vậy.

Trên đường về, rẽ qua hàng bán chè và các món ăn nhẹ kiểu Indonesia, thấy người ta nghiền các thứ gia vị, rau củ quả, đường thốt nốt bằng 1 dụng cụ như 1 nửa cái chày gỗ, trên 1 cái chảo thô và to, thành 1 thứ hỗn độn gia vị sột sệt trông không hề ngon mắt tí nào, sau đó họ trộn với rau hay hoa quả thái nhỏ để ăn. Đúng là có thêm 1 hiểu biết mới về cách ăn uống của người Indonesia bản địa.

Tối nay sẽ có dinner reception ở 1 quán ăn gần nhà. Nói chung là thức ăn Indonesia không quá khó ăn, một số món rất ngon. Thích nghi tốt!

Bữa ăn tối được tổ chức bởi Câu lạc bộ phụ huynh khu phố. Mọi người khoảng 40-55 tuổi. Lúc đầu có vẻ hơi gượng gạo, về sau khi đã thân quen thì cởi mở và nhiều tiếng cười hơn. Mọi người đặt tiệc ở 1 nhà hàng Trung Hoa tên là Yen Yen, ăn xong có màn hát karaoke. Đáng nể là nền giáo dục Indonesia đã đào tạo được 1 thế hệ người lớn tuổi nói tiếng Anh rất tốt. Văn hoá Anh ngữ đã thâm nhập vào cuộc sống của họ từ rất sớm, họ say mê hát các bài hát nổi tiếng từ nhiều thập niên trước bằng tiếng Anh. Thế hệ trẻ của Indonesia nói tiếng Anh cũng rất tốt. Ở trường học, trẻ em học 50% bằng tiếng Anh và 50% số môn học bằng tiếng bản địa. Dù vậy, văn hoá Indonesia vẫn rất đậm đặc trong cuộc sống thường nhật của cộng đồng. Tiếng Anh tốt chắc chắn là 1 lợi thế cạnh tranh đáng kể của 1 quốc gia. Vấn đề là phải biết tận dụng lợi thế này ra sao, chứ để lãng phí như Philippines hay Indonesia thì thật đáng tiếc.

Sáng mai, mình và Ong Shao Rong có buổi gặp gỡ và trả lời phỏng vấn báo chí địa phương tại 1 nhà hàng. Việc này do bố nuôi sắp xếp.

Đêm cuối ở Jakarta là vậy!

-----------------------------------------------------------------------------------

Ngày 16 tháng 11:

Sáng dậy lúc 7h, bố nuôi đưa đi ăn sáng ở 1 quán bán đồ ăn của Indonesia nhưng có xuất xứ từ 1 hòn đảo khác. Mỗi hôm bố nuôi đưa đi ăn ở một quán bán món ăn đặc trưng của 1 hòn đảo của Indonesia. Nên nhớ là Indonesia là quốc gia “Vạn đảo”, diện tích hơn 2 triệu km2. Đảo phát triển nhất là đảo có thủ đô Jakarta có 13 triệu dân và thành phố lớn thứ hai của Indonesia là Surabaya có 8 triệu dân. Một số đảo ở xa phát triển với tốc độ rất khác biệt so với hòn đảo trung tâm.

Ăn sáng xong, bố nuôi đưa mình và Rong đi gặp báo chí. Cuộc gặp diễn ra trong khoảng 45 phút, xoay quanh chủ đề về Indonesia, cảm nhận ra sao về Jakarta, về đất nước Indonesia, về ẩm thực Indonesia, về con người Indonesia... Nên biết rằng ở Indonesia, báo chí và truyền thông được “bung” ra rất nhiều. Truyền hình cũng vậy, có cả chục kênh truyền hình lớn. Họ đến đưa tin về các hoạt động của Sseayp rất cặn kẽ, lên cả tàu quay từ khi còn chưa cập cảng Jakarta, cử phóng viên theo chân một số PYs để làm phóng sự về những ngày ăn, ở, vui chơi tại Jakarta. Luôn luôn có 2 kênh truyền hình cử phương tiện và phóng viên bám sát các hoạt động của Sseayp tại Indonesia. Ở Singapore thì có kênh Channel New Asia cử 1 phóng viên + 1 quay phim bám sát các hoạt động của Sseayp 2007. Không chỉ mình và Rong có tiếp xúc với báo chí, mà khi trở lại tàu, thì nhiều PYs cũng kể rằng họ cũng có một số báo chí tới phỏng vấn, có cả truyền hình tới quay phim tại nhà homestay family. Lần này, BTC địa phương ở Indonesia đã chọn lọc rất kỹ các gia đình homestay. Có thể nói rằng họ đã chọn toàn gia đình khá giả, thậm chí rất giàu có. Ở Indonesia, sự phân biệt đẳng cấp xã hội khá rõ. Những host family đều có đủ điều kiện để chăm sóc các PYs. Em T. trong đoàn Việt Nam homestay ở nhà của 1 thứ trưởng Indonesia. Nhà chỉ có 2 vợ chồng, nhưng có tới 5 người hầu và 2 lái xe. Mỗi khi đi đi bơi ở bể bơi ngoài vườn về, đi vào nhà lên phòng trên tầng 2 đều có 1 người hầu đi theo sau để lau nước từ bể bơi dính vào người rỏ xuống nền nhà... Kể sơ sơ như vậy để thấy lần homestay này khác lần ở Singapore. Sau khi homestay ở Singapore trở về, có nhiều PY các nước phàn nàn về gia đình nuôi đã không đón tiếp và chăm sóc chu đáo, nhiều PY bị bỏ đói, nhiều PY không thích nghi được với thức ăn của gia đình nuôi nấu, ..., thì lần này - sau cuộc họp COC - chỉ thấy 1 PY Thái phàn nàn vì là người theo đạo Hồi mà BTC địa phương lại sắp xếp ở với 1 gia đình theo đạo Thiên chúa, và thêm 1 phàn nàn của 1 PY khác là gia đình nuôi nuôi tới 5 con chó nên không chịu nổi :-)

Trở lại với cuộc tiếp xúc báo chí. Đang trả lời phỏng vấn thì 1 người bạn của bố nuôi – người đã tham gia bữa tiệc tối qua – mang qua tặng 6 hộp cá viên với nước sốt để mang về tàu ăn. Đây là sản phẩm của chuỗi cửa hàng của ông này. Nhân tiện nói luôn là ở Jakarta, chuyện franchise các cửa hàng bán thức ăn rất phát triển. Franchise không chỉ ở Indonesia mà trong cả vùng Malaysia, Singapore. Franchise từ Sing sang, Franchise ngược sang Sing... Trong hệ thống các mall ở Jakarta có chuỗi cửa hàng Hanoi Corner, được nhiều người Indonesia biết tới. Mình đi qua nhìn bảng hiệu thấy thú vị quá mà không có điều kiện khám phá xem bên trong như thế nào. Sau khi kết thúc phỏng vấn, bố nuôi chở đi lòng vòng mấy chỗ mà không kiếm được nơi có wifi. Phải nói rằng, khác với Việt Nam ta có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin khá phát triển, thì Indonesia lại kém về khoản này. Người Indonesia cũng không dùng Internet nhiều. Có nhà thì bảo trước đây có kết nối, nhưng thấy con cái chẳng dùng nên đã huỷ bỏ hợp đồng. Các quán xá hay nơi công cộng thì vô cùng hiếm hoi mới có wifi. Hình như trong các shop mall, chỉ có hệ thống cafe Starbuck là có cung cấp wifi. Đi lòng vòng mãi, điện thoại mấy cuộc mới tìm được nhà của 1 ông bạn bố nuôi cũng nằm trong hội Foster Parents có wifi. Ông này làm kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông nên nhà có lắp wifi. Đến nhà nào cũng như 1 biệt thự. Các khu kiểu như Ciputra ở Hà Nội rất phát triển ở Jakarta, xen kẽ giữa những khu lụp xụp. Cũng dễ hiểu bởi Indonesia phát triển đi trước Việt Nam khoảng chục năm, và sự phân hoá trong xã hội cũng sâu sắc hơn. Nếu may mắn tìm được 1 hàng truy cập internet công cộng, bạn phải trả khoảng 10.000đ cho nửa tiếng. Một số người tình cờ tìm được dịch vụ này, nhưng cũng phải ngán ngẩm đứng lên vì hết nửa tiếng mà không thể gửi nổi 1 cái mail. Nhiều nhà ở Jakarta vẫn còn dùng Dial-up tốc độ chậm. Về khoản này phải cám ơn VDC, FPT, Viettel, SPT ở Việt Nam ta, tuy còn lởm khởm nhưng cũng còn hơn khối nước.

Về nhà soạn đồ rồi lên xe trở lại Nippon Maru. Lại tắc đường. Bố nuôi rất cẩn thận rẽ vào 1 cửa hàng bán đồ ăn mua thêm 2 hộp thức ăn, 1 hộp bánh, 5 cái bánh rán lớn y hệt bánh rán Việt Nam để mình và Rong mang về tàu ăn thay bữa trưa. Về đến Nippon Maru đã gần 13h, sát giờ quy định của BTC. Bãi container ở cảng hôm nay đã được dẹp gọn hơn 1 chút, 1 nhà bạt lớn được dựng lên để đón các PYs và gia đình Homestay, đồng thời sẽ làm lễ tiễn. 13h đến 14h là Open ship. Mời bố nuôi lên thăm tàu, chụp ảnh, giới thiệu các tiện ích của tàu... Thoắt đã đến lễ Sail Off. Các contingent lần lượt làm flag cheer trên cầu thang dẫn từ tầng 2 của tàu xuống cầu cảng. Lần này Việt Nam cheer đẹp, đều. Đồng phục áo hồng và cờ đỏ cũng rất tiệp màu. Đến dự lễ tiễn và phát biểu có ông thị trưởng Jakarta. Trời nóng quá, có 1 PY bị ngất, 1 PY phải đưa trở lại tàu.

Phút chia tay rồi cũng tới. Khác hẳn lần ở Singapore khá “nhạt” về tình cảm. Cũng có thể do tính cách của người dân 2 nước khác nhau. Tính cách của người Singapore là vậy, môi trường sống nhanh và công nghiệp cũng có thể khiến họ không dễ gì bày tỏ tình cảm nơi công cộng một cách khác thường. Người Indo có lẽ vẫn còn nhiều phần sống vì tình hơn vì lý - cũng giống người Việt Nam. Cũng có lẽ vậy mà ý thức của người Indo chưa cao, sự nể nang còn nhiều... Vậy, còn người Nhật thì sao? Nhiều PY đánh giá homestay ở Nhật rất cao, vì tình cảm mà cha mẹ và gia đình nuôi đã dành cho họ thật nồng ấm. Nhật cũng là một quốc gia công nghiệp và phát triển, nhưng văn hoá của họ lâu đời và bắt rễ quá sâu vào từng con người, thật sự trở thành một dòng văn hoá riêng trên thế giới, không trộn lẫn và không hoà tan. Áo Kimono, tinh thần võ sĩ đạo Samurai, vật Sumo, ẩm thực Sushi... há chẳng phải là những đặc sắc văn hoá của Nhật đã được cả thế giới công nhận? So sánh với người Nhật, Singapore chỉ là 1 quốc gia nhỏ, non trẻ và không thật sự có 1 gốc rễ văn hoá của riêng mình. Cũng có thể vậy mà người Singapore đôi khi không có điểm tựa gốc để điều chỉnh mình. Nói về vấn đề này chắc phải mất cả buổi mới khơi ra được vài phần.

Lần này ở Indonesia, tình cảm giữa cha, mẹ nuôi và các PY dường như sâu nặng hơn. Nhiều người đã khóc, các PY khóc, gia đình nuôi cũng khóc, tình nguyện viên địa phương cũng khóc. Giờ phút trở lại tàu đã tới, từng contingent xếp hàng 2 đi từ nơi làm lễ sail off lên cầu thang dẫn trở lại tàu. Cũng chỉ được 1,2 đoàn đầu tiên là còn đi đúng hàng đúng lối, những đoàn sau này bỗng chốc rối loạn vì các gia đình nuôi tràn lên, xuyên qua hàng rào của tình nguyện viên để tới ôm, nắm tay, dặn dò, khóc, nghẹn ngào. PY nữ khóc nghẹn đã đành, PY nam cũng có không ít người mắt đỏ hoe. V. – 1 nam PY Việt Nam đã nói : “Em tưởng rằng sẽ chẳng bao giờ em có thể khóc, em cũng tự dặn mình là chẳng có gì ghê gớm mà phải khóc. Sau khi trở về từ 2 ngày homestay, em đã thấy gia đình nuôi đã quan tâm thật chu đáo. Em tưởng rằng chia tay, lên cầu thang trở lại tàu thế là xong. Mấy người xung quanh khóc, em chỉ thấy hơi cảm động. Nhưng khi đang bước lên những bậc thang đầu tiên để lên tàu, em thấy ông bố nuôi từ phía dưới vất vả chen lên, ông giúi vào tay em 2 hộp cơm do ông vừa chạy xe ô tô ra tít ngoài đầu cảng rất xa để mua về cho em. Ông không nói được tiếng Anh, ông chỉ nhìn em mắt đỏ hoe, miệng nói như dặn dò gì đó nhưng không thành tiếng, chắc là bảo em nhớ ăn không thì đói, đi nhớ giữ gìn sức khoẻ.... Em đã bật khóc, bật khóc, cả gia đình nuôi cũng khóc ...”
.
Đoàn Việt Nam là đoàn thứ 4 đi lên cầu thang. Mọi người vừa đi vừa nghẹn ngào. Tay ai cũng cầm 1 lá cờ nhưng ít người còn có thể vẫy cao, nhiều người vẫy cờ như 1 hành động vô thức. Họ còn đang nhìn xuống phía dưới cầu cảng, nơi bố, mẹ nuôi, anh, chị, em của họ cũng đang dõi mắt lên nhìn theo từng bước xa dần của họ. Mắt gặp mắt. Những tiếng khóc bật ra. Những đoàn còn chờ chưa đến lượt lên tàu thì đã trộn lẫn với gia đình nuôi từ lúc nào. Từ hệ thống loa của BTC, 1 bài hát Indonesia thật buồn vang lên, có lẽ là 1 bài hát tiễn biệt. Mỗi người lúc này đều đang sống trong những giây phút rất khác thường, chắc chắn sẽ rất khó quên, hoặc không thể nào quên.

Một hồi còi dài. Nippon Maru chậm chậm tách khỏi cầu cảng Jakarta. Những dải ruybăng giấy được tung xuống. Đầu này là các PYs đang tràn ra lancan tầng 4 của tàu, đầu kia đang cố níu giữ là những cha, mẹ nuôi. Không ai muốn rời. Tàu xa dần, lần lượt các dải ruybăng đứt rời. Bóng dáng cha nuôi đứng lẫn trong nhiều người khác trên cầu cảng, 2 tay vẫn đang nắm 2 dải ruybăng xanh và vàng – 1 của mình tung xuống và 1 của Rong. Ruybăng ruy đã đứt, nhưng tình cảm là sợi dây vô hình chắc sẽ còn tiếp tục nối kết giữa những con người đã được gặp nhau và đã được trải qua những khoảnh khắc như thế này.

Thẳng tiến tới Port Klang, Malaysia. Tạm biệt Jakarta!

Cảm ơn một thành phố và những công dân của nó đã cho tôi thêm nhiều hiểu biết và cảm nhận thú vị về con người nơi đây. Chính quyền có thể không tốt, có thể thay đổi, còn nhân dân sẽ là mãi mãi, là sự bao dung!


Nhật Thực 2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét