Thứ Hai, 8 tháng 6, 2009

Dọc đường SSEAYP 2007 - kỳ 7 : Malaysia


Ngày 16 tháng 11:

Sau 2 ngày lênh đênh trên biển từ cảng Tandung của Jakarta, sáng nay tàu Nippon Maru đã vào đến Port Klang của Malaysia. Do quãng đường từ Tandung sang Klang chạy 1 ngày thì không tới, mà chạy 2 ngày thì lại hơi thừa nên sáng qua Nippon Maru đã dừng ở giữa biển khoảng 8 tiếng. Đỗ lại giữa biển mênh mông nằm chơi, chờ đến 14h chiều mới chạy tiếp để tới Klang đúng 10h sáng ngày hôm nay. Mọi cảng mà tàu cập bến đều đúng lúc 10h, vì mọi chương trình đón tiếp, country program đều bắt đầu từ 10h.

Sáng cập bến Klang thấy tàu Star Virgo Cruise đang chuẩn bị rời bến. Đây là tàu du lịch loại lớn thường đưa khách đi lòng vòng các cảng của khu vực Đông Nam Á. Tàu này có vài lần ghé Việt Nam, điểm hay ghé nhất là Hạ Long trên đường đi từ HongKong sang Singapore. So với Star Virgo Cruise thì Nippon Maru chỉ là 1 “thằng nhóc”, dù Nippon Maru có 7 tầng, dài 160m. Star Virgo Cruise cao 10 tầng, dài 300m, thiết kế rất đồ sộ, đúng như 1 khách sạn nổi trên biển, trên mái có cả sân tennis, bãi đậu trực thăng, 2 bể bơi lớn – trong đó có 1 bể như kiểu công viên nước có các đường trượt xoắn và lượn sóng... Ngay cả terminal mà Nippon Maru cập vào với ống lồng dẫn hành khách và cầu dẫn 2 tầng dài khoảng 200m nối từ cầu cảng vào terminal cũng là của công ty quản lý tàu Star Cruise đầu tư. Người Malaysia đi Star Cruise khá đông. Hôm Nippon Maru rời bến, cũng là ngày Star Cruise rời bến chuyến tiếp theo. Hành khách nườm nượp. Giá tour đi trên Star Cruise đắt gấp 1,5 đến 2 lần tour bình thường. Với người Malaysia thu nhập 6000USD/ năm thì Star Cruise có thể làm ăn tốt.

Buổi chiều, diễn ra lễ đón trên tàu, ở Dolphin Hall. Tới dự có thứ trưởng bộ Thanh niên và Thể thao của Malaysia. Có thể thấy 95% quan chức ở các nước mà Nippon Maru ghé thăm khi tới tham dự các hoạt động của sseayp đều nói khá tốt tiếng Anh. Việt Nam – do đặc thù từ quá khứ, nên không có lợi thế này. Lễ đón diễn ra với kịch bản như những lễ đón trước đó. Rồi sẽ lại có orientation của BTC địa phương. Phải nói rằng khác với Việt Nam, ở các nước mà Nippon Maru ghé thăm, vai trò của nhà nước không phủ hết toàn bộ các hoạt động tiếp đón của địa phương. Vai trò của các Alumni rất lớn. Nhiều nước Alumni lo toàn bộ các hoạt động của tàu ở quốc gia mình, từ việc kêu gọi tài trợ, chọn gia đình homestay, tiếp đón, hướng dẫn trên các xe bus của SG, tổ chức mọi hoạt động..., nhà nước chỉ cử các quan chức tới theo đúng lễ nghi ngoại giao, và hỗ trợ các nội dung như : xe cảnh sát dẫn đường... Nhân tiện đây nói 1 chuyện để thấy vai trò của Alumni thế nào. NL của Philippin năm nay là anh Dino – hot men của Nippon Maru – lai Tây Ban Nha, cao như người mẫu, đẹp trai kiểu châu Âu, lúc nào cũng cười toe toét làm nhiều em chết 1 cách ngoạn mục. Anh Dino đang đau đầu vì vướng vào 1 vụ kiện ở Philippin. Chính phủ Philippin cử anh Dino làm NL năm nay. Hiệp hội cựu thành viên Ssseayp chọn người khác. Hai bên không thống nhất được với nhau. Chính phủ bảo lưu quyết định cử anh Dino đi. Hiệp hội kiện ra toà. Chính phủ không trả tiền luật sư. Anh Dino đành chịu trận.

Buổi tối, diễn ra tiệc chào mừng của chính quyền địa phương. Do cảng Klang cách Kuala Lumpur khoảng 1 tiếng rưỡi chạy xe nên tiệc được tổ chức ở 1 nhà thi đấu ở Shah Alam – nơi có sân vận động Shah Alam mà các fan bóng đá Việt Nam đều thót tim mỗi khi tuyển Việt Nam thi đấu ở đây. Đây là thủ phủ của bang Selangor. Đi từ tàu ra đến đây cũng mất 1 tiếng mặc dù đường xá rất tốt. Malaysia có cảnh sát dẫn đường rất khác biệt và hiệu quả. Họ không sử dụng 1 xe ôtô cảnh sát chạy đầu và 1 xe nữa khoá đuôi như các nước, thay vào đó, Malaysia dùng 8 môtô cảnh sát. chỉ 1 xe dẫn đường và 1 xe khoá đuôi. 6 xe còn lại làm nhiệm vụ chặn đường mỗi khi đoàn xe đi qua. Cứ tới mỗi điểm giao nhau, hoặc điểm nhập làn của các tuyến đường khác vào làn đường mà đoàn xen đang lưu thông, thì thấy có 1 môtô cảnh sát đã đứng ở đó để ngăn các dòng xe cắt ngang hoặc nhập làn lại. Ngay khi đoàn xe đi qua, môtô này lại phóng vượt lên trước và tiếp tục công việc như vậy tại nơi giao cắt tiếp theo. 6 môtô thay phiên nhau làm như vậy. Quả thật rất hiệu quả vì đoàn xe 11 bus và 2 xe mini bus chở admin và quan chức đều chạy với tốc độ cao trên các đoạn đường trống xe. Cách này có lẽ Việt Nam có thể vận dụng được ít nhiều.

Tiệc chào mừng diễn ra trong 1 nhà thi đấu lớn. Mới nhìn thì thấy có vẻ hoành tráng, nhưng càng về sau càng thấy nghèo nàn. 8h mới tới nơi. 9h bộ trưởng - thống đốc bang Selangor mới tới (chậm 1 tiếng). Lúc này chương trình mới bắt đầu. PY nhốn nháo vì đói. Chương trình giống như mọi lần, phát biểu, gift exchange, văn nghệ của nước chủ nhà, văn nghệ của các contingent. Lê thê và lê thê. Thức ăn mang ra thì không được dồi dào lắm. Chắc Alumni địa phương đã rất cố gắng rồi, nhưng nguồn kinh phí có hạn nên tiệc không được tốt lắm. Mãi rồi cũng xong. Lên xe trở về tàu, ExPY Malaysia năm trước, năm nay làm hướng dẫn viên của các SG hỏi : Các bạn cảm thấy thế nào? 80% PY trên xe đồng thanh : Hungry. Trông mặt cô bé ExPY thật tội nghiệp. Cũng đúng thôi vì country program ở mỗi nước chính là cơ hội thể hiện sự mến khách và khả năng tổ chức của mỗi quốc gia, là thể diện của quốc gia giới thiệu với thanh niên các nước. Về được đến tàu thì đã gần 1h sáng. Ai cũng ngao ngán. Chắc rồi sau này Malaysia sẽ bị các nước góp ý nặng nề về việc tổ chức.

-----------------------------------------------------------------------------------

Ngày 20 tháng 11:

Sáng ra đã thấy trên bảng tin của Việt Nam 1 bưu thiếp chúc mừng 20 tháng 11 tới các PY là giáo viên. Chắc hẳn là của em Cường. Cũng thấy vui vì trên tàu có người nhớ tới ngày của mình, trong khi ở Việt Nam có người mà mình nhớ thì lại không nhớ.... Đoàn Việt Nam năm nay có tới hơn 1/3 là giáo viên. Tối hôm 18 em Hiếu cũng mang lên phòng tập văn nghệ 1 túi lớn chocolate và bánh ngọt để cảm ơn và liên hoan 20/11. Chu đáo phết, không biết cu cậu dành dụm từ khi nào mà gom được nhiều bánh kẹo thế.

Sáng nay SG-A đi Institutional Visit ở Putrajaya - thủ đô hành chính của Malaysia. Đây là lần thứ 2 mình tới Putrajaya. Mọi người khen đẹp, công nhận là cũng được nhưng hơi lạnh lùng. Mọi người khen sạch, công nhận là sạch vì có quá ít người sống ở đây. Mọi người bảo trông cứ như ở 1 nơi nào đó trong truyện cổ tích, cũng đúng vì mọi thứ ở đây đều sáng bóng, cỏ cây xanh mướt mượt mà thì thầm trong gió, kiến trúc kết hợp giữa hiện đại và style Malaysia cổ với chóp củ hành Alibaba, vòm nhọn,... gợi nên những hình ảnh thần thoại. Mình ấn tượng với tòa nhà của công ty phát triển Putrajaya mà đoàn vào nghe thuyết trình. Rộng thênh thang, phòng ốc mênh mông không có người. Kiến trúc hiện đại, vận hành trơn tru, gợi nên một cảm giác thừa mứa. Tuy nhiên, Putrajaya chỉ là thành phố hành chính, mặc dù chính phủ đã xây dựng một số nhà ở cho công chức, song đa phần họ trở về Kuala Lumpur sau mỗi ngày làm việc bằng tàu cao tốc mất nửa tiếng. Về đêm, Putrajaya lại trở thành thành phố của các ông bảo vệ - giống như các trung tâm hành chính của một số tỉnh lỵ mới xây dựng ở ta. Thủ tướng Mahathir Mohamad quả thật là 1 nhà lãnh đạo xuất sắc. Làm đâu ra đó. Tiếp xúc với đoàn Malaysia, và sau này đi homestay thì thấy người Malaysia nhìn chung không có gì đặc sắc, thậm chí hơi nhạt. Nhưng đất nước của họ đã phát triển tốt, có lẽ họ đã có 1 đội ngũ lãnh đạo tốt, có tầm nhìn và khả năng tự hy sinh nhu cầu cá nhân của mình để cống hiến cho quốc gia. Có người nói, thủ tướng hiện nay của Malaysia là Badawi không hoàn toàn nắm được quyền lực trong tay, nhiều chuyện vẫn phải nghe theo Mahathir. Có lẽ vậy. Hiếm hoi mới gặp được 1 người Malaysia nổi trội và xuất chúng như Mahathir.

Chiều tới 1 nhà thi đấu khác để homestay matching. Gặp gia đình nuôi với ông bố nuôi và 1 cô con gái thứ hai đi đón. Gia đình này giống như các gia đình viên chức ở Việt Nam. Ông bố là bộ đội về hưu. Bà mẹ là viên chức nhà nước. Cô con gái lớn đã đi làm và sắp lấy chồng, cô thứ 2 đang học đại học, cậu út 19 tuổi cũng vậy. Mình ở cùng với Dimas - thằng bé 20 tuổi ngoan và hiền lành người Indonesia. Xe chạy lòng vòng, qua đón bà mẹ nuôi hết giờ tan sở rồi về nhà. Gia đình này cũng giống như các gia đình công chức chỉ ăn lương nhà nước ở ta. Nhà của họ trong 1 khu do nhà nước bán cho với giá ưu đãi, kiểu như khu tập thể Kim Giang xa xa và cũ cũ ở Hà Nội. Mỗi nhà toạ lạc trên diện tích khoảng 100m2, bề ngang nhà 6m, phía trước có hiên rộng và chỗ để xe ôtô. Thường thì ngoài hiên có bộ ghế uống trà và hóng gió. Nhà ở trên khu đất cao như 1 ngọn đồi dốc thoải, nên ngồi ngoài hiên có thể phóng tầm mắt ra xa, có thể nhìn về khu trung tâm Kuala Lumpur và thấy tháp đôi Petronas. Trong nhà thì ngăn nắp nhưng do nhà cũ nên hơi ẩm thấp và bí. Mình với Dimas được cậu con trai út nhường cho phòng của cậu ở giữa nhà. Tối om, bí gió và có chút mốc ẩm. Vật giá ở Malaysia khá đắt, nên dù thu nhập của bà mẹ là 6000 USD/năm cộng với lương hưu của ông bố nữa, nhưng gia đình này sống khá tùng tiệm. Ông bố đi 1 xe Toyota đời 86 đã rất cũ hàng ngày đưa đón bà mẹ đi làm. Nhà còn 1 xe kid car nhỏ nhỏ dành cho cô con gái đi học. Đây là lần đầu tiên gia đình nhận nuôi PY từ chương trình Sseayp. Năm trước họ có tham gia chương trình trao đổi sinh viên quốc tế. Họ nhận nuôi 1 cậu vừa tốt nghiệp PTTH ở Đức sang Malaysia sống 1 năm để tìm hiểu và trải nghiệm về văn hoá ở đây. Cô con gái họ sẽ được trao đổi sang 1 nước khác, và cô đã sang Mỹ sống 6 tháng theo chương trình này. Hàng năm, nhiều thanh niên ở các nước phát triển tham gia chương trình trao đổi này, gia đình họ sẽ nhận nuôi 1 thanh niên khác ở các nước đối tác. Khá thú vị! Có thể thấy nhiều thanh niên như vậy ở buổi tiệc tối nay.

Buổi tối, cả nhà lên xe tới nhà 1 gia đình nuôi PY ở trong khu phố gần đó. Gia đình này có bà mẹ như kiểu hội trưởng hội foster parents địa phương. Bà này cũng từng là PY năm 1978. Tới nơi, gặp khoảng 15 PY các nước đi homestay ở các gia đình trong khu vực đó tới tham gia, cùng với 6 thanh niên người Đức, Bỉ đang tham gia chương trình trao đổi sinh viên quốc tế. Nói chuyện với 1 cậu người Đức thì được biết cậu tốt nghiệp trung học năm trước, đã sang Malaysia được gần 1 năm, và sẽ trở về Đức vào đầu tháng 12 để chuẩn bị vào học đại học vào đầu năm 2008. Tiệc tuy đơn sơ nhưng cũng khá thú vui.

Xong tiệc, bố mẹ nuôi chở đi lòng vòng Kuala Lumpur để ngắm cảnh về đêm. Tới tháp Petronas thấy rất vắng vẻ, khác hẳn ban ngày. Qua quảng trường Mederka gặp khá nhiều PY các nước cũng đang tới đây chơi. Về tới nhà cũng gần 12h. Làm 1 số việc, lên giường thì cũng đã 1h sáng.

-----------------------------------------------------------------------------------

Ngày 21 tháng 11:

Sáng nay mẹ nuôi xin nghỉ làm để cùng với bố nuôi đưa 2 PY đi chơi.

Đầu tiên, cả nhà tới trung tâm thủ công mỹ nghệ Malaysia. Đây là 1 toà nhà 2 tầng khá đẹp và nền nã, với sân vườn được tổ chức dân dã kiểu Malaysia. Trung tâm nằm trên 1 khu đất khá rộng. Ở Malaysia, Indonesia, Singapore. đa số các trung tâm công cộng, xe ô tô vào đều phải mở cốp để cảnh sát rà soát bom mìn. Túi xách của khách nếu lớn cũng phải đưa ra để rà soát kiểm tra bên ngoài. Đồ thủ công mỹ nghệ Malaysia ở đây rất phong phú, nhiều mẫu giống ở Việt Nam. Không biết bên nào copy của bên nào, hay cả 2 bên cùng copy của 1 bên thứ 3?
Vì chỗ đỗ xe ở trung tâm Kuala Lumpur rất đắt đỏ (tính theo giờ, mỗi giờ 4 ringit), nên cả nhà quyết định để xe ở 1 ga skytrain ở cách nhà khoảng 1km, rồi mua vé skytrain đi đến ga trung tâm Kuala Lumpur. Đây là tàu tự động không người lái, chạy liên tục như con thoi, rất tiện lợi. Mặc dù Kuala Lumpur chỉ có 1,5 triệu dân nhưng hệ thống giao thông công cộng ở đây rất tốt, tình trạng tắc đường ít xảy ra. Có thể nói, cùng với Singapore, hệ thống phúc lợi xã hội của Malaysia khá tốt. Chính phủ đảm bảo người dân được hưởng những dịch vụ công ích tốt với chi phí thấp, hoặc miễn phí. Sinh viên đi học đại học ở Malaysia tại những trường công chỉ phải đóng 200USD cho 1 học kỳ với chất lượng cơ sở vật chất rất tốt, trong khi chi phí đào tạo khoảng 1000USD. Như vậy, chính phủ Malaysia đã hỗ trợ 80%. Ở Việt Nam, chính phủ hỗ trợ cho sinh viên các trường công lập khoảng 60%. Vậy cũng tốt, nhưng học phí ở Việt Nam thấp quá mà nhà nước không đủ kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất và mời giảng viên quốc tế, trao đổi sinh viên và giảng viên... nên giáo dục đại học của Việt Nam vẫn chưa theo kịp được các nước xung quanh. Nhiều sinh viên Việt Nam sang học ở Malaysia – theo diện học bổng. Một số trường đại học Hồi giáo ở đây có nguồn học bổng rất dồi dào, nhưng chỉ cấp cho sinh viên các nước theo đạo hồi. Châu Phi, Indonesia,... sang đây học cũng khá nhiều.

Trở lại chuyện đi chơi Kuala Lumpur. Đây là lần thứ 2 mình tới Kuala Lumpur nên không thấy có nhiều hứng thú lắm với chuyện đi chơi. Ở nhà nghỉ ngơi hoặc đi dạo công viên ở đây có lẽ thích hơn. Lịch trình làm việc trên tàu, thảo luận theo DG, hoạt động của SG, hoạt động của Contingent cũng kín đặc lịch, suốt tuần, từ 8h sáng đến 23h đêm, không nghỉ thứ 7 hoặc chủ nhật. Cả chuyến đi 52 ngày chỉ có duy nhất 1 ngày free trọn vẹn sau khi tàu rời Việt Nam. Vào chơi Central Market thấy rất nhiều thứ mua được, tuy giá hơi cao. Đây giống như chợ Bến Thành ở mình nhưng thiết kế cải tạo lại trông sáng sủa, bố trí quầy cũng rộng rãi hơn. Chợ này có từ thế kỷ 19, trước là chợ bán hải sản, sau cải tạo thành chợ bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. Ghé vào gian hàng khắc chữ kim loại, thấy nhiều PY mua nhẫn để khắc tên lên. Một số rẽ sang gian hàng viết và vẽ hình lên huy hiệu, thấy cũng bắt mắt. Dimas tặng mình 1 huy hiệu có viết chữ : DIMAS – Your Homestay Brother.

Đi 1 vòng, bố mẹ nuôi dẫn đến hàng ăn nhanh kiểu McDonald nhưng đây là 1 nhãn hiệu của Malaysia. Ở các nước Malaysia, Singapore, Indonesia, hệ thống các cửa hàng ăn nhanh do doanh nhân địa phương đầu tư rất phát triển, cạnh tranh ngang ngửa với McDonald và KFC. Họ có lợi thế cạnh tranh là làm các món ăn mang khẩu vị địa phương. Bố mẹ nuôi chọn món phở bò Việt Nam, khi họ mang ra, mình ăn thử 1 thìa thấy không hề giống. Cũng đúng thôi, vì món ăn phải địa phương hoá mới hợp khẩu vị của người dân từng vùng miền.

Tiếp tục đi tới trung tâm KLCC. Đây là lần thứ 3 mình tới tháp đôi Petronas. Từ ga tàu điện ngầm lên thẳng tầng hầm của KLCC rất tiện lợi. Gặp khá đông Admin người Nhật tay xách nách mang ở đây. Hàng hoá cũng đắt, có lẽ nó chỉ phù hợp với những người có thu nhập cao như Nhật Bản. Những nhãn hiệu châu Á thì mua ở đâu cũng được. Nhãn hiệu nổi tiếng thế giới thì ở đâu cũng đắt như nhau. Vậy mà KLCC luôn đông nghịt. Sức hút của thương hiệu KLCC và hình ảnh toà tháp đôi - biểu tượng của Malaysia đã hấp dẫn rất đông khách du lịch. Đã tới Kuala Lumpur thì phải tới Tháp đôi. Đã tới Tháp đôi thì nên vào xem shopping mall. Tuy thế, đối với người Malaysia, KLCC chỉ là nơi window shopping.

Dimas mua được 2 cái áo sale. Cu cậu có vẻ vui.

Cả nhà trở về sớm trước giờ tan tầm ở Malaysia là 17h. Mẹ nuôi đã rất kinh nghiệm khi nhắc bố nuôi xếp hàng mua vé tàu chiều về ngay khi vừa đến KLCC. Nếu không thì sẽ cực kỳ vất vả, chen chúc để mua vé khi đến giờ tan tầm. Về tới nhà, cả nhà cùng ăn bữa tối khá đạm bạc. Lên xe đi tiếp tới công viên gần nhà, mua vé lên Eyes of Malaysia – 1 kiểu vòng quay khổng lồ. Tuy nhỏ hơn vòng quay ở công viên nước Hà Nội nhưng các cabin hiện đại hơn rất nhiều. Thấy ghi chú là do 1 công ty của Thuỵ Sĩ sản xuất. Ngắm cảnh Kuala Lumpur về đêm từ trên cao, không có cảm xúc gì đặc biệt. Lần homestay này mình không ấn tượng nhiều, và cũng không đọng lại nhiều cảm xúc. Malaysia – trong mình là 1 đất nước “nhạt”, người cũng “nhạt”.

Về chuyện homestay, phải nói thêm là BTC địa phương ở Malaysia làm ẩu. Malaysia là nước bị phàn nàn nhiều nhất về các chương trình. Từ lễ đón, từ chuyện tiệc, đến chuyện homestay. Năm nào cũng thế. Có những nhóm PY bị đưa đi xa đến 150km, về 1 vùng ven biển hẻo lánh, bị mang lên báo chí để lăng-xê cho 1 đảng đối lập với chính quyền, PY bị đối xử như ban ơn - mặc dù những thứ họ nhận được thật tồi tệ. Điều kiện ăn, ở, vệ sinh được mô tả là “khủng khiếp”. 3 PYs Thái Lan ngay khi vừa kết thúc homestay, khi được đưa ra xe bus để trở về tàu đã chạy ra cánh đồng hét to lên sung sướng như vừa được ra tù. 1 PY Brunei đã không chịu nổi và bỏ ra khách sạn ở khiến BTC cuống cuồng tìm kiếm. 1 loạt PY không có ai đưa về tàu, phải đi xe bus về cảng Port Klang (cách Kuala Lumpur 1 giờ rưỡi xe chạy), 1 số PY khác bị nhồi nhét lên 1 chiếc xe minibus, tài xế không biết đường, chạy vòng vèo, chậm giờ nên tài xế chạy ẩu, chạy như bay ngược đường 1 chiều, mặc cho các PY im thít ngồi sau sợ hãi.... Về chuyện này, em Hương và em Hà ở đoàn Việt Nam thấm thía nhất. Về sau, khi phàn nàn với BTC thì họ bảo là chính họ cũng bị lừa. 1 số gia đình ở xa đã giả mạo địa chỉ ở Kuala Lumpur để nhận PY về, rồi đưa thẳng về địa phương để tổ chức các hoạt động – mà đa phần là để lăng-xê cho 1 cộng đồng người Hoa ở đây, đồng thời cũng thuộc 1 đảng của người Hoa đang phản đối chính phủ Malaysia. Mấy năm trước cũng có người đã kể chuyện này xảy ra ở Malaysia, sao năm nay lại vẫn có tình trạng này xảy ra???

-----------------------------------------------------------------------------------

Ngày 22 tháng 11:

Bố nuôi đưa trở về tàu.

Cả nhà dự lễ tiễn trong phòng đợi của terminal hành khách của hãng tàu Star Cruise ở cảng Klang. Đúng là chỉ mong tàu đi sớm cho. Gia đình nuôi dự lễ tiễn xong là đến tạm biệt rồi về luôn. Chỉ có phân nửa số gia đình nuôi tiếp tục ra cầu tầu để tiễn và đón ruybăng của các PY tung xuống.
Bố nuôi hẹn tháng 2 sang Việt Nam chơi. Hẹn gặp lại vào tháng 2 tới.

Năm nay Malaysia kỷ niệm 50 năm ngày thành lập nước. Khẩu hiệu Malaysia – 50 years of Nationhood có ở khắp mọi nơi. Đoàn Malaysia năm nay được Tổng cục du lịch Malaysia cung cấp đủ mọi thứ, từ quần áo A1, A2, B1, B2, C1, C2, áo phông các loại. Post card in thiệp mời, quà tặng, brochure, vali... Ngay cả đêm Introduction của Malaysia, họ cũng diễn 1 vở hát múa kể lại lịch sử của Malaysia từ xưa tới nay. Tuy nhiên, đa số PY các nước không thật sự hiểu câu chuyện mà họ muốn kể. Đến đây, nhớ lại em Thắng – PY phụ trách tài trợ của đoàn Việt Nam năm nay, khi đến Tổng cục du lịch Việt Nam để tìm sự hỗ trợ và xin 1 số tài liệu quảng bá du lịch Việt Nam thì bị từ chối - mặc dù đáng lẽ họ phải hiểu đây là trách nhiệm của họ, tự dưng có người giúp họ quảng bá cho họ không công thì phải tận dụng chứ? Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật thì sẵn lòng cung cấp rất nhiều tài liệu và brochure thừa ở dưới kho của ĐSQ, nhưng hầu hết bằng tiếng Nhật, không dùng được ở các nước khác. ĐSQ rất nhiệt tình với đoàn, còn 1 số cơ quan khác của Việt Nam thì thiếu sự ủng hộ mà thừa sự vô cảm.

Chào Malaysia – 1 đất nước “nhạt”. Tuy họ “nhạt” nhưng cách làm việc của họ cũng khiến những người như mình cảm thấy “hơi đắng” khi nghĩ tới cách làm việc của 1 số đơn vị ở Việt Nam.
Stop tại đây!

-----------------------------------------------------------------------------------

Tiếp theo : Thái Lan - đất nước của nụ cười

Nhật Thực, 2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét