Thứ Hai, 1 tháng 6, 2009

Dọc đường SSEAYP2007 - kỳ 3 : "Trại" NYC ở Tokyo


Ngày 29 tháng 10:

Vậy là đã vào "trại" NYC.

NYC là tên viết tắt của Trung tâm Thanh niên Quốc gia Nhật Bản. Mô hình này gần giống như một sự kết hợp giữa Học viện Thanh thiếu niên và nhà văn hoá Thanh niên của Việt Nam. 330 PY các nước được đưa về đây, cùng với khoảng 150 LY (local Youth) Nhật Bản sẽ cùng tham dự Diễn đàn Lãnh đạo Thanh Niên Nhật Bản - Asean 2007 được tổ chức trong 2 ngày tới.

Chiều ngày 28 tháng 10, khi xuống tàu ở ga Tokyo, SG-A được đưa tới đây. Nhập trại. Khi vào tới sân của nhà A trong khu Domitory, đã thấy xôn xao tiếng gọi của PY các nước. Hành lý nào mang đi homestay thì PY tự vận chuyển, hành lý còn lại được BTC Nhật Bản ký hiệu cẩn thận theo ID của PY, vận chuyển thẳng từ khách sạn Miyko Sheraton Tokyo tới đây. Nhận hành lý, nhận phòng. Mỗi người một phòng nhỏ khoảng 3,5m2. Mọi thứ đều compact. 1 giường đơn. 1 bàn. 1 ghế. Drap tự trải. Tinh thần chung của người Nhật là những gì tự làm được thì hãy tự giác làm. Khi nào check out thì lại rút lại drap, pillow..., gấp lại mọi thứ như khi nhận về lúc check in, trả lại nguyên trạng như ban đầu. Những đợt khách đến sau lại tiếp tục lặp lại như vậy. Vệ sinh sử dụng vệ sinh chung cho mỗi block ở khoảng 12 phòng / 12 người. Khu vệ sinh gồm 2 lavabo, 2 toilette, 1 phòng tắm có 3 shower và có 1 bể grandbath. Tất cả đều vệ sinh và quy củ. Toàn khu nhà A cao 8 tầng có vài chục blok như vậy, tổng số phòng kiểu “biệt giam” có đến 500 phòng. Thiết kế rất khéo, khi cần có thể thông nhau liên hoàn, lúc khác lại có thể khép kín thành những block riêng biệt. Ngoài hành lang trải thảm. Phòng nào để dây bẩn ra sàn thì tự ra tủ ngoài hành lang lấy MOP lau nhà. Lau sạch tự giác thay phần chổi lau vứt vào sọt rác để người khác có thể tự thay chổi mới vào sử dụng. Mỗi khu 12 phòng như vậy có 1 lobby tụ họp chung có salon, tivi, bình đun nước nóng. Mỗi tầng có đặt máy bán hàng tự động, nước ngọt...

Tinh thần tình nguyện và tự nguyện được phát huy tối đa. Những tình nguyện viên mặc trang phục màu xanh có in chữ STAFF, các admin mặc đồng phục vest có logo, các facilitator mặc vest có logo riêng... Nhân viên tình nguyện rất năng nổ, giúp đỡ mang hành lý, đi dọn vệ sinh tại khu vệ sinh, đổ rác tại thùng rác chung, thậm chí thay cả sọt gom giấy vệ sinh trong toilette. Tất cả đều là tình nguyện, không có bồi dưỡng. Họ phải đăng ký, phỏng vấn để được chọn vào đây. Họ tình nguyện làm để được sống trong không khí youth exchange với thanh niên quốc tế. Họ đầy năng lượng! Họ không chỉ làm các việc chân tay, họ cũng tham gia điều hành một số hoạt động của diễn đàn chung.

Mặc dù vừa trở về từ các địa phương homestay, nhưng ngay tối 28 tất cả PY đã phải tập trung tại International Conference Hall để được hướng dẫn và cung cấp thông tin về NYC. Ăn tại nhà ăn chung, mỗi người 1 khay tự collect đồ ăn. Mỗi bữa có cơm và 1 món mặn. Nhà ăn cung cấp 3 món mặn : 1 nấu theo kiểu Âu, 1 nấu theo kiểu Nhật, 1 nấu theo kiểu Tàu. Ai thích món nào thì chọn 1 và xếp hàng trước quầy đó để lấy đĩa thức ăn. Có riêng 1 quầy cung cấp thức ăn cho người theo đạo Hồi. Thành viên của diễn đàn được quy định đeo thẻ. Những người khác không có thẻ phải mua ticke ăn tại máy bán ticke tự động. Ăn xong tự mang khay ra chỗ gom rác, đũa bẩn trả về hộp collect đũa bẩn, dĩa bẩn + thìa bẩn vào hộp riêng, giấy ăn bỏ riêng vào thùng rác, khay và bát đĩa tự bỏ lên băng chuyền chạy thẳng vào khu rửa bát công nghiệp. Cả nhà ăn như một siêu thị lớn, có thể phục vụ cùng lúc 600-700 người. Ngăn nắp, trật tự, trơn tru. NYC có 1 nhà ăn lớn, 1 nhà hàng cao cấp hơn, và 1-2 quán caphe.

Ngày 29 là một ngày khá "căng".

Hôm nay, diễn đàn Lãnh đạo Thanh niên Nhật Bản - Asean sẽ chính thức khai mạc. Nội dung triển lãm do mình phụ trách.

8h Đại sứ quán cho xe ôtô sang đón về đại sứ quán để mang đồ trưng bày triển lãm sang. Trong lúc đó cả đoàn đến International Conference Hall nghe Keynote của BTC. Thấy mọi người than phiền là chán và chẳng có nhiều thông tin mới.

10h, tại phòng hội trường của toà nhà International Conference, các nước bắt tay vào dựng gian triển lãm. BTC cung cấp sẵn các booth. So với thông tin ban đầu thì kích thước booth nhỏ hơn 1 chút. 12h thì gần như các nước đã dựng xong. Phòng triển lãm trông thật đa dạng, thấy rõ đặc trưng văn hoá của mỗi nước đã được giới thiệu một cách tự hào. Gian của Việt Nam thấy rõ tông màu nâu trầm và xanh. Màu của mành tre 2 bên tường, màu xanh của khóm chuối trước mặt, màu nâu của đồ gỗ kiểu cổ, màu của đó của đơm, màu của nón, màu đỏ của chiếu hoa. So với các gian của các nước khác thấy gian của Việt Nam có tông riêng, nổi bật với khóm chuối xanh trĩu quả, với tượng chú bé mục đồng ngồi thổi sáo dưới gốc chuối, với các tượng rối nước có kích thước lớn... Các gian của Thái Lan, Malaysia, Indonesia có vẻ quá tham lam bày đồ và thực phẩm, nên trông hơi giống cửa hàng tạp hoá. Gian của Singapore phô bày sức mạnh công nghệ. Hình ảnh và cách dàn dựng rất technic, khách ghé thăm được mời chụp ảnh, sau 1 phút có ảnh cầm về ngay, cùng với quà tặng là bộ đĩa DVD và CD giới thiệu về Singapore. Qùa tặng của Việt Nam cũng đẹp, ví thêu kiêm hộp đựng bút của Hồng Hà tài trợ. Các nước thi nhau mời khách thưởng thức các món ăn nhẹ, hoa quả sấy khô, trà, caphe của nước mình. Việt Nam có các cô áo dài bưng khay mời hoa quả sấy khô, trà và caphe Việt Nam pha tại khu vực serve food.

Một số nước tổ chức thêm interactive exhibition như có nhạc công (là các PYs) biểu diễn như Brunei và Cambodia, múa rối dây của Myanmar, Hanuman của Indonesia chạy quanh phòng để chụp ảnh với khách thăm quan. Cũng trong ngày triển lãm, một số nước tổ chức chiếu phim giới thiệu nước mình và interactive live tại phòng International Conference. Thái Lan chọn võ Muay Thái để giới thiệu. Lào chọn điệu múa Lăm-vông để dạy cho khách thăm. Việt Nam chiếu đoạn phim 8 phút giới thiệu 1 nước Việt Nam đang đổi mới. Đây đúng là phim tài liệu được làm theo kiểu báo cáo thành tích. Chẳng có kỹ xảo hay hình ảnh đẹp. Ta xem còn chán nữa là Tây. Sau đó là phần Interactive live hướng dẫn cách mặc, tạo dáng với chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam.

13h chiều là giờ diễn ra Lễ khai mạc Diễn đàn Lãnh đạo Thanh niên Nhật Bản – Asean. Hội trường lớn của NYC có sức chứa khoảng 1000 người. Ngoài 330 PY còn có một số khách mời, các Local Youth của Nhật Bản cũng tham dự. Tới dự khai mạc có Công nương Nhật Bản (vợ của thái tử). Bà cũng từng là cựu thành viên tham gia chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á năm 1987. Tới dự còn có 1 vị thứ trưởng của Nhật Bản, 1 số quan chức thuộc Cabinet office, đại sứ của 7 nước ASEAN và 2 tham tán công sứ, 1 bí thư thứ 2 phụ trách văn hoá. Việt Nam cử Tham tán Công sứ tới dự (ông này tới muộn gần 20 phút, sau nói lại là do người của sứ quán báo nhầm giờ). Đúng là ngượng vì những chuyện như vậy. Việc đến muộn thì cả hội trường đều biết vì các đại sứ được xếp ngồi trên sân khấu, gần như đối diện với Công nương Nhật Bản.

Lễ khai mạc diễn ra đầy đủ thủ tục như những gì thường thấy của 1 lễ khai mạc trọng thể. Sau đó mỗi nước sẽ có phần biểu diễn giới thiệu văn hoá của quốc gia mình trong 8 phút. Đoàn Việt Nam chọn liên khúc hát múa Thanh niên Việt Nam và trình diễn áo dài trên nền nhạc dân tộc. Cũng tàm tạm, không tốt nhất mà cũng không kém nhất. Văn nghệ của Việt Nam vẫn nặng tính chất “văn công” như thường thấy. Ấn tượng nhất là phần biểu diễn của Singapore (nhạc rất hay) và Philippines (giao lưu với khán giả rất tốt, hát rất hay).


Buổi tối, ban tổ chức mở tiệc chiêu đãi tại chính gian phòng lớn vừa diễn ra triển lãm lúc chiều. Triển lãm chỉ mở đến đúng 17h chiều, sau đó mỗi nước có 30 phút để thu dọn và trả lại hiện trạng mặt bằng như cũ. Công nhận là schedule của người Nhật thật chuẩn. Đúng 19h trở lại phòng triển lãm, đã thấy một sân khấu được dựng lên, các bàn tiệc đã được sắp đặt đâu ra đấy. Tiệc vui. Các Local Youth của Nhật biểu diễn một số điệu múa dân tộc.

Mình không có nhiều hứng thú dự tiệc. 20 giờ rưỡi, mình và NL, YL, 1 em nữa trong đoàn đi ra Shinzuku chơi. Lang thang 1 lúc mua được 2 cái áo t-shirt. Lên tầng 3 nhà hàng McDonald ngồi
nhấm nháp cốc kem, nhìn đường phố Tokyo tấp nập buổi đêm thấy cũng đỡ mệt.

23h trở về “trại”. Đoàn Việt Nam có Noodle Party tại lobby block của nữ tại tầng 5. Có quay phim tái hiện cảnh công an ập vào bắt quả tang tệ nạn xã hội. Diễn mà như thật. Cười quá nhiều. Đoàn Philippin ngủ tầng 4 hôm sau thắc mắc không rõ đêm qua Việt Nam có gì vui thế.

Xong 1 ngày nặng, xong việc triển lãm mà mình chịu trách nhiệm chính. Đồ triển lãm hoàn trả sứ quán đâu vào đấy. Mọi thứ đều suôn sẻ. Đoàn Sseayp Việt Nam lời ra được ... 2 cây chuối nhựa :-) . Năm nay đại sứ quán Việt Nam ở Tokyo đã giúp cho việc dựng triển lãm rất nhiều. Các anh, chị ở đại sứ quán đều nhiệt tình với đoàn Sseayp Việt Nam.


-----------------------------------------------------------------------------------

Ngày 30 tháng 10:

Hôm nay, 330 PY và 150 LY sẽ chia thành 8 nhóm thảo luận trên các lĩnh vực : Môi trường, Quan hệ quốc tế, Thông tin và truyền thông, Giáo dục, Văn hoá truyền thống, Hoạt động tình nguyện, Phát triển thanh niên, Trao đổi văn hoá truyền thống. Trước đó, khi Institutional visit tại Tokyo, các nhóm đã tới thăm các địa chỉ tương ứng với chủ đề thảo luận của mình như : Nhóm Giáo dục tới thăm trường tiểu học, nhóm Thông tin và truyền thông tới thăm 1 toà soạn báo lớn của Nhật, nhóm Văn hoá truyền thống tới thăm nhà giới thiệu Trà đạo...


Buổi sáng, các nhóm thảo luận riêng. Buổi chiều sẽ tập họp chung tại International Conference để báo cáo kết quả thảo luận, trình bày các suy nghĩ và ra tuyên bố của nhóm, cũng như tuyên bố chung của Diễn đàn Lãnh đạo Thanh niên Nhật Bản – Asean. Ấn tượng trong ngày hôm nay phải kể đến cơ sở vật chất của NYC nói riêng và nước Nhật nói chung. Nhóm Giáo dục thảo luận tại phòng 4.1 nhà Art. Mọi thứ đều ngăn nắp gọn gàng, không một cọng rác hay vết bẩn cố ý trên tường hoặc sàn. Phòng học rộng khoảng 100m2/phòng, đầy đủ trang thiết bị. Đây là khu giảng đường về nghệ thuật nên thấy có phòng học múa, phòng tập kịch, phòng thu âm. Mỗi phòng chỉ có lác đác 5-10 sinh viên đang học và tập. Ấn tượng thứ 2 là năng lực của các bạn trẻ Singapore. Dõng dạc, mạch lạc, logic, khả năng làm việc nhóm rất khá. Nền giáo dục của Singapore quả thật đã tạo ra những sản phẩm thích ứng rất tốt với đòi hỏi của thị trường lao động cao cấp. Sức cạnh tranh của Singapore là chất lượng và năng lực của lao động tri thức, còn Việt Nam đang miệt mài tô đậm khẩu hiệu : sức cạnh tranh là giá nhân công rẻ và kỷ luật (hay là cam chịu?).
Phần trình bày buổi chiều cũng khá thú vị. Không khô cứng. Tuy là báo cáo kết quả thảo luận nhưng đầy sôi nổi và đậm chất thanh niên.

Buổi tối, sau khi tập trung tại International Conference Room để nghe thông tin Orientation về check out, trở về thu dọn đồ để chuẩn bị hôm sau check out. Mọi thứ đâu sẽ lại trả vào đó. Mai được ra “trại”.

--------------------------------------------------------------------------------

Ngày 31 tháng 10:

Sáng dậy sớm để làm các thao tác check out. Gấp drap đúng kiểu quy định. Clean phòng. Rèm cửa phải kéo ra và buộc lại đúng quy định. Cửa sổ phải đóng và lock. Thùng rác trong phòng phải đổ sạch, cửa đi không được khoá... Mọi thứ trả lại nguyên trạng như khi nhận phòng. Tự mang drap và vỏ gối đã gập theo đúng quy cách trả lại cho ban quản lý. Nhân viên tình nguyện lên kiểm tra phòng. Ok. Đã xong.

Tập trung tại International Conference Room, mới thấy hôm nào NYC cũng tấp nập nhộn nhịp. Hết đoàn này tới đoàn khác. Hội nghị, hội thảo liên tục. Từ ông bà già tới các em thiếu nhi, tóc vàng mũi lõ tới da đen tóc xoăn đều hiện diện tại NYC. Gặp 2 em sinh viên người Việt đang học tại Pháp sang Nhật thi đấu giao lưu thanh niên về Judo, cũng vào NYC ở. Nhà ăn của NYC thì luôn tấp nập, đủ màu da, quốc tịch, độ tuổi. Vậy mà đâu ra đó. 4 khu ở A,B,C,D lúc nào cũng ngăn nắp sạch sẽ. Check in check out các đoàn liên tục. Đoàn Sseayp hơn 300 người, 300 phòng cũng làm gọn trong 1 tiếng. Quản lý tốt!

Trong lúc chờ xe bus đến, tranh thủ ra vườn trước phòng hội thảo chụp ảnh chung với mấy “con nghiện” thích chụp ảnh của đoàn Việt Nam. Nắng đẹp. Ảnh đẹp.

Hơn 11h thì xe bus đến. Lên xe đi Yokohama. Ăn trưa trên xe. Lại cơm hộp kiểu Nhật, 1 bịch nước cam và 1 quả chuối. Đúng khẩu phần ăn mà NYC đã tính toán cho đủ số lượng calorie cung cấp mỗi ngày.

Hơn 14h thì tới Yokohama. Từ xa nhìn thấy Yokohama Terminal, mình thấy háo hức. Biết về công trình nổi tiếng này đã lâu, nay mới được đến tận nơi, đi vào lòng nó, leo lên vườn cỏ trên mái của nó, nhìn sang con tàu Nippon Maru bên cạnh đang yên ắng chờ đợi những hoạt động rộn rã của thanh niên 11 nước trong những ngày trẻ trung sắp tới đây...

--------------------------------------------------------------------------------
Phần sau : Lên tàu Nippon Maru

Nhật Thực 2007

2 nhận xét:

  1. thay them may' tien ich nua~ tren blog di..vd:comment,...v..vv.
    em dang can hoi thay 1 ti ve cai do an workshop cung nhu cai' do an bao ton` ^^.luc nao` ranh thay tiep em o yahoo nhe

    Trả lờiXóa
  2. ok.
    em cu gui tin nhn yahoo cho thay.

    Trả lờiXóa