Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2009

Dọc đường SSEAYP 2007 - kỳ 11 : Tổng kết SSEAYP34 qua cái nhìn của V17


SSEAYP 34th - Sau một năm nhìn lại
DÀNH CHO CÁC BẠN THAM GIA SSEAYP CÁC NĂM TỚI

Ngày đẹp trời và Sseayp...

Thấm thoắt đã gần tới tháng Năm. Nhớ lại cách đây 1 năm - tháng Năm 2007 - tôi nhận được điện thoại của Ban Tổ chức Thành Đoàn mời lên trao đổi về việc chọn cử đại diện cho Thành Đoàn Hà Nội tham gia Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á 2007. Đây là chương trình giao lưu thanh niên mà mình đã được biết đến từ lâu, và cũng luôn mong sẽ có dịp tham gia chương trình này. Trong một ngày đẹp trời, thấy vui vì bỗng nhiên một điều mong muốn của mình có cơ may trở thành hiện thực - tất nhiên là còn nhiều khâu nữa trong đó có khâu hồ sơ. Hồ sơ gửi đi gửi lại, hoàn thành các thủ tục hồ sơ cần thiết trong 2 ngày. Về phía trường Phương Đông thì tất nhiên là ủng hộ tinh thần một cách nhiệt tình. Về phía Thành Đoàn thì từ anh Phong bí thư TĐ đến các Ban có liên quan đều nói : Chọn em đi vì tin tưởng sẽ tiếp tục truyền thống tốt đẹp các năm trước là đại biểu của Thành Đoàn Hà Nội luôn có đóng góp rất tốt và có bản sắc riêng, thể hiện được vị thế của thanh niên Thủ đô trong sự thành công của đoàn đại biểu Thanh niên Việt Nam... Anh Phong bí thư khá quan tâm, khi hồ sơ đại biểu dự phỏng vấn của mình có đôi chút trục trặc về giới hạn tuổi do chưa hiểu kỹ thông báo của phía Nhật, anh đã điện thoại cho mình hỏi cụ thể, rồi mấy lần nhắc Ban Tổ chức làm việc với TW Đoàn kỹ hơn. Vẫn nhớ hôm họp BCH Thành Đoàn HN chiều hôm trước khi phỏng vấn, chị Hiền bảo : TW Đoàn báo là hồ sơ xong rồi, phía Nhật đã giải thích cụ thể độ tuổi. Mai đi phỏng vấn, kiểu gì em cũng được chọn, đại biểu như em không chọn mới là lạ...

Và chị Hiền đã nói đúng! Đã được chọn và được tham gia Sseayp lần thứ 34 với mã số V17. Câu chuyện của V17 bắt đầu từ đây ...

.

Đi phỏng vấn.

Đêm trước ngày phỏng vấn, điện thoại cho Vân Hiền - cựu thành viên Sseayp 33rd, hỏi 1 số thông tin liên quan đến chương trình, lên mạng search thông tin của các nước tham gia Sseayp, rồi đọc tài liệu Vân Hiền gửi qua mail, điện thoại cho em Hải ở BCH Đoàn trường nói chuyện bằng tiếng Anh khoảng 1 tiếng về chủ đề giao lưu và hội nhập thanh niên quốc tế...

Sáng hôm sau - hội trường tầng 7 quen thuộc ở văn phòng TW Đoàn 62 Bà Triệu - lên tới nơi mình thấy một số đại biểu các tỉnh, thành và cơ quan khác đã đến đông. Vẫn nhớ đồng chí Long - chánh VP Trung Ương hội Sinh viên VN dẫn 3 em SV Bắc - Trung - Nam đi dự phỏng vấn, qua gặp mình niềm nở chào hỏi và giới thiệu. Sau này trong đoàn Sseayp VN có 1 PY nói với mình là hôm đó thấy 1 ông ở TW Đoàn bệ vệ dắt đại biểu ra chào anh, em cứ tưởng anh là giám khảo phỏng vấn, sao trẻ thế :-) Vẫn nhớ hôm đó em Hoa điệu đà và nhiều màu sắc như em sẽ thể hiện trong 2 tháng Sseayp 34th sau này. Em Hoa đứng lẩm nhẩm tiếng Anh ở ngách nhỏ gần cầu thang máy. Vẫn nhớ khi vào phỏng vấn có em Hương Lúa xung phong đầu tiên, trôi chảy và có ấn tượng. Em Dương thứ hai, hôm đó ấn tượng với em Dương vì khá xinh, nhưng em Dương gặp phải series câu hỏi khá khó của anh Đại Phượng bên báo Tiền Phong. Anh Phượng hỏi đại ý em Dương là đại biểu đến từ Ban Đối ngoại TW Đảng, nếu bạn bè quốc tế thắc mắc về thể chế chính trị Việt Nam tại sao lại chỉ có 1 đảng? Em Dương trả lời đại ý là 1 đảng lãnh đạo giành thắng lợi trong chiến tranh, bây giờ đổi mới đưa đất nước tiến lên, 1 đảng là ưu việt vì đảm bảo ổn định chính trị... (đúng theo công thức tuyên truyền :-( ). Anh Phượng lại hỏi : Thế bạn nước ngoài lại hỏi tiếp là thế tại sao nước bạn ấy có nhiều Đảng, VN chỉ có 1 đảng với những ưu việt như bạn nói, thế mà sao VN bây giờ vẫn chậm phát triển, vẫn nghèo, còn nước bạn ấy thì giàu thì văn minh hơn... Khổ thân em Dương, đến đây thì mình không tiếp tục theo dõi em Dương trả lời nữa, nên không biết em ấy sẽ lý giải "công thức" vừa trình bày ở trên theo cách nào...

Cũng trong đợt phỏng vấn đầu tiên này, mình còn nhớ có Khánh râu ria xồm xoàm mang sáo ra thổi để khoe tài văn nghệ. Cậu này chỉ thổi được 1 lần hôm phỏng vấn, sau này lên tàu và trong đêm Vietnam Night chả bao giờ thấy đem món này ra dùng. Rất nghi ngờ! Rồi còn nhớ em Hà zai, vì em người Huế, nói giọng rất dễ gây thiện cảm. Còn nhớ có em Trang đến từ Quảng Ngãi, sau này đã cùng với em Hương kết thành 1 gia đình SG-A được bầu chọn là đoàn kết và gia đình yêu thương đùm bọc nhau nhất đoàn. Ngồi cạnh mình là một em đến từ Phú Thọ hay Vĩnh Phúc gì đó. Em này tiếng Anh không tốt, anh Đại Phượng hỏi vớt 1 câu rất dễ là hãy kể tên 10 nước Asean bằng tiếng Anh mà ngắc ngứ mãi không xong... Mình xung phong trả lời thứ 6 trong số khoảng hơn 20 người tham gia phỏng vấn đợt 1 khu vực phía Bắc hôm đó. Xong ngồi 1 lúc rồi về...

Trung Ương Đoàn năm 2007 tổ chức 2 đợt phỏng vấn. Đợt 1 gồm 2 cuộc ở Hà Nội và TPHCM. Đợt 2 triển khai sau đó 2 tháng. Đợt cuối cùng sau khi chọn được đủ 28PY thì tiến hành chọn Lãnh đạo cho đoàn - National Leader. Sau này là "người đẹp" Lê Thị Thu Hằng đến từ Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao...

Kinh nghiệm bản thân dành cho các bạn đi phỏng vấn :

Hãy chú ý tạo cho mình một hình ảnh nice, sáng sủa, trang phục thanh lịch, trẻ trung và an toàn (trong mắt BGK gồm 3-4 người). Nếu có tài lẻ gì thì nên chọn trước 1 tiết mục (MC, hát, múa, vẽ, thiết kế graphic, thiết kế sân khấu, nghệ nhân trò chơi dân gian, tổ chức thảo luận...). Với những bạn đã có kinh nghiệm tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế thì nên đề cập đến ngay từ đầu trong phần tự giới thiệu mình trước BGK (ai cũng phải tự giới thiệu thông tin cá nhân trong khoảng 2 phút). Về tiếng Anh cần nói và nghe tốt, tác phong đĩnh đạc, thể hiện sự mạnh dạn và chủ động trong giao lưu sử dụng tiếng Anh. Thông thường, mỗi bạn sẽ được hỏi và trả lời trong khoảng 10 phút. Mỗi giám khảo sẽ hỏi 1-2 câu, và không theo 1 chủ đề nào cả. Thường sau khi nghe thông tin tự giới thiệu của bạn, họ sẽ đặt câu hỏi trên cơ sở thông tin đó nhưng gắn với nội dung Sseayp. Chúc các bạn thành công!

Kiến nghị TW Đoàn và Uỷ ban Thanh niên Việt Nam:

Trong khâu chọn đại biểu, nên có cơ cấu cứng 4 vị trí sau đây :

- 1 đại biểu là bác sỹ

- 1 đại biểu là hạt nhân văn nghệ đến từ các trường năng khiếu (hoặc đơn vị tổ chức biểu diễn. TW Đoàn có vẻ e ngại văn nghệ sỹ...)

- 1 đại biểu đến từ đài truyền hình, có khả năng quy phim tốt, có khả năng sử dụng phầm mềm trong laptop dựng phim ngay trong thời gian sseayp và sử dụng cho các hoạt động của đoàn. Năm 2007, Thailand đã làm quá tốt việc này, và họ gần như độc quyền cung cấp hình ảnh cho các hoạt động chung của cả tàu.

- 1 đại biểu là kiến trúc sư hoặc hoạ sỹ thiết kế đồ hoạ vi tính để lo mọi việc từ thiết kế sân khấu, backdrop, triển lãm, card visit cho 29 người, thiết kế profile cho cả đoàn, thiết kế các loại giấy mời, thiết kế trang trí bulletin board (phải thay đổi design 3 lần cho lạ mắt trong suốt thời gian chạy tàu trên biển).

Số thành viên còn lại, đề nghị nên trẻ hoá độ tuổi, tăng số SV trong đoàn, giảm bớt số đã lập gia đình.

.

Tập huấn tại Hà Nội

Sau đợt phỏng vấn đầu tiên vào tháng 5, đến khoảng đầu tháng 8 sẽ có danh sách chính thức đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam tham gia Sseayp gồm 28 người và 1 NL. Trong thời gian này, TW Đoàn sẽ liên hệ với một số đại biểu nổỉ bật mà họ lọc ra trong các đợt phỏng vấn + hồ sơ lý lịch an toàn để mời làm Youth Leader (YL) và Assistant to Youth Leader (AYL). YL và AYL sẽ là 2 người giúp cho National Leader (NL) tổ chức, quản lý và đôn đốc đoàn hoàn thành các nhiệm vụ trong thời gian tham gia Sseayp. Làm YL và AYL rất mệt và đòi hỏi trách nhiệm cao, đôi khi cũng khá ức chế và căng thẳng vì những vấn đề trời ơi đất hỡi nảy sinh trong quá trình tham gia Sseayp. Bạn nào sẽ là YL hoặc AYL trong các năm tới sẽ phải làm việc với cường đ150% bình thường, nhưng sau Sseayp cũng rèn luyện thêm cho mình một khả năng làm việc đáng ngạc nhiên - tất nhiên là YL hoặc AYL đó chăm chỉ. Đến đây xin cảm ơn Vân Hiền đã có những tư vấn rất quý giá cho mình về chuyện YL, vì mình chỉ chăm chỉ với những vấn đề mà mình thấy hứng thú :-)

28 con người - 28 PY đến từ những vùng miền nhau, những cơ quan khác nhau, những phong tục tập quán lối sống, nền nếp sinh hoạt khác nhau. 28 con người này được chọn hầu hết là cán bộ đoàn cơ sở, rất nhiều người là thủ lĩnh thanh niên tại đơn vị mình. Cái "tôi" rất lớn. Ai cũng có máu làm lãnh đạo. Đứng trong dàn hợp xướng không thể ai cũng đòi làm người hát chính hay múa solist. 28 "ông sao" nay tụ họp trong 2 tháng ngắn ngủi. Lãnh đạo cũng phải rất tài tình và biết đối nhân xử thế để đưa 28 ông sao này chuyển động chung trong một quỹ đạo hướng tới thành công, nâng cao hình ảnh đẹp của thanh niên Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Cũng đã có lúc nước mắt bất đồng đã rơi, cũng đã có lúc tranh luận gay gắt, nhưng may thay, tất cả những việc đó rồi cũng sẽ được dàn xếp cụ thể, và những mâu thuẫn và nước mắt đã tuôn ra không vô ích, nó là sự phản biện kịp thời và hợp lý để điều chỉnh hoạt động. Đoàn sseayp 34th đã làm được nhiều việc mà các đoàn năm trước chưa thực hiện được. Tính độc lập và sự sáng tạo, chuyển hướng nhanh là ưu điểm của đoàn sseayp 34th. Đưa 28 con người vào guồng thống nhất để có thể chuyển hướng nhanh không hề đơn giản! Tinh thần đoàn kết là rất quan trọng, chưa lên tàu đã rã đám thì thanh niên Việt Nam sẽ thể hiện một bộ mặt bạc nhược và vô tổ chức. Đây là chuyện đã từng xảy ra trong quá khứ!

Trở lại chuyện tập huấn tại Hà Nội...

Ngay sau khi có danh sách chính thức, NL, YL, AYL bước đầu sẽ có những phân công công việc cụ thể. Do chưa thể tập trung với nhau được nên người ở phía Nam sẽ làm những việc gì, người ở Bắc lo chuyện gì. Các khâu chuẩn bị ý tưởng phải sớm tiến hành. Các cuộc họp nhóm thường tổ chức tranh thủ vào thứ Bảy hàng tuần. Những nội dung trao đổi được đưa lên forum để bàn thảo. Ý tưởng làm club activities, đêm văn nghệ Việt Nam, thiết kế đồ hoạ các ấn phẩm, dàn dựng triển lãm, ... là những việc phải tiến hành sớm.

Nội dung liên quan đến tập huấn, ngoài nội dung cứng của TW Đoàn quy định, thì NL, YL và AYL sẽ ngồi với nhau đề bàn schedule và các nội dung mềm của đoàn. Đoàn Sseayp 34th có đưa thêm nội dung là cả đoàn sẽ dành 1 ngày đầu tiên để đi tham quan Hạ Long, vừa để chụp ảnh cho profile, vừa là để kẻ Nam người Bắc nhanh hoà nhập hơn. Sáng kiến này đã rất hiệu quả. Có lẽ, các đoàn năm sau nên tiếp tục duy trì, địa điểm có thể thay đổỉ nhưng gọn trong 1 ngày, nếu đi được 2 ngày thì càng tuyệt!

Thiết kế và in ấn:

Về chuyện làm profile, vì đây và việc mình được phân công nên ngay từ đầu đã nảy ra ý tưởng đưa cả đoàn đi Hạ Long để chụp ảnh và nhân tiện quảng bá bầu chọn vịnh Hạ Long trong profile của đoàn. Về việc này, báo Lao Động đã có 1 bài viết nhan đề "Áo dài và bầu chọn cho Hạ Long" viết về đoàn đại biểu Sseayp 34th. Cũng có nhiều người nhận xét rằng quyển profile của Việt Nam năm 2007 nằm trong top 3-4 quyển profile đẹp của 11 nước tham gia, và cũng là một trong những mẫu profile đẹp từ trước tới nay của các đoàn đại biểu Việt Nam. Thật vui khi nghe những nhận xét này! Đặc biệt hơn, có người nói quyển profile của đoàn 2007 lồng ghép rất khéo các hình ảnh của Vịnh Hạ Long, rồi ý tưởng đưa ảnh các PY chụp trên nền phong cảnh vịnh Hạ Long, mỗi khi giới thiệu profile với bạn bè, với các gia đình homestay ở nước ngoài thì đều có thể tranh thủ giới thiệu thêm về Hạ Long, về đất nước, con người Việt Nam. Miếng trầu là đầu câu chuyện, trong 1 số trường hợp, Profile là đầu câu chuyện :-) Profile năm tới có thể đưa những hình ảnh danh lam thắng cảnh nổi tiếng của VN vào, đưa những hình ảnh công trình kiến trúc cổ như chùa chiền, đình đền.... để có thêm nhiều hình ảnh quảng bá văn hóa lâu đời của Việt Nam.

Kiến nghị TW Đoàn : Nếu có thể, nên tổ chức vào đầu tháng 9 - trước thời gian tập huấn chính thức 1 tháng, đợt tiền tập huấn trong 2-3 ngày ở 1 tỉnh miền Trung có cảnh quan đẹp, để cả đoàn làm quen, họp toàn đoàn phân công công việc chi tiết, chụp ảnh để tiến hành làm profile và name card, đồng thời check năng khiếu và khả năng tham gia hoạt động tập thể của các thành viên trong đoàn. Thailand, Lào đều có các đợt tiền tập huấn này. Họ có sự tài trợ của các resort và cả đoàn tới đó chụp hình, sinh hoạt, tập các trò chơi vận động,... Thậm chí Thailand còn có PY dự bị. Họ sẽ tuyển 35 thành viên, và sau đợt tiền tập huấn, họ sẽ gút lại danh sách 28PY chính thức. Việc tập hợp cả đoàn để chụp ảnh làm profile sớm cũng rất quan trọng. Như lệ thường hàng năm, chúng ta chỉ tập trung tập huấn 1 đợt trước khi lên máy bay khoảng 2 tuần, lúc này mới đủ cả đoàn để chụp ảnh. Do đó, việc thiết kế chế bản, in ấn profile, name card vô cùng cập rập và dễ xảy ra sai sót do thông tin cá nhân thỉnh thoảng bị thay đổỉ,... Quyển profile của Thailand từ vài năm qua năm nào cũng giống năm nào, chỉ thay thông tin và hình ảnh mới của các PY mỗi năm. Họ đã có 1 mẫu rất đẹp, in rất tốt và chuẩn về chính tả English. Việc chuẩn bị và in ấn profile ở nhiều nước do hội cựu thành viên làm cho, có nước khi tàu về đến nước đó thì họ mới mang profile do Sseayp Alumni làm lên tàu để gửi tặng các đoàn. Về chuyện thiết kế profile - có lẽ sau này ta cũng nên chọn một năm nào đó có mẫu đẹp để áp dụng cho các năm sau cứ theo thế để đơn giản cho các đoàn sau này. Vì năm nào tham gia Sseayp cũng là các thành viên mới, các nước bạn cũng vậy. Do đó, cũ ta nhưng mới người! Về việc này, không chỉ profile mà đồng phục, club activities cũng nên phát huy tiếp tục những nội dung đã thành công ở các năm trước. Riêng mẫu name card có thể thay đổi theo từng năm để có dấu ấn riêng.

Về thiết kế name tag (biển tên đeo ngực) thì chúng ta nên đổi mẫu đi. Mẫy năm vừa rồi, năm nào cũng làm theo mẫu của năm trước. Thật sự mẫu name tag của chúng ta quá thô và mang tính chất "mậu dịch", giống như biển tên của công an hoặc quân đội. Màu sắc cũng buồn tẻ và nặng. Nhìn mẫu name tag của một số nước như Indonesia, Thailand... rất đẹp. Màu nền sáng sủa, màu trắng có in quốc huy nhũ vàng...chất liệu mica vuông vức và dày dặn. Các bạn 2008 để ý vấn đề này nhé!

Đoàn 2008 cũng nên dành thời gian thiết kế logo và chọn slogan cho hoạt động của mình. Logo của đoàn 34th Việt Nam là hình hoa Sen (Quốc hoa của Việt Nam) và cách điệu chữ số 34. Logo này hơi "tung toé" vì bản chất số 3 và số 4 rất khó kết hợp gọn với nhau. Slogan của đoàn 34th là A DIVERSE VIETNAM.

Trang phục :

Theo quy định, trang phục của Sseayp gồm 4 loại :

- Costume A1 : Gồm 1 vest và 2 quần cho Nam, 1 vest và 1 quần + 1 váy cho nữ. Việt Nam năm nào cũng chọn màu sẫm, tối. Ví dụ màu Xanh đen, Tím than sẫm... Năm 2007 nhìn sang các nước thấy Nhật chọn màu be sáng rất đẹp, Thailand cũng chọn màu sáng. Singapore chọn màu gần như đen nên nhìn rất tối. Nên mua cho Nam và Nữ 2-3 mẫu cravat các màu để sử dụng. Vest của nữ có thể may cách điệu. Trang phục vest nữ năm 2007 may cách điệu khá đẹp và sang. Nữ có thể có 1-2 loại khăn nơ hoặc may nơ cổ liền vào áo sơmi A2 như năm 2007, rất tiện và mặc rất nhanh. Năm 2007, sau khi xem ảnh cả đoàn chụp trong trang phục A1 ở Daewoo, ai cũng bảo giống trang phục tiếp viên hàng không nước ngoài và đều khen đẹp. Trang phục này đi với giày da đen, tất sáng màu.

- Costume A2 : Bản chất là bộ A1 nhưng bỏ áo vest đi. Nên chuẩn bị khoảng 3 sơmi theo form cổ điển và 2 sơmi form hiện đại. Sơmi form nào thì cũng nên may hơi ôm vào body, như thế sẽ phù hợp với thanh niên và nhìn hiện đại năng động hơn. Trong số các mẫu sơmi nhất định phải có 1 mẫu màu trắng truyền thống. 2 mẫu cổ điển nên chọn màu ấm, sang. Năm 2007 chọn màu hồng sẫm - tưởng là chói - nhưng sau này ai cũng khen đẹp và đoàn Việt Nam luôn nổi bật khi mặc màu này. Năm 2008 có thể tiếp tục áp dụng vì đây là mẫu rất tốt. 1 mẫu sơmi còn lại có thể chọn 1 màu khác, đừng vì ngại mà chọn màu nhạt hay trung tính quá, như thế khi mặc lên cả đoàn sẽ rất bị lẫn, cũng đừng chọn màu quá chói hay vải bóng nhãy, vì thời tiết nhiều nước rất nóng, khi mặc trông rất phản cảm. Với 2 mẫu sơmi hiện đại, có thể chọn vải sọc to, hơi sặc sỡ và phá cách 1 chút, kiểu dáng cũng nên thay đổi tránh đơn điệu. Sau này lên tàu, chỉ vài ngày là nhìn áo sơmi của 1 số nước thì biết ngay đây là PY nước nào. Malaysia năm 2007 là ví dụ, họ có mẫu sơmi và tshirt quá nổi bật, có vằn như 1 loại Hổ đang được bảo tồn và là niềm tự hào của nước họ. Chúng ta đã có 3 mẫu sơmi formal rồi, 2 mẫu còn lại nên may sáng tạo, có thể có 1 mẫu cộc tay. Trang phục này đi với giày da đen, tất sáng màu.

- Costume B : Đây là trang phục dân tộc. Nam mỗi người chọn 02 bộ áo dài khăn đóng (mua ở Hàng Quạt, khoảng 100k/ 1 bộ), màu sắc nên đa dạng cho đẹp mắt. Vì chất lượng áo ko cao nên có 2 bộ để dự phòng. Năm 2007 có những bộ mua ko chọn kỹ nên khi giặt bị phai màu rất ghê, quần trắng giặt cùng cũng thành quần loang lổ. Về nữ thì mỗi bạn mang 3-4 bộ áo dài cá nhân là đơn giản nhất, nếu có thể mang 5-6 bộ thì càng "pro". Costume A,B đến nước nào cũng phải mặc.

- Costume C : Đây là 1 điểm yếu của đoàn 34th. Có lẽ vì quá tin vào 2 mẫu áo sơmi tài trợ của Dalink Vietnamnet mà cả đoàn nhất trí bỏ qua khâu mua và đặt in áo tshirt cho đoàn, để tiết kiệm chi phí. Cuối cùng thi khi mặc lên, áo tshirt của VN là nhạt nhoà nhất, không có dấu ấn riêng. Năm nay, các bạn 2008 nên chọn mua tshirt độc đáo, ấn tượng và đặt in logo của đoàn (có thiết kế riêng), hoặc 1 câu slogan của Việt Nam. Trong 2 mẫu tshirt đặt làm, nên có 1 mẫu là áo có cổ lịch sự. Nếu có kinh phí và tài trợ, nên có ít nhất 4 mẫu tshirt có dấu ấn và bản sắc riêng của Việt Nam (trong đó có 1 mẫu là áo cờ Tổ Quốc), làm sao để mặc vào là nhận ra được ngay đó là PY Việt Nam. Các mẫu áo cờ và tshirt đặt in phải chọn loại tốt, không ham rẻ vì lên tàu mặc rất nhiều, giặt, sấy ròng rã sẽ có hiện tượng bong mẫu in, áo cờ thì bị dính ngôi sao in vào rúm lại... Về quần thì tốt nhất mỗi người tự trang bị 1 quần Jeans, thống nhất màu xanh nhạt. Ngoài ra, nếu có kinh phí và tài trợ thì có thể có thêm 1 quần khaki túi hộp hơi hiphop cũng không sao, càng thanh niên. Trang phục này đi với giày thể thao.

- Costume D : Đây là hình thức ăn mặc thoải mái nhất, ai thích mặc gì thì mặc miễn sao thoải mái nhất. Quần jeans, áo tshirt đồng phục loại không có cổ, giày thể thao là sự lựa chọn "đỉnh" nhất.

- Trang phục dạ hội : Trên tàu có rất nhiều buổi dạ hội, đêm văn nghệ của các nước, do đó các bạn hãy mang thêm nhiều bộ quần áo dạ hội, váy dài tha thướt, vest thời trang của Nam để mặc. Hãy tạo ra cho mình một hình ảnh hấp dẫn - nhất là các bạn nữ. Ban ngày thì là PY, tối hãy là những nàng công chúa hay chàng hòang tử. Tuy nhiên, vì đây là môi trường thanh niên nên tránh những trang phục quá rườm rà hay diêm dúa quá mức. Mỗi bạn nữ mang thêm 3 bộ váy và mỗi bạn nam mang thêm 1 áo vest thời trang + 2-3 sơmi thời trang là không thừa.

Chương trình văn nghệ :

Sau khi xem toàn bộ chương trình văn nghệ của các nước tham gia Sseayp, cá nhân tôi nhận thấy có những nước đã thể hiện trình độ và nội dung biểu diễn vượt trội so với các nước còn lại. Có thể do họ có những đột biến xuất sắc từng năm hoặc họ đã có truyền thống tốt được duy trì qua nhiều năm. Sự đột biến thường xuất hiện khi trong đoàn năm đó có 1 vài cá nhân có năng khiếu văn nghệ và tổ chức biểu diễn nổi trội, kể cả việc lên ý tưởng. Còn truyền thống tốt thì là những kinh nghiệm đã được tích lũy qua nhiều năm và được Alumni truyền lại cho các năm sau. Nhật có thể coi là có truyền thống tốt. Họ luôn tận dụng ưu thế lên tàu từ nước mình để mang lên tàu rất nhiều đạo cụ và trống biểu diễn. Những nước phải di chuyển bằng máy bay trước khi asemble để lên tàu thường bị hạn chế khâu này. Nhật năm nào cũng diễn đi diễn lại nhảy Soran, biểu diễn trống, trà đạo,... v.v. và năm nào cũng được hưởng ứng nhiệt tình. Quy chiếu ra, VN ta có thể mang ÁO DÀI ra tuyên truyền diễn đi diễn lại mỗi năm vẫn hấp dẫn như thường.

Nói chung, chương trình văn nghệ nên thiết kế sao cho hấp dẫn, sôi động, không nên chọn các bài buồn hoặc nhạc réo rắt nỉ non. Những bài kiểu Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, hoặc Trên đỉnh Trường Sơn ta hát thì tuyệt đối không nên mang ra diễn. Hát tiếng Việt họ không hiểu. Trên sân khấu giao lưu quốc tế lại có những người mặc quần áo bộ đội VN lên hát thì nước ngoài họ lại càng không "tiêu hóa" nổi. VN trong con mắt bạn bè nước ngoài đã từng là 1 dân tộc hiếu chiến, giỏi đánh nhau, hiện nay lại do 1 đảng lãnh đạo, mà quân đội là lực lượng chủ lực để giữ quyền lực cho chính quyền ... Xu hướng giao lưu quốc tế bây giờ là đối thọai và hiểu biết, trong đó có việc giới thiệu đặc sắc văn hóa tinh thần của dân tộc mình. VN nên từ bỏ dần việc giới thiệu đặc sắc dân tộc là đánh nhau giỏi và tránh đưa ra giới thiệu những hình ảnh nặng nề. Những chương trình đối nội cho người Việt Nam thì cứ việc dùng thoải mái, còn chương trình đối ngọai thì cần biết nên làm gì để người ta thấy hấp dẫn, cảm mến và khâm phục bản sắc văn hóa dày dặn 4000 năm của dân tộc mình.

Trong chương trình cũng nên có 1,2 bài hát tiếng Anh nói về quê hương đất nước, cùng lúc đó chiếu slide giới thiệu 1 VN đang phát triển và đổi mới. Với những năm mà tàu Nippon Maru không ghé Việt Nam thì việc này càng phải chú trọng hơn. Ở nhiều nước, người ta vẫn hỏi VN bây giờ còn đánh nhau không? Năm 2008, sử dụng bài hát Hello Vietnam của Phạm Qùynh Anh trên nền 1 clip "hương đồng gió nội" để chiếu xen vào chương trình cũng là 1 ý hay.

Có thể xem thêm về việc xây dựng nội dung và ý tưởng chương trình văn nghệ trong entry Vietnam Night đã post trước entry này.

.

Lên tàu Nippon Maru

Cheer

So với các nước, VN nên rút kinh nghiệm 1 số việc liên quan đến cheer như sau :

- Cheer cờ lúc lên, xuống tàu nên có kèm theo tiếng hô hoặc âm thanh hát, hò... khi cheer. Nếu chỉ có động tác không thôi thì có hay đến mấy cũng như xem phim không có tiếng. So sánh cheer của VN với các nước khác thì động tác của chúng ta không thua kém, nhưng âm thanh thì tịt tiếng hoàn toàn nên không có ấn tượng. Vấn đề này các cựu thành viên những năm trước khi đến hướng dẫn cheer cho 2007 không ai nói cả!

- Cheer truyền thống : Trong số các điệu cheer của VN, nên chọn 1 -2 điệu cheer đã được bạn bè các nước biết đến để tiếp tục giới thiệu. Chúng ta có điệu cheer FLY TO YOU cũng được nhưng hơi buồn tẻ. Cheer phải sôi động, âm thanh nghe hấp dẫn, không cần phải hiểu nghĩa, mà chỉ cần dễ nhớ, vui nhộn và lạ tai. Có lẽ, chúng ta cũng không quá care về động tác và âm thanh đi kèm phải formal, phải lịch sự, nghiêm túc. VN luôn tự mình làm công thức hóa các họat động thanh niên, mà bản chất thanh niên là sôi nổi, sáng tạo và kích thích khám phá. Năm tới, các bạn hãy mạnh dạn sáng tạo ra các kiểu cheer độc đáo, âm thanh vui vẻ, vô nghĩa cũng không sao, miễn là gây được sự chú ý và dễ nhớ. Philippines có cheer Chuối, mà âm thanh đọc lên kèm theo động tác cũng rất đơn giản : Ngắt chuối, bóc chuối, ăn chuối, xay chuối, ị ra chuối, gói lại, ném đi,... Đơn giản vậy mà ai cũng thuộc cũng nhớ, cũng nghĩ đến Philippines. Indonesia thì có giai điệu cheer rất đơn giản nhưng dễ nhớ : Pà pa tô mê tồ mê pà, pá pa tô mê tồ mê pá ... Cứ vậy mà lặp đi lặp lại, 300 con người ai cũng nhớ. Còn cheer VN ý nghĩa, đầy yêu thương mà cuối cùng không mấy người nhớ, ngoài chúng ta! Làm cái gì hiệu quả thì làm, đừng gò mình theo công thức mà không có hiệu quả!

- Lưu ý năm nay tàu có ghé Việt Nam, do đó điệu cheer cờ cũng phải có những điều chỉnh động tác, tiếng hô tại cảng Việt Nam khác với những cảng khác mà tàu ghé thăm. Năm 2007, cheer cờ xuống tàu của VN được Thành Đòan TPHCM - đơn vị thay mặt TW Đoàn tổ chức lễ đón tàu hàng năm khi tàu ghé TPHCM - đánh giá tốt và sáng tạo hơn rất nhiều những năm trước đó. Chúng tôi thêm vào trước và sau điệu cheer cờ truyền thống đã trình diễn ở các nước khác những động tác và tiếng hô mới, mạnh mẽ, sôi nổi hơn. Cheer cờ tại lễ đón, chúng tôi có hô thêm câu Vietnam Welcome, Vietnam Xin chào. Cheer cờ tại lễ tiễn, chúng tôi có hô thêm câu Vietnam Thank You, Việt Nam cảm ơn! Sự sáng tạo luôn cần, không chỉ ở 2 bạn làm cheer leader mà còn ở mỗi thành viên trong đoàn. Không ngại điều chỉnh và tập mới động tác. Chương trình giao lưu này xuất hiện những tình huống mới mỗi ngày, và lãnh đạo đoàn phải có sự nhạy bén, nhận biết sớm, đóan trước được vấn đề để kịp thời có những điều chỉnh và chỉ đạo hợp lý. Tất cả phải đạt mục tiêu hiệu quả lên cao nhất!

- Thật tuyệt vời nếu các bạn 2008 và những năm sau nữa, nếu mỗi năm có những thay đổi, điều chỉnh sáng tạo, thành công hơn để nâng cao hình ảnh thanh niên Việt Nam trong con mắt bạn bè khu vực thì thật hay. Từ cảm nghĩ của mình, tôi luôn ủng hộ và chúc mừng mọi thành công của các bạn. Năm sau phải hơn năm trước, như vậy chúng ta mới tiến lên. Chúc các bạn làm được những việc tốt mà chúng tôi chưa làm được!

Club Activities

Mỗi năm, mỗi đoàn đại biểu của 1 nước đều chọn giới thiệu một số đặc sắc văn hóa hoặc nghề thủ công của dân tộc mình. Malaysia năm 2007 chọn họat động vẽ tranh lụa Batik, Thailand thì chọn họat động dạy Muay Thái, massage Thái, đính hạt vào khung tranh, ... Nhật Bản thì chọn dạy nhảy Soran, Trà đạo... Việt Nam năm 2007 tiếp tục thành công của năm trước với họat động Vẽ chuồn chuồn tre, và dạy mặc áo dài truyền thống (gắn với cuộc thi Miss Ao Dai Vietnam trên tàu)... Năm 2007, chúng ta chỉ có 2 họat động club activities là hơi ít. Theo tôi, năm tới nên chọn 3 họat động, và trải đều trong 3 ngày club activities trên tàu. Nếu nhiều quá như Thailand có 6 họat động thì bản thân các PY của mình lo trực và tổ chức các họat động đó cũng đủ mệt, không còn time để đi tham gia giao lưu với các nước khác. Nên nhớ, tham gia Sseayp chính là ngọai giao nhân dân. Việc chọn time và location để tổ chức các họat động này cũng nên chú ý : Chọn buổi có quá nhiều họat động của nhiều nước thì sẽ có ít người đến được với chúng ta, chọn địa điểm khuất quá thì cũng ít người lai vãng tới. Tùy vào tính chất của họat động mà chúng ta đăng ký (đôi khi còn là đấu tranh) để giành time và location với BTC. Địa điểm đẹp thường là Dolphin hall tầng 4, lên đến lounge tầng 5 cũng trong phòng đó là đã kém hấp dẫn đi nhiều rồi. Địa điểm đẹp nữa là khu Bar và Mermaid Salon tầng 6, khu đó có nhiều người qua lại. Về time thì nên phân tích xem những buổi nào các nước khác có ít hoạt động, hoặc hoạt động của họ có tính chất không trùng lặp với mình. VD 2 nước cùng dạy nhảy, hoặc cùng làm đính hạt đá, xâu dây chuyền... thì sẽ trùng.

Về nội dung họat động, cần thiết kế những họat động / trò chơi gì mà có thể nhiều người tham gia được, tham gia xong lại có quà mang về. VN 2 năm vừa rồi làm họat động vẽ chuồn chuồn tre rất hay. Chúng ta chuẩn bị khỏang 400 chuồn chuồn tre, do đó mỗi PY các nước đến vẽ, đều có ít nhất 1 con mang về. Có bạn kỷ lục là vẽ 9 con trong 1 buổi. Số người thường xuyên có mặt tại club của Việt Nam phải đến 40-50 người, thành công tương đương với club vẽ lụa Batik của Malaysia (2 club này tránh không tổ chức cùng buổi với nhau). Bản thân con chuồn chuồn tre VN đã hấp dẫn khi nó có thể tự cân bằng trên đầu ngón tay. Khi bạn tự vẽ vào, đẹp xấu tự mình làm, mang về quả thật có ý nghĩa. Có nhiều bạn phải trực club của nước mình không đến tự vẽ được, đã nhờ tôi vẽ hộ và giữ cho họ 1 vài con. Tiếng lành đồn xa, tại sao họ không tới club VN mà họ vẫn biết, bởi vì khắp cả tàu buổi hôm đó trên tay mỗi PY là 1 vài con chuồn chuồn tre VN sặc sỡ. Chính họ đi khắp nơi và quảng cáo hộ cho VN, cho văn hóa VN.

Chú ý là nên tránh các họat động nghèo nàn, hoặc ít người có thể tham gia được. VD Việt Nam có năm dạy võ, lèo tèo được vài người, chả ai muốn tham gia. Hoặc Myanmar năm nay tổ chức đá cầu mây trên Sport Deck, cũng lèo tèo. Chúng ta cứ phải động viên nhau - thôi tranh thủ rẽ qua đó tham gia ủng hộ các bạn Myanmar 1 chút...

Việc trang trí không gian cho các club activities cũng cần để ý đến. Năm 2007, series mành tre, nón, đó bắt cá và những con chuồn chuồn, những mảnh chiếu cói... thật sự đã đem đến 1 không gian Việt giữa Dolphin Hall. Nhiều bạn sau khi vẽ xong, đã thích thú giơ cao con chuồn chuồn đứng chụp ảnh trước phông trang trí mành tre có đính lá tre và 1 chữ nhũ đỏ VIET NAM nổi bật.

Đặc biệt, bạn nào làm Club chú ý khâu báo cáo họat động của club tại buổi tổng kết Club Activities vào giai đọan cuối của chương trình. Trong buổi đó, mỗi nước sẽ chọn ra 1 hoặc báo cáo điểm lại toàn bộ các club của mình. Tất cả tập trung ở Dolphin Hall, và từng nước sẽ giới thiệu kết quả họat động. Club nào càng thu hút nhiều bạn quốc tế càng tốt. Có những club nhảy mà đến 90% số người biểu diễn báo cáo là bạn bè quốc tế. Điều này chứng tỏ club đó thành công, được bạn bè yêu thích. VN năm rồi không ai nói cho chúng tôi rõ cả. Đến phần báo cáo của VN thì khách mời rất hoành tráng, nhưng không khí thì hơi tẻ, và do không chuẩn bị sớm từ khi còn ở VN (do lack of information) nên thiếu clip, thiếu sound, thiếu các họat động bổ trợ cho 10p báo cáo của club Việt Nam. Giá như trong lúc khách mời vẽ chuồn chuồn, chúng ta có clip về văn hóa VN, quay cảnh trẻ em VN chơi với trò chơi dân gian, quay làng quê VN... kèm theo sound, thì sẽ tăng tính thuyết phục và đạt hiệu quả cao hơn.

Thảo luận và OBSC

Khâu thảo luận luôn là điểm yếu của Việt Nam muôn năm qua. Khắc phục vấn đề này không dễ vì khả năng tiếng Anh của đại biểu Việt Nam còn hạn chế. Đoàn 2007 được TW Đòan đánh giá là có trình độ tiếng Anh đồng đều, vượt trội hơn hẳn so với các đoàn các năm trước (lời Mrs Chi - phó ban Quốc tế TW Đoàn) mà khâu thảo luận cũng còn nhiều điều phải cải thiện. Lý do thứ 2 là ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, nền giáo dục của VN dạy học theo kiểu rất thụ động, người học được khuyến khích nghe nhiều hơn là nói, nghĩ theo ý người dạy hơn là nghĩ và phản biện độc lập... Do đó, để có được những người mạnh dạn đứng lên nói ý kiến của mình một cách lưu loát, có sức thuyết phục, có sức hấp dẫn trong các hội thảo quốc tế thì thanh niên VN còn phải cố gắng nhiều. Thậm chí, trong quá khứ đã có nhiều đại biểu lấy lý do sức khỏe, trốn đi dự các phiên thảo luận, vì đến đó cũng chẳng biết nói gì...

Khâu thảo luận trong chương trình Sseayp luôn được chính phủ Nhật và các nhà tổ chức đặt nhiều kỳ vọng. Bên cạnh các họat động vận động, thì thảo luận và trao đổi ý kiến để hiểu nhau hơn chính là họat động trí óc. Sự hiểu biết, khả năng tư duy mạch lạc và logic, trình độ nhân lực, chất lượng đào tạo có hội nhập quốc tế được hay không ... của mỗi quốc gia sẽ được đánh giá qua những đại diện tiêu biểu của thanh niên mỗi nước tham gia chương trình thảo luận. Trong các nhóm thảo luận (có 8 chủ đề), thường thì các bạn Singapore và Indonesia có sự vượt trội hơn hẳn, nhất là các bạn Singapore. Họ rất mạnh dạn phát biểu, trong 1 số nhóm, các thành viên Singapore đã trở thành xương sống của nhóm, họ xây dựng đề cương báo cáo, lập dự án, rồi trình bày, lấy ý kiến, đâu ra đó. Đôi khi, buổi thảo luận của cả group 11 nước lại do Singapore dẫn dắt...

Việt Nam năm vừa rồi có phân công bạn Hương Lúa lo về khâu thảo luận, xây dựng country report (gắn với nội dung chủ đề chính của Sseayp hàng năm). Tiếc là đến phút cuối cùng bạn Lúa trúng học bổng Mỹ nên không tham gia được chương trình Sseayp. Khâu thảo luận của VN năm rồi bỏ lửng hẳn vị trí người điều phối. Riêng về Country Report, báo cáo này có thể làm bằng phim, slide, flash, hay diễn kịch, hát... để tăng tính hấp dẫn và truyền tải được thông điệp của báo cáo đến cử tọa. Trên tàu sẽ có hẳn 1 ngày để các nước giới thiệu country report. Nước nào đuối sẽ thể hiện ra ngay thôi.

Nhìn chung, để VN có sự xuất hiện ấn tượng hơn trong các phiên thảo luận trên tàu, nhất định phải có 1 Disscusion Leader để quán xuyến tình hình của đại biểu VN ở 8 nhóm thảo luận. Chỗ nào yếu, phải xử lý ra sao, chỗ nào mình có điểm mạnh phải phát huy ra sao. Trong ngày tàu trở về Tokyo, sẽ có 1 buổi 8 nhóm thảo luận trình bày kết quả của các phiên thảo luận nhóm, đến dự có đại diện nội các Nhật Bản. Lúc này mỗi nhóm thảo luận sẽ chọn ra 2 thành viên đại diện nhóm để báo cáo. 2 thành viên này có thể nằm trong nhóm tình nguyện viên giúp thảo luận được collect ở trên tàu (do xung phong và do bầu, tiếc là VN hòan toàn mờ nhạt trong các nhóm TNV này). Đến hôm báo cáo, là 1 VPY ngồi dưới, tôi - và chắc chắn cũng có nhiều VPY khác - không khỏi cảm thấy ngậm ngùi và xấu hổ khi trong số 16 PY đại diện cho 8 nhóm thảo luận lên báo cáo trước quan khách, không hề có 1 PY nào của Việt Nam. Chúng ta quá thờ ơ với việc này, và chúng ta cũng chủ quan. Trong số 11 nước, chỉ có VN và Lào là không có PY xung phong (hoặc được nhóm thảo luận bầu chọn) đại diện nhóm mình báo cáo. Vấn đề thể hiện tri thức của thanh niên VN do chúng tôi đại diện trong chương trình này vì thế có phần hơi khiếm khuyết. Việc này xảy ra cũng có thể do chúng ta chủ quan. Một số ExPY các năm trước tuyên truyền cho chúng tôi rằng Thảo luận vô bổ ấy mà, thích thì đi, ko thì thôi. Chúng tôi chủ quan, và chúng tôi cũng nghĩ rằng, thảo luận này chẳng thiết thực, ko tham gia cũng không sao. Cũng có thể do người được phân công phụ trách thảo luận của VN 2007 là bạn Lúa đã không tham gia chương trình được. Tôi tin rằng nếu có bạn Lúa, ít nhất sẽ có 1 VPY trong số 16 người đứng trên sân khấu trong Dolphin Hall, tự tin giới thiệu I am Lua, I come from Vietnam.... Cứ cho là thảo luận trên tàu không thiết thực (tôi cũng đồng ý với ý kiến này 1 phần vì trình độ của PY các nước thường là SV nên họ suy nghĩ đơn giản, ít thực tế), song không vì thế mà chúng ta có thể bỏ qua. Hình ảnh thanh niên VN cần phải được xây dựng một cách toàn diện, cả về tầm vóc văn hóa có chiều sâu, ứng xử văn minh, nhanh nhẹn khỏe mạnh, và thông thái nhạy bén. Mong các bạn 2008 và sau này sẽ rút kinh nghiệm khâu này.

OBSC là những cựu thành viên của Sseayp sẽ được tuyển chọn tham gia cùng đoàn nước mình trên chặng cuối. Những người này có trách nhiệm dự họp cùng contingent của mình để lắng nghe những ý kiến của đoàn đại biểu năm đó, nghe xem họ có dự án gì sẽ triển khai hậu Sseayp không, sau đó OBSC sẽ chuyển những ý kiến đó tới chính phủ Nhật, cơ quan điều phối chương trình ở Việt Nam để xem có thể giúp gì được không. Thường thì OBSC phải là những người có vị trí nhất định trong xã hội, có quan hệ rộng, có hiểu biết rộng để có thể có những ý kiến tư vấn cho cả 3 phía : Chính phủ Nhật, cơ quan điều phối VN, các PY của năm đó. Nhưng thường thì khâu tuyển chọn OBSC thường không đạt yêu cầu này. VN mới tham gia Sseayp được 12 năm, cựu thành viên còn đang nỗ lực vật lộn với cuộc sống để vươn lên những nấc thang cao hơn trong xã hội, do đó OBSC của chúng ta thường rất trẻ và góp mặt trên tinh thần giao lưu là chính. Có những nước mới tham gia Sseayp còn không tuyển được ai đi làm OBSC cho. VD như Lào năm 2007 là 1 ví dụ. Và do đó, cả đoàn Lào phải sang họp chung với Thailand trong các buổi họp OBSC vì Thailand có OBSC là 1 anh cựu thành viên, hiện là Phó giáo sư, Tiến sỹ, giữ chức vụ Phó giám đốc Sở GTVT của Bangkok. Việc họp chung như thế thật không hay cho thể diện quốc gia.

Packing và Logistic

.

Chọn phim chiếu và Interactive live

Phim chiếu trong cinema của tàu có 150 chỗ. Tuy phòng chiếu không lớn, song để lấp đầy cũng là cả một sự cố gắng lớn của mỗi đoàn. Quảng cáo thế nào, phát tờ rơi thế nào, vẽ viết gì trong tờ rơi để PY các nước khác họ tò mò và muốn tới xem phim, giấy mời NL các nước ra sao? Thông thường, vì phép lịch sự ngoại giao, NL các nước thường tới dự các buổi chiếu phim, nhưng cũng chỉ vài buổi đầu, sau đó cũng lẻ tẻ vắng dần. Kinh nghiệm mà tôi rút ra cho việc chiếu phim là thế này :

- Chọn phim mà thanh niên thích, bỏ qua các thể loại chính trị, chiến tranh nặng nề..., mà hãy cứ chiếu các phim về tình yêu, chuyện giật gân, phim ma... là đông PY đi xem. Nếu ai nói những phim loại này không có tác dụng tuyên truyền, thì là thiếu thực tế với những gì diễn ra trên tàu. Suy nghĩ theo kiểu của chúng ta, mang phim chính trị ra chiếu, 1 là ít người tới xem, thậm chí chỉ 2-3 chục người, 2 là xem 1 lúc thấy chán bỏ về. Đây mới gọi là không có tác dụng tuyên truyền. Thật ra, chọn 1 số phim hay dành cho lứa tuổi thanh niên do VN sản xuất sẽ hấp dẫn được các bạn các nước, và cũng giới thiệu được hình ảnh 1 VN mới, năng động, trai đẹp gái xinh, cuộc sống không còn bóng dáng chiến tranh, xã hội phát triển..,.. Phim nhất định phải có phụ đề tiếng Anh!

- Quảng cáo phim bằng tờ rơi phát vào buổi tập trung tất cả các đoàn trên Dolphin Hall vào đầu giờ sáng. Nếu thích thì vào giờ ăn tối, đặt trên mỗi bàn ăn 1 vài tờ quảng cáo, chắc sẽ đông khách. Trên tàu có phòng photo, thoải mái photo, nên làm tờ rơi bằng bìa màu, sẽ hấp dẫn hơn. Tất nhiên, nội dung phim cũng phải được giới thiệu ngon lành bằng tiếng Anh, đừng quá dài, kèm thêm hình ảnh hấp dẫn nữa, cùng với thời gian chiếu phim nhanh chân đăng ký vào những ngày đầu mới lên tàu, khi PY còn "đói" cinema, khi các nước khác chậm chân chưa book được phòng chiếu phim nước họ, thì đoàn VN sẽ có buổi chiếu phim NỔ rạp vì quá đông. Năm 2007, phòng chiếu phim VN kín đặc chỗ, rất nhiều PY phải ngồi trên lối đi giữa các dãy ghế.

- Thời gian chiếu : Kinh nghiệm cho thấy, lên tàu ngày đầu tiên, YL phải ra ngay quầy Admin book phòng chiếu phim VN. VN phải là đoàn mở màn chiếu phim, vậy mới đông. Nên chọn chiếu vào lúc 19h30 buổi tối đầu tiên rảnh rang trên tàu. Thường thì tối nào cũng có chương trình hoạt động, chỉ có 1-2 buổi trống vào tuần đầu chương trình và tuần cuối khi trên đường quay lại Nhật thì có nhiều tối trống hơn. Buổi tối trống đầu tiên là Volunteer Activities ngay khi lên tàu 2-3 ngày gì đó, vì nó là volunteer nên ai thích làm gì thì làm, không bắt buộc. VN sống chết cũng phải nhanh chân book cinema tối này, và đa số PY sẽ thích volunteer kiểu đi xuống cinema xem phim Việt Nam. Tuần cuối cùng trên đường trở về Nhật có nhiều tối trống, VN có thể chiếu thêm 1 phim nếu thích. Tuần này buổi tối PY thường ít chỗ chơi, nên đi xem phim cũng khá. Tất nhiên so với sự lựa chọn tuần đầu tiên thì tuần cuối chỉ đáng 6 so với 10. Những đoàn muốn chiếu phim mà không book được vào tối trống không có hoạt động, thì phải tranh thủ chiếu vào lúc 21h00. Muộn mà PY 1 tối chạy show mấy hoạt động rồi lại đi xem phim, thì chắc là ngoài đoàn chủ nhà, chả có mấy PY nước khác đến xem phim.

- Lưu ý mua 1 phim phải mua 2 bản dvd đề phòng hỏng. Trước khi rời khỏi VN phải cử 1 PY phụ trách chiếu phim ngồi xem từ đầu tới cuối xem đĩa có vấp không, có trục trặc gì không, phụ đề tiếng Anh có đúng và đủ không... Khi lên tàu, trước giờ chiếu, phải cử PY xuống cinema bật lên xem thử toàn bộ dvd xem đầu đọc trên tàu có đọc ngon cả đĩa không, âm thanh tốt không. Nhục nhất cho nước nào mà đang chiếu thì đĩa không đọc được, thay đĩa khác vào thì mất mặt, mà lòi ngay ra là dùng đĩa lậu! Ở VN mình quen chuyện dùng đĩa lậu, chứ Sin và Nhật họ rất cẩn thận chuyện bản quyền, tất nhiên trên tàu thì họ chả care chuyện nước nào chiếu phim dùng đĩa xịn hay lậu, nhưng nếu cả rạp đang xem đĩa vấp, dừng chạy thì ôi mặt. Vì thế, chuyện này PY nào lo cũng nên cẩn thận chu đáo... Năm 2007, VN chuẩn bị 2 phim để chiếu là Nữ tướng cướp và American Quiet. Có lẽ do PY lo việc chiếu phim hơi chủ quan, Nữ tướng cướp cuối cùng lên máy đọc của cinema không có phụ đề, may quá do thử trước 1 buổi nên kịp đổi sang American Quiet. Trót quảng cáo Nữ tướng cướp, sau đó lại phải xin lỗi, quảng cáo lại American Quiet. Khán giả xem thấy hay, một số bạn gái khóc vì thấy hậu quả chiến tranh trong phim. Tuy nhiên, theo suy nghĩ cá nhân của tôi, phim này khán giả nước ngoài xem sẽ hơi nặng nề, và họ cũng chẳng cần phải chăm chú làm gì, vì chuyện phim chả liên quan gì đến tâm lý, lứa tuổi hay đất nước họ. Do VN chiếu đầu tiên, khán giả tới đông và họ thấy tò mò, phim Mỹ lại quay rất đẹp, Hội An, Hà Nội, Sài Gòn hiện ra ngời ngời, áo dài trắng muốt long lanh... Thôi, âu cũng là quảng bá được cho Việt Nam. Một số NL các nước xem xong phim đã thắc mắc cảnh quay ở SG bây giờ có còn giữ được không gian kiến trúc như trong phim không. NL Hằng trả lời vẫn thế, không thay đổi mấy, và họ đề nghị khi tàu ghé TPHCM, đưa họ tới chỗ quay phim đó để chiêm ngưỡng vẻ đẹp SG. Vậy cũng tốt! Phim Thái Lan chiếu vào tuần cuối cùng, yêu đương sướt mướt theo công thức Hàn Quốc, yêu rồi ho lao, ốm, rồi ôm nhau khóc.... phim lại chẳng hề có phụ đề English, vậy mà đông nghịt. Đúng là tuổi trẻ - tuổi yêu!

- Gợi ý phim chiếu cho đoàn Việt Nam 2008 : DÒNG MÁU ANH HÙNG. Phim này nội dung tốt, diễn viên đẹp, kết thúc có hậu, đánh võ như Hongkong, bom nổ, bắn súng, giết người, ám sát, tình yêu, thù hận... tất cả là 1 nồi lẩu quá hợp khẩu vị PY trên tàu. Đảm bảo chiếu xong xuất đầu tiên, nếu VN chiếu lại xuất 2 vào ngay tối hôm sau, chắc sẽ có 1 nửa tàu hôm trước không đi xem, nghe những người đi xem về kể lại, thế nào tối hôm thứ 2 cũng phải tới xem. Hãy nhớ nhé 2008 : DÒNG MÁU ANH HÙNG.

* Về Interactive live : Xem entry Những ngày ở NYC.

Chỉ xin lưu ý các bạn 2008 là đưa các hoạt động này ra khu vực đông người sẽ quảng bá được nhiều hơn. VD Thailand 2007 có interactive live về boxing Thái, trước giờ open show, họ cho mấy người ra phòng triển lãm đánh võ ở đó, rồi kêu gọi mọi người sang phòng show dự interactive live và đối thoại với đoàn Thái về boxing Thái.

Bulletin Board

Trên tàu, ngay gian sảnh chính của tầng 3 - tầng có nhiều cabin ở nhất - dĩ nhiên là tập trung nhiều PY nhất, có 2 dãy bản tin được treo trên tường dọc 2 bên sảnh, ngay trước quầy "giao dịch" của đội ngũ Amin trên tàu. Có thể, nói, không ai mà không đi qua đây ít nhất 1 lần trong ngày. Sảnh tầng 3 có thể ví như Hồ Gươm của Hà Nội.

Hai dãy bản tin, 1 dãy dành cho 11 quốc gia tham dự chương trình, 1 dãy dành cho 11 SG. Ở dãy dành cho 11 quốc gia, bản tin lớn được phân chia thành 11 bản tin nhỏ được bố trí liên hoàn nhau. Năm 2007, cạnh bản tin của Việt Nam là Lào, và phía bên kia là Brunei. Với mật độ 11 bản tin bố trí san sát như vậy, thì việc thiết kế trang trí bản tin thế nào để nó trở nên nổi bật giữa 1 "rừng" bản tin của các nước khác, để bản tin của mình toát lên bản sắc dân tộc mình, nhìn vào đó là nhận ra À, Việt Nam! Vấn đề này khá quan trọng, vì ngoài việc cung cấp thông tin trên bản tin hàng ngày cho các thành viên trong đoàn (VD : Dán ảnh hoạt động, hôm nay mặc đồng phục mẫu gì, mấy giờ họp đoàn ở đâu, hôm nay có sự kiện gì lớn...), thì bản tin còn là bộ mặt thông tin của 1 đoàn trong những dịp Open Ship tại các cảng mà tàu ghé thăm. Trong tour đi tham quan tàu của hàng trăm khách mời là các gia đình nuôi tại mỗi nước thì họ đề đi qua bản tin, và không có lý do gì mà một PY lại không được quyền tự hào khi chỉ vào bản tin của nước mình và nói : Thưa, đây là bản tin của đoàn Việt Nam!

Năm 2007 vừa rồi, bản tin của đoàn VN được làm cơ bản khác so với các nước khác. Chúng ta sử dụng 1 mành tre làm background nên nó trông rất khác so với 1 series các nước khác dùng vải hoặc tấm thổ cẩm. Tự nhiên nó đã gợi nên hình ảnh Việt Nam, và nổi rõ cá tính trang trí. Bulletin Board là thứ phải thay đổi trang trí nhiều lần trong suốt chuyến đi chứ không thể chỉ 1 lần trang trí là xong. Thực tế cho thấy nếu có hay có đẹp lắm, mà suốt mấy chục ngày lênh đênh trên biển, nhìn mãi 1 hình ảnh thì cũng nhàm. Năm 2007, có lẽ Việt Nam là nước thay đổi trang trí bản tin liên tục và refresh hình ảnh nhiều, chúng ta có 3 mẫu trang trí bản tin khác nhau, và mẫu nào cũng cố gắng toát lên bản sắc dân tộc trong đường nét trang trí. Các nước còn lại cũng 2 lần thay đổi trang trí, Malaysia thì 3 lần. Nước chuẩn bị từ trước thì thay đổi cơ bản trang trí, nước không tính đến chuyện này thì nay thay chữ, mai thay ảnh... Có 1 số nước dính cả mảng background lên rồi không giữ được, sụp cả mảng bản tin xuống, trông rất thảm.

Trở lại chuyện bản tin của Việt Nam năm vừa rồi, thông tin cung cấp trên bảng tin thường là tin hoạt động trong ngày, thông báo cho ngày mai, ảnh hoạt động... cho lần trang trí đầu tiên là background mành tre, dọc 2 bên có viền 1 số cụm lá tre bằng vải và nhựa, xen kẽ có dán hình các cô gái và chàng trai trong trang phục áo dài, khăn xếp bằng bìa. Hai chữ Vietnam được ghép từ những mảnh ống tre, trông khá hài hoà với tổng thể. Dưới góc thấp của bản tin là 1 nửa chiếc đó bắt cá được cắt ra và treo lên, là hòm thư bỏ các message vào đây. Lào là đoàn hay gửi message cho Việt Nam. Lác đác có vài chú chuồn chuồn tre đậu lờ lững trên bản tin và bám vào chiếc đó. Lần thay đổi thứ hai là tạo ra 1 bông hoa 6 cánh bằng đó tre ghép lại, trông khá nổi bật trên cả dãy bản tin chung. Thay toàn bộ ảnh bằng ảnh của 10 cô gái dự thi miss áo dài Việt Nam, thêm 1 hòm phiếu bầu chọn cho giải People choice award. Lần thay đổi trang trí bulletin board thứ ba sau ngày tàu rời Việt Nam, là thay chữ VIETNAM ghép tre, bằng chữ A DIVERSE VIETNAM được cắt ghép chữ gỗ, sơn màu mang từ Việt Nam ngay từ những ngày đầu mới sang Nhật (đã dự trù sẵn thiết kế). Tiện giấy bìa đỏ cắt giấy mời thừa hôm làm Vietnam Night, xoắn xoắn uốn uốn thành những nơ trang trí, đính lên bảng tin cũng vừa mắt. Tham gia làm bản tin với mình năm vừa rồi có bác sỹ của đoàn : Đồng chí bác sỹ quân y Bùi Tiến Sỹ.

Nhân chuyện bản tin, mới thấy mình cũng có 1 ước mong - nhưng chúng ta chưa thực hiện được do vấn đề kinh phí, hoặc do cơ sở vật chất trên tàu chưa cho phép. Đoàn Philippines năm rồi đã làm được việc mà mình muốn làm cho bản tin của Việt Nam. Ở lần thay đổi trang trí bản tin thứ 2, họ thay đổi 100% design, dùng 3 màn hình plasma kích thước khoảng 8 inches/cái để liên tục truyền tải các hình ảnh về phong cảnh của đất nước họ, kèm theo âm thanh nho nhỏ. Đi qua nhìn bản tin này rất sướng, cảm giác hi-tech. Tuy nhiên, điều kiện của Nippon Maru còn chưa cho phép, vì họ phải dòng dây để câu điện xuống ổ cắm ở dưới thấp khá xấu. Họ cũng chưa tính hết chuyện sức nặng của các màn hình plasma, không có cái gì để treo (vì họ không tính từ ở nhà), nên được vài hôm là các màn hình này rơi lả tả trông rất thảm.

Nhân tiện kể thêm 1 chuyện là ngay cạnh quầy Admin có 1 bảng mica trắng chuyên dành để viết lịch hoạt động trong ngày cho cả tàu. Cứ tối đến đi qua đó nhìn lịch là nhớ mai làm gì, lúc nào, ở đâu... Góc dưới của bản tin này có 1 tập giấy in các tin mới của thế giới do tàu thu nhận được qua truyền sóng vệ tinh. Do nhiều ngày lênh đênh trên biển, nên họ phải dùng cách này để cập nhật tin mới cho các PY. Trong cabin cũng có TV bắt được kênh NHK (qua vệ tinh, đi giữa biển cũng xem được) nhưng 90% thời gian nói tiếng Nhật, bản tin tiếng Anh có nhưng không rõ phát vào lúc nào. Do đó cách tốt nhất để biết hôm nay trên thế giới xảy ra chuyện gì là đọc tập giấy in tin tức mới. Có 1 hôm về phòng thấy cậu Ro mặt buồn buồn, sáng ra thì đọc thấy ở bảng tin update của tàu tin đêm qua Philippin có đảo chính. Kể ra đang tham gia 1 hoạt động giao lưu quốc tế, niềm tự hào quốc gia đang dâng ngùn ngụt, đang muốn thể hiện hết mình để giới thiệu quốc gia, dân tộc mình với bạn bè quốc tế, đang làm hoạt động ngoại giao nhân dân, thì ở quê nhà lại xảy ra đảo chính, thật cũng rất ái ngại ...