Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2009

Dọc đường SSEAYP 2007 - kỳ 8 : Thailand - land of smile


Ngày 25 tháng 11:

Tàu Nippon Maru chậm chậm tiến vào cảng Bangkok. Sáng sớm hôm nay, khi mọi người lên Sport Deck chào cờ Thái Lan trong một bầu không khí nồng nặc mùi hôi thối. Cả vùng cửa biển và một đoạn dài của dòng sông Chao Phraya đổ ra biển ngập trong mùi hôi công nghiệp. Hai bên bờ sông, các nhà máy khá dày đặc, nhiều ống khói thải lên trời những cột khói đen. 1 số PY Thái có vẻ hơi ngại khi thấy mọi người cố chịu đựng vì phép lịch sự như vậy, 1 số khác vì funny hơn, nói “welcome to Thailand”, và cười hơi ngượng.

Ấn tượng đầu tiên về Bangkok khi tới bằng đường biển là vậy. Khác với những lần khác mình tới Bangkok bằng đường hàng không qua sân bay Don Muong (nay dùng sân bay mới hiện đại hàng đầu châu Á, sẽ đề cập trong phần tiếp theo), thấy 1 Don Muong nhộn nhịp, sạch sẽ. Nhớ lại lần đầu tiên tới Bangkok nhiều năm trước đây, khi máy bay của Vietnam Airlines vừa hạ cánh xuống đường băng, đã thấy những dải cây xanh được trồng trên các ô đất lớn ở khoảng giữa của 2 đường hạ - cất cánh chứ không trơ trụi như Nội Bài hay Tân Sơn Nhất và nhiều sân bay lớn khác, thấy các máy bay tấp nập nối đuôi nhau xếp hàng ra đường băng, thấy có những hãng mà chưa từng 1 lần nghe tên cũng hiện diện ở đây, thấy những hãng từ châu Phi xa xôi cũng bay tới đây, thấy cả chiếc Boeing 747 của hãng Ethiopia đang lấy khách từ ống lồng thì cũng hơi ngạc nhiên vì chẳng thể ngờ nó đến từ 1 nước đang nội chiến và đói khổ ở Châu Phi (tại thời điểm đó). 40 năm trước đây, Tân Sơn Nhất đã từng là 1 trong những sân bay nhộn nhịp nhất châu Á – là ga chính, còn Don Muong khi đó chỉ là ga xép. Sau 40 năm, trật tự đã đảo ngược. Ngày nay Bangkok không chỉ có 1 Don Muong với công suất khoảng 35 triệu khách / năm, mà đã kịp có thêm Suvanabuhmi mới coóng với công suất gần 50 triệu khách / 1 năm. Đông vui nhộn nhịp chứ không đìu hiu chợ chiều như Nội Bài. Khó có thể chấp nhận 1 thực tế là sân bay của 1 nước có hơn 80 triệu dân lại không thể tìm được phương tiện vận tải tử tế để đi về nội thành cho hành khách của những chuyến bay đêm. Chúng ta còn đang loay hoay bàn tính chuyện lập dự án khả thi xây dựng tuyến đường sắt nối nội thành với Nội Bài, thì ngay ở trung tâm Bangkok, tại khu đất dưới chân của toà nhà cao nhất Bangkok 85 tầng - khách sạn Bayokote - người Thái đang xây dựng 1 trung tâm checkin cực kỳ hiện đại cho hành khách. Tại trung tâm check in ngay giữa lòng Bangkok này, khách du lịch có thể check in, nhận thẻ boarding, gửi hành lý theo chuyến bay 24/24. Hành lý sẽ được chở ra sân bay bằng tuyến đường tàu siêu tốc trên cao, được lưu kho hoặc đưa lên máy bay tuỳ theo giờ cất cánh. Trong lúc này, khách du lịch có thể thong dong hai tay không đi chơi những giờ cuối của mình ở Bangkok, thảnh thơi đi mua sắm thêm đồ. Tới gần giờ bay, khách trở lại trung tâm check in này, lên tàu siêu tốc chạy 50 phút tới thẳng Suvanabuhmi (cách xa Bangkok trên 100km, mà Bangkok có kích thước rất lớn, từ Bắc tới Nam khoảng 100km, hầu hết đã đô thị hoá). Với trung tâm check in tiện lợi sẽ được khánh thành vào cuối năm 2008 này, công suất của Suvanabuhmi có thể lên đến trên 60 triệu khách / năm. Đây không phải là ý tưởng của người Thái. Trung tâm check in kiểu này đã được xây dựng lần đầu tiên tại Hongkong, Bangkok là thành phố thứ hai làm việc này. Dù sao cũng nên nghiêng mình kính trọng họ trong chuyện này!
Lan man chuyện hàng không, trở lại với Nippon Maru.

Cập cảng Bangkok, thấy toà nhà cảng vụ cao 3 tầng khá cũ nhưng quang cảnh cảng Bangkok, các bãi hàng khá sạch sẽ, phong quang, có vẻ được quản lý tốt. Ngay dưới cầu cảng, 1 nhà bạt lớn đã được dựng lên theo kiểu 1 lễ đài thấp dành cho các quan khách. Một nhóm nhạc đang chơi nhạc dân gian của Thái dưới trời nắng để đón chào. Thấy ái ngại cho các nhạc công.
.
14h, từng contingent tập trung tại Dolphin hall rồi lần lượt xuống sân cảng theo thứ tự port of call để làm lễ đón chính thức. Lễ đón có sự tham gia của thứ trưởng bộ Thanh niên và Thể thao của Thái Lan. Thời tiết của Bangkok mùa này khoảng 28 độ C ngoài trời, với hướng nắng chính chiếu vào Nippon Maru trước khi đổ xuống cảng. Tàu Nippon Maru như 1 toà nhà 8 tầng đã phủ bóng kín cả khoảng sân cảng, do đó việc mặc complet đứng tham dự lễ đón của các PY và quan khách cũng không quá khổ sở, không bị nắng gắt và nóng như ở Indonesia – đã làm cho 2 PY ngất xỉu giữa chừng phải khênh lên tàu cấp cứu. Khoảng 4h, lễ đón kết thúc, tất cả trở lại tàu thay trang phục B, chuẩn bị cho tiệc reception sẽ diễn ra vào 19h00 tại Imperial Queen Park Hotel.

18h30 xuống tàu theo SG, lên xe. Có thể nói thật ra nhiều lúc tập trung tại Dolphin hall theo contingent, nhưng lúc di chuyển lại theo SG là trái khoáy, nhưng vì riêng đoàn Nhật có 40 thành viên, do đó không bao giờ có thể di chuyển bằng bus theo contingent được vì sẽ quá tải. Thông thường chia theo SG sẽ có 29 thành viên của SG + 2 admin in-charge + 2 liaison officer + 1 quan chức đi kèm của bộ Thanh niên nước sở tại (hoặc 1 tình nguyện viên), tổng cộng có 34-35 người trên 1 bus 45 chỗ. Nếu di chuyển theo contingent, 10 đoàn Asean đều ok, riêng đoàn Nhật sẽ là 40 + 5 = 45 chỗ, như vậy là không còn chỗ cho lái xe và phụ xe. Trái khoáy nhất là 1 lần ở Singapore : Tập trung trên Dolphin hall theo contingent, gọi tên ra xuống bus theo DG để đi Institutional visit, sau đó tới nơi homestay matching thì lại ngồi theo SG.

19h30 tới Imperial Queen Park Hotel. Khách sạn này cực lớn, khách đông kinh khủng. Lên tầng 3 vào phòng tiệc lớn, cũng to kinh. Phòng tiệc được chia thành 2 khu khá riêng biệt. Có thể cảm nhận được khả năng tổ chức sự kiện và làm dịch vụ của người Thái rất tốt. Họ có kinh nghiệm và làm đâu ra đó. Có thể nói, tiệc reception tại Bangkok là tiệc được tổ chức tốt nhất trong số các nước đã đi qua. Tiệc được chủ trì bởi Phó thủ tướng Thái Lan. Ông này phát biểu bằng tiếng Anh rất chuẩn, phát âm không khác gì những người sống tại các nước nói tiếng Anh. Các tiệc được tổ chức tại Nhật, Indonesia, Malaysia thường có tình cảnh quan chức đến muộn, quan chức vừa phát biểu, PY và khách mời ở dưới vừa uống nước vừa nói chuyện rì rào (lúc này chưa phục vụ thức ăn), không được trang trọng và tôn trọng chính quyền sở tại lắm. Sau này mới thấy tiệc reception ở Việt Nam còn tệ hơn về khâu tổ chức. Phó chủ tịch TPHCM phát biểu cứ phát biểu, các bàn ăn uống náo nhiệt cứ ăn, không ai biết thật sự chuyện gì đang diễn ra. Thật khó chịu trong hoàn cảnh đó nếu bạn là người Việt Nam. Chính phủ Nhật đã tỏ vẻ bất bình vì trong tiệc Summit ở NYC, nhiều PY đã mải chúc tụng nâng ly ầm ĩ khi 1 thứ trưởng Nhật đang phát biểu trên sân khấu. Ở Việt Nam, có lẽ bà phó chủ tịch thành phố không để ý chuyện này chăng, hoặc bà bỏ qua. Còn ở Thái thì khác. Họ để trống 1 khoảng sát sân khấu. Trước khi phó thủ tướng tới, tất cả PY được yêu cầu tập hợp theo contingent tại đây. Phó thủ tướng bước vào trong không khí chào đón hết sức trang trọng.

Các quan chức và đại sứ các nước được bố trí ngồi salon ở khu vực cạnh sân khấu, sang trọng và tiện lợi khi phải lên sân khấu phát biểu hay chụp ảnh lưu niệm. Khi phát biểu, lúc trao quà cho các NL, tất cả mọi hoạt động đều được theo dõi 1 cách chăm chú bởi các PYs. Chỉ có lúc chụp ảnh với từng contingent, 1 số đại sứ không được hướng dẫn cụ thể nên hơi nhầm 1 chút. Tổng thể chung là tốt. Lễ chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút, sau đó các quan chức trở về khu vực bàn tiệc hình chữ U ngay trước sân khấu, các PYs ngồi ở các bàn tròn phía sau. Khoảng trống sát sân khấu lúc này có thể được dùng cho các hoạt động biểu diễn của các contingent đông diễn viên, có thể nhảy múa ở đây. Nhân tiện chuyện biểu diễn, trong đêm nay, đoàn Việt Nam dành tiết mục “đinh” để biểu diễn trên sân khấu lớn. Em Hoa hát lipsinc Cánh cò quê tôi với đội múa mặc trang phục trắng muốt long lanh – đã nhận được sự tán thưởng của tất cả mọi người trong hall. Quá nhiều khách mời và quan chức đã ngạc nhiên vì không thể cho rằng đây là văn nghệ nghiệp dư của các PYs. Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan hỏi NL : “Em Hoa là ca sĩ à?”, NL Brunei và 1 loạt NLs khác cũng thắc mắc tương tự. 1 số quan khách thì hỏi rằng có phải đây là nhóm văn nghệ chuyên nghiệp mang từ Việt Nam sang trình diễn hay không? Cũng vui!

Trở về tàu đã hơn 11h, chụp mấy bức ảnh Nippon Maru rực sáng trong đêm, thấy không khí ban đêm ở khu vực cảng rất dễ chịu, mát mẻ, trong lành, sạch sẽ.

-----------------------------------------------------------------------------------
Ngày 26 tháng 11:

Hôm nay là ngày sẽ thực hiện Institutional visit. SG A, B, C sẽ đi 2 địa điểm. Đầu tiên là Hoàng cung và Emerald Budda, sau đó sẽ tới giao lưu với local youth tại trường đại học Pundit Durakit - ngoại ô Bangkok.

Trở lại Hoàng cung và Emerald Budda lần này thấy trang hoàng lộng lẫy, đường phố Bangkok cũng vậy. Năm nay cả nước Thái sẽ tổ chức 1 sự kiện lớn là kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Nhà vua. Ngày sinh của ông cũng chính là Quốc khánh Thái Lan. Khẩu hiệu du lịch của Thái Lan năm nay là : Thailand – Grand Invitation. Hợp lý! Xin mời tới và enjoy các festival và sự kiện được tổ chức quanh năm suốt tháng, đặc biệt là sự kiện 80 năm sinh nhật Nhà Vua.

Tại Emerald Budda, lần này mình được biết mọi người thường cúng trứng vào chùa sau khi đã cầu được ước thấy 1 việc gì đó, hoặc thành công trong kinh doanh. Những người đi thăm chùa đều lấy cho mình 1 vài quả trứng luộc được để ở các gian thờ ngoài trời và ăn luôn để lấy may. Mình và chị Sangdao Airee – NL của Thái xơi luôn, vừa ăn vừa nhìn nhau cười tủm tỉm. Các PY khác cũng vậy, có 1 số thì lấy cho vào túi, không biết có ăn để lấy may như người Thái hay không? Thăm Hoàng cung và Emerald Budda, thấy mọi thứ được giữ gìn và chăm sóc tốt, chỉ có 1 nhược điểm là quá đông khách du lịch, khiến cho việc tham quan bị “công nghiệp hoá” quá mức.

Khoảng 12h30 thì xe bus đưa 3 SG tới trường đại học Pundit Durakit. Đây là 1 trong những trường đại học tư hàng đầu của Thái, đã có 40 năm tuổi. Trường rất khang trang, xanh, sạch và đẹp. Cách thức xây dựng thể hiện quá trình phát triển của trường, các toà nhà có nhiều phong cách khác nhau, có nhiều nhà cao 15-20 tầng, sân vận động phong quang, khu tưởng niệm người sáng lập trường... Kiến trúc của các toà nhà có 1 vẻ gì đó khá giống với quang cảnh của trường đại học Công nghiệp TPHCM của thầy hiệu trưởng Tạ Xuân Tề hóm hỉnh. Cái mình thích nhất ở cảnh quan kiến trúc của trường này là sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Dưới chân các toà nhà hiện đại là những ao nước lớn thả cây củ có hoa, là các nhà chòi nghỉ, các nhà thuỷ tạ được dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống của Thái Lan, là các giỏ hoa nở rực rỡ dọc lối đi, là các tiểu cảnh được chăm chút khiến ta gợi nhớ đến các resort nhiệt đới. Trường được điều hành bởi 1 hiệu trưởng là người châu Âu. Trường đào tạo từ cử nhân tới Tiến sĩ.

Trường Pundit Durakit tiếp đón các PYs rất trọng thị. Mặc dù tàu Nippon Maru đã chuẩn bị sẵn các hộp cơm trưa cho PY mang theo khá lịch sự và đủ chất, nhưng nhà trường vẫn muốn các PYs dùng các món ăn của Thái do nhà bếp của trường nấu. Nhà ăn dành cho khách khá lịch sự, món ăn thì ngon. Hầu hết PY bỏ lại hộp cơm của tàu để chuyển sang dùng cơm của nhà trường mời. Trên tường phòng ăn có tấm phông welcome đoàn, và lời chào được ghi bằng ngôn ngữ của 11 nước. Tiếc là của Việt Nam bị ghi nhầm 1 chữ C thành B, thành ra : XIN CHÀO CÁB BẠN. Ăn trưa xong, cả đoàn xuống sân trường, đã thấy 1 đội sinh viên mặc trang phục truyền thống của Thái Lan đánh trống và đàn + múa dẫn đoàn đi như diễu hành từ khu nhà ăn sang nhà hội trường. Ngay từ khi đón xuống từ nhà ăn, mỗi PY có thêm 1 người bạn mới là 1 SV sở tại được bố trí theo cặp Nam PY với Nữ SV, và ngược lại. Ngay khi gặp các bạn mới, các bạn đã vòng vào tay của mỗi PY 1 chuỗi hoa tết theo kiểu Thái. Cảm nhận được sự đón tiếp chu đáo của nhà trường. Tới hội trường, sau 1 số phát biểu ngắn, xem phim giới thiệu về trường được làm khá hay, lấy hình ảnh chủ đạo là điệu múa balet cổ điển để đưa khách đi thăm trường qua màn ảnh. Phim này được sản xuất bởi Khoa truyền thông của nhà trường. Tiếp theo, 3 SG được chia thành 3 nhóm, lần lượt đi thăm 3 khoá học : 1 là khoá học tiếng Thái rất vui nhộn nhưng dễ tiếp thu, 1 là khoá học về sản xuất chương trình truyền hình, cuối cùng là giao lưu trò chơi với SV của trường. Mình rất ấn tượng về khoá học sản xuất chương trình truyền hình. Studio giảng dạy khá tiên tiến. SG – A được đưa vào thăm quan 1 lượt, sau đó cả đoàn vào trong 1 studio, giáo viên mời 3 PY lên hình, tham gia trả lời phỏng vấn như đang trên 1 talkshow, 1 số PY khác được mời tham gia cùng với 3 cameraman, các PY còn lại ngồi làm khách mời trường quay. Talkshow diễn ra trong khoảng 15 phút, sau đó cả đoàn ra phòng ngoài xem lại show vừa ghi hình đã được biên tập trực tiếp. Cuối buổi, mỗi SG sẽ nhận được 1 đĩa VCD ghi lại các hoạt động của SG tại trường Pundit Durakit và talkshow này, đã được biên tập lại như 1 phim tài liệu. Trên xe bus trở về tàu, vừa đi vừa xem lại VCD, mới thấy đúng là người Thái có khả năng làm du lịch và kỹ năng sống hướng về dịch vụ - phục vụ thật đáng học hỏi.

Nhân tiện nói thêm, Liaison officer của SG-A là 1 em Ex-PY 2006, là SV của Pundit Durakit. Em này rất nhanh nhẹn và dễ mến. Năm trước em đã được bầu chọn là Mr Nippon Maru trong cuộc thi Ms và Mr Nippon Maru diễn ra hàng năm trên tàu. Là SV của trường, năm trước em đã được nghỉ 2 tháng để tham gia chương trình. Nhà trường coi đây là 1 vinh dự cho trường khi có 1 SV được chọn làm 1 trong 28 đại sứ thanh niên của Thái Lan tham gia chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á năm 2006. Em này được nhà trường cho miễn 1 số môn học, và lấy điểm giỏi cho 1 số môn liên quan đến văn hoá và quan hệ quốc tế. Năm nay, đón 2007, cậu này rất tự tin, thạo việc và nhanh nhẹn, hầu như quán xuyến mọi việc tiếp đón ở trường, từ việc làm MC, thiết kế chương trình (mình đánh giá cao việc thiết kế chương trình cho các SGs hoán đổi khoá học và hiệu quả của các khoá học ngắn), tới việc training cho các SV của trường về cách giao tiếp và quan hệ với các bạn thanh niên quốc tế... Hỏi chuyện em này mà tự thấy ngậm ngùi với cách làm ăn và cách nghĩ cân đong đo đếm của Phương Đông. 26 năm nữa, không biết Phương Đông có được như Pundit Durakit ngày nay?

Sau 3 khoá học, các SG lần lượt trở lại hội trường. Lúc này tiệc ngọt đã được chuẩn bị. Việc tặng quà của nhà trường cũng rất thân tình và hay. Thông thường, ở mỗi nước, khi các PYs tới thăm các đơn vị theo chương trình Institutional visit, họ đều nhận được quà của đơn vị đó. Quà có thể là lớn hay nhỏ, nếu cách tặng hay sẽ đem đến những ấn tượng tốt cho người tặng quà. Ở đây, nhà trường không phát quà theo kiểu phân bổ, cũng không mang cả thùng quà lên xe bus như ở Việt Nam rồi phân phát. Ở Pundit Durakit, từng SV của trường mang túi quà đến kèm theo 1 nụ cười trân trọng gửi tặng từng PY partner của mình. Chính vì cách tổ chức khéo léo như vậy, mà nhiều PYs đã khóc, đã xúc động khi phải chia tay Pundit Durakit, chia tay các local partner của mình, dù cho họ chỉ mới gặp nhau và ở bên nhau vỏn vẹn 3 tiếng đồng hồ. Mình nhớ hình ảnh Karen – PY Brunei đầm đìa nước mắt khi bước lên xe bus. Rồi sau này chắc cô sẽ rất nhớ Pundit Durakit và những người bạn ở đây. Chắc chắn rồi họ sẽ tiếp tục email và keep connect với nhau. Giao lưu quốc tế cho SV luôn là mong muốn của các trường đại học, thông qua đó, sinh viên có thể năng động hơn, hiểu biết hơn, rèn kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn, và có nhiều khát vọng hơn. Giao lưu với những đại biểu thanh niên ưu tú của các nước là một sự lựa chọn tốt. Không phải lúc nào cũng có “nguồn” tốt như vậy!

Pundit Durakit đã làm tốt. Họ đã được điều hành bởi những cái đầu tốt!

-----------------------------------------------------------------------------------
Ngày 27 tháng 11:

Hôm nay sẽ làm thủ tục homestay matching. Xe bus đưa đoàn đến Trung tâm Thanh niên Thái Lan - Nhật Bản để gặp các gia đình nuôi. Chắc hẳn đây là 1 trung tâm giao lưu thanh niên do chính phủ Nhật Bản tài trợ. Ngay trước cửa trung tâm là những dãy nhà tập thể cao khoảng 4,5 tầng với các hàng quán tràn ra ở dưới như kiểu khu Kim Liên, Trung Tự ở Hà Nội, nhưng quy củ hơn.

Bước vào hội trường đã thấy bố mẹ nuôi ngồi chờ sẵn. Đây là lần thứ 10 họ nhận nuôi PY từ chương trình Sseayp nên không cần chờ đợi lễ lạt hay xem biểu diễn văn nghệ. Mình và Jee Pee - homestay mate người Philippin vừa tới là bố mẹ nuôi giục đi về luôn. Bố nuôi là 1 kỹ sư xây dựng, hiện đang làm việc tại 1 cty tư vấn thiết kế, có vẻ là kỹ sư chính. Mẹ nuôi là 1 giảng viên của 1 trường đại học tư phi lợi nhuận quy mô nhỏ tại Bangkok, chuyên ngành Nghệ thuật truyền thông. Họ có 1 cậu con trai năm nay 22 tuổi, cũng học 1 chuyên ngành giống mẹ ở 1 trường đại học - theo lời bà mẹ nuôi - là trường chất lượng cao, là 1 trường đại học quốc tế có nhiều sinh viên nước ngoài theo học. Bố nuôi có vẻ hóm hỉnh và hay chỉnh lại lời mẹ nuôi, ngay lập tức tiếp lời : Sinh viên quốc tế toàn là Ấn Độ chứ làm gì có ai. Mẹ nuôi lườm 1 cái, lại đính chính : Có cả sinh viên đến từ châu Âu... Sau này mới thấy bố nuôi tính rất hay, rất dễ chịu. Đúng là những người làm kỹ thuật, mà lại là kiến trúc - xây dựng thì tính đều hay cả :-) Bố nuôi và mẹ nuôi có body rất tương phản nhau. Bà mẹ nuôi thấp và nặng cỡ 85kg, bố nuôi thì cao và gầy. Bà mẹ nuôi thì nghiêm túc và ít đùa, hay thích nói chuyện chính trị, bố nuôi thì hóm hỉnh và hay nói chuyện đời sống hàng ngày.

Trên đường về nhà, bố mẹ nuôi đưa qua trung tâm MBK mua sắm. Cả nhà rẽ vào ăn mì ở 1 quán Japan mở ở đây. Bố mẹ nuôi bảo ăn mì ở đây xem có khác gì mì ăn ở Nhật không. Mình thấy hình như ăn ở Thái ngon hơn, vì khẩu vị của người Thái có nhiều điểm tương đồng với người Việt.

Lái xe về nhà ở ngoại ô Băngkok. Trên đường về đi qua 1 đoạn có nhiều người dân lao động, chợ cóc, người đi làm về trông vất vả khổ cực, rất giống với những chợ cóc chợ tạm mở ở gần các khu công nghiệp của ta. Bố mẹ nuôi bảo : Đây cũng là 1 góc của đời sống Bangkok mà con nên biết. Mình xem trong tạp chí Bangkok của toà thị chính phát hành, thấy có dành 12 trang / 60 trang của tạp chí giới thiệu về cộng đồng người Việt tại đây. Họ là những người đã di cư sang Thái từ 1954, nay họ sống ở 1 khu riêng, gọi là khu chợ Sang Seng, hàng ngày họ vẫn nấu và bán các món ăn Việt Nam. Nhìn trên tạp chí chụp ảnh những đĩa bánh cuốn nghi ngút khói, thấy thèm khôn tả. Đúng là chất Việt đã ngấm vào từng đường gân thớ thịt, cho dù thế nào thì anh vẫn là người Việt. Các thế hệ Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài có lẽ sẽ mất nhiều phần Việt, chứ những ai sinh ra ở Việt Nam, lớn lên ở Việt Nam, được nâng niu bú mớm bằng hương vị Việt Nam, được hít thở tràn căng những mùi vị Việt Nam, thì cho dù có sống cả đời sau này ở nước ngoài, sẽ không bao giờ có thể quên được quê hương, vì chính quê hương đã len lỏi vào sâu thẳm tâm hồn, vào từng đường gân thớ thịt của cơ thể, lưu giữ vào từng giác quan...
Về tới gần nhà, xe rẽ vào siêu thị Big C. Lòng vòng tới tầng 3 của garage mới tìm được chỗ đỗ xe. Mẹ nuôi lượn vào mua 1 ít đồ cho bữa sáng mai, sau đó cả nhà lên tầng 4, đi sang khu hội trường lớn xem giải vô địch boxing Thái. Không rõ thế nào mà siêu thị Big C lại có 1 khu thi đấu rộng như vậy. Chắc đây là nơi tổ chức các event thể thao, ca nhạc của trung tâm mua sắm này. Tình cờ mà mình và Jee Pee được xem giải vô địch boxing Thái. Sơ sơ thấy có hơn 100 đoàn nước ngoài tới tham dự. Chính phủ Thái chắc phải bỏ ra rất nhiều tiền tài trợ để tổ chức giải này, bao ăn, ở, đi lại, thậm chí hỗ trợ tiền để duy trì hoạt động của các võ đường boxing Thái ở các nước nữa. Việc này có lẽ cũng giống như việc phát triển môn Vovinam của Việt Nam ra nước ngoài. Công nhận là giải rất rôm rả, các đoàn vận động viên đi lại nườm nượp, áo quần đồng phục đa dạng rất nhiều màu sắc. Ngoài cửa vào hội trường là các gian hàng bán đồ thi đấu Muay Thái, khá đông người mua, vận động viên các nước cũng mua rất nhiều. Việt Nam cũng có đoàn thi đấu ở giải này. Xem được khoảng 5 trận thì thấy chán và mệt. Về.

Tới nhà, mình và Jee Pee ngồi nói chuyện với bố mẹ nuôi 1 lúc, rồi mẹ nuôi đưa 2 đứa lên gác 2 nhận phòng. Mỗi đứa ở 1 phòng. Khu biệt thự này do công ty của bố nuôi thiết kế, ông đã mua nhà xây thô vào năm 2002, thời kỳ mà Thái Lan vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cuộc khủng hoảng địa ốc – 1 dư chấn của khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, do đó giá cả cũng khá rẻ. Nhà tuy xa trung tâm (khoảng 50km) nhưng đi lại cũng không tốn nhiều thời gian (mất khoảng 40 phút) vì hệ thống đường cao tốc rất tiện lợi và ở đây không khí khá trong lành, an ninh tốt. Về đêm, trên đường cao tốc trên cao dẫn từ trung tâm về nhà, bố nuôi chạy xe với tốc độ khoảng 130-140km / giờ, thấy 1 thoáng là đã về tới nhà. Buổi tối, chờ cậu con trai của bố mẹ nuôi tên Kim đi học về, cả nhà lên xe đi ăn tối ở nhà hàng. Đi 2 nhà hàng mới có chỗ đẹp. Nhà hàng rất lớn, nằm lọt thỏm giữa bãi đỗ xe rộng thênh thang. Ban nhạc Philippines đang biểu diễn, để tránh ồn ào, mọi người chọn bàn ngồi ngoài trời. Mấy bàn xung quanh bố trí có lều ở trên, xung quanh có rèm, trong đặt đèn nến kiểu Nghìn lẻ 1 đêm, 1 số lều được bố trí trên hồ nước lung linh, kết hợp với ánh sáng huyền ảo, trông khung cảnh rất nên thơ và lãng mạn. Các món Thái lần lượt được dọn ra. Người Thái đã nhạy bén khi lựa chọn và truyền bá với thế giới slogan của quốc gia mình : Kitchen of the World. Đúng là 1 khẩu hiệu gây tác dụng mạnh, gợi nhớ đến sự hấp dẫn và đa dạng của ẩm thực Thái Lan, góp phần thu hút khách du lịch. Công nhận là món ăn Thái rất ngon, không món nào là không ăn được.

Đêm nay trôi qua trong phòng ngủ riêng, êm ái và mát mẻ, tuy có hơi phiền là khu này chỉ cách sân bay Suvanabuhmi 15km, lại ngay dưới đường bay chính, nên cứ vài phút lại có tiếng ì ầm của máy bay, nhưng chỉ khi đêm yên tĩnh mới để ý thấy tiếng ầm này. Công nhận là Suvanabuhmi nhộn nhịp, 2h đêm mà máy bay lên xuống liên tục, cứ khoảng 2-3 phút lại có 1 chuyến. Nội Bài và Tân Sơn Nhất ơi, bao giờ lớn lên bằng anh em? Tiếp viên VNA ơi bao giờ nâng hạng được văn hoá phục vụ từ xe bus lên thành máy bay. Nhớ chặng từ Hongkong về Việt Nam, 1 nữ tiếp viên già dặn – có lẽ là tiếp viên trưởng - vừa đi vừa nói như ra lệnh với hành khách với bộ mặt của kẻ ban phát : Khách dựng thẳng lưng ghế, khách dựng thẳng lưng ghế. Chả khác gì văn hoá xin cho của mậu dịch thời bao cấp. Mua gạo thì đưa sổ đây! Một số tiếp viên khác - cả nam cả nữ - chỉ trỏ í ới cho nhau và cười hô hô rất thiếu lịch sự khi nhìn thấy 1 hành khách ngủ gật ngáy o trót há mồm hơi to khi ngủ trên máy bay – lúc họ đẩy xe thức ăn đi ngang qua chị khách ấy. Cửu vạn lên phục vụ máy bay rồi sao??? Con cháu và nạn chạy chọt mua suất khi thi tuyển, cách điều hành và tư duy ... rồi sẽ biến VNA sẽ thành 1 hãng high standard hay 1 hãng lèm nhèm với các hãng low cost?

Đêm nay, Suvanabuhmi khiến mình suy nghĩ về VNA thảm như vậy?


-----------------------------------------------------------------------------------
Ngày 28 tháng 11:

Đêm qua ngồi online trong phòng ngủ riêng đến 2h sáng, tranh thủ cập nhật entry về Malaysia. Sáng dậy đã thấy bố mẹ nuôi chuẩn bị sẵn đồ ăn sáng là cơm rang. Mẹ nuôi nói, 2 ông bà đi suốt ngày, cậu con trai duy nhất thì cũng đến trường đại học từ sáng tới tối. Bữa sáng hôm có hôm không, hôm nào cả nhà đi ra khỏi nhà cùng giờ thì sẽ có bữa sáng, không thì tự túc. Bữa trưa coi như không có. Bữa tối thì tất cả ra nhà hàng, hoặc đi ra Big C ăn ở các cửa hàng trong đó. 1 tháng thì chỉ có vài ba bữa là có ăn ở nhà. Nhà có 2 xe ô tô Honda, mỗi người 1 chiếc. Cậu con trai đi học thì gọi taxi đi từ nhà ra trạm xe bus hoặc tàu điện gần nhất. Tuy thế, trong nhà rất ấm cúng, cách bài trí khá đẹp. Trên tủ và các giá sách có rất nhiều đồ lưu niệm của các nước, cờ ... Bố mẹ nuôi bảo đây là của các PY đã từng ở các năm trước tặng. Năm nay là lần thứ 3 họ nhận nuôi PY người Việt Nam. Lần đầu tiên là từ chương trình Sseayp 1999, có 1 anh đã 35 tuổi có vợ con, nhà ở khu vực Phương Mai, Hà Nội. Bố nuôi đưa cho xem 1 bưu thiếp chúc tết năm đó do anh này gửi, chẳng hiểu sao mà lại không thể viết lời chúc bằng tay được, mà lại đánh máy lên 1 tờ giấy rồi cắt ra và dán vào trong lòng bưu thiếp, trông rất kỳ quái. Lần thứ 2 là nhận nuôi 1 bạn cấp III ở Hà Nội, theo chương trình trao đổi học sinh quốc tế. Con trai của họ cũng tham gia chương trình này, và đã có cơ hội đặt chân đến gần 20 quốc gia. Việt Nam chúng ta chưa có nhiều gia đình tham gia vào chương trình bổ ích này. Lần thứ 3 thì nhận nuôi mình từ chương trình Sseayp 2007. Nhắc lại PY Việt Nam năm 1999, bố nuôi vừa nhún vai vừa kể về kỷ niệm khi dẫn anh này đi ăn. Hỏi anh muốn ăn thịt gì, thay vì nói Pork anh lại nói Pig. Nguyên văn lời bố nuôi : Mãi bố mới hiểu nó muốn ăn gì. Mẹ nuôi thì nhận xét : PY Việt Nam càng về sau càng nói tiếng Anh tốt hơn, trẻ hơn, cá tính hơn và không ngại nói chuyện chính trị. Tranh luận về dân chủ và tự do ở Thái Lan, Việt Nam, về sự cạnh tranh mà Việt Nam đang tạo ra sức ép với Thái Lan là chủ đề ưa thích của mẹ nuôi, bố nuôi ko tham gia phát biểu nhưng lắng nghe rất chăm chú. Cậu con trai thì ưa thích nói về tự do kinh tế, về tăng trưởng và sự sụt giảm của tỷ giá hối đoái. Mình đáp ứng hết. Mẹ nuôi khen PY Việt Nam hiểu biết và bản lĩnh. Cậu con trai hỏi mình học chuyên ngành kinh tế hay sao? Nhân tiện đây kể thêm 1 chuyện là năm 1998 hay 99 gì đó, gia đình có nhận nuôi 1 PY người Myanmar là Youth Leader năm đó. Khi gia đình đưa anh này tới thăm cố đô Ayuthaya – nơi chứng kiến sự thất bại của vương quốc Myanmar trong cuộc chiến với Thái Lan từ thế kỷ 17, khi xe tới nơi thì anh này nhất quyết ko chịu xuống xe vào thăm di tích. Mẹ nuôi kết luận : Bản lĩnh kém. Qúa khứ là quá khứ, hiện tại là hiện tại. Ứng xử như vậy là không nên. Mình cũng thống nhất thế. Đi thăm di tích mới thấy chiến tranh quả là khốc liệt, chẳng ai thắng mà không mất gì, người thua cũng chẳng phải là không làm được gì. Đền đài, chùa chiền của Thái bị đốt cháy, hoàng cung cổ bị quân Myanmar đập phá tan hoang, tượng phật bị cụt tay, mất đầu nhiều vô kể... Chính vì sự tàn phá này mà hoàng gia Thái Lan lúc đó quyết định dời đô về Bangkok ngày nay. Kết luận lại là khi có chiến tranh, 2 bên đánh nhau chưa biết bên nào thắng bên nào thua thì nhân dân sẽ luôn là người thiệt thòi nhất, khổ nhất.

Vậy là cả nhà (trừ Kim hôm nay phải đến trường) đang bon bon trên xe đi thăm cố đô Ayuthaya (cách Bangkok khoảng 70-80km). Câu chuyện trên xe vẫn tiếp tục là chính trị, cạnh tranh quốc gia,... Mình và mẹ nuôi tranh luận, bố nuôi vừa lái xe vừa nghe. Jee Pee thì ngồi nghe, mấy lần mẹ nuôi mời tham gia mà không thấy ý kiến gì. Tới Ayuthaya, thấy mình quả thật rất may mắn khi trong lần homestay này được bố mẹ nuôi đưa tới đây, chứ không phải tới các trung tâm mua sắm hay công viên giải trí ở Bangkok. Đi thăm các chùa chiền, đền đài, khu cung điện hoàng gia cũ đã bị chiến tranh tàn phá nhiều. Có một số rất ít được phục dựng lại, còn đa số là hoang tàn đổ nát. Mẹ nuôi bảo, người ta không muốn can thiệp hay phục dựng lại vì để đảm bảo tính nguyên gốc của di sản, và quan trọng hơn là để giáo dục cho các thế hệ sau về sự khốc liệt của chiến tranh.
Với cả 1 khu vực rộng lớn dày đặc di tích, cố đô Ayuthaya đã được công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Sang thăm 1 khu đền thờ 1 vị vua của Thái Lan thời đó, ông này thích gà trống nên xung quanh nhà lưu niệm có rất nhiều hình nộm gà trống được trang trí, đồ lưu niệm cũng là các con gà trống bằng nhựa. Bố nuôi cười khi nhìn thấy ngoài vườn, dưới gốc cây, dọc đường đi trang trí chi chít gà và gà... Rồi lại leo lên những đỉnh tháp cao, đi xuống các cầu thang hẹp dẫn xuống lòng tháp, hoặc đứng tần ngần trước những hàng tượng Phật được khoác cà sa vàng, có những khi ngồi với Jee Pee và bố nuôi trên đỉnh tháp cao, ngắm nhìn dòng sông hiền hoà phía trước, thấy mơn man gió thổi, xa xa là khu nghỉ mát của hoàng hậu Sirikit, mới thấy cuộc sống thật thanh bình. Ngoài phố, thong dong là những đàn voi chở khách du lịch qua lại. Cuộc sống thật yên bình. Qúa đỗi yên bình. Tại các khu di tích, việc leo lên tháp cao thường thì chỉ có bố nuôi, mình và Jee Pee leo, mẹ nuôi thường đứng dưới quan sát vì sức khoẻ và trọng lượng không cho phép. Ayuthaya – cùng với Fukushima ở Nhật, có lẽ là những địa điểm tham quan đẹp nhất mà mình được đến trong thời gian đi homestay. Rất bổ ích, nhờ đến đây, được mẹ nuôi và bố nuôi giảng giải, mình đã hiểu thêm nhiều điều về lịch sử Thái Lan, về tính cách của người Thái, về kiến trúc và bảo tồn ở đây.

Buổi tối, bố nuôi vất vả mãi trong dòng xe chen chúc ở trung tâm Bangkok, mất hơn 1 giờ đồng hồ mới đưa được cả nhà tới khách sạn Bayokote – toà nhà cao nhất Bangkok để ăn tối trên nhà hàng ở tầng 79, sau đó lên tầng 83 ngắm toàn cảnh Bangkok về đêm trên sàn quay 360 độ. Đứng nhìn Bangkok by night, thấy xe cộ tấp nập, đường cao tốc nhiều tầng vòng vèo uốn lượn, cũng như đi trên đường thấy hệ thống hạ tầng của Thái Lan vượt trội hơn hẳn Việt Nam. Người dân Thái Lan cũng hiền lành hơn và có văn hoá công cộng tốt hơn Việt Nam. Khả năng cạnh tranh và hội nhập của nền kinh tế Thái Lan cũng ở trình độ cao hơn do có quá trình phát triển dài hơn Việt Nam.... Nhiều yếu tố để có thể nhận định rằng Việt Nam sẽ rất khó khăn và còn lâu mới bắt kịp Thái Lan. Báo chí Việt Nam khoảng 1 năm trước đây tự dưng rộ lên câu chuyện về 1 tấm panô quảng cáo được dựng lên ở trung tâm Bangkok với nội dung “Thái Lan hãy nhanh chân, nếu không Việt Nam sẽ đuổi kịp và vượt lên”. Không ai rõ tính thực hư của tấm panô này thế nào, chỉ thấy rằng 1 loạt báo chí Việt Nam và một số người Việt đã “tự sướng”, đã tự nâng mình lên mây xanh chỉ vì mấy dòng quảng cáo vô căn cứ được ghi trên tấm panô nọ. Chẳng biết ai chi tiền dựng mấy tấm panô đó, 1 người Thái lo xa, hay chính những người đang muốn vỗ về ru ngủ người Việt ta đã bỏ tiền ra thuê viết những dòng chữ nọ, để chúng ta tự vỗ ngực mà quên mất mình đang ở đâu...

Trước khi về nhà, cả nhà rẽ qua Bazaar night - 1 khu chợ đêm ở Bangkok rất sầm uất. Cũng vui.
Hôm nay là một ngày bổ ích, đặc biệt nhiều thứ hay khi đến Ayuthaya. Nghe bố nuôi nói tới cố đô Sukhothai còn hoành tráng hơn nhiều. Chắc lần tới sang Thailand, mình sẽ tới Sukhothai, đi từ ga xe lửa Hua Lam Phong. Bố nuôi nghe nói thế rất ngạc nhiên vì sao mình biết lắm thứ ở Thái vậy???


-----------------------------------------------------------------------------------
Ngày 29 tháng 11:

Sáng ngủ dậy đã thấy bố nuôi chuẩn bị sẵn cơm rang để ăn trước lúc trở lại tàu. Xong xuôi mọi việc, lên xe đi qua trường đại học của mẹ nuôi để đón mẹ nuôi. Lại thêm 1 túi thức ăn nữa, mẹ nuôi quả là chu đáo. Về đến tàu thấy sân cảng Bangkok ngập trong nước biển, chắc do thuỷ triều lên. Người ta phải bắc 1 cầu tạm bằng gỗ để các PY lên tàu kịp thay đồ, và các gia đình nuôi có thể lên thăm tàu trong thời gian Open ship.

Các ExPY của Thái, cũng như ở Indonesia mở dịch vụ bán hàng lưu niệm sseayp, là những món đồ nho nhỏ, quần áo, tranh ảnh có dấu ấn sseayp. Mọi người mua khá đông. Mình mua 2 khung ảnh nhỏ có hình con tàu Nippon Maru, tặng bố mẹ nuôi 1 chiếc. Cuối cùng thì nước cũng kịp rút để lễ tiễn tàu có thể diễn ra đúng thời gian dự kiến. Mọi thủ tục rồi cũng xong, dải ruybăng rồi cũng được tung ra. Mình nhỡ mãi hình ảnh bố mẹ nuôi đứng thật lâu, thật lâu ở cầu cảng cho đến khi con tàu Nippon Maru xa khuất. Hai hình bóng ấy cứ mờ dần mờ dần. Lần này homestay ở Bangkok đã để lại cho mình nhiều ấn tượng đẹp, quả thật mình đã thấy Thái Lan đúng là Land of Smile!

Tạm biệt Thái Lan, tạm biệt ông bà Sompong. Hẹn gặp lại... Chắc chắn sẽ gặp lại, vì Thái Lan còn quá nhiều điều để mình khám phá. Chắc chắn sẽ tới Sukhothai trong 1 ngày không xa...















-----------------------------------------------------------------------------------


Nhật Thực 2007

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2009

Dọc đường SSEAYP 2007 - kỳ 7 : Malaysia


Ngày 16 tháng 11:

Sau 2 ngày lênh đênh trên biển từ cảng Tandung của Jakarta, sáng nay tàu Nippon Maru đã vào đến Port Klang của Malaysia. Do quãng đường từ Tandung sang Klang chạy 1 ngày thì không tới, mà chạy 2 ngày thì lại hơi thừa nên sáng qua Nippon Maru đã dừng ở giữa biển khoảng 8 tiếng. Đỗ lại giữa biển mênh mông nằm chơi, chờ đến 14h chiều mới chạy tiếp để tới Klang đúng 10h sáng ngày hôm nay. Mọi cảng mà tàu cập bến đều đúng lúc 10h, vì mọi chương trình đón tiếp, country program đều bắt đầu từ 10h.

Sáng cập bến Klang thấy tàu Star Virgo Cruise đang chuẩn bị rời bến. Đây là tàu du lịch loại lớn thường đưa khách đi lòng vòng các cảng của khu vực Đông Nam Á. Tàu này có vài lần ghé Việt Nam, điểm hay ghé nhất là Hạ Long trên đường đi từ HongKong sang Singapore. So với Star Virgo Cruise thì Nippon Maru chỉ là 1 “thằng nhóc”, dù Nippon Maru có 7 tầng, dài 160m. Star Virgo Cruise cao 10 tầng, dài 300m, thiết kế rất đồ sộ, đúng như 1 khách sạn nổi trên biển, trên mái có cả sân tennis, bãi đậu trực thăng, 2 bể bơi lớn – trong đó có 1 bể như kiểu công viên nước có các đường trượt xoắn và lượn sóng... Ngay cả terminal mà Nippon Maru cập vào với ống lồng dẫn hành khách và cầu dẫn 2 tầng dài khoảng 200m nối từ cầu cảng vào terminal cũng là của công ty quản lý tàu Star Cruise đầu tư. Người Malaysia đi Star Cruise khá đông. Hôm Nippon Maru rời bến, cũng là ngày Star Cruise rời bến chuyến tiếp theo. Hành khách nườm nượp. Giá tour đi trên Star Cruise đắt gấp 1,5 đến 2 lần tour bình thường. Với người Malaysia thu nhập 6000USD/ năm thì Star Cruise có thể làm ăn tốt.

Buổi chiều, diễn ra lễ đón trên tàu, ở Dolphin Hall. Tới dự có thứ trưởng bộ Thanh niên và Thể thao của Malaysia. Có thể thấy 95% quan chức ở các nước mà Nippon Maru ghé thăm khi tới tham dự các hoạt động của sseayp đều nói khá tốt tiếng Anh. Việt Nam – do đặc thù từ quá khứ, nên không có lợi thế này. Lễ đón diễn ra với kịch bản như những lễ đón trước đó. Rồi sẽ lại có orientation của BTC địa phương. Phải nói rằng khác với Việt Nam, ở các nước mà Nippon Maru ghé thăm, vai trò của nhà nước không phủ hết toàn bộ các hoạt động tiếp đón của địa phương. Vai trò của các Alumni rất lớn. Nhiều nước Alumni lo toàn bộ các hoạt động của tàu ở quốc gia mình, từ việc kêu gọi tài trợ, chọn gia đình homestay, tiếp đón, hướng dẫn trên các xe bus của SG, tổ chức mọi hoạt động..., nhà nước chỉ cử các quan chức tới theo đúng lễ nghi ngoại giao, và hỗ trợ các nội dung như : xe cảnh sát dẫn đường... Nhân tiện đây nói 1 chuyện để thấy vai trò của Alumni thế nào. NL của Philippin năm nay là anh Dino – hot men của Nippon Maru – lai Tây Ban Nha, cao như người mẫu, đẹp trai kiểu châu Âu, lúc nào cũng cười toe toét làm nhiều em chết 1 cách ngoạn mục. Anh Dino đang đau đầu vì vướng vào 1 vụ kiện ở Philippin. Chính phủ Philippin cử anh Dino làm NL năm nay. Hiệp hội cựu thành viên Ssseayp chọn người khác. Hai bên không thống nhất được với nhau. Chính phủ bảo lưu quyết định cử anh Dino đi. Hiệp hội kiện ra toà. Chính phủ không trả tiền luật sư. Anh Dino đành chịu trận.

Buổi tối, diễn ra tiệc chào mừng của chính quyền địa phương. Do cảng Klang cách Kuala Lumpur khoảng 1 tiếng rưỡi chạy xe nên tiệc được tổ chức ở 1 nhà thi đấu ở Shah Alam – nơi có sân vận động Shah Alam mà các fan bóng đá Việt Nam đều thót tim mỗi khi tuyển Việt Nam thi đấu ở đây. Đây là thủ phủ của bang Selangor. Đi từ tàu ra đến đây cũng mất 1 tiếng mặc dù đường xá rất tốt. Malaysia có cảnh sát dẫn đường rất khác biệt và hiệu quả. Họ không sử dụng 1 xe ôtô cảnh sát chạy đầu và 1 xe nữa khoá đuôi như các nước, thay vào đó, Malaysia dùng 8 môtô cảnh sát. chỉ 1 xe dẫn đường và 1 xe khoá đuôi. 6 xe còn lại làm nhiệm vụ chặn đường mỗi khi đoàn xe đi qua. Cứ tới mỗi điểm giao nhau, hoặc điểm nhập làn của các tuyến đường khác vào làn đường mà đoàn xen đang lưu thông, thì thấy có 1 môtô cảnh sát đã đứng ở đó để ngăn các dòng xe cắt ngang hoặc nhập làn lại. Ngay khi đoàn xe đi qua, môtô này lại phóng vượt lên trước và tiếp tục công việc như vậy tại nơi giao cắt tiếp theo. 6 môtô thay phiên nhau làm như vậy. Quả thật rất hiệu quả vì đoàn xe 11 bus và 2 xe mini bus chở admin và quan chức đều chạy với tốc độ cao trên các đoạn đường trống xe. Cách này có lẽ Việt Nam có thể vận dụng được ít nhiều.

Tiệc chào mừng diễn ra trong 1 nhà thi đấu lớn. Mới nhìn thì thấy có vẻ hoành tráng, nhưng càng về sau càng thấy nghèo nàn. 8h mới tới nơi. 9h bộ trưởng - thống đốc bang Selangor mới tới (chậm 1 tiếng). Lúc này chương trình mới bắt đầu. PY nhốn nháo vì đói. Chương trình giống như mọi lần, phát biểu, gift exchange, văn nghệ của nước chủ nhà, văn nghệ của các contingent. Lê thê và lê thê. Thức ăn mang ra thì không được dồi dào lắm. Chắc Alumni địa phương đã rất cố gắng rồi, nhưng nguồn kinh phí có hạn nên tiệc không được tốt lắm. Mãi rồi cũng xong. Lên xe trở về tàu, ExPY Malaysia năm trước, năm nay làm hướng dẫn viên của các SG hỏi : Các bạn cảm thấy thế nào? 80% PY trên xe đồng thanh : Hungry. Trông mặt cô bé ExPY thật tội nghiệp. Cũng đúng thôi vì country program ở mỗi nước chính là cơ hội thể hiện sự mến khách và khả năng tổ chức của mỗi quốc gia, là thể diện của quốc gia giới thiệu với thanh niên các nước. Về được đến tàu thì đã gần 1h sáng. Ai cũng ngao ngán. Chắc rồi sau này Malaysia sẽ bị các nước góp ý nặng nề về việc tổ chức.

-----------------------------------------------------------------------------------

Ngày 20 tháng 11:

Sáng ra đã thấy trên bảng tin của Việt Nam 1 bưu thiếp chúc mừng 20 tháng 11 tới các PY là giáo viên. Chắc hẳn là của em Cường. Cũng thấy vui vì trên tàu có người nhớ tới ngày của mình, trong khi ở Việt Nam có người mà mình nhớ thì lại không nhớ.... Đoàn Việt Nam năm nay có tới hơn 1/3 là giáo viên. Tối hôm 18 em Hiếu cũng mang lên phòng tập văn nghệ 1 túi lớn chocolate và bánh ngọt để cảm ơn và liên hoan 20/11. Chu đáo phết, không biết cu cậu dành dụm từ khi nào mà gom được nhiều bánh kẹo thế.

Sáng nay SG-A đi Institutional Visit ở Putrajaya - thủ đô hành chính của Malaysia. Đây là lần thứ 2 mình tới Putrajaya. Mọi người khen đẹp, công nhận là cũng được nhưng hơi lạnh lùng. Mọi người khen sạch, công nhận là sạch vì có quá ít người sống ở đây. Mọi người bảo trông cứ như ở 1 nơi nào đó trong truyện cổ tích, cũng đúng vì mọi thứ ở đây đều sáng bóng, cỏ cây xanh mướt mượt mà thì thầm trong gió, kiến trúc kết hợp giữa hiện đại và style Malaysia cổ với chóp củ hành Alibaba, vòm nhọn,... gợi nên những hình ảnh thần thoại. Mình ấn tượng với tòa nhà của công ty phát triển Putrajaya mà đoàn vào nghe thuyết trình. Rộng thênh thang, phòng ốc mênh mông không có người. Kiến trúc hiện đại, vận hành trơn tru, gợi nên một cảm giác thừa mứa. Tuy nhiên, Putrajaya chỉ là thành phố hành chính, mặc dù chính phủ đã xây dựng một số nhà ở cho công chức, song đa phần họ trở về Kuala Lumpur sau mỗi ngày làm việc bằng tàu cao tốc mất nửa tiếng. Về đêm, Putrajaya lại trở thành thành phố của các ông bảo vệ - giống như các trung tâm hành chính của một số tỉnh lỵ mới xây dựng ở ta. Thủ tướng Mahathir Mohamad quả thật là 1 nhà lãnh đạo xuất sắc. Làm đâu ra đó. Tiếp xúc với đoàn Malaysia, và sau này đi homestay thì thấy người Malaysia nhìn chung không có gì đặc sắc, thậm chí hơi nhạt. Nhưng đất nước của họ đã phát triển tốt, có lẽ họ đã có 1 đội ngũ lãnh đạo tốt, có tầm nhìn và khả năng tự hy sinh nhu cầu cá nhân của mình để cống hiến cho quốc gia. Có người nói, thủ tướng hiện nay của Malaysia là Badawi không hoàn toàn nắm được quyền lực trong tay, nhiều chuyện vẫn phải nghe theo Mahathir. Có lẽ vậy. Hiếm hoi mới gặp được 1 người Malaysia nổi trội và xuất chúng như Mahathir.

Chiều tới 1 nhà thi đấu khác để homestay matching. Gặp gia đình nuôi với ông bố nuôi và 1 cô con gái thứ hai đi đón. Gia đình này giống như các gia đình viên chức ở Việt Nam. Ông bố là bộ đội về hưu. Bà mẹ là viên chức nhà nước. Cô con gái lớn đã đi làm và sắp lấy chồng, cô thứ 2 đang học đại học, cậu út 19 tuổi cũng vậy. Mình ở cùng với Dimas - thằng bé 20 tuổi ngoan và hiền lành người Indonesia. Xe chạy lòng vòng, qua đón bà mẹ nuôi hết giờ tan sở rồi về nhà. Gia đình này cũng giống như các gia đình công chức chỉ ăn lương nhà nước ở ta. Nhà của họ trong 1 khu do nhà nước bán cho với giá ưu đãi, kiểu như khu tập thể Kim Giang xa xa và cũ cũ ở Hà Nội. Mỗi nhà toạ lạc trên diện tích khoảng 100m2, bề ngang nhà 6m, phía trước có hiên rộng và chỗ để xe ôtô. Thường thì ngoài hiên có bộ ghế uống trà và hóng gió. Nhà ở trên khu đất cao như 1 ngọn đồi dốc thoải, nên ngồi ngoài hiên có thể phóng tầm mắt ra xa, có thể nhìn về khu trung tâm Kuala Lumpur và thấy tháp đôi Petronas. Trong nhà thì ngăn nắp nhưng do nhà cũ nên hơi ẩm thấp và bí. Mình với Dimas được cậu con trai út nhường cho phòng của cậu ở giữa nhà. Tối om, bí gió và có chút mốc ẩm. Vật giá ở Malaysia khá đắt, nên dù thu nhập của bà mẹ là 6000 USD/năm cộng với lương hưu của ông bố nữa, nhưng gia đình này sống khá tùng tiệm. Ông bố đi 1 xe Toyota đời 86 đã rất cũ hàng ngày đưa đón bà mẹ đi làm. Nhà còn 1 xe kid car nhỏ nhỏ dành cho cô con gái đi học. Đây là lần đầu tiên gia đình nhận nuôi PY từ chương trình Sseayp. Năm trước họ có tham gia chương trình trao đổi sinh viên quốc tế. Họ nhận nuôi 1 cậu vừa tốt nghiệp PTTH ở Đức sang Malaysia sống 1 năm để tìm hiểu và trải nghiệm về văn hoá ở đây. Cô con gái họ sẽ được trao đổi sang 1 nước khác, và cô đã sang Mỹ sống 6 tháng theo chương trình này. Hàng năm, nhiều thanh niên ở các nước phát triển tham gia chương trình trao đổi này, gia đình họ sẽ nhận nuôi 1 thanh niên khác ở các nước đối tác. Khá thú vị! Có thể thấy nhiều thanh niên như vậy ở buổi tiệc tối nay.

Buổi tối, cả nhà lên xe tới nhà 1 gia đình nuôi PY ở trong khu phố gần đó. Gia đình này có bà mẹ như kiểu hội trưởng hội foster parents địa phương. Bà này cũng từng là PY năm 1978. Tới nơi, gặp khoảng 15 PY các nước đi homestay ở các gia đình trong khu vực đó tới tham gia, cùng với 6 thanh niên người Đức, Bỉ đang tham gia chương trình trao đổi sinh viên quốc tế. Nói chuyện với 1 cậu người Đức thì được biết cậu tốt nghiệp trung học năm trước, đã sang Malaysia được gần 1 năm, và sẽ trở về Đức vào đầu tháng 12 để chuẩn bị vào học đại học vào đầu năm 2008. Tiệc tuy đơn sơ nhưng cũng khá thú vui.

Xong tiệc, bố mẹ nuôi chở đi lòng vòng Kuala Lumpur để ngắm cảnh về đêm. Tới tháp Petronas thấy rất vắng vẻ, khác hẳn ban ngày. Qua quảng trường Mederka gặp khá nhiều PY các nước cũng đang tới đây chơi. Về tới nhà cũng gần 12h. Làm 1 số việc, lên giường thì cũng đã 1h sáng.

-----------------------------------------------------------------------------------

Ngày 21 tháng 11:

Sáng nay mẹ nuôi xin nghỉ làm để cùng với bố nuôi đưa 2 PY đi chơi.

Đầu tiên, cả nhà tới trung tâm thủ công mỹ nghệ Malaysia. Đây là 1 toà nhà 2 tầng khá đẹp và nền nã, với sân vườn được tổ chức dân dã kiểu Malaysia. Trung tâm nằm trên 1 khu đất khá rộng. Ở Malaysia, Indonesia, Singapore. đa số các trung tâm công cộng, xe ô tô vào đều phải mở cốp để cảnh sát rà soát bom mìn. Túi xách của khách nếu lớn cũng phải đưa ra để rà soát kiểm tra bên ngoài. Đồ thủ công mỹ nghệ Malaysia ở đây rất phong phú, nhiều mẫu giống ở Việt Nam. Không biết bên nào copy của bên nào, hay cả 2 bên cùng copy của 1 bên thứ 3?
Vì chỗ đỗ xe ở trung tâm Kuala Lumpur rất đắt đỏ (tính theo giờ, mỗi giờ 4 ringit), nên cả nhà quyết định để xe ở 1 ga skytrain ở cách nhà khoảng 1km, rồi mua vé skytrain đi đến ga trung tâm Kuala Lumpur. Đây là tàu tự động không người lái, chạy liên tục như con thoi, rất tiện lợi. Mặc dù Kuala Lumpur chỉ có 1,5 triệu dân nhưng hệ thống giao thông công cộng ở đây rất tốt, tình trạng tắc đường ít xảy ra. Có thể nói, cùng với Singapore, hệ thống phúc lợi xã hội của Malaysia khá tốt. Chính phủ đảm bảo người dân được hưởng những dịch vụ công ích tốt với chi phí thấp, hoặc miễn phí. Sinh viên đi học đại học ở Malaysia tại những trường công chỉ phải đóng 200USD cho 1 học kỳ với chất lượng cơ sở vật chất rất tốt, trong khi chi phí đào tạo khoảng 1000USD. Như vậy, chính phủ Malaysia đã hỗ trợ 80%. Ở Việt Nam, chính phủ hỗ trợ cho sinh viên các trường công lập khoảng 60%. Vậy cũng tốt, nhưng học phí ở Việt Nam thấp quá mà nhà nước không đủ kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất và mời giảng viên quốc tế, trao đổi sinh viên và giảng viên... nên giáo dục đại học của Việt Nam vẫn chưa theo kịp được các nước xung quanh. Nhiều sinh viên Việt Nam sang học ở Malaysia – theo diện học bổng. Một số trường đại học Hồi giáo ở đây có nguồn học bổng rất dồi dào, nhưng chỉ cấp cho sinh viên các nước theo đạo hồi. Châu Phi, Indonesia,... sang đây học cũng khá nhiều.

Trở lại chuyện đi chơi Kuala Lumpur. Đây là lần thứ 2 mình tới Kuala Lumpur nên không thấy có nhiều hứng thú lắm với chuyện đi chơi. Ở nhà nghỉ ngơi hoặc đi dạo công viên ở đây có lẽ thích hơn. Lịch trình làm việc trên tàu, thảo luận theo DG, hoạt động của SG, hoạt động của Contingent cũng kín đặc lịch, suốt tuần, từ 8h sáng đến 23h đêm, không nghỉ thứ 7 hoặc chủ nhật. Cả chuyến đi 52 ngày chỉ có duy nhất 1 ngày free trọn vẹn sau khi tàu rời Việt Nam. Vào chơi Central Market thấy rất nhiều thứ mua được, tuy giá hơi cao. Đây giống như chợ Bến Thành ở mình nhưng thiết kế cải tạo lại trông sáng sủa, bố trí quầy cũng rộng rãi hơn. Chợ này có từ thế kỷ 19, trước là chợ bán hải sản, sau cải tạo thành chợ bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. Ghé vào gian hàng khắc chữ kim loại, thấy nhiều PY mua nhẫn để khắc tên lên. Một số rẽ sang gian hàng viết và vẽ hình lên huy hiệu, thấy cũng bắt mắt. Dimas tặng mình 1 huy hiệu có viết chữ : DIMAS – Your Homestay Brother.

Đi 1 vòng, bố mẹ nuôi dẫn đến hàng ăn nhanh kiểu McDonald nhưng đây là 1 nhãn hiệu của Malaysia. Ở các nước Malaysia, Singapore, Indonesia, hệ thống các cửa hàng ăn nhanh do doanh nhân địa phương đầu tư rất phát triển, cạnh tranh ngang ngửa với McDonald và KFC. Họ có lợi thế cạnh tranh là làm các món ăn mang khẩu vị địa phương. Bố mẹ nuôi chọn món phở bò Việt Nam, khi họ mang ra, mình ăn thử 1 thìa thấy không hề giống. Cũng đúng thôi, vì món ăn phải địa phương hoá mới hợp khẩu vị của người dân từng vùng miền.

Tiếp tục đi tới trung tâm KLCC. Đây là lần thứ 3 mình tới tháp đôi Petronas. Từ ga tàu điện ngầm lên thẳng tầng hầm của KLCC rất tiện lợi. Gặp khá đông Admin người Nhật tay xách nách mang ở đây. Hàng hoá cũng đắt, có lẽ nó chỉ phù hợp với những người có thu nhập cao như Nhật Bản. Những nhãn hiệu châu Á thì mua ở đâu cũng được. Nhãn hiệu nổi tiếng thế giới thì ở đâu cũng đắt như nhau. Vậy mà KLCC luôn đông nghịt. Sức hút của thương hiệu KLCC và hình ảnh toà tháp đôi - biểu tượng của Malaysia đã hấp dẫn rất đông khách du lịch. Đã tới Kuala Lumpur thì phải tới Tháp đôi. Đã tới Tháp đôi thì nên vào xem shopping mall. Tuy thế, đối với người Malaysia, KLCC chỉ là nơi window shopping.

Dimas mua được 2 cái áo sale. Cu cậu có vẻ vui.

Cả nhà trở về sớm trước giờ tan tầm ở Malaysia là 17h. Mẹ nuôi đã rất kinh nghiệm khi nhắc bố nuôi xếp hàng mua vé tàu chiều về ngay khi vừa đến KLCC. Nếu không thì sẽ cực kỳ vất vả, chen chúc để mua vé khi đến giờ tan tầm. Về tới nhà, cả nhà cùng ăn bữa tối khá đạm bạc. Lên xe đi tiếp tới công viên gần nhà, mua vé lên Eyes of Malaysia – 1 kiểu vòng quay khổng lồ. Tuy nhỏ hơn vòng quay ở công viên nước Hà Nội nhưng các cabin hiện đại hơn rất nhiều. Thấy ghi chú là do 1 công ty của Thuỵ Sĩ sản xuất. Ngắm cảnh Kuala Lumpur về đêm từ trên cao, không có cảm xúc gì đặc biệt. Lần homestay này mình không ấn tượng nhiều, và cũng không đọng lại nhiều cảm xúc. Malaysia – trong mình là 1 đất nước “nhạt”, người cũng “nhạt”.

Về chuyện homestay, phải nói thêm là BTC địa phương ở Malaysia làm ẩu. Malaysia là nước bị phàn nàn nhiều nhất về các chương trình. Từ lễ đón, từ chuyện tiệc, đến chuyện homestay. Năm nào cũng thế. Có những nhóm PY bị đưa đi xa đến 150km, về 1 vùng ven biển hẻo lánh, bị mang lên báo chí để lăng-xê cho 1 đảng đối lập với chính quyền, PY bị đối xử như ban ơn - mặc dù những thứ họ nhận được thật tồi tệ. Điều kiện ăn, ở, vệ sinh được mô tả là “khủng khiếp”. 3 PYs Thái Lan ngay khi vừa kết thúc homestay, khi được đưa ra xe bus để trở về tàu đã chạy ra cánh đồng hét to lên sung sướng như vừa được ra tù. 1 PY Brunei đã không chịu nổi và bỏ ra khách sạn ở khiến BTC cuống cuồng tìm kiếm. 1 loạt PY không có ai đưa về tàu, phải đi xe bus về cảng Port Klang (cách Kuala Lumpur 1 giờ rưỡi xe chạy), 1 số PY khác bị nhồi nhét lên 1 chiếc xe minibus, tài xế không biết đường, chạy vòng vèo, chậm giờ nên tài xế chạy ẩu, chạy như bay ngược đường 1 chiều, mặc cho các PY im thít ngồi sau sợ hãi.... Về chuyện này, em Hương và em Hà ở đoàn Việt Nam thấm thía nhất. Về sau, khi phàn nàn với BTC thì họ bảo là chính họ cũng bị lừa. 1 số gia đình ở xa đã giả mạo địa chỉ ở Kuala Lumpur để nhận PY về, rồi đưa thẳng về địa phương để tổ chức các hoạt động – mà đa phần là để lăng-xê cho 1 cộng đồng người Hoa ở đây, đồng thời cũng thuộc 1 đảng của người Hoa đang phản đối chính phủ Malaysia. Mấy năm trước cũng có người đã kể chuyện này xảy ra ở Malaysia, sao năm nay lại vẫn có tình trạng này xảy ra???

-----------------------------------------------------------------------------------

Ngày 22 tháng 11:

Bố nuôi đưa trở về tàu.

Cả nhà dự lễ tiễn trong phòng đợi của terminal hành khách của hãng tàu Star Cruise ở cảng Klang. Đúng là chỉ mong tàu đi sớm cho. Gia đình nuôi dự lễ tiễn xong là đến tạm biệt rồi về luôn. Chỉ có phân nửa số gia đình nuôi tiếp tục ra cầu tầu để tiễn và đón ruybăng của các PY tung xuống.
Bố nuôi hẹn tháng 2 sang Việt Nam chơi. Hẹn gặp lại vào tháng 2 tới.

Năm nay Malaysia kỷ niệm 50 năm ngày thành lập nước. Khẩu hiệu Malaysia – 50 years of Nationhood có ở khắp mọi nơi. Đoàn Malaysia năm nay được Tổng cục du lịch Malaysia cung cấp đủ mọi thứ, từ quần áo A1, A2, B1, B2, C1, C2, áo phông các loại. Post card in thiệp mời, quà tặng, brochure, vali... Ngay cả đêm Introduction của Malaysia, họ cũng diễn 1 vở hát múa kể lại lịch sử của Malaysia từ xưa tới nay. Tuy nhiên, đa số PY các nước không thật sự hiểu câu chuyện mà họ muốn kể. Đến đây, nhớ lại em Thắng – PY phụ trách tài trợ của đoàn Việt Nam năm nay, khi đến Tổng cục du lịch Việt Nam để tìm sự hỗ trợ và xin 1 số tài liệu quảng bá du lịch Việt Nam thì bị từ chối - mặc dù đáng lẽ họ phải hiểu đây là trách nhiệm của họ, tự dưng có người giúp họ quảng bá cho họ không công thì phải tận dụng chứ? Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật thì sẵn lòng cung cấp rất nhiều tài liệu và brochure thừa ở dưới kho của ĐSQ, nhưng hầu hết bằng tiếng Nhật, không dùng được ở các nước khác. ĐSQ rất nhiệt tình với đoàn, còn 1 số cơ quan khác của Việt Nam thì thiếu sự ủng hộ mà thừa sự vô cảm.

Chào Malaysia – 1 đất nước “nhạt”. Tuy họ “nhạt” nhưng cách làm việc của họ cũng khiến những người như mình cảm thấy “hơi đắng” khi nghĩ tới cách làm việc của 1 số đơn vị ở Việt Nam.
Stop tại đây!

-----------------------------------------------------------------------------------

Tiếp theo : Thái Lan - đất nước của nụ cười

Nhật Thực, 2007